Phân tích đối thủ cạnh tranh trong giáo dục đại học ở Ai Cập

Rami M. Ayoubi là Chuyên gia Tư vấn dự án, Mohamed Loutfi là Giáo sư và Phó hiệu trưởng (quốc tế) tại Đại học Cardiff Metropolitan, Vương quốc Anh. E-mail: rayoubi@cardiffmet.ac.uk và mloutfi@cardiffmet.ac.uk.

Cạnh tranh trong thị trường giáo dục đại học ngày càng khiến các trường đại học phải thay đổi thái độ. Ở Ai Cập, nhu cầu về giáo dục đại học tăng lên và những thay đổi đáng kể đang diễn ra, với hàng loạt các nhà cung cấp tư nhân tham gia vào các trường đại học công. Ngành giáo dục đại học ở Ai Cập đã chứng kiến những thay đổi đáng kể từ khi ra đời Luật N101 năm 1992 quy định về các trường đại học tư thục và Luật N12 năm 2009 về sửa đổi quy định quản lý các trường đại học tư nhân và quốc gia (phi lợi nhuận). Cả hai luật này đều góp phần đưa khái niệm “cạnh tranh vì khách hàng” vào lĩnh vực giáo dục đại học Ai Cập.

Các trường đại học tư nhân định hướng lợi nhuận ở Ai cập được thành lập và hoạt động theo điều lệ của Hội đồng tối cao các Trường Tư thục, một cơ quan quản lý thuộc Bộ Giáo dục đại học, với thành viên là chủ tịch các trường đại học tư thục. Trong giai đoạn 2014-2015, có 2.624.705 sinh viên ghi danh vào đại học, trong đó 110.852 sinh viên, tương đương 4,2%, vào các trường tư thục, chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số. Năm 2016, ở Ai cập có 24 trường đại học tư thục định hướng lợi nhuận đang hoạt động; nguồn thu nhập chính của họ là học phí. Các trường đại học này không nhận được bất kỳ khoản tài trợ nào từ chính phủ. Độc lập về mặt tài chính, các trường đại học tư thục này có toàn quyền tự chủ tài chính. Học phí ở các cơ sở giáo dục đại học tư thục nói chung cao hơn nhiều so với các trường công lập và do hội đồng của trường ấn định. Lý do chính để sinh viên chọn vào học các trường tư thục là thành tích học tập ở trường trung học của họ thấp hơn so với sinh viên các trường đại học công lập.

Bốn loại đối thủ cạnh tranh

Dựa trên hai tiêu chuẩn, giá cả (học phí hàng năm của mỗi sinh viên đại học) và chất lượng (danh tiếng của đội ngũ giảng viên đại học đo bằng các ấn bản khoa học quốc tế có chất lượng được lập chỉ mục trong Scopus) và dựa trên tìm kiếm google về các trường đại học tư ở Ai Cập (theo các tiêu chí sau : 1.Giảng dạy toàn bộ/một phần các khóa học bằng tiếng Anh, 2.Kiểm định tổng thể/một phần bởi các trường đại học quốc tế bên ngoài Ai Cập, 3.Sản phẩm nghiên cứu quốc tế bằng tiếng Anh), chúng tôi tiến hành phân tích các trường đại học tư thục vì lợi nhuận ở Ai Cập và xác định bốn phân khúc các trường đại học, như sau:

Phân khúc 1: các trường đại học “chất lượng cao – giá cao” với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu và cơ sở vật chất có chất lượng cao. Học phí trung bình hàng năm tại các trường đại học loại này trên 7000 USD. Có ba trường đại học trong phân khúc này: Đại học Mỹ ở Cairo, Học viện Ả Rập về Khoa học, Công nghệ và Vận tải biển, và Đại học Đức ở Cairo.

Phân khúc 2: Các trường đại học “chất lượng cao – giá rẻ hơn” với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu và cơ sở vật chất có chất lượng cao, và học phí thấp hơn so với phân khúc 1. Hai ví dụ điển hình của các trường đại học trong phân khúc này là Đại học Anh ở Ai Cập và Đại học Nile.

Phân khúc 3: Các trường đại học “chất lượng thấp – giá rẻ”, với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu và cơ sở giáo dục chất lượng kém hơn, và mức học phí thấp hơn so với phân khúc 1. Học phí trung bình hàng năm trong các trường đại học loại này dưới 4000 USD. Chúng tôi thấy rằng đối tượng sinh viên đăng ký vào các trường đại học thuộc phân khúc này khác với sinh viên các trường thuộc phân khúc 1 và 2: điểm số trong trường trung học của họ thấp hơn và họ thuộc các tầng lớp xã hội thấp hơn. Phân khúc này có 19 trường đại học, trong đó có Đại học Khoa học và Công nghệ Misr; Đại học Quốc tế Misr; Đại học Tương lai; Đại học 6 tháng 10; Đại học Sinai; Học viện El Shorouk; Đại học Pharos ở Alexandria; Đại học Pháp ở Ai Cập; Học viện Hiện đại ở Maadi; Institut Français d’Archéologie Orientale; Trường cao đẳng quốc tế Canada và Đại học Canada Al-Ahram.

Phân khúc 4: Các trường đại học “chất lượng thấp – giá cao”, với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu và cơ sở giáo dục chất lượng thấp hơn, nhưng mức học phí tương tự với phân khúc 1. Phân tích của chúng tôi cho thấy, hiện tại không có trường đại học tư nhân nào ở Ai Cập nằm trong phân khúc này. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, trong tương lai, sẽ có một số trường đại học được xếp vào loại đó khi ngành này đạt đến độ trưởng thành và nếu Cơ quan đảm bảo chất lượng và Chứng nhận Giáo dục Quốc gia (NAQAAE) cho ra mắt bảng xếp hạng các trường đại học quốc gia.

Kết luận và khả năng phát triển trong tương lai

Các cơ quan chức năng ở Ai Cập thừa nhận rằng trong tương lai, ngành giáo dục đại học cần có vai trò then chốt trong sự phát triển của đất nước. Hai mục tiêu chính là đào tạo được đủ số lượng sinh viên tốt nghiệp (nghĩa là tăng nhu cầu, dẫn đến tăng phí) và nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển của các trường đại học tư nhân (tức là nâng cao chất lượng tổng thể). Hai mục tiêu này được tuyên bố trong tầm nhìn 10 năm của chính phủ nhằm biến đổi các trường đại học của Ai Cập thành các tổ chức hiện đại, tự chủ, tăng cường nghiên cứu, định hướng thị trường và lấy sinh viên làm trung tâm.

Độc lập về mặt tài chính, các trường đại học tư thục này có toàn quyền tự chủ tài chính.

Rõ ràng, chính phủ Ai Cập đang phấn đấu để thành lập nhiều trường đại học tư thục hơn trong phân khúc 1 và 2 thông qua hợp tác với các nhà cung cấp quốc tế, chủ yếu là các trường đại học của Anh. Tương lai có thể mang lại một số thay đổi đáng kể cho ngành. Một số nhà cung cấp dịch vụ hiện tại có thể sẽ biến mất khỏi thị trường, đặc biệt trong phân khúc 3. Dự đoán rằng, sự gia tăng các nhà cung cấp trong các phân khúc 1 và 2 của thị trường giáo dục đại học với sự hỗ trợ của chính phủ Ai Cập có thể hạ thấp vai trò của các trường đại học trong phân khúc 3 (bao gồm hầu hết các trường đại học tư nhân ở Ai Cập). Chúng tôi không cho rằng các trường đại học trong phân khúc 3 có tiềm năng chuyển sang phân khúc 1 hoặc 2, bởi vì họ có loại khách hàng riêng. Tuy nhiên, khả năng các trường đại học trong phân khúc 1 và 2 mua lại các trường đại học trong phân khúc 3 là một kịch bản tiềm năng trong 10 năm tới. Kịch bản này đòi hỏi chính phủ cân nhắc thông qua các giải pháp thay thế để đáp ứng các nhu cầu chưa được dự đoán trước của khách hàng trong phân khúc 3.