Những thay đổi trong dịch chuyển sinh viên quốc tế

Dirk Van Damme là Giám đốc, phụ trách bộ phận Giáo dục và Kỹ năng của OECD. E-mail: dirk.vandamme@oecd.org.

Trong những thập kỷ qua, số lượng sinh viên quốc tế ngày càng tăng. Theo số liệu do OECD và Viện Thống kê UNESCO thu thập, tổng số sinh viên quốc tế học tập ở nước ngoài đã tăng từ 1,7 triệu năm 1995 lên 4,5 triệu vào năm 2012. Nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng này rất rõ ràng. Ở một chừng mực nào đó, sự dịch chuyển của sinh viên quốc tế có thể được xem là hậu quả của tình trạng bất bình đẳng trong học thuật toàn cầu. Sinh viên đến những nước khác trên thế giới để tìm kiếm nền giáo dục tốt nhất mà họ có thể mua được. Sự dịch chuyển của sinh viên quốc tế là một trong những cách để thu hẹp khoảng cách địa lý giữa cung và cầu. Đầu tư các nguồn lực vào giáo dục để đảm bảo con cái đạt được năng lực chất lượng cao đã trở thành chiến lược ưu tiên của các gia đình tầng lớp trung lưu giàu có ở các nước đang phát triển, đặc biệt là khi khả năng chi trả của họ tăng lên. Một số quốc gia đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này và phát triển các chiến lược để đưa ra thị trường các sản phẩm giáo dục đại học của mình. Sự dịch chuyển của sinh viên quốc tế là một trong những biểu hiện toàn cầu hóa rõ ràng nhất trong giáo dục đại học.

    Nhiều người mong đợi sự tăng trưởng này sẽ tiếp tục và thậm chí sẽ nhanh hơn. Nhưng điều đó đã không xảy ra: từ năm 2012 trở đi, mức độ tăng trưởng giảm xuống gần bằng 0. Trong khoảng từ năm 2012 đến năm 2015, chỉ có khoảng 100 ngàn sinh viên được thêm vào con số 4,5 triệu người. Các số liệu gần đây được đưa ra trong ấn phẩm “Education at a Glance” của OECD năm 2017, cho thấy đó không phải là sự thụt lùi tạm thời, mà là một hiện tượng mang tính cấu trúc nhiều hơn.

Mở rộng giáo dục đại học trong nước

Những lý do nào dẫn đến sự thay đổi này? Có thể chúng ta cần xem xét sự phát triển của cả bên cung và bên cầu. Về bên cầu, giải thích rõ ràng nhất là việc cải thiện giáo dục trong nước ở các quốc gia có số lượng lớn sinh viên đi du học. Trung Quốc, và ở một mức độ nào đó là Ấn Độ, đã đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển hệ thống giáo dục đại học, bao gồm một số trường đại học được chọn để vươn đến đẳng cấp thế giới trong vài năm tới. Các trường đại học Trung Quốc đang tích cực chen chân vào bảng xếp hạng toàn cầu và tiếp tục cải thiện thứ hạng của họ mỗi năm. Số công trình nghiên cứu của Trung Quốc cũng có mức tăng nhanh nhất trên toàn thế giới. Viễn cảnh đại học trong nước ngày càng thay đổi đã ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư của các gia đình tầng lớp trung lưu ở các quốc gia này. Trung Quốc dường như cũng theo dõi và quản lý luồng sinh viên đi du học ở nước ngoài một cách cẩn thận hơn.

Sinh viên quốc tế không còn được hoan nghênh nữa

    Tuy nhiên, chỉ những thay đổi về phía cầu vẫn không đủ lý giải sự sụt giảm mức tăng trưởng. Thật vậy, nguồn cung tiềm năng ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các sinh viên quan tâm đến du học, vẫn rất dồi dào. Chúng ta cũng phải nhìn vào bên cung, đến sự phát triển ở các quốc gia là đích đến chính. Rõ ràng là trong những quốc gia hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ giáo dục, mọi thứ về cơ bản cũng đã thay đổi. Từ một cách tiếp cận hiếu khách và chào đón đối với sinh viên quốc tế, thái độ chính trị và thái độ chung đã chuyển sang hướng thù địch nhiều hơn. Điều này không chỉ xảy ra ở các quốc gia đích đến chính như Úc, Anh và Hoa Kỳ, mà còn có ở các quốc gia như Hà Lan, Thụy Điển hoặc Thụy Sỹ. Khuynh hướng chống di dân trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng người tị nạn và dòng người tìm nơi cư ngụ, cũng làm đảo lộn bầu không khí đối với sinh viên nước ngoài. Những tuyên bố cổ súy cho chủ nghĩa dân túy và những cáo buộc sai lầm rằng sinh viên nước ngoài chỉ quan tâm đến di cư vĩnh viễn, và rằng họ lấy mất công việc tương lai của sinh viên trong nước, xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông mỗi ngày.

    Báo cáo Mở cửa Trao đổi Giáo dục Quốc tế năm 2017, do Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) phát hành, cho thấy số lượng sinh viên quốc tế mới đăng ký vào các trường đại học Hoa Kỳ sụt giảm 7%. Phần lớn (52%) các tổ chức tham gia cuộc khảo sát của IIE đã bày tỏ lo ngại rằng tình trạng xã hội và chính trị của đất nước này có thể ngăn cản sinh viên quốc tế tương lai. Bản báo cáo Chỉ số khoa học và kỹ thuật năm 2018 được phát hành gần đây của Ủy ban Quản lý Khoa học Quốc gia (National Science Foundation – NSF) đã đề cập tới việc sụt giảm 19% tổng số sinh viên từ Ấn Độ đến Hoa Kỳ. Sự sụt giảm số lượng sinh viên quốc tế, đặc biệt là ở trình độ tiến sĩ và sau tiến sĩ, đang khiến nhiều phòng thí nghiệm của các trường đại học Hoa Kỳ phải đối mặt với sự thiếu hụt nhân viên khổng lồ.

    Tại Vương quốc Anh, từ năm 2013 số lượng sinh viên quốc tế nhập học vào các trường đại học vẫn chỉ chiếm khoảng 19%. Dữ liệu được xuất bản vào cuối năm 2017 bởi Cơ quan Tuyển sinh Đại học và Cao đẳng (UCAS) cho thấy số lượng sinh viên từ các nước châu Âu đăng ký vào các trường đại học ở Anh suy giảm nhẹ. Đối với lĩnh vực đại học, rõ ràng cuộc trưng cầu Brexit và hậu quả của nó chính là những yếu tố ngăn cản sinh viên châu Âu đến với Vương quốc Anh.

Ở một chừng mực nào đó, sự dịch chuyển của sinh viên quốc tế có thể được xem là hậu quả của tình trạng bất bình đẳng trong học thuật toàn cầu.

    Chính phủ Anh đang cân nhắc một quyết định chính trị về việc bỏ sinh viên quốc tế ra khỏi danh sách đối tượng mục tiêu của chính sách giảm nhập cư ròng. Ngay cả khi quyết định có lợi đối với sinh viên quốc tế, thì cảm giác chung về tình trạng bấp bênh và bầu không khí thù địch chống di cư đến Anh vẫn có thể trở thành một cản trở cho sinh viên quốc tế. Trong số các nỗ lực của các hiệu trưởng chống lại không khí thù địch có các báo cáo nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng tích cực của sinh viên quốc tế đối với nền kinh tế địa phương và khu vực. Trong một nghiên cứu gần đây, sinh viên quốc tế được cho là đã đóng góp gấp 10 lần cho nền kinh tế Anh so với những phí tổn họ gây ra cho người nộp thuế.

    Tình trạng tương tự cũng có thể thấy ở các quốc gia đích đến khác. Chỉ một vài năm trước, các quốc gia này tham gia vào cuộc cạnh tranh để thu hút những sinh viên quốc tế có khả năng chi trả học phí. Ngày nay, hầu hết các quốc gia đích đến không tìm cách giành lấy thị phần đang giảm đi của các quốc gia khác, mà dường như có thái độ thù địch nói chung đối với sinh viên quốc tế. Ít nhất đây là ấn tượng có được từ tình hình của các quốc gia như Úc, Hà Lan, Thụy Điển, hoặc Thụy Sĩ.

Sinh viên quốc tế định hình thế giới ở thế kỷ 21

Những gì diễn ra ở cả hai phía cung và cầu của giáo dục đại học quốc tế về cơ bản đang định hình lại quy mô và hướng đi của các luồng dịch chuyển sinh viên quốc tế. Theo một cách kỳ lạ, họ đang định hình lại sự bất bình đẳng trong học thuật toàn cầu. Đồng thời, họ cũng xác định lại địa điểm và cách thức đào tạo các chuyên gia và các nhà lãnh đạo tương lai của thế kỷ 21. Giáo dục học thuật là một công cụ quan trọng hình thành trật tự thế giới sau Thế chiến II. Tương tự, những thay đổi hiện nay trong giáo dục quốc tế sẽ có tác động sâu sắc trên khắp thế giới trong thế kỷ 21.