Jorge Gamaliel Arenas Basurto là Giáo sư Đại học Universidad de las Américas Puebla, Mexico. E-mail: jorge.arenas@udlap.mx. Daniel C. Levy là Giáo sư danh dự thuộc Bộ phận Phát triển Chính sách Giáo dục và Lãnh đạo, Đại học bang New York (SUNY), Albany, US. E-mail: dlevy@albany.edu.
Thế kỷ mới đã chứng kiến sự gia tăng gần gấp đôi số lượng sinh viên đại học tư thục ở Mexico, hiện nay là khoảng một triệu sinh viên. Đây là sự gia tăng mạnh mẽ mặc dù sinh viên tư thục chỉ chiếm khoảng 30% tổng số sinh viên – một con số khá khiêm tốn. Vì các lý do xã hội, kinh tế và chính trị cơ bản, nhu cầu đối với giáo dục đại học công lập vẫn không giảm và chính phủ tiếp tục hào phóng tài trợ cho khu vực này.
Như vậy, chính quyền liên bang có vai trò gì trong sự tăng trưởng của giáo dục đại học tư thục? Cánh tả đổ lỗi cho chính phủ về tình trạng rối loạn khi cho phép mở rộng quá mức giáo dục đại học tư thục, còn các đảng cánh hữu (mặc dù thường xuyên phàn nàn về các quy định hạn chế) gần như bỏ qua vai trò của chính phủ, thay vào đó cho rằng sự tăng trưởng của Giáo dục Đại học Tư (PHE) đơn thuần là do quy luật cung – cầu trong một thị trường lành mạnh. Trên thực tế, sai lầm của phe tả là cho rằng chính phủ có một kế hoạch rõ ràng để phát triển PHE, còn sai lầm của phe hữu là không nhìn ra tác động thực tế của vai trò chính phủ. Dù hành động hay không, chính phủ đã thực sự tạo điều kiện cho PHE phát triển.
Điều đó diễn ra thế nào? Chúng tôi xác định được hai trạng thái cơ bản của chính phủ: 1. không-hành-động, cụ thể là không đưa ra các chính sách định hướng quy mô PHE, và 2. hành-động (đưa ra các chính sách), nhằm cải cách khu vực công. Trong trường hợp này, không-hành-động và hành-động đều không được thiết kế với mục đích tạo điều kiện cho PHE phát triển, nhưng thực tế lại trở thành tạo điều kiện. Trạng thái không-hành-động của chính phủ tạo ra không gian tự do cho giáo dục tư thục phát triển – các nhà đầu tư đã khai thác tối đa cơ hội này. Trong khi đó, các hành động của chính phủ, thật trớ trêu, lại khiến cho giáo dục công trở nên kém hấp dẫn.
Chính-phủ-không-hành-động cho phép tư nhân phát triển
Tình trạng chính-phủ-không-hành-động không phải là mới. Vấn đề ở đây là nó tiếp tục tạo điều kiện dễ dàng, hay như cách nói của những ý kiến chỉ trích, “sự chấp nhận” khu vực tư nhân. Tình trạng này cho phép các tổ chức giáo dục tư thục được thành lập, được cấp phép hoạt động và hoạt động hợp pháp. Có rất ít các quy định hạn chế, nên thành lập một trường đại học tư thục dễ dàng như mở một cửa hàng bán bánh mì. Nhiều quy định mới từ giữa thập niên 1990 có thể gây đôi chút lo lắng cho các nhà đầu tư vào giáo dục tư thục, nhưng vẫn chưa đủ để tạo ra bước ngoặt quyết định. Những trường tư chất lượng tốt dễ dàng đáp ứng quy định của chính phủ, số còn lại cũng tìm được cách lách qua các quy định.
Khai thác mạnh những điều kiện thuận lợi, khu vực giáo dục tư thục gần đây đã phát triển thêm các hình thức mới: mạng lưới đại học tư thục, chuỗi các trường tư thục và đào tạo trực tuyến. Đào tạo sau đại học trực tuyến đang phát triển nhanh chóng và 80% mức tăng trưởng của lĩnh vực này là nhờ tư thục, tuy nhiên phạm vi bài này chỉ đề cập đến các mạng lưới và chuỗi.
Trạng thái không-hành-động của chính phủ tạo ra không gian tự do cho giáo dục tư thục phát triển – các nhà đầu tư đã khai thác tối đa cơ hội này. |
Mạng lưới đại học tư ở Mexico có nhiều hình thức. Khởi đầu với UTecmilenio vào năm 2002 do Tec de Monterrey danh tiếng sáng lập, hiện nay đã mở rộng thành 29 cơ sở ở 18 tiểu bang. Tiếp theo là các mạng lưới trường Công giáo phát triển từ những trường đại học Công giáo ưu tú ở thủ đô Mexico City. Trường đại học Iberoamericana nay là thành viên của mạng lưới bảy trường Dòng Tên. Mô hình tương tự đối với Universidad La Salle, Legionnaires of Christ và Opus Dei. Sự bùng phát các mạng lưới đại học tôn giáo đã không được nhắc đến trong các báo cáo PHE toàn cầu, và là bằng chứng ít nhất ở Mexico, phản bác lại lập luận cho rằng giáo dục đại học tôn giáo chỉ là tàn tích còn sót lại của quá khứ. Làn sóng thứ ba là mạng lưới các trường phi-tinh-hoa, trong đó có trường Đại học Insurgentes với số lượng tuyển sinh lớn; thuộc phân khúc trung bình, với định hướng nghề nghiệp mạnh mẽ, là UNITEC và Universidad del Valle. Sự phát triển mạnh mẽ của các mạng lưới đại học tư thục cho thấy, mặc dù chính phủ thiếu quy hoạchđối với PHE và thậm chí đối với giáo dục đại học nói chung, khu vực tư thục có kế hoạch riêng của họ và đã theo đuổi thành công.
UNITEC và Universidad del Valle còn là những ví dụ về một hình thức phát triển khác của giáo dục đại học tư: vì lợi nhuận và quốc tế. Do luật pháp Mexico còn mơ hồ về vấn đề giáo dục đại học vì lợi nhuận, các doanh nghiệp dù từ lâu đã sở hữu các trường đại học phi lợi nhuận, vẫn trả tiền thuê đất và cơ sở vật chất, mua chương trình giảng dạy, v.v… Cái mới là khi thuộc quyền sở hữu của chuỗi quốc tế nước ngoài, những trường này tập trung vào giáo dục đại học. Chuỗi Laureate Education (sở hữu cả UNITEC và Universidad Val Valle) dễ dàng trở thành lớn nhất ở Mexico, cũng như ở Mỹ Latinh và trên toàn thế giới.
Cải cách khu vực công
Những mô hình PHE mới trên đây phản ánh các sáng kiến táo bạo của khu vực tư thục. Trong phần này chúng ta sẽ xem xét các sáng kiến cải cách của chính phủ trong ba lĩnh vực chính của giáo dục công lập: đánh giá hoạt động, phân bổ hạn ngạch các ngành học, và đa dạng hoá thể chế. Trong từng lĩnh vực, mục tiêu của chính phủ là làm cho giáo dục đại học công trở thành hợp lý hơn về kinh tế. Nhưng các sáng kiến lại có những tác động ngoài ý muốn, và gây trở ngại cho việc phát triển khu vực công lập, thậm chí những cải cách trong hai lĩnh vực sau (phân bố ngành học, và đa dạng hoá thể chế) đã đẩy sinh viên từ công lập sang tư thục.
Đánh giá hoạt động: Trong những năm 1990 đến đầu thế kỷ này, chính phủ đã quay lưng lại với cách thức phân bổ ngân sách cho giáo dục đại học công lập vẫn được áp dụng trước đây – dựa vào số lượng sinh viên hoặc theo tiền lệ, mà không dựa vào hiệu quả hoạt động. Đây là một đòn chí mạng đánh vào nền tảng hoạt động của khu vực công lập, giờ đây họ phải phụ thuộc phần nào vào kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động.
Phân bổ chỉ tiêu đào tạo: Tương tự, chính phủ Mexico quyết định ngừng cấp ngân sách đào tạo những ngành truyền thống phổ biến đã bão hòa sinh viên và vì vậy làm suy yếu lợi ích công. Chính phủ ban hành chỉ tiêu tuyển sinh các ngành y học, kỹ thuật dân dụng, luật pháp, kinh doanh và quản lý. Tuy nhiên, kết quả lại không như ý muốn: với sự hỗ trợ tài chính của gia đình, sinh viên vẫn đăng ký vào học những lĩnh vực họ ưa thích – chủ yếu là vì các ngành này đem lại thu nhập cao hơn. Nhiều thí sinh không vào được trường công do hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh vẫn theo đuổi nguyện vọng của họ ở các đại học tư thục.
Đa dạng về thể chế: Tương tự như vậy, chính phủ quyết định không tiếp tục tài trợ cho những ngành học đại trà. Những ngành đào tạo có số người theo học “vượt quá nhu cầu” như vậy được gọi là theo truyền thống xã hội, góp phần làm thị trường lao động bão hòa một cách bất hợp lý. Các trường đại học công lập danh tiếng, vốn vẫn tuyển sinh hạn chế, từ chối tới 90% số người nộp đơn. Ngoài ra, chính phủ cũng ngừng việc thành lập các trường đại học công, bù lại, từ năm 1990 đến năm 2009 đã có 343 trường giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp được thành lập, bao gồm các trường đào tạo chương trình hai năm. Nhưng do thị trường lao động vẫn tiếp tục trả lương cho sinh viên tốt nghiệp đại học cao hơn so với sinh viên tốt nghiệp các trường kỹ thuật 2 năm, những sinh viên không được nhận vào đại học công đã hình thành một dòng chảy nhập học vào các trường đại học tư. Năm 2017, chính phủ cố gắng bù đắp phần nào dòng chảy từ các trường đại học công sang các trường đại học tư bằng chương trình “Một nơi cho bạn” nhằm đảm bảo “cơ hội thứ hai” để vào đại học (công hoặc tư) cho những thí sinh không trúng tuyển kỳ thi vào các trường công lập.
Tóm lại, không cần hoạch định hay đặt mục tiêu lớn, chính phủ Mexico vẫn giúp khu vực đại học tư thục tăng trưởng. Việc này được hiện thực nhờ những chính sách thuận lợi cho khu vực tư thục và những cải cách trong khu vực công lập –nhưng đôi khi lại dẫn đến kết quả là thúc đẩy khu vực tư thục tăng trưởng – thêm vào đó, khu vực tư thục luôn chủ động nắm bắt cơ hội để phát triển.