Wondwosen Tamrat là Phó Giáo sư, Chủ tịch sáng lập Đại học St. Mary, Ethiopia. E-mails: preswond@smuc.edu.et và wondwosentamrat@gmail.com. Damtew Teferra là Giáo sư phụ trách bộ phận Phát triển Giáo dục và Đào tạo Đại học KwaZulu-Natal, Nam Phi, đồng thời là Giám đốc sáng lập Mạng lưới Quốc tế về Giáo dục Đại học ở châu Phi. E-mails: teferra@ ukzn.ac.za và teferra@bc.edu.
Sự phát triển của giáo dục đại học tư thục (PHE) ở châu Phi được thúc đẩy bởi các yếu tố: khu vực công lập không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, ngân sách hạn hẹp đòi hỏi các nguồn vốn thay thế, và các chính sách kinh tế tất yếu dẫn đến cải cách cơ cấu. Theo các tiêu chuẩn quốc tế, tăng trưởng PHE ở châu Phi vẫn còn thấp – hiện chiếm khoảng 20% tổng số sinh viên đại học. Tuy nhiên, PHE đóng vai trò rất quan trọng trong việc khắc phục những yếu kém của khu vực công, tạo ra cơ hội việc làm, nâng cao hiệu quả quản lý, và đưa văn hoá doanh nghiệp vào lĩnh vực giáo dục đại học bảo thủ truyền thống. Vai trò của chính phủ thông qua những luật và chính sách phù hợp vẫn là một trong những đòn bẩy quan trọng nhất để tạo uy tín và thúc đẩy sự phát triển của PHE. Mặc dầu vậy, những lập luận phản đối PHE cũng mạnh mẽ không kém, do những tranh cãi xung quanh việc sử dụng tiền của người nộp thuế cho các tổ chức tư thục.
Chúng tôi cho rằng mặc dù khó có thể hỗ trợ trực tiếp cho PHE và hầu hết các trường hợp sẽ gây tranh cãi, hình thức hỗ trợ gián tiếp cho các trường PHE, ngay cả trong bối cảnh cạn kiệt tài nguyên như châu Phi, có thể giúp giáo dục đại học tư thục phát triển mạnh. Loại hình hỗ trợ này được chúng tôi coi là tiến bộ, có nhiều hình thức khác nhau và sẽ được thảo luận dưới đây.
Tín dụng và học bổng
Tín dụng cho sinh viên và/hoặc cho cơ sở giáo dục là những hình thức hỗ trợ phổ biến cho các trường PHE, mặc dù không dễ để thiết lập một cơ chế hiệu quả ở châu Phi. Ở Kenya, sinh viên đại học tư thục được vay tín dụng do Hội đồng Tín dụng Giáo dục Đại học giải ngân. Tại Ghana, Quỹ Tín dụng Sinh viên cấp các khoản vay cho sinh viên theo học tại các trường được kiểm định – bao gồm công lập và tư thục. Quỹ Học bổng & Tín dụng Không lãi suất của Lesotho mở cửa cho tất cả sinh viên được nhận vào trường tư. Botswana cấp học bổng và tín dụng cho sinh viên các trường tư thục. Tại Nigeria, những sinh viên tư thục không được quỹ-thuế-giáo-dục-đại-học-công-lập tài trợ có thể vay học phí từ Ngân hàng Giáo dục Nigeria. Các ngân hàng tại Namibia cho vay học phí đại học với lãi suất thương mại. Quỹ học bổng Cấp tỉnh của Mozambique dành cho sinh viên nghèo, không phân biệt công lập hay tư thục. Trong khi đó, tại Ethiopia, Malawi, Mauritius, Uganda và Zimbabwe, chính phủ hoặc không có quỹ tín dụng cho sinh viên hoặc không cấp cho sinh viên tư thục, mặc dù gần đây, Bộ Giáo dục Ethiopia bắt đầu hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đào tạo giảng viên trường tư tại các trường đại học công lập.
Chúng tôi cho rằng mặc dù khó có thể hỗ trợ trực tiếp cho PHE và hầu hết các trường hợp sẽ gây tranh cãi, hình thức hỗ trợ gián tiếp cho các trường PHE, ngay cả trong bối cảnh cạn kiệt tài nguyên như Châu Phi, có thể giúp giáo dục đại học tư thục phát triển mạnh. |
Các khoản vay dành cho cơ sở đào tạo – với lãi suất ưu đãi – luôn hết sức cần thiết. Cơ quan Quản lý Giáo dục Tanzania khuyến khích các khoản vay và trợ cấp cho PHE để xây dựng mới và nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Ở Mozambique, PHE được hưởng lợi từ Quỹ Tăng cường và Đổi mới Chất lượng, nhằm củng cố năng lực giáo dục đại học. Riêng ở Ethiopia, các khoản vay ưu đãi vốn phổ biến đối với các lĩnh vực sản xuất, thương mại và xuất khẩu, vẫn chưa dành cho PHE.
Doanh nghiệp phụ trợ và thuế
Ở Kenya và Tanzania, chính phủ không tài trợ trực tiếp cho PHE, nhưng khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào giáo dục đại học tư. Kenya khuyến khích các đại học tư thành lập doanh nghiệp phụ trợ liên quan đến hoạt động đào tạo, như nông nghiệp, nhà ăn, hiệu sách, phòng khám, tiệm giặt ủi, xưởng mộc và kinh doanh tiện nghi hội họp. Ở Tunisia, ưu đãi của chính phủ cho PHE gồm các khoản tài trợ 25% chi phí thành lập trường và 25% lương giảng viên trong vòng 10 năm. Ethiopia gần đây công bố tài trợ nghiên cứu cấp cao trong các trường đại học, nhưng vẫn chưa rõ các tổ chức tư nhân có được phép tham gia chương trình này không. Ưu đãi về thuế thường là một biện pháp phổ biến để thúc đẩy PHE tăng trưởng. Luật đầu tư của Ethiopia miễn thuế đối với vật liệu xây dựng được dùng vào việc xây dựng cơ sở giáo dục. Luật này cũng cho phép các trường PHE được miễn thuế thu nhập trong ba năm đầu; mặc dù hiệu quả hạn chế do thời gian quá ngắn đối với dự án đầu tư vào giáo dục. Chính phủ Ghana gần đây thông báo sẽ bãi bỏ 25% thuế doanh nghiệp đối với các trường đại học tư nhân để nâng cao vai trò của họ trong phát triển quốc gia.
Cấp đất
Chính phủ cũng có thể hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học tư bằng cách cấp đất miễn phí, hoặc cho thuê giá rẻ. Điều này rất quan trọng, đặc biệt khi giá đất quá cao và các trường tư đang phải bỏ ra những khoản tiền quá sức để thuê cơ sở đào tạo. Ở Uganda, chính phủ đã tặng 300 mẫu Anh (acre) cho Đại học Mbale giúp trường này có thêm thu nhập bằng cách cho thuê. Tunisia bán đất cho các trường PHE với giá 1 dinar như một cử chỉ tượng trưng cho hỗ trợ giáo dục đại học tư. Ethiopia cũng cấp đất cho nhiều trường PHE để tạo động lực đầu tư.
Tạo sân chơi bình đẳng
Tạo một sân chơi bình đẳng cho giáo dục công lập và tư thục là đường lối chính sách đặc biệt tiến bộ được các chính phủ theo đuổi. Ở Ai Cập, Cơ quan Đảm bảo Chất lượng và Kiểm định Giáo dục Quốc gia là tổ chức kiểm định độc lập đối với tất cả loại hình và trình độ giáo dục. Cũng như vậy, Hội đồng Kiểm định Quốc gia Ghana, Ủy ban Giáo dục Đại học Kenya và Hội đồng Giáo dục Đại học Uganda kiểm soát cả đại học công lập và tư thục. Hội đồng Giáo dục Đại học Lesotho cũng phụ trách cả đại học công và tư, bất chấp những khác biệt trong cơ cấu vận hành. Tuy nhiên, ở Ethiopia các yêu cầu kiểm định vẫn tiếp tục chỉ áp dụng đối với trường tư.
Kết luận
Giáo dục đại học tư sẽ và thậm chí có thể phát triển mạnh trong bức tranh chung của nền giáo dục đại học châu Phi, bởi vì cơn khát giáo dục đại học vẫn tiếp tục tăng trong khu vực và trên toàn cầu. Lúc này chính là thời điểm thích hợp để thay đổi những tranh cãi về PHE và những thực tế đang diễn ra để khai thác tiềm năng của họ bằng những chính sách tiến bộ và thuận lợi. Chính sách tiến bộ của chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy khu vực giáo dục đại học tư đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế- xã hội quốc gia và khu vực.
Tất nhiên, chỉ khi những cam kết chính sách được chính phủ tôn trọng thì ý định mới có thể chuyển thành hiện thực – bởi vì tình trạng trì trệ vẫn là phổ biến ở các quốc gia châu Phi. Giáo dục đại học tư thục ở châu Phi khó đáp ứng những kỳ vọng lớn lao của xã hội nếu không có sự hỗ trợ đáng kể, dưới hình thức chính sách lẫn hành động thực sự. Cũng như thế, những chính sách cấp tiến nhằm thúc đẩy PHE phải được hiện thực hoá thật cụ thể, mà không làm cản trở tinh thần cạnh tranh luôn là động lực của các doanh nghiệp tư nhân.