Alex Usher là Chủ tịch Hiệp hội Chiến lược Giáo dục Đại học, Toronto, Ontario, Canada. E-mail: ausher@higheredstrategy.com
Những khoản đầu tư khổng lồ vào giáo dục đại học của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã trở nên nổi tiếng. Từ khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền vào năm 1978, quốc gia này bắt đầu quan tâm mạnh đến việc phát triển năng lực khoa học và công nghệ, và đặt trọng tâm nỗ lực vào các trường đại học. Trong gần 20 năm, dự án “985” cung cấp hàng tỷ nhân dân tệ (RMB) cho các trường đại học hàng đầu để biến chúng thành “đẳng cấp thế giới”. Chỉ trong hai giai đoạn đầu tiên – nghĩa là từ năm 1998 đến năm 2007 – chi tiêu cho 39 trường đại học ước tính khoảng 33 tỷ RMB, hay khoảng 13 tỷ USD hiện nay tính theo sức mua tương đương (PPP). Tuy nhiên, việc đo lường mức độ đầu tư này gặp nhiều khó khăn, vì Trung Quốc không cung cấp cho UNESCO các báo cáo chi tiêu cho giáo dục đại học, và bản thân các trường đại học cũng không có số liệu tài chính rõ ràng. Vì vậy, trong năm 2012, chính phủ Trung Quốc đã công bố “chỉ thị minh bạch” cho ngành giáo dục đại học, trong đó bao gồm yêu cầu các trường công khai một số loại báo cáo tài chính hàng năm. Không phải 100% các trường đại học tuân thủ chỉ thị này, và dữ liệu cũng không có mức độ chi tiết cao; tuy nhiên, từ hầu hết các trường lớn, chúng tôi có đầy đủ các thông tin của 5 năm (2012-2016). Những dữ liệu mới này tiết lộ ba câu chuyện khá quan trọng.
Các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc rất giàu
Câu chuyện thứ nhất là các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc – nghĩa là những trường lớn nhất trong số các trường đại học C9 đôi khi được mô tả là “Ivy League của Trung Quốc” – thực sự khá giàu có, với cơ chế tài chính tương đương một số trường hàng đầu của Mỹ. Trường lớn nhất, Đại học Thanh hoa, chi 13,7 tỷ RMB vào năm 2016, tương đương với 3,57 tỷ USD, nhiều hơn MIT (3,34 tỷ USD năm 2014) và Đại học Yale (3,36 tỷ đô la Mỹ ). Trường lớn thứ hai, Đại học Bắc Kinh, chi khoảng 2,45 tỷ USD vào năm 2016, cùng mức với Caltech và Đại học Washington St. Louis. Đại học Chiết Giang và Đại học Giao thông Thượng Hải, là hai trường tiếp theo, có mức chi 2,3 tỷ USD và 2,1 tỷ USD. Đại học Fudan đứng ở vị trí thứ 5 có mức chi 1,5 tỷ USD, tương đương với trường đại học Princeton.
Nếu xem xét trên cơ sở chi phí theo đầu sinh viên, con số tuy vẫn là lớn đối với các trường đại học Trung Quốc nhưng có lẽ chưa ấn tượng lắm, từ 78.000 USD cho mỗi sinh viên tại Đại học Thanh hoa, đến 49.000 USD tại Đại học Chiết Giang. Vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các trường đại học công lập lớn ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như Đại học Bắc Carolina (161.000 USD) hoặc Đại học Virginia (131.000 USD), thậm chí so với các trường đại học lớn của Nhật Bản như Đại học Tokyo và Đại học Kyoto (trên 100.000 USD). Tuy nhiên, mức chi phí này ngang bằng với Đại học California tại Berkeley (73.000 USD), Viện Karolinska của Thụy Điển (75.000 USD), hoặc ETH Zurich (63.000 USD). Và chi phí tính theo đầu sinh viên của các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc cao hơn hẳn so với các trường giàu nhất ở các quốc gia như Canada (Đại học British Columbia, 53.000 USD), Đức (Đại học Bonn, 43.000 USD, hoặc Úc (Đại học Quốc gia Úc, 39.000 USD).
Câu chuyện thứ hai mà dữ liệu tiết lộ là về nguồn thu nhập của họ, các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc trông giống như các trường Bắc Mỹ hơn các trường châu Âu. |
Nguồn thu nhập của các trường đại học hàng đầu Trung Quốc
Câu chuyện thứ hai mà dữ liệu tiết lộ là về nguồn thu nhập của họ, các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc trông giống các trường Bắc Mỹ hơn các trường châu Âu. Tại bốn trong số các trường hàng đầu – Đại học Giao thông Thượng hải, Đại học Giao thông Tây An, Đại học Thanh Hoa và Đại học Chiết Giang, nguồn thu từ ngân sách nhà nước chiếm ít hơn 40% tổng thu. Một phần nhỏ còn lại là từ học phí, nhưng phần chính là thu nhập từ bên ngoài, bao gồm những lợi ích kinh doanh như Tập đoàn Đại học của Đại học Thanh Hoa. Không giống như các trường đại học Mỹ thường có nguồn thu nhập chính từ bệnh viện, bất động sản, v.v…, các trường đại học khác của Trung Quốc có mức thu từ nhân sách nhà nước cao hơn, nhưng không có trường đại học “C9” lớn nào nhận được hơn 60% kinh phí của họ từ ngân sách.
Các trường đại học hàng đầu đang chậm lại
Câu chuyện thứ ba là, từ năm 2012, các trường đại học Trung quốc có rất ít cải thiện về tài chính. Ví dụ, chi tiêu cho mỗi sinh viên của Đại học Thanh Hoa giảm 3% trong gian đoạn 2012-2016, trong khi Đại học Chiết Giang giảm 5%. Mặt khác, tổng chi tiêu của Đại học Giao thông Thượng Hải tăng 7%. Chi phí chungkhông giảm; trong khi đó, lạm phát và số lượng sinh viên tăng nhanh hơn.
Thực tế là các trường hàng đầu ở Trung Quốc hiện nay lớn đến mức thậm chí nguồn tài trợ từ ngân sách, dù nhiều hơn nữa, cũng khó tạo được sự khác biệt đối với nguồn thu tổng thể của trường. Ví dụ, báo cáo gần đây trong Caixin Global (một trang web tiếng Anh trực tuyến do tập đoàn truyền thông chính cùng tên của Bắc Kinh quản lý) cho thấy Đại học Sun Yat-Sen sẽ nhận được 480 triệu RMB (tương đương 140 triệu USD) theo mức tài trợ mới, như là một phần của sáng kiến “Double World-Class” vừa được Trung Quốc công bố gần đây. Tuy nhiên, vì doanh thu của trường đại học hiện nay là 6 tỷ RMB (1,76 tỷ USD), con số này không lớn hơn 8%. Với lạm phát và số lượng sinh viên tăng, số tiền này không nhiều hơn một hoặc hai năm tài trợ.
Có phải tiền nào của nấy?
Một câu hỏi cuối cùng đặt ra là có phải mức chi tiêu cao ở các trường đại học hàng đầu Trung Quốc đang minh họa cho thành ngữ “tiền nào của nấy”. Ít nhất về nghiên cứu khoa học, câu trả lời ở đây dường như là “đúng thế”. Giữa những giai đoạn bốn năm 2006-2009 và 2012-2015, số lượng các tạp chí được lập chỉ mục Clarivate đã tăng gấp đôi trong tất cả các trường đại học hàng đầu Trung Quốc. Các tổ chức như Đại học Thanh Hoa và Đại học Giao thông Thượng Hải đang vượt qua Đại học Oxford và Đại học Cambridge về tổng công trình nghiên cứu. Thực tế, tác động của các bài báo này – được đo bằng các trích dẫn chuẩn – thấp hơn một chút so với hầu hết các trường đại học nghiên cứu ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ trích dẫn ở các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, và hiện nay cao hơn đáng kể so với các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản, nếu không nói là ở cùng mức với trường đại học hàng đầu châu Á là Đại học Quốc gia Singapore.
Kết luận
Nói tóm lại, mặc dù trong hai thập kỷ qua đầu tư vào các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc đã đạt đến mức độ cạnh tranh trên bình diện quốc tế, nhưng rất khó để tin rằng họ sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh như vậy. Từ những số liệu sẵn có, có vẻ như tốc độ tăng trưởng đang cao hơn mức điển hình của các trường đại học Úc, Canada và châu Âu, nhưng vẫn thấp hơn mức của các trường đại học công của Hoa kỳ – chưa kể đến các trường đại học tư thục. Mặc dù tổng sản lượng khoa học cao nhưng chất lượng và tác động của nghiên cứu vẫn cần được cải thiện.