Mihaylo Milovanovitch là thành viên sáng lập Trung tâm Chính sách Ứng dụng tại Sofia, Bulgaria và là thành viên của Tổ chức Đào tạo châu Âu tại Turin, Italy. E-mail: mihaylo@policycenters.org. Elena Denisova-Schmidt là giảng viên của Đại học St. Gallen, Thụy Sĩ và là nghiên cứu viên tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế tại Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: elena.denisova-schmidt@unisg.ch. Arevik Anapiosyan là giảng viên tại Đại học Yerevan State và Đại học Armenia, và là trưởng dự án tại Trung tâm Chính sách Ứng dụng ở Sofia, Bulgaria. E-mail: arevik@policycenters.org.
*Các ý kiến và quan điểm thể hiện trong bài viết này là của các tác giả và không nhất thiết phản ánh chính sách chính thức hoặc tầm nhìn của các tổ chức tương ứng.
Vận động các quan chức chính phủ là một thực tế phổ biến và hợp pháp. Tuy nhiên, điều này cũng có thể trở thành mối lo ngại về sự liêm khiết, trong trường hợp các quan chức có quyền lợi tài chính trong chính lĩnh vực đang tìm kiếm ảnh hưởng và là lĩnh vực họ phụ trách. Khi đó, vận động hành lang có thể đưa đến những ảnh hưởng phi pháp, gây ra mâu thuẫn quyền lợi và “thúc ép” quá trình ra quyết định theo cách tạo ra lợi thế không chính đáng cho một số cá nhân, tổ chức hoặc lĩnh vực nói chung.
Ở Đông Âu, các nhà cung cấp giáo dục đại học, đặc biệt của khu vực công, phụ thuộc vào nhà nước trong các hoạt động quan trọng như tài trợ, kiểm định, đóng cửa và sáp nhập, hạn ngạch tuyển sinh… Sự phụ thuộc này có ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích và các trường đại học có lý do chính đáng để tìm cách tác động đến quyết định của chính quyền thông qua vận động hành lang. Họ có thể làm được điều đó, vì hầu hết họ làm việc gần các chính phủ quốc gia: các trường đại học có nhiệm vụ phục vụ lợi ích công cộng và cung cấp lực lượng lao động tốt nghiệp cần thiết cho khu vực công, và nhiều trường đại học còn có đại diện của chính phủ trong ban giám hiệu.
Nghiên cứu trình bày trong bài viết này cho thấy ở hầu hết các quốc gia Đông Âu, mối quan hệ gần gũi giữa giới học thuật và nhà nước chứa đựng các các mâu thuẫn quyền lợi, thể hiện trong hiện tượng các quan chức cao cấp chịu trách nhiệm về giáo dục đại học đều kết thân với các trường đại học trên mối quan hệ hai bên cùng có lợi. Chúng tôi gọi những liên kết như vậy là “cạm bẫy hàn lâm”. Giới hàn lâm và khu vực giáo dục công đều có nguy cơ dính dáng đến tham nhũng mỗi khi tiến hành vận động hành lang cho lợi ích hợp pháp của họ và các quyết định chính sách tương ứng đang được triển khai.
Xung đột lợi ích thông qua “Cạm bẫy Hàn lâm”
Chúng tôi thu thập dữ liệu dựa trên các bằng chứng công khai từ khu vực Tây Balkans (Bosnia-Hercegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro và Serbia) và Liên bang Xô viết cũ (Armenia, Azerbaijan, Kazakhstan, Moldova, Nga và Ukraine). Chúng tôi xem xét những mối liên hệ dường như – về bản chất mang lại lợi ích cá nhân – giữa các quan chức nhà nước chịu trách nhiệm về giáo dục đại học và các trường đại học; bao gồm các Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Giáo dục (đại học) hoặc tương đương; người đứng đầu và các thành viên nội các hoặc tương đương; trưởng phòng giáo dục đại học; người đứng đầu các cơ quan bên ngoài đại diện cho bộ giáo dục (đại học); chủ tịch và các thành viên thường xuyên của các Ủy ban nghị viện về giáo dục.
Hình thức liên kết vì lợi ích cá nhân phổ biến nhất là các đối tượng nhận lương từ các trường đại học công.
Phân tích các bằng chứng từ các quốc gia này đang dần dần tiết lộ tình trạng thực tế, trong đó có một tỷ lệ khá cao các quan chức nhà nước này đang có, hoặc kỳ vọng sẽ tham gia vào mối liên kết vì lợi ích cá nhân với ít nhất một trường đại học ở quốc gia của họ. Trong số các quan chức có liên hệ như vậy mà quá trình thu thập dữ liệu phát hiện (quý hai và ba năm 2016) có các bộ trưởng giáo dục của Armenia, Bosnia và Herzegovina, Croatia, Nga và Ukraine. Điều này cũng xảy ra với một số (Ukraine) hoặc tất cả các bộ trưởng bộ giáo dục (ở Armenia, Azerbaijan, Croatia, Moldova và Serbia), cũng như một số thành viên của các văn phòng Bộ tại Armenia và Kazakhstan. Một số bộ trưởng ở Nga và Ukraine, và bộ trưởng giáo dục ở Kazakhstan không có liên kết rõ ràng vì lợi ích cá nhân tại thời điểm thu thập dữ liệu, nhưng dựa vào hồ sơ nhân sự và theo các chuyên gia quốc gia đánh giá, dự kiến họ sẽ đi qua “cửa xoay” để nhận một vị trí được trả lương hoặc trở thành cổ đông của một trường đại học ngay sau khi kết thúc nhiệm vụ của họ trong khu vực công. Theo các bằng chứng hiện có, các mối liên kết vì lợi ích cá nhân với các trường đại học cũng phổ biến ở tầng thấp hơn của quá trình ra quyết định: đó là những người đứng đầu các phòng ban về giáo dục đại học ở Armenia, Azerbaijan, Moldova, Nga và Serbia và các nhà lập pháp phụ trách giáo dục ở Azerbaijan, Bosnia và Herzegovina, Macedonia, Moldova, Serbia và Ukraine.
Hình thức liên kết vì lợi ích cá nhân phổ biến nhất là các đối tượng nhận lương từ các trường đại học công. Ở khu vực Tây Balkans, việc có tên trong bảng lương của một cơ sở giáo dục đại học thường kết hợp với việc cung cấp kiến thức chuyên môn tính phí. Tại một số quốc gia (Azerbaijan, Kazakhstan, Serbia, và Ukraine), những người đứng đầu Bộ Giáo dục cũng đồng thời là chủ sở hữu của các cơ sở giáo dục đại học (tư nhân), hoặc dự kiến sẽ tiếp nhận sở hữu khi kết thúc nhiệm kỳ tại Bộ. Ngoài ra, tại Azerbaijan, các liên hệ mang lại lợi ích cho một số bộ trưởng còn bao gồm cung cấp các dịch vụ mua sắm cho các trường đại học, và tại Croatia, lợi ích cá nhân mà một công chức cấp cao trong bộ mong đợi từ mối liên kết kiểu này có thể là một chứng chỉ học tập (ví dụ bằng tiến sĩ) từ một trường đại học công lập.
Vì sao đây là vấn đề nghêm trọng
Mối đe dọa của “cạm bẫy hàn lâm” có những ý nghĩa đa dạng và bất lợi. Nhờ “bẫy được” những cá nhân có quyền lực pháp lý, khu vực giáo dục đại học có những kênh có thể tác động đến các quyết định chính sách và kết quả là đạt được những chính sách có lợi – rất nhiều trong số đó gây bất lợi cho ngành, và/hoặc tác động tiêu cực đến các ưu tiên khác của chính sách giáo dục công. Ví dụ, hãy xem xét trường hợp giả định về một cơ sở giáo dục đại học nhỏ hơn trong khu vực; cơ sở này trông đợi một cách tiếp cận công bằng trong quá trình xem xét công nhận các chương trình đào tạo mới của họ, để rồi phát hiện ra rằng cơ quan kiểm định đã đánh trượt họ, trong khi lại áp dụng một tiêu chuẩn kép vì thiên vị trường cũ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Hoặc hãy hình dung một cuộc thảo luận về phân bổ ngân sách công, mà năm này qua năm khác đều quyết định tăng đầu tư vào mạng lưới trường đại học đã phát triển quá lớn thay vì giải quyết những thiếu hụt lâu dài và cấp bách của các trường mẫu giáo. Cuối cùng, hãy xem xét những tác hại mà một tổ chức giáo dục đại học tự gây ra cho mình khi dùng ảnh hưởng của các quan chức để ngăn chặn những thay đổi rất cần thiết cho sự tiến bộ. Là một nguy cơ cụ thể cho ngành giáo dục, “cạm bẫy hàn lâm” cần được quan tâm đúng mức và cấp bách như bất kỳ hình thức xung đột lợi ích nào khác trong khu vực công. Chừng nào những chính sách giáo dục đại học bị thay thế, bóp méo vẫn chưa được khám phá và những tác động phụ có hại, lâu dài của nó không được giải quyết – điều này đồng nghĩa với sự chấp nhận thực tế rằng một số nhóm nhất định trong ngành giáo dục luôn chịu bất lợi, rằng niềm tin vào chính sách giáo dục công ngày càng suy giảm; và sự thay đổi không được khuyến khích.