Tuyển sinh tại các trường đại học quốc gia Nhật Bản: cần thay đổi

Yukiko Ishikura là giảng viên và Tatsuo Kawashima là giáo sư và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Tuyển sinh Toàn cầu (CHEGA), Đại học Osaka, Nhật Bản. E-mail: ishikura @ chega.osaka-u.ac.jp và tatsuo314@chega.osaka-u.ac.jp.

Tuyển sinh đại học vào các trường đại học quốc gia Nhật bản theo truyền thống là một quá trình lựa chọn được phân quyền. Mỗi khoa trong trường đều tự đưa ra các chính sách và tiêu chí tuyển sinh của mình, và quyết định điểm chuẩn. Các trường đều có phòng tuyển sinh, nhưng trách nhiệm của phòng tuyển sinh chủ yếu liên quan đến hành chính và quản lý. Cho đến thời điểm này, thi viết vẫn là cách tuyển sinh được ưa thích nhất tại các trường đại học quốc gia. Phần lớn các thí sinh nộp đơn vào các trường đại học quốc gia phải trải qua hai kỳ thi viết: một kỳ thi trắc nghiệm quốc gia được gọi là “Kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung tâm quốc gia” (sau đây gọi là Kỳ thi Tuyển sinh Quốc gia), được tổ chức mỗi năm một lần vào đầu tháng Giêng và kỳ thi thứ hai do các trường đại học tổ chức sau Kỳ thi Tuyển sinh Quốc gia. Kỳ thi thứ hai chú trọng hơn đến kỹ năng tư duy và kỹ năng viết. Hai kỳ thi chủ yếu đánh giá khả năng học tập (tiếng Nhật là Gakuryoku) mà thí sinh đạt được ở trường trung học.

Ý tưởng theo định hướng Gakuryoku này bắt nguồn từ niềm tin rằng điểm Gakuryoku xuất sắc là một chỉ số mạnh mẽ về kiến thức, kỹ năng, động lực, và thậm chí tính cách của thí sinh. Để đánh giá Gakuryoku của thí sinh, các trường đại học vẫn dựa vào điểm các bài thi viết. Các kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia sử dụng phương pháp này rộng rãi.

Động lực để thay đổi

Trong khi các trường đại học đánh giá Gakuryoku để tuyển sinh đại học, xã hội dựa trên tri thức ngày nay lại đòi hỏi sinh viên phải đạt được vô số các kỹ năng hữu ích trong thế kỷ 21, như tư duy phê phán, giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp liên văn hoá. Xu hướng này đã khiến cho định nghĩa về Gakuryoku gần đây phải thay đổi. Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (viết tắt là MEXT) gần đây đã xác định lại các thành phần của Gakuryoku. Ngoài khái niệm trước đây chỉ đơn giản là sở hữu kiến thức và kỹ năng, khái niệm Gakuryoku mới đánh giá những gì học sinh có thể làm và hoàn thành bằng cách áp dụng kiến thức và kỹ năng của mình.

Cho đến thời điểm này, thi viết vẫn là cách tuyển sinh được ưa thích nhất tại các trường đại học quốc gia.

Thêm vào đó, đối tượng sinh viên Nhật Bản đã mở rộng hơn, bao gồm sinh viên lớn tuổi, sinh viên khuyết tật, sinh viên hồi hương, sinh viên quốc tế và sinh viên đã học qua các hệ thống giáo dục thay thế. Để nhận vào học những đối tượng đa dạng này, các trường đại học đã bắt đầu xem xét lại khái niệm “đánh giá công bằng” đối với thí sinh. Trước đây, sử dụng một thước đo duy nhất cho tất cả các thí sinh ngụ ý về sự công bằng, nhưng giờ đây điều này đã không còn phù hợp.

Tiếp theo tuyên bố này của MEXT, Hội đồng Giáo dục Trung ương và Hiệp hội Các trường Đại học Quốc gia Nhật Bản cũng đồng thanh lặp lại rằng việc cải cách tuyển sinh đại học và xây dựng một kỳ thi tuyển sinh đại học mới là cần thiết. Đặc biệt, Hiệp hội Các trường Đại học Quốc gia Nhật Bản đã đưa ra một mục tiêu đầy tham vọng là tăng tỷ lệ nhập học toàn quốc lên 30% vào năm 2018. Họ cũng kêu gọi sàng lọc để đánh giá tư duy phê phán, khả năng nhận định chính xác, khả năng diễn đạt, cũng như Gakuryoku. Để phản ánh những thay đổi này, kỳ thi tuyển sinh đại học sẽ được điều chỉnh vào năm 2020.

Thách thức và triển vọng

Thực hiện theo các thông báo của chính phủ, nhiều trường đại học quốc gia, trước đây vẫn tuyển sinh thông qua các kỳ thi viết, nay bắt đầu giới thiệu chương trình tuyển sinh toàn diện. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với một số thách thức khi thực hiện những thay đổi này.

Các trường đại học quốc gia, đặc biệt là các trường đại học hàng đầu, đã không hoàn toàn từ bỏ khái niệm Gakuryoku cũ, và cũng không hiểu ý nghĩa của chương trình tuyển sinh toàn diện. Khái niệm về sự công bằng – sử dụng một thước đo duy nhất cho tất cả thí sinh mà không quan tâm đến nền tảng của họ – đã bắt rễ sâu trong các trường đại học và ngăn cản họ thực hiện tuyển sinh dựa trên điểm đánh giá khách quan.

Mặc dù đã đưa ra cách tiếp cận toàn diện, điểm thi vẫn là một yếu tố quan trọng trong quá trình xét tuyển và được coi là một dự báo về kết quả học tập tương lai của sinh viên trong trường đại học. Để đánh giá nhân cách của thí sinh, các trường đại học yêu cầu thí sinh nộp các nhận xét của các cá nhân và của trường trung học, tham gia các cuộc phỏng vấn, hoặc nộp các tài liệu minh chứng sự tham gia và thành tích của họ trong các hoạt động trong và ngoài trường, ngoài việc chứng tỏ điểm Gakuryoku cao. Tuyển sinh toàn diện vào các trường đại học quốc gia đặt ra yêu cầu khá cao. Không may là các trường đại học không thu hút được nhiều thí sinh tham gia vào quá trình tuyển sinh toàn diện, vì học sinh vẫn ưa thích phương pháp tuyển sinh chỉ dựa vào điểm thi tuyển hơn.

Hơn nữa, các trường đại học quốc gia không có đủ cơ sở hạ tầng để áp dụng rộng hơn phương pháp tuyển sinh toàn diện. Phương pháp này đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn nhân lực hơn, và cần thiết lập một hệ thống tách biệt với phương pháp tuyển sinh dựa vào điểm thi. Tuyển sinh toàn diện là một nghệ thuật đồng thời là một ngành khoa học. Nó cho phép các trường đại học đưa ra quyết định dựa trên nền tảng học vấn và nền tảng cá nhân, kinh nghiệm và tiềm năng của thí sinh. Người tham gia đánh giá cần có chuyên môn và kinh nghiệm đặc biệt để đảm bảo quá trình tuyển sinh được công bằng và minh bạch.

Tính chuyên nghiệp như vậy cho đến nay vẫn chưa bắt rễ vào hoạt động tuyển sinh đại học. Thành viên các khoa vẫn là nhân tố chính để hình thành chính sách và thực hiện tuyển sinh toàn diện. Hiện nay, tuyển sinh toàn diện vẫn rất hạn chế. Thành viên các khoa vẫn tham gia vào toàn bộ quá trình tuyển chọn. Điều này đặt ra câu hỏi liệu họ có đủ khả năng duy trì sự tham gia vào tuyển sinh khi tỷ lệ tuyển sinh toàn diện tăng lên 30% như khuyến cáo của Hiệp hội các trường Đại học Quốc gia Nhật Bản.

Việc áp dụng tuyển sinh toàn diện sẽ mang lại những thay đổi to lớn trong các trường đại học: đánh giá thực trạng khi áp dụng phương pháp tuyển sinh toàn diện, xem xét lại các quan niệm về Gakuryoku và công bằng, chuyên nghiệp hóa việc tuyển sinh đại học, thay đổi cấu trúc tổ chức và xem xét lại toàn bộ hệ thống tuyển sinh. Tuy nhiên, những thách thức này có thể trở thành những cơ hội tuyệt vời. Các trường trung học và đại học đang chuyển từ phương pháp giảng dạy lấy giảng viên làm trung tâm sang phương pháp tập trung vào người học để chuẩn bị cho học sinh trung học làm quen với phương pháp tuyển sinh toàn diện và để tiếp nhận đối tượng sinh viên đa dạng hơn. Điều này sẽ có tác động tích cực không chỉ đối với tuyển sinh đại học mà còn với giáo dục ở các trường trung học và đại học nói chung.