Richard A. Skinner là chuyên gia tư vấn cao cấp của Harris Search Associates và từng là Hiệu trưởng Đại học Royal Roads ở Canada và Đại học Clayton State ở Hoa Kỳ. E-mail: rick@harrisandassociates.com.
Giáo dục đại học không miễn nhiễm với toàn cầu hóa. Ngày nay hiếm có trường đại học nghiên cứu chuyên sâu nào lại không khuyến khích và hỗ trợ sinh viên và giáo sư đi học tập nghiên cứu ở nước ngoài, và dù số lượng vẫn còn khiêm tốn, ngày càng nhiều hiệu trưởng, chủ tịch các trường đại học có xuất thân hoặc được đào tạo ở nước ngoài được lựa chọn để lãnh đạo các trường đại học.
Hai ví dụ
Các trường đại học Hoa Kỳ là những tổ chức đầu tiên hưởng lợi từ việc thu hút được các học giả, các nhà tư tưởng và nghiên cứu từ nước ngoài nhập cư vào Hoa kỳ, bắt đầu từ cuối những năm 1930 nhưng đặc biệt là trong và sau Thế chiến thứ hai. Vào năm 1965, luật nhập cư Hoa Kỳ đã thay đổi, sau đó có sự tăng trưởng ổn định về số lượng sinh viên – đặc biệt là từ Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan – theo học tại các trường đại học Hoa Kỳ, đạt được trình độ cao hơn và ở lại làm việc ở các vị trí như giảng viên, trưởng khoa, quản lý và hiệu trưởng nhà trường.
Ngày nay, trong số 60 vị hiệu trưởng của các trường đại học thành viên của Hiệp hội Các trường Đại học Hoa Kỳ (AAU) – một tổ chức uy tín nhất của các trường đại học nghiên cứu Mỹ – có 12 người xuất thân từ nước ngoài, trong đó có đại diện từ Úc, Trung Quốc, Ấn Độ và Venezuela. Để có một đánh giá khách quan về con số đó, cần lưu ý rằng một thế hệ trước, vào năm 1992, chỉ sáu trường của AAU có các hiệu trưởng được mời đến từ Canada, Trung Quốc, Đức, Iran, Na Uy và Thụy Điển.
Trong số hiệu trưởng các trường đại học thuộc AAU có hai người cho rằng những hiệu trưởng có kinh nghiệm hoạt động quốc tế được đánh giá cao và dường như một phần do kinh nghiệm của họ ở các quốc gia khác hơn là ở quê hương. Jean-Lou Chameau, là người Pháp và là cựu sinh viên Stanford, đã từ bỏ chức vụ hiệu trưởng ở CalTech để sang làm lãnh đạo Đại học Khoa học và Công nghệ Vua Abdullah ở Ả rập Xê út. Và khi Subra Suresh, một người Ấn Độ, từ chức hiệu trưởng Đại học Carnegie Mellon để nhận bổ nhiệm làm hiệu trưởng Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, ông đã được thay thế bởi Provost Farnam Jahanian, một người di cư từ Iran.
Ví dụ thứ hai về toàn cầu hóa lãnh đạo của các trường đại học có thể thấy được trong Bảng Xếp hạng Đại học Thế giới của Times Higher Education (THE) năm 2017 đối với các trường ngoài Mỹ (25) trong số 50 trường được xếp hạng cao nhất và các ghi chú về học vấn và kinh nghiệm làm việc quốc tế của lãnh đạo các trường này:
- Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Úc: sinh ra ở Hoa Kỳ và có bằng tiến sĩ của Đại học Arizona và Đại học Harvard.
- Hiệu trưởng École Polytechnique de Lausanne: Thạc sỹ từ Đại học Stanford, giảng viên của Đại học Columbia và Đại học California (UC), Berkeley.
- Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Hồng Kông: sinh tại Hồng Kong, tốt nghiệp CalTech và Đại học Stanford, giảng viên của CalTech, Đại học Yale, và Đại học California, Los Angeles (UCLA).
- Hiệu trưởng Imperial College London: sinh tại Hoa Kỳ, nguyên Hiệu trưởng của Đại học Lehigh.
- Hiệu trưởng Học viện Karolinska: Sinh tại Na Uy và được đào tạo tại Na Uy.
- Hiệu trưởng Trường Kinh tế London: sinh ra ở Ai Cập, tốt nghiệp đại học Hoa Kỳ, tiến sĩ Đại học Oxford.
- Hiệu trưởng Đại học Oxford: sinh ra ở Ailen với bằng tốt nghiệp từ UCLA và Đại học Harvard.
- Hiệu trưởng Đại học British Columbia: giảng viên tại Đại học Harvard, Đại học Johns Hopkins, Đại học Emory, Đại học London (UCL) và Hiệu trưởng Đại học Cincinnati.
- Hiệu trưởng Đại học Edinburgh: sinh ra tại Đức, làm việc tại Đại học Texas và Xerox PARC.
- Hiệu trưởng Đại học Hong Kong: sinh ra ở Anh và dự kiến trở thành Phó Hiệu trưởng Đại học Aberdeen năm 2018.
- Hiệu trưởng Đại học Illinois: sinh ra tại Wales , tốt nghiệp UCL, giảng viên tại Đại học Colorado, Boulder và Đại học Michigan.
- Hiệu trưởng Đại học Melbourne: thực tập sinh sau đại học tại UC Berkeley và Đại học Harvard.
Ví dụ thứ hai về toàn cầu hóa lãnh đạo của các trường đại học có thể thấy được trong Bảng Xếp hạng Đại học Thế giới của Times Higher Education (THE) năm 2017.
Trong số 25 vị hiệu trưởng không phải là người Mỹ, gần một nửa (12) đã trải qua thời gian dài được đào tạo hoặc làm việc tại các quốc gia không phải quê hương. Trong số 25 trường đại học hàng đầu của Mỹ trong bảng xếp hạng THE, tám vị hiệu trưởng sinh ra ở nước khác (Anh, Canada, Cuba, Ấn Độ, Iran, Đài Loan và Venezuela) và bốn là người Mỹ tốt nghiệp các trường đại học Anh.
Một số phỏng đoán
Hai ví dụ được trình bày ở trên chưa đủ làm cơ sở để giải thích cho những gì dường như là một xu hướng mới nổi trong lãnh đạo giáo dục đại học, đặc biệt là khi các quốc gia, các nền văn hoá và hệ thống giáo dục được khảo sát rất đa dạng. Tuy nhiên, dường như có thể đảm bảo một số phỏng đoán.
Một khởi đầu tốt là sự lựa chọn hiệu trưởng nhà trường. Cho đến gần đây, ở hầu hết các nước, lãnh đạo các trường đại học đều do các giáo sư (và trong một số trường hợp do các nhân viên khác của tổ chức) hoặc do các chính phủ lựa chọn. Quá trình này đã bắt đầu thay đổi trong những năm gần đây; ngày nay, nhiều vị Hiệu trưởng được lựa chọn bởi các hội đồng chính thức có mức độ liên kết khác nhau với chính phủ và bao gồm nhiều bên liên quan đến trường đại học. Một phương pháp lựa chọn khác là thông qua hội đồng quản trị nhân sự – thường là sự kết hợp của các đại diện trường đại học, và các cá nhân ngoài trường vụ do chính phủ chỉ định. Quyền tự chủ thực tế của các hội đồng này khác nhau đáng kể.
Nói chung, khi phương pháp lựa chọn cho phép các thành viên của trường đại học có tiếng nói cao hơn, thực tế ghi nhận là họ thường lựa chọn một học giả, và bằng chứng cho thấy một học giả xuất thân từ địa phương nơi trường đại học đang hoạt động được ưa thích hơn. Sự quen thuộc với ứng viên dường như không làm mất giá trị.
Trong trường hợp đại diện của trường đại học trong hội đồng không vượt trội hơn về số lượng thì có nhiều khả năng ứng cử viên được lựa chọn không phải là người bản xứ (nhưng vẫn có nhiều khả năng là một nhà khoa học). Điều này bắt nguồn từ các thành viên của hội đồng với kinh nghiệm bên ngoài giới hàn lâm, đặc biệt là kinh doanh và tài chính, nơi mà quá trình toàn cầu hóa từ lâu đã trở thành hiện thực. Một ứng viên có trình độ với kinh nghiệm hoạt động tích cực trên trường quốc tế, bao gồm cả quá trình học tập hoặc giảng dạy và thành công tại trường đại học của một quốc gia khác, không là bất thường đối với những người quen với hoạt động hàng ngày bao gồm tương tác với mọi người trên khắp thế giới, ở các múi giờ khác nhau.
Bởi vì vai trò của giới hàn lâm dường như đang gia tăng song song với việc các chính phủ trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường đại học, bao gồm cả quyền tự quản thông qua các hội đồng “công dân”, chúng tôi phỏng đoán rằng các hiệu trưởng từ các quốc gia khác có nhiều khả năng hơn trở thành ứng viên. Do đó, xu hướng mới quan sát được ở đây có thể tiếp tục và phát triển.
Nhân tố thứ hai thúc đẩy việc tuyển chọn lãnh đạo các trường đại học không phải là người bản địa là sự tăng trưởng thậm chí còn lớn hơn của giáo dục đại học quốc tế. Ước tính số lượng sinh viên du học trên thế giới trong khoảng 3,7 đến gần 5 triệu mỗi năm, tăng trưởng hàng năm là 10-12%. Dữ liệu về sự trao đổi giảng viên quốc tế niên khóa 2014-2015 và 2015-2016 cho thấy sự gia tăng trên 7% trên toàn thế giới, trong nhiều năm liên tiếp, chỉ trừ một năm. Số giáo sư chọn làm việc dài hạn ở nước ngoài cũng tăng. Hơn 300 trường đại học có phân hiệu ở nước ngoài, tại đó các nhà cung cấp giáo dục nước ngoài cung cấp toàn bộ chương trình học tại chỗ dưới tên riêng của họ.
Phỏng đoán thứ ba dựa vào giai thoại về một người có đủ can đảm và sáng kiến rời quê hương, gia đình và bạn bè của mình đến một quốc gia với văn hoá và ngôn ngữ khác để theo đuổi việc học hành. Một người như vậy nhiều khả năng có tham vọng và động lực để vượt trội trong môi trường mới, bao gồm cả trường đại học mà anh ta gia nhập; đôi khi ở vị trí giáo sư, trưởng bộ môn, trưởng khoa, và vâng, được chọn làm hiệu trưởng.