Philip G. Altbach là giáo sư nghiên cứu và giám đốc sáng lập của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: altbach@bc.edu.
(Lưu ý: Bài viết này cũng đăng trong tạp chí Giáo dục đại học ở trong và ngoài nước Nga)
Công nghệ, lòng tham, thiếu các quy tắc và định mức rõ ràng, siêu cạnh tranh và tham nhũng đã dẫn đến sự lập lờ và vô chính phủ trong xuất bản khoa học. Cách đây không lâu, các ấn phẩm khoa học phần lớn nằm trong tay các nhà xuất bản của trường đại học và các hiệp hội khoa học phi lợi nhuận, phần lớn được kiểm soát bởi cộng đồng học thuật. Các hội thảo học thuật được tài trợ bởi các trường đại học hoặc các tổ chức chuyên ngành của các nhà nghiên cứu và các nhà khoa học. Hầu hết việc này được thực hiện trên cơ sở phi lợi nhuận và phần lớn được kiểm soát bởi các nhóm giảng viên có uy tín ở các trường đại học nghiên cứu chính, chủ yếu ở Bắc Mỹ và Tây Âu. Tất cả đều khá “quý phái” và được kiểm soát bởi tầng lớp khoa học ưu tú.
Sau đó, nhiều cơn sóng thần đã ập xuống các cánh đồng đại học. Có lẽ điều quan trọng nhất là việc mở rộng giáo dục sau trung học – số lượng tuyển sinh và số lượng các trường đại học tăng nhanh trên toàn thế giới. Hiện nay, với gần 200 triệu sinh viên tại hơn 22 ngàn trường đại học trên toàn cầu, hoạt động giáo dục đại học là rất lớn. Và mặc dù chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số các trường đại học này tham gia tạo nên các sản phẩm nghiên cứu hoặc khao khát đứng vào đội hình các trường đại học nghiên cứu, số lượng các trường này ngày càng tăng, nhiều trường được định hướng hoạt động bởi các bảng xếp hạng đại học chủ yếu là đo lường năng suất nghiên cứu, và mong muốn tự nhiên là muốn tham gia vào tầng lớp học thuật. Các chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ và các cơ quan đảm bảo chất lượng cũng nhấn mạnh các yếu tố về nghiên cứu và công bố khoa học, một phần vì đây là một trong số ít các số liệu có thể được đo lường chính xác. Đồng thời, nền kinh tế tri thức toàn cầu đẩy các trường đại học hàng đầu liên kết với giới học thuật quốc tế và cạnh tranh với các đại học trên toàn thế giới.
Cuộc cạnh tranh gia tăng và áp lực lên các trường đại học và các nhà khoa học cá nhân để “công bố hay là chết” tạo thành áp lực rất lớn đối với hệ thống xuất bản khoa học hiện có, và cuối cùng hệ thống này đã không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng. Đồng thời, Internet tạo ra những thách thức bổ sung cho hệ thống, khi các tạp chí phải thích ứng với những cách xuất bản bài báo mới, cách đánh giá các bài nộp và các khía cạnh khác trong công việc của họ. Ngành công nghiệp xuất bản tạp chí khoa học mang tính tiểu thủ công vốn được quản lý bởi các học giả ít được đào tạo về báo chí xuất bản đột nhiên trở thành một ngành công nghiệp lớn. Hiện có hơn 150 ngàn tạp chí khoa học, trong đó có 64 ngàn bị yêu cầu xem xét lại.
Các hệ quả
Thứ nhất, các nhà xuất bản lớn và các công ty truyền thông, khi thấy có thể kiếm được nhiều tiền từ các tạp chí khoa học, đã nhảy vào thị trường. Các công ty đa quốc gia như Spring và Elsevier là những kẻ khổng lồ, mỗi nơi xuất bản hơn một ngàn tạp chí trên tất cả các lĩnh vực. Giá đặt mua tạp chí đã tăng vọt, một số tạp chí trị giá 20.000 đô la trở lên. Ví dụ tạp chí Brain Research do Elsevier xuất bản có giá một số mỗi năm là 24.000 đô la. Các nhà xuất bản này chủ yếu mua tạp chí hiện có từ các nhà xuất bản hoặc hiệp hội khoa học khác. Họ cũng bắt đầu làm các tạp chí mới trong nhiều lĩnh vực liên ngành. Các tổ chức đa quốc gia cuối cùng đã “đóng gói” hàng trăm tạp chí để bán cho các thư viện – nơi phải trả phí rất lớn để truy cập cả gói vì họ buộc phải mua toàn bộ danh sách. Trong một số lĩnh vực khoa học, lệ phí nộp bài của tác giả bị áp đặt hoặc tăng giá. Xuất bản tập san trở nên có lợi nhuận cao. Hệ thống này tất nhiên chỉ giới hạn quyền truy cập vào các thông tin khoa học mới nhất cho những người có thể trả tiền.
Cuối cùng, phản ứng của các thư viện và giới nghiên cứu với giá tạp chí cao đã dẫn tới phong trào “truy cập mở – open access”: một số tạp chí mới được thành lập với mục tiêu cung cấp việc tiếp cận với kiến thức ít tốn kém hơn. Các nhà xuất bản đa quốc gia phản ứng lại bằng cách cung cấp thêm một dạng truy cập mở, chủ yếu là bằng cách thu phí các tác giả cho phép cung cấp các bài viết đã được xuất bản của mình một cách ít tốn kém hơn cho người đọc. Đến năm 2017, những xung đột giữa các thư viện hàn lâm và các nhà xuất bản đa quốc gia liên quan đến chi phí truy cập các tạp chí cao vẫn không dẫn đến sự nhất trí nào về cách giải quyết những vấn đề phức tạp này.
Các trường đại học cũng là nơi xuất bản nhiều tạp chí khoa học. Một số trường đại học uy tín như Chicago, Johns Hopkins, Oxford và các trường khác từng xuất bản các tạp chí chuyên ngành chất lượng cao và vẫn tiếp tục làm như vậy. Nhìn chung họ đã duy trì được mức giá hợp lý và đã thích ứng thành công với các công nghệ in ấn phát hành mới. Cũng có trường hợp nhiều trường đại học riêng lẻ trên thế giới xuất bản các tạp chí địa phương có số lượng phát hành ít và uy tín không cao. Ví dụ, hầu hết các trường đại học nghiên cứu của Trung Quốc đều xuất bản các tạp chí trong một số lĩnh vực có mức độ ảnh hưởng thấp và không thu hút được các tác giả bên ngoài tổ chức. Có vẻ như không có tương lai cho các ấn phẩm như vậy – và chúng có thể bị dẹp bỏ do sự gia tăng các tạp chí “quốc tế” chất lượng thấp.
Đồng thời, sự gia tăng số lượng các tạp chí và sự mở rộng đáng kể số lượng các công trình được gửi tới các tạp chí đã phá vỡ tính bền vững của hệ thống đánh giá ngang hàng (peer review) truyền thống. Số lượng các công trình tăng lên là do mở rộng các ngành nghề học thuật, áp lực “công bố hay là chết” và sự tiến bộ nhanh chóng của đổi mới khoa học và kiến thức nói chung. Nhưng ngày càng khó khăn để tìm kiếm những người đánh giá ngang hàng đủ trình độ hoặc các biên tập viên tạp chí tài năng. Những công việc này mặc dù rất quan trọng, chỉ được coi là phần đóng góp thuần túy cho khoa học và học thuật vừa tốn nhiều thời gian, vừa không được trả phí phù hợp, thậm chí là vô danh.
Một hướng phát triển đáng sợ và phổ biến khác trong ngành công nghiệp truyền thông khoa học là sự xuất hiện của “giả mạo học vấn”. Vào ngày 29 tháng 12 năm 2016, tờ New York Times đã dành một bài báo dài về “Học giả giả mạo – nhìn rất giống thực”. Bài báo viết về sự gia tăng các hội thảo giả mạo và các tạp chí giả mạo. Các hội nghị “học thuật” quốc tế được tổ chức bởi các công ty đóng ở Ấn Độ và những nơi khác, thu phí cao từ người tham dự, tổ chức tại các khách sạn trên toàn thế giới và chấp nhận tất cả các bài nộp, bất kể chất lượng thế nào. Những nhà khoa học đang tuyệt vọng tìm cách đưa vào CV thông tin từng tham gia báo cáo ở hội nghị quốc tế chấp nhân trả tiền cho những sự kiện vô dụng này.
Cách đây không lâu, các xuất bản khoa học phần lớn nằm trong tay các nhà xuất bản trường đại học và các hiệp hội khoa học phi lợi nhuận.
Ngoài ra, số lượng các tạp chí giả mạo cũng gia tăng. Không ai biết có bao nhiêu tạp chí loại này đang tồn tại, nhưng có thể lên đến hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn. Jeffrey Beall, quản trị viên thư viện của một trường đại học Hoa kỳ, đã theo dõi những tạp chí giả mạo này trong nhiều năm, và liệt kê ra ít nhất 923 nhà xuất bản, nhiều nhà xuất bản quản lý nhiều tạp chí, so với con số chỉ có 18 nhà xuất bản loại này vào năm 2011. Cuối năm 2016, Beall đã thông báo rằng ông không tiếp tục cập nhật danh sách có giá trị này nữa và nó đã bị gỡ bỏ khỏi Internet. Mặc dù Jeffrey Beall không đưa ra lời giải thích, nhưng nhiều người tin rằng ông đã bị đe dọa bằng những vụ kiện tụng. Các tạp chí giả mạo thường được xuất bản từ Pakistan hoặc Nigeria bởi các nhà xuất bản và biên tập vô hình. Các tạp chí này thường tuyên bố là được đánh giá ngang hàng, và liệt kê các học giả nổi tiếng quốc tế trong danh sách ban biên tập – những người hiếm khi thực sự đồng ý đứng tên và cũng không thể yêu cầu bỏ tên của họ ra khỏi tạp chí. Nhưng hầu hết các công trình nộp cho các tạp chí này đều được xuất bản một cách nhanh chóng sau khi một khoản phí – thường là đáng kể – được trả cho nhà xuất bản.
Phải làm gì?
Rõ ràng là tình trạng vô chính phủ đang ngự trị trong lĩnh vực xuất bản khoa học thế kỷ. Việc sản xuất hàng loạt các bài báo khoa học hầu hết có giá trị học thuật thấp, áp lực rất lớn buộc các nhà khoa học xuất bản công trình của họ bất chấp khía cạnh đạo đức, cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền thông và xuất bản được thực hiện nhờ có Internet, sự tham lam của các nhà xuất bản đa quốc gia mới thành lập, vô số các nhà xuất bản giả mạo – tất cả những điều này đã kết hợp thành một bức tranh lộn xộn gây nhầm lẫn. Các vấn đề cần giải quyết rất phức tạp – làm thế nào để quản lý công nghệ, đáp ứng được việc mở rộng nghiên cứu khoa học, hợp lý hóa việc đánh giá ngang hàng, phá vỡ sự độc quyền của các công ty đa quốc gia, và quan trọng hơn cả là để tinh thần đạo đức và kỳ vọng thực tế thấm nhuần trong cộng đồng học thuật. Hiệu ứng từ những thay đổi này đối với các tạp chí được xuất bản bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh và các quốc gia xuất bản nhỏ khác vẫn chưa rõ ràng. Rất có thể họ sẽ bị suy yếu bởi những xu hướng toàn cầu này. Câu hỏi rất nhiều, mà câu trả lời thì lại rất ít.