Tái lập tầm nhìn giáo dục sau trung học ở xứ Wales

Ellen Hazelkorn là giáo sư danh dự, giám đốc Ban Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Đại học (HEPRU), cố vấn chính sách giáo dục của BH Associates, Ireland. E-mails: ellen.hazelkorn@dit.ie và info@bhassociates.eu.

Như nhiều quốc gia/khu vực khác trên thế giới, xứ Wales phải đối mặt với những biến đổi nhanh chóng về xã hội và kinh tế. Là một quốc gia thuộc Vương Quốc Anh (UK), tương lai xứ Wales phụ thuộc nhiều vào thái độ của họ đối với Brexit. Quyết định rời khỏi Liên hiệp châu Âu được thông qua ở Wales với chênh lệch tỷ lệ ủng hộ/phản đối thấp (52,5% ủng hộ so với 47,4% phản đối). Cho đến nay thái độ đó vẫn không thay đổi kể từ ngày trưng cầu dân ý, mặc dù không ai dám chắc chắn về ý nghĩa thực tế của Brexit.

Ngoài những rắc rối chung quanh quá trình Brexit trong toàn UK, Wales còn phải đối mặt với những khó khăn về nhân khẩu học, thị trường việc làm và thách thức kinh tế. Đến 2039, dân số xứ Wales được dự báo tăng 6,1%, lên thành 3,38 triệu người. Một vấn đề đáng lo ngại là số sinh viên người Wales vào đại học tại Wales và học tiếp lên bậc cao hơn đang giảm đi, trong khi số lượng sinh viên vào học các trường đào tạo nghề tăng lên. Xu hướng giáo dục này góp phần làm phức tạp hơn những vấn đề trong cấu trúc kinh tế xứ Wales.

Nền kinh tế xứ Wales chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ sản xuất thấp và phần lớn là quốc doanh, rất ít công ty lớn. Thành phố Cardiff, một bộ phận của kinh tế UK là một ngoại lệ. Mặc dù có một số hồi phục kinh tế kể từ cuộc đại suy thoái 2008, xứ Wales vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất (đo bằng giá trị gia tăng tổng thể – GVA) so với các khu vực khác trong Vương quốc Anh.

Tình hình đặt ra những thách thức nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, đâu là cách tổ chức hệ thống giáo dục tốt nhất để mang lại tối đa cơ hội học tập cho sinh viên, tối đa chất lượng, và nghiên cứu xuất sắc? Làm cách nào để các trường đại học thực hiện tốt nhất vai trò hình thành tương lai xã hội và kinh tế xứ Wales? Hiệu quả quản trị hiện nay như thế nào, và những gì cần phải thay đổi?

Giáo dục sau trung học ở Wales

Trong những năm qua chính phủ Wales đã nhận ra những vấn đề triền miên của nền giáo dục có nguồn gốc từ sự phức tạp của cấu trúc giáo dục sau trung học và cơ chế quản lý, sự thay đổi liên tục của cấu trúc ngân sách công, và những đòi hỏi mở rộng phạm vi dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của công dân và xã hội trong thế kỷ 21. Các bộ phận khác nhau của hệ thống giáo dục phản ứng theo những cách khác nhau trước những thách thức này, dẫn đến cách quản lý khác nhau, mức độ tham gia khác nhau và hiệu quả khác nhau trong việc thực hiện các chức năng chính. Trách nhiệm được chia xẻ giữa một loạt các cơ quan chính phủ và các tổ chức do chính phủ bảo trợ.

Một uỷ ban đánh giá đã được thành lập bao gồm các bên liên quan đến hệ thống giáo dục, gồm các nhà tuyển dụng, học giả, sinh viên và các cơ quan chính phủ. Nghiên cứu thực tiễn quốc tế cũng được tiến hành nhằm tìm hiểu về luật định cũng như cấu trúc quản trị với sự tham chiếu đến vai trò của các tổ chức trung gian; toàn cảnh giáo dục sau trung học cũng như các vấn đề về sứ mệnh, tính đa dạng và sự khác biệt; cơ chế phối hợp, bao gồm thỏa thuận thực hiện, tinh gọn, và phác thảo mô hình.

Nền kinh tế xứ Wales chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ sản xuất thấp và phần lớn là quốc doanh.

Kết quả đánh giá cho thấy để làm cho xứ Wales trở nên hấp dẫn hơn đối với sinh viên, sinh viên tốt nghiệp, với chuyên gia cũng như với doanh nghiệp, cần chú ý nhiều hơn đến việc phát triển mạnh các công ty hạng vừa đóng tại xứ Wales, trên cơ sở mối liên hệ chặt chẽ giữa yêu cầu của nền kinh tế và các tổ chức giáo dục. Cần hoạch định và phối hợp hệ thống để củng cố cho các mục tiêu này. Điều này có nghĩa là cần một tầm nhìn vỹ mô về mô hình địa lý và nhân khẩu học cũng như những thay đổi xã hội, kinh tế và lao động, trong bối cảnh cạnh tranh quốc gia và toàn cầu; cần có quyền lực tập trung và khả năng thúc đẩy hoặc chỉ đạo các tổ chức giáo dục đáp ứng thực sự những yêu cầu nêu trên.

Khuyến nghị

Bản báo cáo Hướng tới năm 2030: Khung Xây dựng Hệ thống giáo dục Đại học xứ Wales Đẳng cấp Thế giới đã vẽ ra một con đường đầy tham vọng. Báo cáo này đề xuất một mô hình quản trị mới cho giáo dục sau trung học dựa trên sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các tổ chức giáo dục công lập gắn với các mục tiêu xã hội của xứ Wales.

Sáu nguyên tắc chính làm nền tảng cho cải cách và khuyến nghị, bao gồm việc xem xét hệ thống, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một hệ sinh thái giáo dục gắn kết các trường bằng tính cạnh tranh và đa dạng, hợp tác và chung trách nhiệm xây dựng sự xuất sắc và tính đại chúng. Khi con người sống lâu hơn và khoẻ mạnh hơn, xã hội dân chủ cần dựa vào những công dân tích cực, quan tâm, có trách nhiệm, những người có khả năng tiếp cận giáo dục trong suốt cuộc đời của họ. Do đó, vai trò và sự đóng góp của giáo dục cho xã hội và nền kinh tế thông qua sinh viên tốt nghiệp, kiến ​​thức mới và đổi mới là một thông điệp mạnh mẽ về giáo dục. Nội dung thông điệp này vẫn thường được đề cập, nhưng lại thường xuyên bị lu mờ do các trường phải quan tâm đến lợi ích riêng và danh tiếng. Vì vậy, bản Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt nhu cầu của người học ở mọi lứa tuổi, giới tính và tài năng vào trung tâm của hệ thống giáo dục, điều này cho phép và tạo điều kiện để thay đổi cơ hội và hoàn cảnh sống theo thời gian. Ngoài “hệ thống” và “xã hội”, cơ chế tự chủ của tổ chức giáo dục được tăng cường bởi thể chế quản trị, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình,cũng được Báo cáo nhấn mạnh là một nguyên tắc nền tảng.

Khuyến nghị chính là đề xuất thành lập một cơ quan điều hành, giám sát và điều phối tập trung, đặt tên là Cơ quan Giáo dục Đại học. Tổ chức này sẽ thay thế vô số các tổ chức phục vụ cho các thành phần khác nhau của giáo dục sau trung học hiện tại. Mục đích là khuyến khích và tập hợp những ý tưởng tốt và dài hạn về nhu cầu giáo dục từ bây giờ cho đến tương lai.

Phản hồi và hành động tiếp theo

Sau khi bản Báo cáo được đệ trình vào tháng 3 năm 2016, chính phủ xứ Wales đã nhanh chóng chấp nhận và cho triển khai các khuyến nghị chính. Bản Báo cáo đã được đưa ra thảo luận tại Đại hội Nghị viện xứ Wales, và được tất cả các đảng phái ủng hộ. Một quá trình tham vấn rộng rãi đã được khởi sự.

Vào tháng 1 năm 2017, một thể chế mới về giám sát và điều phối giáo dục sau trung học được công bố. Tổ chức này có trách nhiệm ban hành quy định cung cấp kinh phí cho các cấp giáo dục sau trung học, cho hoạt động nghiên cứu và đảm bảo chất lượng. Có tên là Ủy ban Giáo dục Đại học và Nghiên cứu, cơ quan mới có nhiệm vụ trọng tâm là tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ hơn giữa hệ thống giáo dục, người học và xã hội.

Báo cáo Hướng tới 2030 đã đóng góp quan trọng vào định hướng giáo dục và vai trò giáo dục trong xã hội và cho xã hội thế kỷ 21. Nó nhấn mạnh đến việc bám sát và củng cố sự phát triển của khu vực, xã hội, văn hoá và kinh tế, sự hợp tác giữa các trường để nâng cao năng lực, và khả năng cạnh tranh của giáo dục và cạnh tranh quốc gia. Trên hết, nó nhấn mạnh đến nhu cầu được học tập theo cách linh hoạt cho phép người học mọi lứa tuổi và mọi xuất thân được thụ hưởng lợi ích của hệ thống giáo dục trong suốt cuộc đời. Chấp nhận các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục, công lập và tư thục là thành phần của một “hệ thống phối hợp” mà không phải là các tổ chức dịch vụ riêng rẽ, là một nội dung quan trọng của báo cáo đánh giá được Nghị viện thông qua. Cuối cùng, bằng cách nhanh chóng ủng hộ các nguyên tắc và khuyến nghị trong báo cáo, chính phủ xứ Wales đã từ bỏ cách tiếp cận theo nhu cầu thị trường được chính phủ Anh ban hành cho Anh Quốc.