“Một vành đai một con đường” và Trung Á: xu hướng mới trong quốc tế hóa giáo dục đại học?

Aisi Li là giáo sư trợ giảng tại Graduate School of Education, Đại học Nazarbayev, Astana, Kazakhstan. E-mail: li.aisi@nu.edu.kz.

Phát biểu tại Đại học Nazarbayev, Astana, vào năm 2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất “Con đường Tơ lụa kinh tế”. Đề xuất này, cùng với dự án “Con đường Tơ lụa trên biển” đã phát triển thành chiến lược “Một vành đai một con đường” gọi tắt là OBOR (One Belt One Road). Vành đai bao phủ một khu vực rộng lớn dọc theo Con Đường Tơ Lụa ngày xưa, kéo dài từ Trung Quốc đến châu Âu thông qua Trung Á. Các nhà phê bình coi chiến lược này là dự báo mới nhất về những tham vọng kinh tế của Trung Quốc trên thế giới và là một hình thức chính sách quyền lực mềm khác của họ. Năm nước cộng hòa Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã phản ứng khác nhau về OBOR. Chương trình cải cách mới Nurly Zhol của Kazakhstan trực tiếp gắn kết với OBOR, phản ánh tham vọng của nước này muốn nhiều hơn ngoài vai trò chỉ là nơi trung chuyển giữa Trung Quốc và châu Âu. Turkmenistan và Uzbekistan thận trọng đối với việc mở rộng lực lượng lao động Trung Quốc, do đó hạn chế thuê người Trung Quốc cho các dự án trong nước. Trong giáo dục đại học, OBOR đã thực sự tác động đến Trung Á. Trong bốn năm qua đã nảy sinh một số vấn đề liên can đến chiến lược này đối với giáo dục đại học ở Trung Quốc và Trung Á.

Đầu tư của Trung Quốc vào học bổng

Sự chú trọng của OBOR vào việc thúc đẩy các quan hệ đã tất yếu dẫn đến việc kết nối khu vực thông qua giáo dục. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập công bố kế hoạch 10 năm cung cấp 30.000 học bổng cho sinh viên từ các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đến học tại các trường đại học Trung Quốc và mời 10.000 giảng viên và sinh viên của các Học viện Khổng Tử trong khu vực tham gia vào các chương trình đào tạo ở Trung Quốc. Vì bốn trong số tám thành viên của SCO là các nước Cộng hòa Trung Á, nên đề xuất hào phóng như vậy đã dẫn đến những suy đoán rằng Trung Quốc đang thúc đẩy giáo dục đại học như một phương tiện để tác động đến Trung Á.

Trong thực tế, Trung Quốc bắt đầu cấp học bổng cho sinh viên Trung Á từ khi các nước cộng hòa này trở thành độc lập vào những năm đầu 1990. Học bổng bao gồm từ học bổng của chính phủ ở các cấp độ khác nhau đến học bổng của các trường, tài trợ của Học viện Khổng Tử, cũng như học bổng toàn phần hoặc từng phần do các đơn vị tư nhân hỗ trợ. Những học bổng này thường phản ánh chính sách quốc gia của Trung Quốc. Ví dụ, với trọng tâm hiện nay là OBOR, số lượng học bổng dành cho sinh viên Trung Á đang tăng lên, trong tổng số học bổng cũng tăng lên dành cho các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Trong năm 2013, có hơn 20.000 sinh viên Trung Á theo học tại Trung Quốc, trong đó khoảng 2200 người nhận học bổng của chính phủ Trung Quốc. Số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy Kazakhstan là một trong mười quốc gia dẫn đầu về số lượng học bổng nhận từ chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là theo chính sách hỗ trợ của OBOR.

Các sáng kiến ​​của Trung Quốc nhằm thu hút sinh viên Trung Á đến học không phải là chuyện mới lạ. Giáo dục đại học từng là cách thức ngoại giao văn hoá của Trung Quốc để giành được trái tim và khối óc trên toàn thế giới. Ở cấp độ thực tế, quan hệ hiệu quả và bền vững giữa Trung Quốc và Trung Á cần sự ủng hộ của các chuyên gia được đào tạo tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nước Nga vẫn là lựa chọn đầu tiên của sinh viên Trung Á khi du học. Trong lịch sử, giới tinh hoa Trung Á được đào tạo ở Nga và giữ mối quan hệ văn hoá và chính trị vững chắc với Nga. Số lượng sinh viên Trung Á học tập ở Trung quốc gia tăng có lay chuyển được sự kết nối này không – điều này vẫn còn là một câu hỏi.

Học viện Khổng Tử

Học viện Khổng Tử là một tổ chức quan trọng khác tạo điều kiện cho trao đổi giáo dục đại học giữa Trung Á và Trung Quốc thông qua đào tạo ngôn ngữ cũng như trao “Học bổng của Học viện Khổng Tử” cho sinh viên, học giả và giáo viên tiếng Trung của các nước khác để họ theo học trong một số trường đại học được lựa chọn ở Trung Quốc.

Từ lâu người ta đã cho rằng, ngoài việc nâng cao nhận thức về tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc, Học viện Khổng Tử là một thành phần quan trọng trong chính sách quyền lực mềm của Trung Quốc.Trong bài phát biểu về việc phân bổ học bổng cho sinh viên và giáo viên từ Học viện Khổng Tử trong khu vực, ông Tập rõ ràng nắm bắt được vai trò này.

Hiện nay, có 12 Học viện Khổng Tử ở Trung Á, trừ Turkmenistan. Các Học viện này được coi là yếu tố hỗ trợ quan trọng của OBOR. So với các Học viện Khổng Tử ở châu Âu và Bắc Mỹ, các Học viện ở Trung Á rất thiếu giáo viên và thiếu sách giáo khoa bằng tiếng quốc ngữ của các nước Cộng hòa Trung Á.

Cho đến nay, tiếng Nga vẫn là ngôn ngữ phổ biến ở Trung Á phản ánh sự ảnh hưởng sâu rộng của Nga. Sự trỗi dậy của tiếng Trung, do chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, có thể xem là một đối thủ cạnh tranh với sự ảnh hưởng về mặt văn hóa của Nga trong khu vực.

Quốc tế hóa tại biên giới Trung Quốc

Những trao đổi thường xuyên này lại không có tác động rõ ràng tới quốc tế hoá giáo dục đại học ở khu vực Tân Cương, biên giới Tây Bắc của Trung Quốc. Sự gần gũi về mặt địa lý là lý do khiến nhiều sinh viên Trung Á lựa chọn du học ở Tân Cương. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phát triển tốt, chi phí sinh hoạt và học phí thấp, và chất lượng chương trình đào tạo ngày càng tăng đang làm cho Tân Cương trở thành một điểm đến lý tưởng. Chính sách hỗ trợ cũng góp phần gia tăng số lượng sinh viên Trung Á nhập học.Từ năm 2008, hàng năm đều có 100 học bổng của chính phủ Trung Quốc dành riêng cho Tân Cương để thu hút sinh viên quốc tế, tập trung vào sinh viên đến từ Trung Á. Xu hướng này được nêu rõ trong Kế hoạch Cải cách và Phát triển Giáo dục trung hạn và dài hạn của Khu tự trị Tân Cương 2010-2020. Đến cuối năm 2013, đã có gần 7000 sinh viên quốc tế học tập ở Tân Cương, tăng gần ba lần so với năm 2010. Trong năm 2014, gần 80% sinh viên quốc tế ở Tân Cương là từ Trung Á.

Sự chú trọng của OBOR vào việc thúc đẩy các quan hệ đã tất yếu dẫn đến việc kết nối khu vực thông qua giáo dục.

Tân Cương cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển các Học viện Khổng Tử ở Trung Á. Trong số 12 Học viện Khổng Tử ở Trung Á có 7 học viện hợp tác với các trường đại học Tân Cương. Tại Kyrgyzstan, cả bốn Học viện Khổng Tử đều có đối tác ở Tân Cương. Quan hệ đối tác phản ánh sự ưu tiên phát triển phía Tây Trung Quốc thông qua hợp tác giáo dục đại học với Trung Á, và Tân Cương có một vai trò độc nhất trong chính sách quốc gia này.

Tân Cương có thể ở vị trí bất lợi trong việc tuyển sinh viên trong nước. Tuy nhiên, vùng này lại có lợi thế khu vực trong việc tuyển sinh từ các nước láng giềng. Ở cấp độ chính sách quốc gia, những lợi thế này được kỳ vọng hỗ trợ cho phát triển giáo dục đại học vùng biên giới Trung Quốc.

Điều này dẫn tới đâu?

Có thể nhận thấy ba điểm chính từ ảnh hưởng của OBOR đối với quan hệ giáo dục đại học giữa Trung Á và Trung Quốc.Thứ nhất, giáo dục phát triển theo sau những diễn văn ngoại giao văn hoá của Trung Quốc, nhấn mạnh vào việc xây dựng mối quan hệ giữa người với người thông qua giáo dục.Tuy nhiên, vẫn chưa rõ việc Trung quốc đầu tư vào giáo dục có góp phần làm chuyển đổi kinh tế của Trung Á hay không, ví dụ giúp cho khu vực từ tình trạng phụ thuộc vào ngành công nghiệp khai khoáng trở thành một nền kinh tế đa dạng.Thứ hai, trong công cuộc quốc tế hóa giáo dục đại học theo chiến lược OBOR các khu vực biên giới của Trung Quốc dường như lại là “những kẻ thành công âm thầm”, và Tân cương có lẽ sẽ còn phát triển hơn nữa. Thứ ba và quan trọng nhất, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục Trung Á có thể thách thức vai trò chi phối của Nga trong khu vực. Có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nga về ảnh hưởng kinh tế và chính trị, nhưng cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục và ý nghĩa của nó đối với sự chuyển đổi kinh tế, chính trị và văn hóa của Trung Á còn ít được biết đến.