Giảng dạy bằng tiếng Anh và Ứng dụng CNTT trong giáo dục đại học Nhật Bản – phân tích tính tương đồng

Annette Bradford là phó giáo sư Trường Quản trị Kinh doanh, Đại học Meiji, Tokyo, Japan. E-mail: bradford@meiji.ac.jp. Howard Brown là phó giáo sư Khoa Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển Khu vực, Đại học Niigata Prefecture, Niigata, Japan. E-mail: brown@unii.ac.jp.

Ở Nhật Bản cũng như nhiều nước khác trên thế giới, việc giảng dạy bằng tiếng Anh (EMI – English-medium Instruction) là một trong những nỗ lực của giáo dục đại học nhằm thu hút sinh viên quốc tế và thúc đẩy năng lực cạnh tranh toàn cầu của sinh viên. Được quan tâm và đầu tư từ chính phủ, do đó có thể giả định rằng EMI cóvai trò – có thể không phải là trung tâm – nhưng quan trọng trong giáo dục đại học Nhật Bản. Mặc dầu vậy, phát triển EMI không ít thách thức, và cũng không phải là nỗ lực duy nhất để quốc tế hoá. Có thể những gì chúng ta đang thấy là biểu hiện mới nhất của các vấn đề cấu trúc lâu dài trong giáo dục đại học Nhật Bản. Khi công nghệ thông tin (CNTT) được áp dụng trong giáo dục vào những năm 1990, các thủ tục quan liêu, thiếu hỗ trợ kỹ thuật và sự chống đối các phương pháp sư phạm mới đã làm giảm hiệu quả thực hiện. Những người đang tham gia triển khai EMI chắc chắn rất quen thuộc với những trở ngại này. Những điểm tương đồng rất rõ ràng và bằng cách nhìn vào ví dụ về CNTT, chúng ta có thể dự đoán EMI đang đi về đâu và có thể chỉ ra những điểm cần thay đổi trong cơ cấu.

Những tương đồng nổi bật nhất

Điểm tương đồng thứ nhất liên quan đến bối cảnh thực hiện. Trong cuộc cách mạng CNTT, nhu cầu đổi mới được thúc đẩy bởi cảm giác khủng hoảng, rằng Nhật Bản đã bị tụt hậu trong cuộc đua ứng dụng CNTT và cần phải khẩn trương bắt kịp. Các nhà tuyển dụng yêu cầu sinh viên tốt nghiệp phải có kỹ năng CNTT, ngoài tính độc đáo, khác biệt, sáng tạo, sáng kiến và năng lực lãnh đạo. Ngày nay, Nhật Bản đang phải đối mặt với những thách thức từ một xã hội bị toàn cầu hoá, nền kinh tế trì trệ và những thay đổi về nhân khẩu học; dự báo về khủng hoảng lại trở nên rõ ràng. Kinh doanh ngày nay đòi hỏi nguồn nhân lực có năng lực toàn cầu hơn trước: những người trẻ có kỹ năng giao tiếp tốt, hiểu biết về các nền văn hoá và giá trị khác nhau, sáng tạo trong công việc, hành động độc lập và có thể trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu.

Điểm tương đồng thứ hai là cách tiếp cận triển khai ở cấp quốc gia. Khi CNTT được đưa vào ứng dụng trong các trường đại học, ngân sách hỗ trợ cạnh tranh được cấp cho việc triển khai quy mô lớn ban đầu, và phần lớn nguồn lực được ưu tiên cho các trường đại học hàng đầu. Các trường đại học ít uy tín hơn ứng dụng CNTT chậm hơn và ở quy mô nhỏ, không có mục tiêu rõ ràng hoặc chiến lược phối hợp. Cũng giống như vậy, ngày hôm nay các Chương trình tài trợ Toàn cầu 30 và Tốp Toàn cầu chỉ cấp kinh phí để triển khai sáng kiến EMI cho một số ít trường đại học hàng đầu, phần lớn các trường đại học còn lại không nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ hoặc nằm trong kế hoạch chung.

Điểm tương đồng thứ ba thể hiện ở cấp cơ sở. Việc triển khai các sáng kiến CNTT ban đầu chủ yếu dựa vào tình nguyện viên và giảng viên. Phần lớn quản trị viên các dự án CNTT chỉ có kiến thức tổng hợp; thiếu nghiêm trọng nhân viên kỹ thuật lành nghề. Với sự hỗ trợ hạn chế này, lãnh đạo các khoa phải biến mình thành chuyên gia CNTT. Ngày hôm nay chúng ta có thể thấy tình trạng tương tự. Các hoạt động quốc tế hóa và các chương trình EMI được hỗ trợ bởi các quản trị viên không chuyên môn, nhiều người chỉ được giao nhiệm vụ ngắn hạn cho chương trình EMI. Hầu hết lãnh đạo EMI là giảng viên, không có kinh nghiệm và chỉ có kiến thức hạn chế về EMI. Trong 10 năm qua, họ phải tự học để trở thành chuyên gia.

Yếu tố thứ tư liên quan đến việc tập trung vào thực hiện mà thiếu tích hợp tổng thể. Khi triển khai sang kiến CNTT, các trường đại học tập trung vào việc đảm bảo đủ số lượng máy tính hơn là cách thức sử dụng máy tính phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Cho đến nay, hai thập kỷ sau khi vội vàng ứng dụng CNTT, có cơ sở hạ tầng được trang bị đầy đủ, nhưng trên thực tế Nhật Bản vẫn tụt hậu so với các nước khác về ứng dụng CNTT. Thiết bị và phần mềm có sẵn trong các trường đại học, nhưng việc đào tạo hoặc phát triển các phương pháp sư phạm hỗ trợ cho việc ứng dụng CNTT trong học tập và giảng dạy lại ít được quan tâm. Tương tự như vậy, việc hiện thực hoá EMI có đặc điểm là các quyết định đều dựa vào giả định đơn giản, chú trọng vào số lượng các lớp học bằng tiếng Anh và tỷ lệ sinh viên dịch chuyển, và giảng dạy theo cách đối phó tình thế. Những yếu tố có tính quyết định tổng thể như phát triển chương trình, môi trường ngôn ngữ, xã hội, và học thuật cho sinh viên, phát triển chuyên môn của giảng viên lại không nhận được sự quan tâm thích đáng.

Điểm tương đồng thứ hai là cách tiếp cận triển khai ở cấp quốc gia.

Điểm tương đồng cuối cùng và có tính bao trùm giữa CNTT và EMI cho thấy cả hai đã đi ngược với cấu trúc xã hội Nhật bản hiện hành. CNTT được xem là một sự bổ sung. Nó là một phân đoạn được thêm vào các tiền lệ hành chính và chương trình đào tạo hiện hành, chứ không phải là động lực để thay đổi cơ cấu bên trong các trường đại học hoặc môi trường xã hội rộng hơn. Nỗ lực phát triển một thế hệ mới các sinh viên chuyên về CNTT đi ngược lại ý tưởng về những gì các trường đại học phải làm ở bậc đại học là đào tạo tổng quát. Mâu thuẫn này cũng xuất hiện trong sáng kiến ​EMI. Trong nhiều trường hợp, EMI được triển khai để tạo ra một thế hệ trẻ có tư duy quốc tế. Mục tiêu này ngược lại với quan niệm về tầm quan trọng của bản sắc dân tộc Nhật Bản. Bộ Giáo dục đã nhiều lần nhấn mạnh rằng giáo dục đạo đức và sự hiểu biết sâu sắc về truyền thống và văn hoá Nhật Bản là điều kiện tiên quyết cho giáo dục toàn cầu. Điều này dẫn đến những nỗ lực đào tạo sinh viên biết nhìn ra thế giới bên ngoài, nhưng lại không được nhìn quá xa ra thế giới bên ngoài. Những thay đổi sâu sắc trong văn hóa trường đại học, trong cơ cấu hành chính và phương pháp sư phạm có thể đe doạ đến bản sắc, nhưng là cần thiết để EMI trở thành trung tâm của giáo dục đại học Nhật Bản, đang dần dần được chấp nhận.

Con đường phía trước

Kinh nghiệm thực hiện CNTT cho thấy những rào cản chính bắt nguồn từ những quyết định mà các trường đại học đưa ra khi họ thiết lập các hệ thống và chính sách mới. Hiện thực hoá CNTT và tích hợp hiệu quả sáng kiến này trong toàn trường có nghĩa là thay đổi sâu rộng hệ thống văn hoá và chính trị của tổ chức, là một viễn cảnh khó khăn. Thay vì thế, tập trung vào các vấn đề kỹ thuật hời hợt và chỉ tiêu của từng bộ phận, tránh những rắc rối lớn, là con đường dễ dàng hơn. Các trường đại học đã chọn con đường dễ hơn. Việc hiện thực hoá được tiến hành bằng những kế hoạch ngắn hạn và giải quyết vấn đề theo cách đối phó. Do đó, CNTT chưa bao giờ phát huy được hết tiềm năng của nó trong giáo dục đại học. Công nghệ truyền thông, quản lý thông tin và giáo dục trực tuyến vẫn được xem là kém phát triển trong các trường đại học Nhật Bản.

Những sáng kiến ​ EMI hiện nay thì sao? Mọi dấu hiệu cho thấy chúng ta lại chọn đi theo con đường dễ dàng tương tự – ra quyết định ngắn hạn, đối phó tình thế. Hai mươi năm sau, EMI có thể sẽ giống như CNTT hiện nay, ổn định với vai trò chỉ là một phần nội dung của giáo dục đại học, không đóng vai trò trung tâm và không tích hợp sâu vào văn hoá đại học. Nếu đó là những gì các bên liên quan đến EMI mong đợi, thì có thể họ đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, EMI ở Nhật vẫn còn rất mới và vẫn còn thời gian để các trường đại học xây dựng một con đường nhiều thách thức hơn. Nếu được tích hợp một cách hợp lý, EMI có tiềm năng tác động đến quá trình quốc tế hoá giáo dục đại học của Nhật Bản. Chúng ta có thể học hỏi từ kinh nghiệm của chương trình IT trước đây và xem xét những thay đổi cấu trúc cần thiết để đảm bảo không chỉ hiện thực thành công EMI mà còn thực sự tích hợp EMI.