Agustian Sutrisno là giảng viên của Đại học Công giáo Atma Jaya ở Jakarta và là học giả Thạc sỹ Fulbright thỉnh giảng tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: agustian.sutrisno@gmail.com.
Nhiều phân hiệu đại học quốc tế (IBC) được thành lập bời các trường đại học định hướng nghiên cứu trên quê hương của họ, như Monash University Malaysia và NYU Abu Dhabi. Cũng có những IBC ra đời từ nhu cầu thiết lập quan hệ đối tác giữa các trường đại học nước ngoài và địa phương; Đại học Xi’an Jiaotong-Liverpool ở Suzhou là một ví dụ về một IBC có trường đại học “mẹ” được phân loại là trường đại học nghiên cứu. Tuy nhiên, các IBC này thường không được xem là các trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu. IBC thường chỉ được coi là các cơ sở giảng dạy và không đủ năng lực để thực hiện nghiên cứu chuyên sâu.
Những yếu tố ngăn cản việc nghiên cứu tại các IBC
Có nhiều yếu tố khiến các IBC không tập trung cho nghiên cứu. Động lực ban đầu để thành lập các phân hiệu thường là lợi nhuận. Các trường đại học của hai quốc gia xuất khẩu IBC hàng đầu là Anh và Úc đối mặt với những khoản cắt giảm tài chính liên tục từ chính phủ nên phải tìm kiếm các nguồn tài chính bổ sung bằng cách thành lập IBC tại các nước châu Á và Trung Đông mới nổi. Nghiên cứu chuyên sâu đòi hỏi nguồn tài chính lớn nên hiếm khi được ưu tiên.
Các IBC khó nhận được sự hỗ trợ từ các chính quyền địa phương vì bị coi là thực thể “nước ngoài”. Chính phủ các nước chủ nhà cho phép thành lập IBC chủ yếu để thu hút phát triển giáo dục đại học cho nhu cầu chưa được đáp ứng. Các khóa học sau đại học cũng phần lớn hướng đến nâng cao kỹ năng nghề nghiệp – vì vậy hầu hết các IBC cung cấp các chương trình học tập không định hướng nghiên cứu. Về phía các nhà nghiên cứu tham gia vào hoạt động của các IBC, nhiều người trong số họ chỉ đến các nước có IBC một thời gian rất ngắn để cung cấp các khóa học chuyên sâu, mà không có cơ hội tiến hành nghiên cứu thực sự. Trong thời gian lưu trú nếu họ có thực hiện bất kỳ nghiên cứu thì đó thường chỉ là thu thập dữ liệu ngắn hạn. Còn phần lớn công việc nghiên cứu được thực hiện tại các quốc gia xuất khẩu IBC. Các công bố của họ gắn với tên tuổi các trường đại học “mẹ”.
Khi số lượng các IBC tiếp tục tăng lên, một số trở thành bộ phận đặc thù gắn bó lâu dài với nền giáo dục đại học địa phương, đặc biệt ở Malaysia. Sẽ là tự nhiên khi nghĩ rằng các cơ sở này bắt đầu có khả năng và nguyện vọng nghiên cứu. Lực lượng học thuật được tuyển dụng với thời hạn dài hơn và số giáo sư bay đến rồi bay đi từ các trường đại học “mẹ” giảm đi. Các giảng viên mới sẽ có cơ hội tốt hơn để làm nghiên cứu tại địa phương. Một số IBC cũng nhận được các khoản trợ cấp nghiên cứu từ chính phủ chủ nhà. Gần đây, chính phủ Trung Quốc và Malaysia, hai nước có nhiều IBC, đã thể hiện mong muốn rằng các phân hiệu này tập trung nhiều hơn cho nghiên cứu. Mặc dù đã xuất hiện nhiều cơ hội hơn, liệu trong tương lai các IBC này có trở thành các trường đại học nghiên cứu hay không?
Mô hình “Bộ ba-Helix” của Etzkowitz đặt mục đích xác định hình thức hoạt động của các trường đại học nghiên cứu vì lợi nhuận. Mô hình này đòi hỏi sự phối hợp của ba yếu tố then chốt: hỗ trợ từ chính phủ, nguồn nhân lực định hướng nghiên cứu trong các trường đại học và quan hệ đối tác với các ngành công nghiệp. Khi áp dụng mô hình này để phân tích IBC, quan hệ đối tác với các ngành công nghiệp có lẽ là vấn đề chính ngăn cản các IBC trở thành trường đại học nghiên cứu. Tất nhiên đây không phải là vấn đề của riêng IBC. Các trường đại học hàng đầu trong các nền kinh tế mới nổi cũng phải đối mặt với cùng một vấn đề. Việc thành lập IBC trong các khu công nghiệp hoặc đặc khu kinh tế không đảm bảo rằng các IBC sẽ có mối quan hệ chặt chẽ với các ngành công nghiệp mặc dù có vị trí địa lý gần nhau. Nhiều công ty đa quốc gia trong các đặc khu kinh tế có phòng nghiên cứu và phát triển nằm ở phía bên kia địa cầu. Họ không cần thực hiện nghiên cứu khoa học cơ bản tại địa phương. Do đó, mặc dù các chính quyền địa phương có thể dành ra khoản kinh phí đáng kể để thu hút các trường đại học nghiên cứu và IBC đến hoạt động tại lãnh thổ của họ, như cách một số nước giàu có của Vùng Vịnh đã làm, chỉ cấp kinh phí có thể không đủ để tạo ra mối quan hệ đối tác giữa trường đại học và ngành công nghiệp – một yếu tố then chốt hỗ trợ cho hoạt động của các trường đại học nghiên cứu ở nhiều nước phát triển.
Chính phủ các nước chủ nhà cho phép thành lập IBC chủ yếu để thu hút phát triển giáo dục đại học cho nhu cầu chưa được đáp ứng.
Các kịch bản khả thi
Với tình huống như vậy, giả định rằng các IBC không thể trở thành các trường đại học nghiên cứu liệu có chính xác? Có thể còn quá sớm để khẳng định IBC sẽ vẫn giữ nguyên tình trạng hiện tại của họ như các cơ sở giảng dạy. Ba kịch bản khả thi có thể thay đổi quan điểm của họ trong tương lai. Thứ nhất, các chính sách của chính phủ đối với IBC luôn thay đổi để phục vụ lợi ích quốc gia. Chính phủ các nước chủ nhà ngày càng nhận thức rõ một thực tế là việc cho phép các IBC hoạt động chỉ như những cơ sở giảng dạy đơn thuần không giúp nước chủ nhà trở thành các quốc gia công nghiệp hóa với nền kinh tế tri thức. Chính phủ chủ nhà có thể yêu cầu các IBC tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để hỗ trợ nhu cầu kinh tế và công nghiệp của họ. Mặc dù những yêu cầu này không nhất thiết khiến các IBC vận hành như các tổ chức nghiên cứu, những cơ sở kiên nhẫn sẽ cố gắng tuân thủ yêu cầu để duy trì sự hiện diện của họ. Nếu không, họ có thể phải từ bỏ những khoản đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương, và cũng bị thiệt hại về danh tiếng.
Kịch bản thứ hai, nhu cầu và cơ hội từ các ngành công nghiệp (cả trong nước và đa quốc gia) đối với nghiên cứu ứng dụng có thể đẩy nhanh sự chuyển đổi của các IBC. Ví dụ, một số ngành công nghiệp địa phương ở Trung Quốc đang nổi lên chiếm giữ vị trí toàn cầu với đủ kinh phí dành cho nghiên cứu và phát triển. Việc thành lập các IBC nhằm mục đích tiến hành nghiên cứu và chuyển giao công nghệ – như Technion Israel Institute of Technology tại Quảng đông và Moscow State University–Beijing Institute of Technology (MSU–BIT) University tại Thẩm Quyến – là minh chứng cho quan hệ đối tác giữa trường đại học của nước ngoài và ngành công nghiệp có thể thành hiện thực – nhờ vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và hệ sinh thái doanh nghiệp tại địa phương. Các IBC có thể khai thác các thế mạnh nghiên cứu của các trường đại học “mẹ” và các nhu cầu chuyển giao công nghệ của địa phương hoặc của các công ty đa quốc gia để thực hiện nhiều nghiên cứu hơn tại các nước chủ nhà.
Trong kịch bản thứ ba, khi nhu cầu đối với năng lực nghiên cứu tăng lên, các IBC sẽ bắt đầu cung cấp các chương trình nghiên cứu và tập trung vào nghiên cứu. Các nước như Malaysia và Trung Quốc hiện nay đang trải qua giai đoạn đại chúng hóa giáo dục đại học, có thể sớm bước vào giai đoạn khi yêu cầu đặt ra với hệ thống giáo dục đại học là cung cấp chương trình đào tạo nghiên cứu. Trong quá trình đại chúng hóa, các trường đại học trong nước trở nên thành thạo trong việc cung cấp các chương trình giảng dạy nhưng lại chưa chuẩn bị đầy đủ để cung cấp các chương trình nghiên cứu. Cùng với tham vọng của các chính phủ để trở thành các nền kinh tế dựa vào tri thức, chắc chắn sinh viên sẽ tìm đến các IBC để có được trình độ nghiên cứu. Tất nhiên vẫn còn cần thêm nhiều khảo sát thực tế để xác định xem các kịch bản nói trên hiện đang diễn ra thế nào trong thế giới thực.
IBC ở các nước đang phát triển chắc chắn sẽ thay đổi, nhưng để trở thành các trường đại học nghiên cứu hàng đầu, nếu có khả năng này, thì điều đó cũng sẽ không xảy ra trong tương lai gần. Tuy nhiên, có những lĩnh vực ngách trong nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ mà họ đủ khả năng xâm nhập để được các cộng đồng hàn lâm công nhận là trường đại học nghiên cứu. Điều này sẽ diễn ra theo những cách riêng tùy thuộc vào bối cảnh của các IBC, mà không chịu tác động của các trường đại học “mẹ”.