Vai trò công ích của giáo dục đại học đang bị chỉ trích?

 

Ellen Hazelkorn là giáo sư danh dự và cựu giám đốc của Cơ quan nghiên cứu chính sách giáo dục đại học (HEPRU), Ireland, và là nhà đồng nghiên cứu quốc tế tại Trung tâm Giáo dục Cao cấp Toàn cầu, ESRC/HEFCE, London, Anh. E-mail: ellen.hazelkorn@dit.ie.

Giáo dục đại học thường được coi là phục vụ lợi ích công chúng, đặc biệt là khi được chính phủ tài trợ trực tiếp, và bởi vì ngành này đem lại lợi ích cho cá nhân và xã hội. Giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực, sự đổi mới và tinh thần kinh doanh để thúc đẩy và duy trì các tham vọng của cá nhân, xã hội và kinh tế và sự phát triển – những yếu tố cần thiết làm nền tảng cho xã hội dân sự. Như vậy, tồn tại một thỏa thuận bất thành văn để cân bằng sự hỗ trợ của công chúng thông qua thuế và chính sách công, để đổi lấy sự tự chủ về mặt thể chế.

Việc tồn tại các trường đại học công lập và được cấp đất cho giáo dục đại học – ở Anh, Hoa Kỳ và các quốc gia khác – là một ví dụ về sự cân bằng này. Trường đại học được thành lập để thực hiện các “mục tiêu công”, và đội ngũ học giả giữ một vai trò to lớn trong việc xác định và khẳng định chất lượng và giá trị. Có một giả thuyết cơ bản rằng bằng cách đại diện và quảng bá lợi ích công thông qua giảng dạy, nghiên cứu và cung cấp dịch vụ, tự thân các hoạt động và kết quả của các trường đại học (công lập) đã là lợi ích công cộng.

Ngày nay, nhiều giả định vốn là nền tảng để công chúng ủng hộ đầu tư giáo dục đại học đã không còn đứng vững. Vào thời điểm nhu cầu giáo dục đại học ngày càng cao, nhiều người cảm thấy bị bỏ lại phía sau vì không theo kịp những kỳ vọng của xã hội và cá nhân. Sự thiếu bình đẳng trong phân phối lợi ích xã hội còn đi kèm với nhận thức rằng phần còn lại của thế giới đang làm tốt hơn. Lợi ích từ kinh tế và nghiên cứu, phát triển và cải tiến (RDI) không có tác động vượt ra ngoài các đô thị lớn. Hơn nữa, chúng ta đang cạnh tranh với các thành phố và quốc gia mà trước đây hầu hết chúng ta chưa bao giờ biết hoặc tính đến.

Các cuộc điều tra ở Anh và Hoa kỳ cho thấy các trường đại học và giảng viên dường như quan tâm đến lợi ích của chính mình nhiều hơn là việc học tập hoặc kết quả của sinh viên. Trong khi cộng đồng các trường đại học bị ám ảnh bởi vị trí của mình trong bảng xếp hạng toàn cầu, thì chưa đến 1% sinh viên Mỹ nhập học vào các trường đại học chọn lọc cao như Harvard và Yale, và chỉ 9% sinh viên Anh quốc nhập học Oxbridge hoặc các trường đại học của Tập đoàn Russell. Những viễn cảnh tương phản trên thế giới được minh chứng trong các kết quả bầu cử gần đây tại Anh, Hoa Kỳ và Pháp, và căng thẳng xã hội gia tăng ở nhiều nơi khác nữa. Điều này cho thấy có một khoảng cách ngày càng rộng giữa những trường đại học và người dân sống ở các thành phố lớn và các khu vực và cộng đồng ở nông thôn.

Căng thẳng giữa giáo dục đại học và xã hội

Ở châu Âu và các nơi khác, giáo dục đại học đang chịu áp lực.

  • Ở Hoa Kỳ, theo truyền thống, kiểm định là trách nhiệm chung của “bộ ba” bao gồm chính phủ liên bang, cơ quan kiểm định khu vực và chính quyền bang với sự hỗ trợ quan trọng của cộng đồng học thuật. Vai trò của chính phủ liên bang tương đối nhỏ. Tuy nhiên, qua nhiều năm, công chúng ngày càng quan ngại nhiều hơn về tỷ lệ hoàn thành chương trình học và khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên, đặc biệt trong bối cảnh cả học phí đại học và nợ của sinh viên đều tăng lên. Chính quyền Obama đã tạo ra Thẻ điểm đại học “để buộc các trường đại học chịu trách nhiệm về học phí, giá trị và chất lượng” và để công chúng có thể giám sát công khai các hoạt động của giáo dục đại học. Ngoài ra, quốc hội cũng có một số hành động nhằm thắt chặt hoạt động kiểm định nói chung và hoạt động của các tổ chức kiểm định.
  • Vương quốc Anh đã công bố phiên bản đầu tiên của Khung giảng dạy xuất sắc (TEF). Mục đích của Khung này là cung cấp cho sinh viên những thông tin tốt hơn về chất lượng của các chương trình bằng cấp và nâng cao trình độ giảng dạy. Ở một chừng mực nào đó, TEF thay thế cho hoạt động bảo đảm chất lượng trước đó (QA), thường vẫn lập ra các báo cáo dài lê thê cho các trường và do đó không phù hợp để đo lường và so sánh quá trình và kết quả học tập của sinh viên. QA thường bị chỉ trích vì quá quan liêu và vì cách đánh giá máy móc (tick-boxing). Những điều này góp phần làm mất lòng tin và lại tạo ra khoảng cách mà bảng xếp hạng trước đó đã lấp đầy. TEF đáp ứng một loạt các nhu cầu và lợi ích, bao gồm cả một hệ thống chính trị và công chúng hoài nghi hơn, và một thị trường giáo dục đa dạng.
  • Chính phủ Ireland đã đề ra tầm nhìn về giáo dục đại học trong Chiến lược Quốc gia về Giáo dục Đại học đến năm 2030 (2011). Được hình thành bởi một nhóm chuyên gia và có sự tư vấn dài hạn, Chiến lược này đưa ra khái niệm “hệ thống là một tổng thể thống nhất”, trái ngược với quan điểm vẫn được các bảng xếp hạng truyền bá thường đề cao hiệu suất của các tổ chức riêng rẽ. Chiến lược cũng thừa nhận những hạn chế về quy mô và ngân sách của đất nước. Chính phủ tìm cách buộc các trường đại học báo cáo hoạt động thông qua một quá trình thương lượng được gọi là “Đối thoại chiến lược” để đảm bảo sự liên kết tốt hơn giữa sứ mệnh và kết quả thực hiện của các trường với các mục tiêu chính sách quốc gia. Một chiến lược ưu tiên nghiên cứu cũng đã được thông qua, liên kết nguồn tài trợ cho các ngành công nghiệp then chốt.

 

Ngày nay, nhiều giả định vốn là nền tảng để công chúng ủng hộ đầu tư giáo dục đại học đã không còn đứng vững.

 

  • Ở Hà Lan, trong vài thập kỷ vừa qua, hàng loạt các sự kiện đã dẫn đến việc chính phủ can thiệp ngày càng nhiều hơn, với ý định làm cho các trường đại học hiệu quả hơn và đưa ra nguyên tắc quy hoạch khoa học dài hạn. Điều này xuất phát từ mối lo ngại về sự phân hóa giữa các trường và kết quả học tập của sinh viên, đặc biệt về việc hệ thống đang duy trì kém và không có khả năng đáp ứng các nhu cầu đa dạng của sinh viên và thị trường lao động. Các trường đại học nói chung và các trường đại học khoa học ứng dụng đã ký thỏa ước chiến lược tập thể với các bộ liên quan của chính phủ thông qua các hiệp hội trường đại học và trong khuôn khổ do các hiệp hội xây dựng trước đó. Những thoả thuận của các tổ chức giáo dục đại học riêng rẽ bao gồm các tuyên bố và mục tiêu liên quan đến cấu trúc hệ thống, hồ sơ thể chế và chương trình đào tạo, và liên quan đến nguồn tài trợ.

Phải chăng đã đến lúc cần một khế ước xã hội mới?

Những ví dụ này chỉ là một vài minh hoạ về căng thẳng gia tăng giữa giáo dục đại học và xã hội, thường được mô tả như sự đối lập giữa trách nhiệm giải trình (trước xã hội) và quyền tự chủ (thể chế), mâu thuẫn đang trở nên rõ ràng hơn, và đôi khi gây tranh cãi. Các sự kiện và quyết định đáng lo ngại gần đây ở Hungary, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ phơi bày một loạt các rạn nứt khác nhau. Tuy nhiên, một cách tổng thể, những trường hợp này đều đặt ra câu hỏi về vai trò của giáo dục đại học trong xã hội hiện nay và cách thức chính phủ, công chúng và trường đại học xác định “lợi ích công cộng” trên thực tế.

Sự “xâm nhập” của chính phủ vào các lãnh địa truyền thống liên quan đến tự chủ học thuật, như tập trung vào quá trình và kết quả đầu ra, thường được giới thiệu như bằng chứng về quản lý công kiểu mới (tự quản). Gần đây hơn, tư duy và những chính sách theo tinh thần dân tộc và chủ nghĩa bài ngoại đã đặt giáo dục đại học đối lập với các chính phủ, khi tuyên truyền vận động để hạn chế người nước ngoài, ngăn cản đa văn hóa và hoài nghi các giá trị xã hội tự do. Những phát triển mang tính “ý thức hệ” này cho phép cộng đồng hàn lâm bỏ ngoài tai những lời chỉ trích thực sự, do đó càng khiến công chúng lo ngại hơn về tính kiêu ngạo và chủ nghĩa biệt lập của giáo dục đại học.

Một lần nữa Ireland là một trường hợp thú vị. Một trường đại học không giải trình được trước những cáo buộc chính đáng về những bất thường tài chính bị tiết lộ cho công chúng, điều này đã dẫn đến việc toàn bộ ngành giáo dục đại học bị thanh tra. Đáp lại, các trường đại học lập luận rằng việc giảm nguồn tài chính công đã khiến các trường công chuyển đổi thành trường tư, do đó mô hình quản trị cũng thay đổi. Tuy nhiên, khi làm như vậy, các trường đại học đã biến vai trò “công ích” thành một quan hệ giao dịch, và đã thành công trong việc tạo ra một mớ bòng bong.

Trong những thập kỷ gần đây, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi đáng kể trong hình thức quản trị, từ quy định nghiêm ngặt đến quản lý từ xa, và giờ đây xuất hiện những dấu hiệu của một khế ước xã hội mới. Mô hình thứ hai có được khi các tổ chức giáo dục đại học và các chính phủ có chung tầm nhìn và thống nhất về các kết quả dự kiến. Mô hình này, không kể những thứ khác, đang được thực hiện ở Úc, Hồng Kông, Ailen, Hà Lan, New Zealand, Na Uy và Ontario. Quá trình này cho thấy các mục tiêu khác nhau không nhất thiết loại trừ lẫn nhau, và việc đáp ứng nhu cầu xã hội có thể mang lại tính hợp pháp cho các mục tiêu của giới học thuật theo nghĩa rộng hơn.

Trước đây nhà nước đáp ứng nhu cầu của các trường đại học, còn ngày nay – trong thời đại toàn cầu hóa và giáo dục đại học gần như phổ cập – các tổ chức giáo đại học phải đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong hoàn cảnh mới này, giáo dục đại học có thể chọn cách thực sự tham gia vào việc cùng xây dựng khế ước xã hội mới hoặc nhà nước sẽ nhận lấy trách nhiệm đó hoàn toàn.