“Tự do ngôn luận” và “sử dụng từ ngữ xúc phạm” trong trường đại học

 

Peter Scott là giáo sư nghiên cứu giáo dục đại học tại Học viện Giáo dục và Đào tạo của Đại học London, Vương quốc Anh. Ông cũng là Ủy viên của tổ chức Fair Access for Scotland. E-mail: p.scott@ioe.ac.uk.

Những hành động đe doạ tự do ngôn luận và tự do học thuật diễn ra khắp mọi nơi, dưới các chế độ độc tài ở Trung Quốc, Hungary, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, và trong các quốc gia Trung Đông đang bị bao vây bởi chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, cho đến các nhà dân chủ cánh hữu, những người tin rằng nền văn hoá và cộng đồng của họ đang bị tấn công (và họ thường coi các trường đại học như những pháo đài của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa thế giới).

Ngay cả những người theo chủ nghĩa tự do cũng tham gia vào hành động này. Các sinh viên tại Đại học Yale và Đại học Princeton đã vận động để các tòa nhà trong khuôn viên trường được đổi tên, một trong những mục tiêu của họ là Tổng thống Woodrow Wilson, tác giả của “Mười bốn điểm” – những nguyên tắc tự do hoàn hảo đã khiến chấm dứt Thế chiến thứ nhất. Sau thành công của sinh viên tại Cape Town, sinh viên của Đại học Oxford đã cố gắng sao chép chiến dịch “Hạ bệ Rhodes”, mặc dù bức tượng Cecil Rhodes quá cố – người theo chủ nghĩa đế quốc thời Victoria chỉ là một tác phẩm khiêm tốn trên bức tường của Oriel College.

Sự thay đổi cuối cùng và quan trọng nhất là sinh viên trong các hệ thống giáo dục đại chúng của thế kỷ 21 có nền tảng xuất phát đa dạng hơn rất nhiều so với các hệ thống đại học ưu tú trước đây.

Những phản ứng chính trị sai lầm

Ngay cả trong các nền dân chủ, những phản ứng chính trị cũng lẫn lộn. Ví dụ, ở Anh Quốc, chính phủ đã ban hành luật yêu cầu lãnh đạo các trường đại học đảm bảo tự do ngôn luận cho những người không được ưa thích (thuộc cánh hữu?) và ngăn cản các chiến dịch “thiếu nền tảng” chống lại họ. Tuy nhiên, luật này đồng thời cũng nhấn mạnh rằng lãnh đạo các trường đại học phải ngăn cấm những nỗ lực tuyên truyền cải đạo sinh viên của những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, thậm chí phát minh ra các phạm trù tư tưởng dân chủ mới chưa từng được biết đến, như “chủ nghĩa cực đoan bất bạo động”.

Sự thật là “tự do ngôn luận” và “phát ngôn phải đạo” không bị nhìn nhận là các nguyên tắc đối lập, mà là một phần trong giải quang phổ. Những người đủ nhận thức đều hiểu rằng tự do ngôn luận không phải là tuyệt đối: trước tiên, bởi vì không ai có quyền hô “Bắn” trong một rạp chiếu phim đông đúc (hoặc sử dụng ngôn từ có tính phân biệt chủng tộc trong một trường đại học đa văn hóa?); và thứ hai, vì tự do ngôn luận vẫn luôn được tuân thủ trong khuôn khổ pháp luật. Thật vậy, một số những người ủng hộ tích cực nhất lập luận rằng chính quy tắc pháp luật đảm bảo cho tự do ngôn luận.

Bối cảnh thay đổi

Thay vì cố gắng thiết lập một số nguyên tắc tuyệt đối, có lẽ xác định một số xu hướng có ảnh hưởng đến cuộc tranh luận này sẽ là hữu ích hơn. Thứ nhất, hiện đang có và trước đây vẫn luôn luôn diễn ra những cuộc tranh luận hợp pháp về lợi ích (tuyệt đối) của khoa học. Trong quá khứ, sự phản đối nhằm vào việc áp dụng khoa học nhiều hơn là chính khoa học. Giờ đây, một số nghiên cứu còn đi xa hơn nữa. Nghiên cứu tế bào gốc và hệ gen của con người chắc chắn đang làm dấy lên những hoài nghi về quyền tự chủ, và thậm chí về sự thánh thiện của sự tồn tại của con người. Trí thông minh nhân tạo (và một số khía cạnh của khoa học nhận thức) cũng phần nào khơi lên những hoài nghi như vậy.

Sự dịch chuyển thứ hai hướng đến một môi trường toàn cầu lộn xộn hơn, nhiều rạn vỡ, khó đoán, và luôn thay đổi ý thức hệ. Những ngày hoàng kim của hậu chiến 1989, khi Francis Fukuyama tuyên bố “lịch sử chấm dứt”, đã trở thành ký ức xa vời. Cuộc chiến giữa các hệ tư tưởng lại hồi sinh với sự nổi lên của cái gọi là “chủ nghĩa dân túy” – với Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ; Anh quốc quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu; gia tăng sự thống trị chính trị của Putin, của Erdogan, và những người khác. Những sự kiện đáng lo ngại này chắc chắn tác động đến bầu không khí trong các trường đại học và kích động những cuộc tranh luận gay gắt hơn về “tự do ngôn luận” và “phát ngôn phải đạo”.

Những điều này đều liên quan đến thay đổi lớn thứ ba, sự nổi lên của cái gọi là chính trị “bản sắc”. Ngoài các dấu hiệu nhận dạng xã hội truyền thống như quốc tịch, tôn giáo, dân tộc, giới tính và tầng lớp kinh tế xã hội, đã xuất hiện thêm những dấu hiệu nhận dạng mới, một số đã được xác định (một cách hợp lý), như khuynh hướng tình dục, trong khi một số khác vẫn mơ hồ, như các dấu hiệu liên quan đến sở thích lối sống và thói quen văn hoá. Khuôn viên trường đại học thường là nơi để các dấu hiệu nhận dạng xã hội mới, thậm chí các dấu hiệu mang tính thực nghiệm, được tuyên bố mạnh mẽ nhất. Những người có xu hướng xã hội, văn hoá, thậm chí tình dục lệch chuẩn không còn gặp phải sự kỳ thị nữa.

Sự thay đổi cuối cùng và quan trọng nhất là sinh viên trong các hệ thống giáo dục đại chúng của thế kỷ 21 có nền tảng xuất phát đa dạng hơn rất nhiều so với các hệ thống đại học tinh hoa trước đây. Hệ thống giáo dục đại học ở hầu hết các nước tiên tiến, cùng với mọi khiếm khuyết của nó, đã trở thành các hệ thống “cầu vồng” nhiều màu sắc phản ánh sự đa dạng của chính xã hội mà nó đang tồn tại bên trong.

Sự đa dạng này có ý nghĩa quan trọng đối với các cuộc tranh luận về “tự do ngôn luận” và “phát ngôn phải đạo”. Lần đầu tiên, phần lớn nhờ vào việc tái điều chỉnh ngôn ngữ sử dụng trong những cuộc tranh luận này, những người thuộc thành phần xã hội kém may mắn được hiện diện trong khuôn viên trường đại học, và thường là với lực lượng đông đảo. Các giá trị tự do cổ điển một thời được chấp nhận là phổ quát và tuyệt đối, giờ đây dường như bị coi là có tính thiên vị và đảng phái. Những phát biểu tự do nào tỏ ra đe dọa nhận dạng hoặc văn hoá của những người nói trên, thậm chí chỗ đứng vẫn còn bấp bênh của họ trong giáo dục đại học cũng dễ dàng bị coi là không thể chấp nhận.

Trách nhiệm của các trường đại học

Những thay đổi này tác động đến giọng điệu của cuộc tranh luận về “tự do ngôn luận” và “phát ngôn phải đạo”, từ đó có thể rút ra hai kết luận. Đầu tiên là không có tự do tuyệt đối. Chưa từng có một xã hội nào cho phép công dân của mình có quyền tự do ngôn luận không bị giới hạn. Không một trường đại học nào – mặc dù các trường đại học nên tạo ra một không gian cho phép quyền tự do đó được sử dụng hết mức (thậm chí đôi khi vượt qua) các giới hạn pháp lý và xã hội bắt buộc – lại cho phép “mọi thứ” xảy ra trong khuôn viên trường. Mặt khác, mặc dù sự nhạy cảm và tính dễ bị tổn thương nên được tôn trọng, có những giới hạn rõ ràng về mức độ nhượng bộ nếu quyền tự do đặt câu hỏi và tìm hiểu tri thức có nguy cơ bị cản trở nghiêm trọng. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách thực tế và cố gắng đạt được sự cân bằng đúng đắn – sự cân bằng khác nhau ở những nơi khác nhau và trong những thời điểm khác nhau.

Kết luận thứ hai là các trường đại học nên được chuẩn bị đặc biệt tốt để xử lý những chuyển dịch cân bằng này. Tự do biểu đạt, dưới hình thức những câu hỏi có tính phê phán, là giá trị cốt lõi của nền học thuật. Một nền giáo dục đại học được thiết kế để cung cấp các chuyên gia kỹ thuật cũng như các công dân biết phê phán, phụ thuộc vào giá trị này. Khoa học tiến bộ và tri thức khai sáng cũng vậy. Nhưng sự tiết chế ngôn từ và tôn trọng lẫn nhau trong một cộng đồng học thuật cũng là những thành phần cốt lõi của kinh nghiệm thực tế trong các trường đại học – mặc dù không nên được nhắc đến quá nhiều để tránh làm tổn thương những người nhạy cảm hoặc vô tình khuyến khích những kẻ có khuynh hướng kiểm duyệt.