Tính đa dạng ngày càng tăng trong giáo dục đại học ở Ấn Độ và các thách thức

Nidhi S. Sabharwal là phó giáo sư, và C. M. Malish là giáo sư trợ giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Đại học tại Đại học Kế hoạch và Quản lý Giáo dục Quốc gia ở New Delhi, Ấn Độ. E-mail: nidhis@nuepa.org và malishcm@nuepa.org.

Trong những thập niên gần đây Giáo dục đại học ở Ấn Độ được mở rộng chưa từng thấy. Với số sinh viên đăng ký là 34 triệu và tỷ lệ nhập học chung là 24% vào năm 2016, Ấn Độ đang trong giai đoạn đại chúng hóa giáo dục đại học. Quá trình đại chúng hóa cũng kèm theo sự đa dạng ngày càng tăng trong thành phần sinh viên. Một số lượng lớn học sinh từ các nhóm chịu thiệt thòi hay bị xã hội khinh miệt, như những người bị coi là “tiện dân” và từ các đẳng cấp thấp khác, từ các gia đình nghèo và các vùng nông thôn, đang bước vào giảng đường đại học và điều này làm thay đổi thành phần xã hội của các trường đại học Ấn Độ. Ngày nay, đa số giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học vẫn có nguồn gốc từ các tầng lớp xã hội đặc quyền, trong khi đa số sinh viên thuộc các hoàn cảnh khó khăn. Đây là một căn nguyên tạo ra sự căng thẳng và làm nảy sinh thêm những thách thức trong việc giải quyết vấn đề gia tăng sự đa dạng sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học.

Hiểu được sự đa dạng trong giáo dục đại học Ấn Độ

Trung tâm Nghiên cứu Chính sách về Giáo dục Đại học đã hoàn thành một nghiên cứu chính về sự đa dạng và phân biệt đối xử. Nó dựa trên các dữ liệu thực nghiệm quy mô lớn, từ một cuộc điều tra dựa trên bảng câu hỏi khảo sát với 3200 sinh viên, phỏng vấn 200 giảng viên, và 70 cuộc thảo luận nhóm tập trung với sinh viên các cơ sở giáo dục đại học trên khắp các tỉnh-thành phố của Ấn Độ. Nghiên cứu này là một trong những phân tích thực nghiệm chi tiết đầu tiên về chủ đề này ở Ấn Độ. Nghiên cứu cho thấy sự cần thiết phân loại hiện tượng này thành các giai đoạn riêng biệt nhưng liên quan để hiểu vấn đề đa dạng và để bắt đầu các bước phát triển các trường đại học gồm nhiều thành phần sinh viên. Các phân loại được mô tả trong các phần dưới đây.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng những khác biệt về đẳng cấp xã hội và khả năng học tập trở thành nguồn gốc của thành kiến và kỳ thị trong các học xá.

Giai đoạn I: Đa dạng trong thành phần xã hội

Thành phần xã hội đa dạng là hình thức dễ thấy nhất trong các thể hiện của tính đa dạng sinh viên và có thể đo lường được. Sự đa dạng trong thành phần xã hội được phản ánh qua tỷ lệ nhập học của sinh viên từ các đẳng cấp xã hội khác nhau: các đẳng cấp thấp kém (SC); các bộ lạc thấp kém (ST); các đẳng cấp lạc hậu khác (OBC); và các đẳng cấp cao hơn. Bằng chứng thực nghiệm cho thấy tỷ lệ sinh viên từ các nhóm bị xã hội loại trừ (SC, ST, và OBC) đã tăng lên, khiến cho các trường đại học đa dạng hơn. Chúng tôi cho rằng sự thay đổi thành phần sinh viên chủ yếu là do các chính sách ưu tiên và hệ thống hạn ngạch được thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, những xu hướng này không phải là phổ biến. Các trường đại học ưu tú – thực hiện chính sách tuyển sinh chọn lọc dựa trên các kỳ thi mang tính cạnh tranh – thường nhận vào học các sinh viên từ các nhóm đặc quyền cao hơn nhiều. Các trường đại học này vẫn không đa dạng và tiếp tục phân chia sinh viên vào các ngành học dựa trên đẳng cấp và sắc tộc. Ví dụ, trong những cơ sở giáo dục tuyển sinh dựa trên điểm thi cạnh tranh tỷ lệ sinh viên xuất thân từ các đẳng cấp xã hội cao là hơn 60%, trong khi tỷ lệ sinh viên xuất thân từ những tầng lớp thấp hơn, chẳng hạn như SC, là rất thấp, chỉ 9%. Vì hầu hết các tổ chức này chuyên đào tạo các ngành STEM, chính sách tuyển sinh có chọn lọc cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc lựa chọn chương trình học và cơ hội việc làm cũng như thu nhập sau khi tốt nghiệp.

Giai đoạn II: Đa dạng trong học thuật

Trong khi giai đoạn I đề cập đến các vấn đề đa dạng ở cấp độ nhập học, giai đoạn II phản ánh những gì xảy ra bên trong lớp học và ảnh hưởng đến kết quả học tập. Do sự khác biệt trong các điều kiện học tập trước khi vào đại học, sinh viên từ các nhóm xã hội thiệt thòi thường hạn chế trong khả năng cạnh tranh với các sinh viên có nguồn gốc đặc quyền. Nhiều sinh viên thuộc hoàn cảnh khó khăn là thế hệ đầu tiên trong gia đình được tiếp cận giáo dục đại học; trước đó họ học phổ thông trong các trường học của chính phủ, nơi ngôn ngữ địa phương được sử dụng trong giảng dạy, và có rất ít cơ hội nhận hỗ trợ học phí, nên họ không có được trình độ học vấn cần thiết cho sự thành công trong trường đại học.

Thái độ của giảng viên đại học không phải lúc nào cũng giúp những sinh viên từ các nhóm xã hội thiệt thòi vượt qua những khó khăn họ phải đối mặt. Nhiều giảng viên có khuynh hướng tin rằng tỷ lệ sinh viên từ các nhóm thiệt thòi tăng lên là nguyên nhân dẫn đến chất lượng học tập kém hơn. Đối với họ, những sinh viên từ tầng lớp “tiện dân” là loại “đầu đất” trong lớp học. Liên hệ thiếu hiệu quả giữa giảng viên-sinh viên ảnh hưởng tiêu cực đến việc hội nhập học thuật của sinh viên từ các nhóm thiệt thòi. Do đó, chúng tôi cho rằng ngay cả khi học sinh từ các nhóm thiệt thòi được nhận vào các cơ sở giáo dục đại học, họ sẽ không thể cạnh tranh với người khác trừ khi môi trường và điều kiện học tập có tính hỗ trợ. Nói cách khác, ngay cả khi sự đa dạng trong giai đoạn I đạt được, sự đa dạng trong giai đoạn II có thể vẫn là một giấc mơ xa vời.

Giai đoạn III: Hòa nhập xã hội

Giai đoạn thứ ba của sự đa dạng phản ánh mức độ hòa hợp xã hội trong các trường đại học có sinh viên xuất thân từ những đẳng cấp thấp. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng những khác biệt về đẳng cấp xã hội và khả năng học tập trở thành nguồn gốc của thành kiến và kỳ thị trong các học xá.

Các định kiến và khuôn mẫu liên quan đến đẳng cấp và sắc tộc là phổ biến và dẫn đến những hình thức phân biệt cả rõ ràng và kín đáo trong và ngoài lớp học. Giảng viên dành cho những sinh viên thuộc những đẳng cấp xã hội thấp ít thời gian hơn cả ở trong và ngoài lớp học để thảo luận về các vấn đề học tập và không khuyến khích họ tổ chức hoặc tham gia vào các sự kiện học thuật hay ngoại khóa. Những sinh viên kém may mắn này thường gặp phải thái độ khinh miệt khi tương tác với các cấp quản lý. Gọi họ bằng những từ miệt thị như sarkari damad (“học sinh đặc biệt của chính phủ được ưu tiên vào đại học”), hay “loại đặt trước” và đưa ra làm trò cười là những hành động phân biệt phổ biến. Điệu bộ, giọng nói, và cách ăn mặc của họ đều có thể bị nhạo báng trong khuôn viên trường. Lo sợ trước sự kỳ thị khiến các sinh viên SC và ST lập thành các nhóm riêng có cùng địa vị xã hội, khiến họ càng thêm xa lánh khỏi bộ phận sinh viên nói chung.

Mặc dù các trường đại học đều có cơ chế thúc đẩy sự đa dạng và bảo vệ sinh viên trước sự phân biệt đối xử, trong nhiều trường hợp những sắp xếp này không hiệu quả. Điều này chủ yếu do sự thiếu nhạy cảm của các giảng viên và các nhà quản lý đại học trước các vấn đề liên quan đến sự đa dạng và phân biệt đối xử. Những hành động phân biệt, không nghi ngờ gì nữa, đang cô lập sinh viên từ các nhóm thiệt thòi và dẫn đến việc loại trừ về mặt xã hội. Những sinh viên này đang phải đối mặt với mặc cảm không được chào đón và các trường đại học vẫn không chấp nhận họ. Tất cả những vấn đề này đặt ra những thách thức lớn trong việc nhận ra tiềm năng từng cá nhân và đạt được sự xuất sắc của toàn thể.

Kết luận

Có thể lập luận rằng có khoảng cách lớn giữa các chính sách mở rộng giáo dục đại học và năng lực của các trường đáp ứng sự đa dạng sinh viên ngày càng tăng. Phân loại đa dạng của các giai đoạn khác nhau và xác định các vấn đề ở từng giai đoạn giúp xác định các lĩnh vực cần can thiệp và chiến lược để phát triển các trường đại học mở rộng cho nhiều thành phần xã hội tại Ấn Độ. Các nhà lãnh đạo và quản lý đại học cần hiểu được động lực của sự đa dạng sinh viên và nhìn nhận sự đa dạng ngày càng tăng như một tài sản mà không phải là trách nhiệm, để phát triển các trường đại học có sự hòa nhập xã hội ở Ấn Độ.