Sứ mệnh văn hoá của các trường đại học hàng đầu Đông Á

Rui Yang là giáo sư và là Phó Giám đốc về hợp tác xuyên biên giới và quốc tế tại Khoa Giáo dục, Đại học Hồng Kông, Trung Quốc. E-mail: yangrui@hku.hk.

Các bảng xếp hạng trường đại học mới công bố củng cố quan niệm rằng Đông Á đang nhanh chóng trở thành khu vực siêu cường giáo dục đại học tiếp theo. Với những truyền thống độc đáo, Đông Á cố gắng bản địa hoá khái niệm phương Tây về một trường đại học vốn thống trị thế giới trong nhiều thế kỷ. Hệ thống giáo dục đại học ở Đông Á vẫn đang dè dặt tìm kiếm một mô hình thay thế có thể kết hợp cả truyền thống Đông và Tây. Một thử nghiệm như vậy có ý nghĩa quan trọng về mặt lý thuyết và thực tiễn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về phát triển giáo dục đại học của Đông Á hóa ra khó khăn hơn nhiều so với dự tính. Bài viết này đề cập đến những phát hiện từ một nghiên cứu gần đây do Hội đồng Tài trợ Nghiên cứu Hồng Kông hỗ trợ với tiêu đề “Tích hợp các truyền thống giáo dục đại học Trung Quốc và phương Tây: Phân tích so sánh chính sách của các trường đại học tìm kiếm đẳng cấp thế giới ở Trung hoa đại lục, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore” (751313H).

Đánh giá những phát triển gần đây

Hệ thống giáo dục đại học Đông Á được cải thiện nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Một hệ thống giáo dục đại học hiện đại được hình thành trên toàn khu vực. Đông Á đã trở thành khu vực giáo dục đại học, khoa học và đổi mới lớn thứ ba thế giới. Nhật Bản từ lâu đã là một công xưởng sản xuất khoa học và công nghệ tầm cỡ thế giới; Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore tăng trưởng rất ấn tượng trong nghiên cứu – và Đài Loan cũng không thua kém nhiều. Ở cấp độ trường, các trường đại học nghiêm túc coi chất lượng nghiên cứu toàn cầu là tiêu chuẩn hoạt động của họ. Sự phát triển như vậy thậm chí còn đáng chú ý hơn nếu so sánh với các xã hội phi phương Tây khác.

Tuy nhiên, người ta có thể trở nên hoài nghi khi đánh giá tương lai phát triển của khu vực. Một số trường đại học ở Đông Á đang bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ nhất, nhảy vọt lên trước để gia nhập vào đội ngũ các trường đại học hàng đầu thế giới. So với những khu vực khác, mặc dù các trường đại học ở Ðông Á đã có những tiến bộ to lớn về mặt khối lượng và chất lượng nghiên cứu, nhìn chung họ vẫn tụt hậu so với các trường đại học tốt nhất ở phương Tây. Nhìn chung, khái niệm “đẳng cấp thế giới” ở Đông Á vẫn là sự bắt chước hơn là sáng tạo. Tài chính và các nguồn lực khác, kết hợp với một số chiến lược đổi mới, chỉ có thể đưa họ đạt đến tầm mức nào đó. Không lâu nữa họ sẽ chạm đến giới hạn gọi là “trần kính”.

Các nghiên cứu về cải cách giáo dục đại học chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của kinh tế và chính trị. Trong đó vẫn thiếu vắng một quan điểm văn hoá có thể khiến truyền thống tác động đến sự phát triển đương đại. Điều đáng lưu ý là cả những người lạc quan và bi quan đều trích dẫn văn hoá truyền thống của Đông Á trong lập luận của họ. Một điều thú vị nữa là những quan điểm cực đoan thường được thể hiện bởi các nhà quan sát bên ngoài: với các nhà nghiên cứu của khu vực, lợi ích và tổn thất dường như thực tế hơn. Tuy nhiên, họ cũng thất bại trong việc lý thuyết hóa những khác biệt của các trường đại học Đông Á so với các trường đại học ở các nước phương Tây. Điều này bất chấp ý tưởng đầy tự hào của họ rằng các trường đại học Đông Á không chấp nhận thực tế là các mô hình phương Tây đang định nghĩa sự xuất sắc.

Khoảng cách hẹp dần

Theo truyền thống, học vấn cao ở Đông Á trước đây thường gắn với các vấn đề thế giới. Những mối quan tâm về đạo đức và chính trị thực tế được ưa chuộng hơn là tư duy siêu hình, tài đối nhân xử thế và luân lý được coi trọng hơn tính logic. Các trường đại học Đông Á cổ đại được thành lập để phục vụ các nhà cai trị, trái ngược với các trường đại học thời trung cổ ở châu Âu. Vào cuối thế kỷ trước, xã hội Đông Á bắt đầu thể chế hoá nền giáo dục đại học hiện đại dựa trên kinh nghiệm của phương Tây, như một phần của sự chuyển đổi xã hội rộng lớn hơn trong bối cảnh diễn ra sự “cứu rỗi” dân tộc và phong trào Đông tiến của Tây học. Ngay từ đầu, những khác biệt căn bản giữa các giá trị Đông Á và phương Tây đã dẫn đến xung đột liên tục và đặt ra những rắc rối cho tương lai.

Cội rễ và di sản văn hoá độc đáo của Đông Á làm hạn chế sự phát huy các giá trị cốt lõi phương Tây vốn là khái niệm nền tảng về trường đại học. Hai hệ thống giá trị đều mạnh mẽ nhưng không tương thích với nhau tồn tại song song tạo ra thách thức lớn nhất đối với phát triển giáo dục đại học ở Đông Á. Khái niệm phương Tây được chấp nhận chỉ vì tính thực tiễn của nó. Các xã hội khác nhau đã có những nỗ lực thường xuyên để bản địa hóa ý tưởng phương Tây về một trường đại học và sử dụng các cách tiếp cận khác nhau, nhưng kết quả đạt được rất ít. Điều này giải thích vì sao những thành tựu trong khoa học và công nghệ lại lớn hơn nhiều so với các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Đó chính là nút thắt cổ chai khiến cho giáo dục đại học ở Đông Á chậm phát triển.

Tuy nhiên, công việc khó khăn và kéo dài cả thế kỷ của Đông Á đã bắt đầu mang lại kết quả. Định nghĩa giá trị của trường đại học đang dần dần bắt rễ trong toàn khu vực, rõ ràng nhất ở cấp độ cá nhân. Đại đa số những người tham gia vào nghiên cứu của tôi thừa nhận các trường đại học có mức độ tự chủ ngày càng lớn. Ngay cả những người vẫn lo lắng về vai trò tiêu cực của văn hoá truyền thống và kêu gọi “tìm kiếm chân lý và tự do” cũng đồng ý rằng đã có nhiều tiến bộ. Những tiến bộ như vậy góp phần thu hẹp khoảng cách giữa hai quan niệm thông thường của phương Tây và Đông Á về một trường đại học. Điều này thách thức các quan điểm chính thống dự đoán rằng giáo dục đại học ở Đông Á sẽ lâm vào bế tắc do thiếu tự do học thuật và tự chủ thể chế.

Thử nghiệm văn hoá

Do bắt đầu muộn hơn, quá trình hiện đại hóa Đông Á bao gồm những phản ứng trước những thách thức phương Tây. Đông Á luôn sốt sắng trong mong muốn bắt kịp với phương Tây. Tất cả những người tham gia nghiên cứu này thường xuyên đề cập đến các trường đại học lớn trên thế giới, và không có ngoại lệ, đó là những trường đại học phương Tây. Điều thường thấy là họ nhắc đến các trường đại học phương Tây khi nói về các mạng lưới quốc tế, các đối tác chiến lược, và các vị trí trong bảng xếp hạng toàn cầu. Trong các cuộc chuyện trò, những người tham gia nghiên cứu đều thể hiện sự hiểu biết phong phú về xã hội phương Tây, điều này cho thấy một thực tế là xã hội và văn hoá Đông Á đương đại đang chịu ảnh hưởng sâu sắc từ phương Tây. Học tập phương Tây đã trở thành một phần của hệ thống kiến thức ở Đông Á. Người Đông Á không thể nói về giáo dục mà không đề cập đến phương Tây.

Tầng lớp trí thức ưu tú và học giả của Đông Á tin rằng những xung đột giữa các giá trị truyền thống và phương Tây có thể được giải quyết. Sự tự tin này được khẳng định nhiều lần trong quá trình nghiên cứu này được thực hiện. Truyền thống trí thức Đông Á có sức mạnh và tiềm năng tốt để đóng góp vào ý tưởng về một trường đại học. Sau khi chăm chỉ học tập phương Tây trong hơn một thế kỷ, người Đông Á hiện đang ở vị thế phù hợp để tạo ra sự hòa trộn với tỷ lệ đúng. Thái độ linh hoạt và cởi mở cho phép họ nhìn nhận các cực đối lập như một động lực và nhìn thấy cơ hội trong những mâu thuẫn. Cách tiếp cận thực tế của họ đối với cuộc sống cho phép họ sử dụng bất cứ phương tiện hữu ích nào có sẵn để giải quyết vấn đề. Họ không phải lựa chọn mô hình đại học Đông Á hoặc phương Tây: họ có thể sử dụng cả hai cùng lúc và linh hoạt.

Hệ thống giáo dục đại học Đông Á được cải thiện nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng.

Cả hai truyền thống đều được kết hợp chặt chẽ trong các hoạt động hàng ngày của các trường đại học ưu tú ở Đông Á. Thử nghiệm văn hóa Đông Á đang thực hiện mang lại những dấu hiệu hy vọng mới. Các trường đại học Đông Á ngày càng có khả năng biến những vết sẹo thành các ngôi sao. Không giống những người anh họ có uy tín ở phương Tây – những người có kiến thức nghèo nàn về các phần khác của thế giới, giới tinh hoa học thuật ở Đông Á biết rõ về phương Tây cũng như về xã hội của họ. Trong khi các trường đại học phương Tây hoạt động trong một môi trường đa văn hóa, các trường đại học hàng đầu của Đông Á hoạt động trong một nền văn hoá kết hợp, bao gồm ít nhất là văn hóa Đông Á và phương Tây. Sự kết hợp này có ý nghĩa toàn cầu và chưa từng có trong lịch sử.

Kết luận

Sự tiến bộ to lớn bất chấp những thách thức nghiêm trọng là bằng chứng cho thấy Đông Á có thể tiếp tục đạt được nhiều thành tích hơn bằng cách kết hợp các giá trị văn hoá phương Tây và truyền thống. Các trường đại học hàng đầu ở Đông Á đang tìm kiếm con đường thay thế để phát triển trong tương lai ở tầm vóc toàn cầu. Thử nghiệm của họ cho thấy khả năng tạo được sự cân bằng giữa hai quan niệm, của Đông Á và phương Tây, về một trường đại học nơi tồn tại hai quan niệm vẫn thường được coi là loại trừ nhau. Mặc dù vẫn còn quá sớm để dự đoán Đông Á sẽ thành công, nhưng quá trình này chắc chắn sẽ mang lại nhiều hứa hẹn.