Eldho Mathews là người đứng đầu Viện Quốc tế hóa Giáo dục Đại học – Nam Ấn, Hội đồng Anh, Chennai, Ấn Độ. Bài viết này thể hiện quan điểm riêng của tác giả. E-mail: eldhomathews@gmail.com.
Những tranh luận về thành tích của các cơ sở giáo dục công và tư ở Ấn độ đã có nhiều năm lịch sử. Trong hai thập kỷ vừa qua sự tăng trưởng của hai lĩnh vực này có nhiều điểm tương đồng thú vị.
Hiện tại, hơn 25% các trường tiểu học và trung học ở Ấn Độ thuộc khu vực tư nhân. Thị phần của họ mở rộng đều đặn trong thập kỷ qua. Vì nhiều lý do, trong đó có thể kể đến chất lượng giảng dạy và học tập, nguồn lực tốt hơn, phương tiện giảng dạy bằng tiếng Anh, sự đúng giờ, nhiều bậc cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu Ấn Độ thích cho con cái vào học ở các trường tư thục hơn các trường công lập.
Khi nói đến giáo dục đại học và cao đẳng, mặc dù xu hướng phát triển của các cơ sở giáo dục này khá giống nhau (như đã nêu ở trên), có một sự khác biệt đáng kể trong sự lựa chọn trường của sinh viên để đảm bảo được vào học. Đa số học sinh và phụ huynh vẫn thích các trường của chính phủ hoặc các trường tư được chính phủ hỗ trợ hơn các trường tư hoàn toàn tự chủ tài chính.
Ấn Độ có một hệ thống giáo dục đại học phức tạp và thường gây nhầm lẫn. Có nhiều loại hình tổ chức khác nhau như các trường đại học trung ương, các trường đại học của nhà nước, đại học mở, các trường đại học tư thục, các trường “được coi là đại học” (deemed university – là các tổ chức được Chính phủ Trung ương tuyên bố là đại học theo Mục 3 của Đạo luật Ủy ban Ngân sách của Đại học, năm 1956) và những tổ chức có quyền cấp bằng. Ngoài ra, còn có các tổ chức đại học hình thành từ sự liên kết của các trường đại học trung ương và nhà nước, được gọi là các college. Các trường college loại này có thể cung cấp các chương trình học, nhưng không được phép cấp bằng của mình.
Vai trò ngày càng tăng của các trường tư và một số khái niệm sai lầm
Khu vực tư nhân không được nhà nước hỗ trợ đóng vai trò quan trọng đối với việc mở rộng quy mô giáo dục đại học Ấn Độ trong khía cạnh tuyển sinh và thành lập mới các cơ sở giáo dục. Theo thống kê chính thức mới nhất, Ấn độ có 777 trường đại học, 261 trong số đó là các trường đại học tư. Trong số 38498 cơ sở đào tạo cử nhân, hơn 77% thuộc khu vực tư nhân. Việc mở rộng quy mô các cơ sở giáo dục đại học chuyên nghiệp ở Ấn Độ trong hai thập niên vừa qua cũng góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng này. Gần 20% tổng số sinh viên đại học ở Ấn Độ theo học các ngành chuyên môn, trong đó kỹ thuật và công nghệ là những lĩnh vực phổ biến nhất.
Do tỷ lệ nhập học thô (GER) trong giáo dục đại học ở Ấn Độ hiện nay chỉ là 28% (tính theo nhóm tuổi từ 18 đến 22), khoảng cách cung-cầu sẽ tăng lên và vai trò của các cơ sở giáo dục đại học tư sẽ rất quan trọng trong tương lai.
Gần đây, Pritam Singh, cựu giám đốc Học viện Quản lý Lucknow, một học viện uy tín của Ấn độ, đã đưa ra một nhận xét quan trọng về tình trạng các trường kinh doanh tư nhân ở Ấn Độ: “Mặc dù một số trường tư đã thoát khỏi những khuôn mẫu được ưa chuộng và nổi bật nhờ chất lượng, vẫn còn một số vấn đề cản trở khu vực tư nhân này. Cản trở lớn nhất là các chủ sở hữu vẫn coi các trường tư nhân là doanh nghiệp chứ không phải là các cơ sở giáo dục. Cơ sở hạ tầng được coi trọng hơn công việc nghiên cứu, và giảng viên thường có chất lượng thấp. Đội ngũ giảng viên chất lượng không sẵn sàng chấp nhận những công việc như vậy bởi vì các trường loại này không trả lương cao hoặc không cho phép giảng viên tự chủ và tự do nghiên cứu”.
Nhận xét này cũng đúng với các trường đại học tư thục và các trường cao đẳng tư thục không được hỗ trợ tài chính. Báo cáo của Ủy ban Tandon, Bộ Phát triển nguồn nhân lực năm 2009 nhấn mạnh những quan sát sau đây về những cơ sở giáo dục tư nhân vẫn được xem là đại học:
- Bỏ qua nghiên cứu;
- Thu thêm các khoản phí nhập học, vi phạm các quy định của cơ quan quản lý gây tác động tiêu cực đến cơ hội tiếp cận đại học và sự công bằng;
- Bổ nhiệm các thành viên trong gia đình vào vị trí chủ tịch hoặc hiệu trưởng và các chức vụ điều hành, điều này cuối cùng sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các tổ chức;
- Đặt tên trường đại học theo tên của một người sáng lập/người quản lý tài sản, đây là một thực tế trái với các quy tắc đạo đức và văn hoá và không bình thường.
Có những ngoại lệ đáng lưu ý: như Viện Công nghệ Birla, Đại học Azim Premji, Đại học Manipal, và một số trường khác đã góp phần nâng cao chất lượng trong khu vực giáo dục đại học tư nhân của Ấn Độ. Các tổ chức này nổi bật nhờ có chương trình giảng dạy thích hợp, cơ sở hạ tầng tốt, có quan hệ hợp tác với nghành công nghiệp và chất lượng giảng viên cao.
Các trường tư thục được hưởng quyền tự chủ trong học thuật và quản trị lớn hơn nhiều so với các trường công. Tuy nhiên, thực tế chỉ một vài trường tư thục đề cao tầm quan trọng của nghiên cứu trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Một số trường đại học tư nhân nổi bật có thể trả lương ở mức cạnh tranh quốc tế cho giảng viên của họ và thu hút tài năng tốt nhất từ các cơ quan chính phủ hàng đầu trong nước và từ nước ngoài. Hầu hết các trường tư thục nổi bật đều vượt xa các trường của chính phủ trong việc xây dựng và duy trì quan hệ đối tác quốc tế và công nghiệp, đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp, cung cấp các chương trình đào tạo phù hợp…
Ảnh hưởng đến sự lựa chọn của sinh viên
Mặc dù ngày càng có nhiều trường đại học tư thục và các trường cao đẳng không được chính phủ hỗ trợ tài chính, sinh viên vẫn thích các trường đại học công và các cơ sở được chính phủ hỗ trợ hơn, điều này thể hiện ở sự gia tăng các cơ sở huấn luyện tư nhân ở nhiều nơi trên cả nước, những cơ sở này giúp sinh viên nhập học vào các cơ sở giáo dục công lập có uy tín. Hơn 80% nghiên cứu sinh sau đại học ở Ấn Độ đang theo học trong các trường công. Lợi thế chính của các trường cao đẳng và đại học công được chính phủ hỗ trợ là học phí và chi phí sinh hoạt hợp lý, bầu không khí tự do của trường, sự đa dạng và các chương trình học thuật tương đối mạnh. Nhu cầu vào học tại các trường công có uy tín như Học viện Công nghệ Ấn Độ, các trường đại học trọng điểm nổi tiếng như Đại học Jawaharlal Nehru, các viện nghiên cứu do Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp tài trợ, và một số khác là rất lớn, nên cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Lý do chính cho sự ưa thích các trường công là phần lớn các trường đại học tư thục và các trường cao đẳng không được chính phủ hỗ trợ đều có định hướng thương mại. Điều này phản ánh rõ ràng trong chương trình đào tạo của họ, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế và phản ánh trong các khoản phí thu từ sinh viên. Hầu hết các tổ chức này đầu tư rất nhiều tiền vào tiếp thị và quảng cáo để thu hút sinh viên. Sự thiếu vắng các hiệp hội được bầu cử dân chủ ở hầu hết các trường tư thục khiến cho sinh viên và giảng viên dễ bị lợi dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Cả trường công và tư thục đều thiếu hụt giảng viên chất lượng, nhưng đa số các trường tư thục bị quy lỗi thiếu trách nhiệm giải trình cho các bên liên quan chính.
Các trường tư thục được hưởng quyền tự chủ trong học thuật và quản trị lớn hơn nhiều so với các trường công.
Kết luận
Giáo dục đại học tư nhân ở Ấn Độ đã khai mở những con đường mới để tăng trưởng và phát triển trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, khu vực này cần sự đầu tư nhiều hơn từ các nhà từ thiện hào phóng hơn là từ các doanh nhân, những người coi giáo dục là hàng hoá. Đồng thời, cần lưu ý rằng cách phân loại các trường cao đẳng và đại học theo các mức xuất sắc, tốt, trung bình, dưới trung bình, yếu có thể áp dụng cho cả trường công và tư. Các trường cao đẳng và đại học công lập, đặc biệt là các trường ở các thành phố và thị trấn hạng hai, cần phải chú ý hơn đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng và chất lượng giảng dạy và học tập. Cả hai khu vực giáo dục công lập và tư thục đều có những điểm mạnh và điểm yếu, do đó có thể học hỏi lẫn nhau trong các khía cạnh như mức học phí, duy trì giảng viên, tự chủ học thuật và quản trị, quốc tế hóa, tự do ngôn luận, tính đa dạng của giảng viên và sinh viên, đảm bảo việc làm, cơ sở hạ tầng, quy trình tuyển sinh và các lĩnh vực khác.