Giáo dục đại học miễn phí: nhầm lẫn giữa bình đẳng và công bằng

Ariane de Gayardon nhận bằng tiến sĩ của Boston College năm 2017, tại đây bà từng làm trợ lý nghiên cứu bậc tiến sĩ ở Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế. Hiện giờ bà là nghiên cứu viên tại Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu, College London, Vương quốc Anh. E-mail: a.gayardon@ucl.ac.uk.

Phong trào đấu tranh đòi miễn phí giáo dục đại học đã lan rộng khắp thế giới: từ phong trào Sinh viên Chile năm 2013, tới phong trào Bãi bỏ học phí (#FeesMustFall) ở Nam Phi năm 2016, và quyết định bỏ học phí ở Philippines năm 2017. Dân chúng nói chung, đặc biệt là sinh viên và gia đình họ, những người tham gia biểu tình, dường như tin rằng việc loại bỏ học phí sẽ làm tăng thêm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho sinh viên thuộc các gia đình có mức sống thấp. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy giáo dục đại học miễn phí sẽ làm tăng thêm cơ hội tiếp cận và sự thành công cho sinh viên, hoặc dẫn tới sự công bằng hơn.

Những hệ thống giáo dục miễn phí bất bình đẳng

Gần 40% hệ thống giáo dục đại học trên thế giới ngày nay tự coi mình là “miễn phí”. Tuy nhiên, thực tiễn phía sau nhãn hiệu “giáo dục đại học miễn phí” rất đa dạng, và ít nước đào tạo miễn phí cho tất cả những người vào học. Thực vậy, ngay cả những nước được coi là hoàn toàn “miễn phí” cũng chỉ áp dụng trợ cấp giáo dục hạn chế trong các trường công. Ở những nước này, bất cứ học sinh tốt nghiệp trung học nào cũng được đảm bảo một chỗ học miễn phí trong các trường đại học công lập. Các nước như thế gồm có Argentina, Cu ba, Phần Lan và Na Uy. Những nước khác, cụ thể là Đan Mạch và Thụy Điển, mới đây đã bổ sung quy định giới hạn đối tượng được trợ cấp giáo dục bằng cách đặt ra mức học phí đối với sinh viên quốc tế.

Các nước khác tăng một số lệ phí khác nhằm bù đắp chi phí hành chính, trong khi vẫn giữ mức học phí bằng 0. Đó là trường hợp Ireland, ở đây những lệ phí khác còn cao hơn cả học phí vốn đã bị bãi bỏ gần 10 trước.

Tuy nhiên, cách thức phổ biến nhất trên toàn cầu nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế công trong khi vẫn giữ giáo dục đại học miễn phí – là giới hạn số lượng chỗ học được chính phủ trợ cấp. Những biện pháp này đặc biệt quan trọng, bởi vì chúng đi ngược với những lập luận ủng hộ một nền giáo dục đại học miễn phí: các biện pháp này thu hẹp cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, và thường ảnh hưởng tới những tầng lớp yếu thế nhất. Một số quốc gia, như Brazil và Ecuador, đã thiết lập những kỳ thi đầu vào chuẩn hóa cho các trường công. Những nước khác, chủ yếu thuộc Liên Xô cũ và các quốc gia ở Đông Phi, triển khai hệ thống kép, trong đó chính phủ chỉ tài trợ học phí cho một số sinh viên trong các trường công, còn những người khác phải đóng học phí. Về mặt hiệu quả, hệ thống kép này cũng tạo ra sự bất bình đẳng, bởi vì khi học bổng chỉ dành cho các cá nhân được lựa chọn theo thành tích, những sinh viên có điều kiện kinh tế xã hội cao hơn lại được ưu ái nhiều hơn.

Nhìn chung, khái niệm giáo dục đại học miễn phí là một khái niệm phức tạp, gồm nhiều thực tế khác nhau. Hệ thống giáo dục đại học của một quốc gia thực sự miễn phí đến mức nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng hiếm khi đảm bảo được tính phổ cập cơ hội tiếp cận.

Cơ hội tiếp cận giáo dục đại học và sự thành công: một trường hợp của Mỹ Latinh

Để minh họa mối liên hệ giữa cơ hội tiếp giáo dục đại học và các chính sách về học phí, đặc biệt là chính sách miễn học phí, bài viết này xem xét một số quốc gia cụ thể ở châu Mỹ Latinh. Argentina và Brazil đều có giáo dục đại học công miễn phí, mặc dù các trường công của Argentina mở cửa cho tất cả, còn hệ thống Brazil giới hạn số lượng nhập học thông qua một kỳ thi đầu vào chuẩn hóa. Trước năm 2016, các trường công và tư ở Chile đều có mức học phí cao, khiến cho giáo dục đại học ở quốc gia này trở thành một trong những hệ thống đắt tiền nhất thế giới so với GDP bình quân đầu người. So sánh ba nước này là một bài tập khai trí, vì cách tiếp cận của họ đối với việc tài trợ cho giáo dục đại học hoàn toàn khác nhau, dù có chung hoàn cảnh lịch sử, địa lý và văn hóa.

Trong năm 2013, tỷ lệ tổng nhập học (GER) ở Chile là 84%, ở Argentina là 80%, và ở Brazil là 46%. Chile có GER cao nhất, và vượt Brazil gần 40%. Do đó, chính sách học phí ở các nước này rõ ràng không cản trở sự tham gia vào đại học, và phổ cập tiếp cận giáo dục đại học có thể đạt được mức cao trong một hệ thống có thu học phí.

Tuy nhiên, lấy tỷ lệ nhập học làm thước đo mức độ tiếp cận giáo dục đại học là chưa đủ. Gần đây, sự thành công trong học tập đã trở thành một phần không thể thiếu trong nghiên cứu về tiếp cận giáo dục đại học, và hiệu suất tiếp cận của một hệ thống phải được đánh giá thông qua tỷ lệ tốt nghiệp. Trong năm 2015, tỷ lệ tốt nghiệp ở Chile ước tính đạt 60%, ở Argentina là 31%, và ở Brazil là 51%. Theo thước đo này, Chile vẫn đứng đầu trong ba nước, với tỷ lệ tốt nghiệp cao gần gấp đôi Argentina. Tương tự khả năng tiếp cận, thành công trong giáo dục đại học dường như không phụ thuộc vào các chính sách học phí, và các nước miễn học phí lại đạt kết quả thấp hơn.

Những ví dụ này cho thấy khả năng tiếp cận giáo dục đại học và sự thành công không được quyết định bởi các chính sách học phí, và những nước duy trì hệ thống miễn học phí có thể gặp khó khăn trong những lĩnh vực này, trong khi các nước có học phí cao lại vượt trội. Ngoài ra, phân tích kết quả các cuộc điều tra kinh tế xã hội của ba nước này cho thấy ở Chile và Argentina khả năng vào học đại học và thành công trong học tập không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế cá nhân, nhưng ở Brazil khả năng vào đại học phụ thuộc nhiều vào yếu tố này. Tuy nhiên, ở cả ba nước đều có thể nhận thấy sự bất bình đẳng rõ rệt dựa trên nền tảng văn hóa cá nhân. Điều này cho thấy học phí không phải là là rào cản duy nhất, thậm chí không phải là rào cản chính đối với việc theo học đại học và triển khai giáo dục đại học miễn phí không nhất thiết cải thiện được cơ hội tiếp cận; điều này khiến cho lập luận chính của những người ủng hộ giáo dục đại học miễn phí bị sụp đổ.

Phong trào giáo dục đại học miễn phí đã lan rộng khắp thế giới: từ phong trào Sinh viên Chile năm 2013, tới phong trào Bãi bỏ học phí (#FeesMustFall) ở Nam Phi năm 2016, và quyết định bỏ học phí ở Philippines năm 2017.

Triển khai chính sách miễn học phí

Khi cân nhắc triển khai chính sách miễn học phí, cần xem xét các tác động và thực tiễn đằng sau chính sách này. Những quốc gia gần đây quyết định bãi bỏ học phí đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. Tại Chile, chính phủ đang phải vật lộn tìm nguồn kinh phí để áp dụng chính sách giáo dục đại học miễn phí trong cả trường công và tư. Kết quả là, việc hạn chế đối tượng được miễn học phí khiến cho số lượng sinh viên được nhận nền giáo dục đại học miễn phí chỉ chiếm chưa đến 18% trong năm 2016. Cùng lúc đó, luật miễn học phí vừa được thông qua ở Philippines đã bị chỉ trích bởi chính những người ủng hộ miễn học phí, vì họ cho rằng, hình thức miễn phí hiện tại làm cho sự bất bình đẳng càng thêm sâu sắc. Tương tự như vậy, khi bỏ học phí, chính phủ Ecuador đưa ra một kỳ thi tuyển sinh và giờ đây bị lên án là ngăn cản dân chủ hóa giáo dục đại học. Tuy nhiên, loại bỏ kỳ thi tuyển sinh có thể tạo ra các vấn đề về chất lượng khi hệ thống giáo dục chưa sẵn sàng tiếp nhận nhu cầu bổ sung.

Thực hiện chính sách miễn học phí không dễ dàng và những ví dụ gần đây cho thấy những hạn chế quan sát được ở Brazil và Argentina – là hai nước đã duy trì giáo dục đại học công miễn phí trong nhiều thập kỷ – có thể thành hiện thực ngay khi có sự thay đổi. Ngoài việc quyết định áp dụng, các chính sách này cần được xem xét dài hạn vì rất khó để đảo ngược, như trường hợp nước Đức, đã phải bỏ học phí vào năm 2014 sau gần 10 áp dụng chính sách học phí dưới áp lực của công chúng.

Những quốc gia gần đây mới đưa chính sách miễn học phí vào áp dụng cần theo sát các diễn biến để đánh giá phương pháp tiếp cận thành công hay không. Còn hiện tại, các chỉ số dường như cho thấy tình trạng ngược lại.

Kết luận

Giáo dục đại học miễn phí là một thực tiễn phức tạp. Với các nhà hoạch định chính sách, nó có vẻ là một động thái dễ dàng, bởi vì dù sao, đó chỉ là một quyết định về ngân sách, và chắc chắn là một hành động chính trị mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực hiện miễn học phí cho giáo dục đại học không chỉ tốn kém và phức tạp, mà còn không đảm bảo cải thiện được khả năng tiếp cận giáo dục đại học hoặc khả năng thành công. Điều này chủ yếu là vì giáo dục đại học miễn phí không phải là một chính sách có mục tiêu; nó tác động đến mọi cá nhân mà không phụ thuộc vào việc họ cần nó hay không. Dù đây là chính sách quân bình, nhưng nó có thể, và thường là, tạo ra sự không công bằng.

Trên phạm vi toàn cầu có thể thấy rất nhiều ví dụ về hệ thống giáo dục miễn phí chứa đựng các vấn đề về công bằng, nhưng các chính trị gia vẫn tiếp tục thúc đẩy việc miễn học phí như một chính sách xã hội kỳ diệu. Tuy nhiên, một chính sách có thể thành công trong hệ thống này, khi nó không thành công ở nơi khác hay không? Phải chăng chúng ta nên dành công sức xây dựng những cách thức công bằng để giúp sinh viên trả tiền cho giáo dục đại học, hơn là phủ nhận chi phí của nó.