Abdullah Doria là giảng viên cao cấp tại Trường Giáo dục thường xuyên và Chuyên nghiệp UTM (UTMSPACE), Malaysia, và là cộng tác viên tại Tổ chức Quan sát giáo dục đại học không biên giới (OBHE). E-mail: doria@utmspace.edu.my hoặc Doria.Abdullah@obhe.org.
Malaysia đầu tư mạnh vào giáo dục. Mảng giáo dục đại học chiếm phần lớn nhất trong ngân sách dành cho giáo dục. Nguồn tài trợ công được giải ngân trực tiếp cho 20 trường đại học công lập trong nước. Năm 2007, 90% ngân sách hoạt động của các trường đại học là từ chính phủ, còn lại 10% từ học phí và thu nhập tự tạo khác. Các quỹ công cũng được phân bổ gián tiếp thông qua các khoản học bổng, các khoản cho vay, trợ cấp hàng năm cho cá nhân sinh viên mua sách, tài liệu tham khảo và thuê bao băng thông rộng.
Từ năm 2007, chính phủ Malaysia bắt đầu giảm tài trợ cho giáo dục đại học. Kinh phí phân bổ cho các trường đại học công lập hiện nay giảm còn 70%, và 30% ngân sách còn lại có được từ nguồn thu nhập tự tạo. Việc cắt giảm đặc biệt quyết liệt trong hai năm qua: năm 2017, các trường đại học công được phân bổ tổng cộng 6,12 tỷ RM, giảm 19,23% so với tổng số 7,57 tỷ RM được phân bổ trong năm 2016.
Những cắt giảm lớn này không được cộng đồng học thuật Malaysia ủng hộ. Chính phủ nhận được nhiều cuộc gọi đề nghị xem xét lại việc cắt giảm ngân sách, không chỉ từ hiệu trưởng các trường đại học công lập, mà cả những người quan tâm đến chất lượng giáo dục đại học trong một môi trường có nguồn lực hạn chế.
Những lý do căn bản
Những biến động kinh tế là lý lẽ khá tiện lợi để biện minh cho các biện pháp thắt lưng buộc bụng hiện nay. Giá dầu dao động và sự mất giá của nội tệ – đồng ringgit – làm giảm tổng doanh thu và thuế, thu hẹp công quỹ dành cho lĩnh vực này. Điều cần lưu ý là các lĩnh vực khác cũng không là ngoại lệ: ví dụ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng bị cắt giảm ngân sách tài trợ trong những năm gần đây.
Giảm dần tài trợ công cho giáo dục đại học là cần thiết. Malaysia đứng thứ 11 trong số 50 quốc gia tính về nguồn tài nguyên dành cho giáo dục đại học theo bảng xếp hạng các hệ thống giáo dục đại học quốc gia Universitas 21. Tuy nhiên, nước này đứng thứ 39 trong các tiêu chí về kết quả nghiên cứu và tác động đối với nghiên cứu, về sự xuất sắc và việc làm sau tốt nghiệp. Đối với một lĩnh vực nhận tài trợ công lớn, kết quả thu được không đáp ứng những kỳ vọng. Viện dẫn việc phân bổ ngân sách phải dựa vào kết quả, chính phủ đã hợp lý hóa việc phân bổ ngân sách cho các trường đại học công lập, khuyến khích các trường hoạt động hiệu quả hơn.
Thực tế là giáo dục đại học Malaysia đã mở rộng hết mức. Trong năm 2012, có 1,2 triệu sinh viên học sau trung học, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 2,5 triệu vào năm 2025. Trước dự kiến mở rộng gấp đôi trong thập kỷ tới, tăng quỹ tài trợ công cho mảng này không phải là một giải pháp bền vững. Việc cắt giảm ngân sách đã diễn ra tại thời điểm quan trọng và đúng lúc, và các trường đại học công lập cần điều chỉnh theo quy tắc mới.
Những điều chỉnh
Trước khi ngân sách bị cắt giảm, tình hình tài chính trong các trường đại học công lập rất thoải mái, không có áp lực phải tạo ra thu nhập thông qua các công việc chính của trường. Nhưng việc giảm tài trợ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng trong mọi hoạt động. Bắt đầu với những biện pháp cắt giảm chi phí ngắn hạn trong các hoạt động hành chính, chi phí đi lại và quản lý sự kiện. Tiếp theo, các trường cắt giảm chi phí dành cho tuyển dụng giảng viên quốc tế, cho việc trao đổi lực lượng học thuật và cho phát triển cơ sở hạ tầng. Sau đó là thuê và cho thuê tài sản trong khuôn viên trường, tăng dịch vụ tư vấn công, thúc đẩy thương mại hóa nghiên cứu và triển khai với ngành công nghiệp.
Tăng học phí có thể là một cách nhanh chóng thoát khỏi vấn đề tài chính hóc búa. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ giáo dục đại học đã đưa ra lời cam kết rằng học phí sẽ không tăng đối với sinh viên trong nước. Các trường đại học đang đàm phán để tìm kiếm một giải pháp bằng cách yêu cầu xem xét một chính sách học phí có thể giúp các trường tăng dần học phí theo thời gian, hoặc điều chỉnh học phí theo điều kiện kinh tế xã hội của sinh viên. Sinh viên quốc tế ở bậc đại học và sau đại học đều phải trả nguyên học phí, điều này khuyến khích các trường đại học tăng cường tuyển sinh sinh viên quốc tế.
Cắt giảm ngân sách sẽ trở thành hiện tượng bình thường trong bối cảnh giáo dục đại học Malaysia.
Các trường đại học đang xem xét lại chức năng của các văn phòng cựu sinh viên, và bắt đầu kế hoạch kết nối tốt hơn với mạng lưới cựu sinh viên của trường. Các khoản đóng góp từ cộng đồng cho giáo dục đại học được khuyến khích thông qua các khoản quyên góp và waqf – hình thức biếu tặng tài sản và đóng góp tiền mặt theo nguyên tắc Hồi giáo. Các trường đại học cũng thành lập các tổ chức tư nhân chào bán các chương trình đào tạo chính quy và một loạt chương trình chuyên nghiệp theo giá thị trường cho công chúng nói chung. Những sáng kiến này, phổ biến ở những nơi khác, đang trở thành những bộ phận không thể tách rời của các trường đại học công lập Malaysia.
Chương trình nghị sự của Bộ
Bộ Giáo dục đại học đang sử dụng cắt giảm ngân sách để thúc đẩy hai chương trình chuyển đổi.
Chương trình đầu tiên liên quan đến quản trị. Hội đồng quản trị, từng là một cấu trúc có tính nghi lễ và không hoạt động trong trường đại học công, nay có vai trò cụ thể nhằm đẩy nhanh quá trình ra quyết định. Hội đồng quản trị cũng thực hiện kiểm tra đánh giá hàng năm để đánh giá hiệu quả hoạt động của trường. Năm trường đại học nghiên cứu – Đại học Malaya, Đại học Kebangsaan Malaysia, Đại học Putra Malaysia, Đại học Sains Malaysia và Đại học Teknologi Malaysia – là nhóm các trường đại học đầu tiên được giao quyền tự chủ tài chính, tạo điều kiện cho trường có quyền quyết định lớn hơn trong hoạt động tuyển sinh, quản lý đào tạo, nguồn nhân lực và tạo ra thu nhập.
Chương trình thứ hai liên quan đến các chỉ số hoạt động và chức năng cụ thể hỗ trợ sự bền vững tài chính của các trường đại học. Hợp đồng làm việc của Hiệu trưởng bao gồm các mục tiêu tạo doanh thu có ảnh hưởng đến việc giải ngân các khoản phân bổ trong tương lai và đánh giá tổng thể hoạt động. Các vị trí có chức năng chiến lược khác, bao gồm Phó Hiệu trưởng về phát triển -có trách nhiệm làm việc với các đơn vị phát triển kinh doanh để tìm kiếm các cơ hội tài chính cho trường, và Phó Hiệu trưởng về công nghiệp và các vấn đề cộng đồng – có nhiệm vụ chiến lược là thu hút những đối tác bên ngoài từ ngành công nghiệp và từ cộng đồng để hợp tác học thuật và nghiên cứu.
Những khoảng cách
Các trường đại học công lập đang đi trên đường cong học tập dốc đứng. Giảng viên và các nhà quản lý cảm thấy khó khăn để thích nghi. Sẽ mất một thời gian để thay đổi tư duy và hành vi; nhiều người hiểu rõ sự cần thiết phải hiệu quả và sáng tạo hơn trong việc tạo doanh thu, nhưng lại do dự khi nghĩ đến triển khai thực tế. Cũng có thể, họ không có năng lực kinh doanh cơ bản để làm việc này. Các khoa và bộ môn lo ngại rủi ro, nên có khuynh hướng duy trì tình trạng hiện tại mà không khám phá những cách thức làm việc mới.
Một mối quan tâm lớn là những thay đổi trong khung pháp lý không phản ánh tình trạng tự chủ được trao. Để tạo thu nhập cao hơn, các trường đại học phải hoạt động giống như các đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, các trường đại học công lập được thành lập theo Đạo Luật Trường Đại học và Cao đẳng Đại học năm 1971 (sửa đổi năm 2009), và do đó vẫn gắn liền với những cơ cấu và đầu tư truyền thống. Các trường đại học cũng phải trải qua nhiều tầng phê duyệt và thủ tục giấy tờ theo yêu cầu của Bộ Giáo dục đại học, Bộ Tài chính và đơn vị hoạch định kinh tế liên quan đến phân bổ ngân sách, mua sắm, và các vấn đề tài chính khác.
Cắt giảm ngân sách sẽ trở thành hiện tượng bình thường trong bối cảnh giáo dục đại học Malaysia. Quốc gia này có thể tận dụng tình hình tài chính hiện nay như một cơ hội để chuyển đổi các trường đại học công lập, các trường đại học công phải làm quen với những hoạt động tiết kiệm nhưng hiệu quả hơn, trong khi vẫn duy trì hoặc tăng nguồn lực phân bổ cho các hoạt động học thuật và nghiên cứu. Ngoài ra, đã đến lúc các trường đại học công cần khám phá những lĩnh vực chưa biết trong giáo dục xuyên quốc gia (TNE), và làm việc với các trường tư thục và nước ngoài để mở rộng khả năng tiếp cận chương trình đào tạo thông qua mô hình TNE sáng tạo.