Đã đến lúc các nhà nghiên cứu ở Pakistan cần tập trung vào chất lượng

 

Muhammad Z. Ahmed làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục nhiệt đới, Đại học Florida, Homestead, Hoa Kỳ. E-mail: zaheerento@gmail.com.

Sơ lược

Ngành giáo dục của Pakistan phát triển mạnh mẽ trong suốt 15 năm qua, với số lượng các nhà nghiên cứu và công trình nghiên cứu tăng lần lượt 248% và 687%. Tuy nhiên, các nghiên cứu của Pakistan có chất lượng không đồng đều, một phần do sự thiếu kinh nghiệm, thiếu năng lực và tình trạng tham nhũng của các giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học quốc gia. Sửa đổi các tiêu chí tuyển dụng giảng viên, xây dựng văn hoá nghiên cứu không có đạo văn, tăng cường giáo dục đạo đức nghiên cứu, và thu hút nhiều hơn các học giả người Pakistan được đào tạo ở nước ngoài tham gia vào nghiên cứu là những bước quan trọng để duy trì nền giáo dục đại học ở Pakistan.

Mặc dù nhiều nước châu Á gần đây gặp phải các vấn đề về tài chính nhưng cuộc suy thoái kinh tế ở Pakistan đặc biệt nghiêm trọng do kèm theo nhiều yếu tố khác, như hiện tượng khủng bố tăng lên, tham nhũng lan rộng, thiếu thực thi pháp luật, đầu tư tư nhân và viện trợ nước ngoài bị cản trở, bất ổn chính trị, thiếu năng lượng, và các hoạt động quân sự vẫn đang diễn ra. Từ năm 2000, tổng sản phẩm quốc nội tăng bình quân 4% mỗi năm, không đủ để bắt kịp tốc độ tăng dân số nhanh. Tuy nhiên, bất chấp tỷ lệ tăng trưởng tương đối thấp, các quỹ nghiên cứu và phát triển Pakistan và số sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ tại Pakistan đã tăng với tốc độ đáng ngạc nhiên trong cùng thời kỳ đó.

Nghiên cứu Pakistan có thực sự tiến triển?

Để đánh giá sự tiến bộ tổng thể của ngành nghiên cứu Pakistan, tôi tiến hành phân tích cơ sở dữ liệu “Web of Science” để đánh giá số lượng đầu ra công trình nghiên cứu, bằng cách tính số bài báo nghiên cứu của các tác giả Pakistan trong mối tương quan với số lượng sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ trong mười lăm năm qua. Các bài báo do các cơ sở giáo dục Pakistan công bố tăng 687% trong giai đoạn từ 1985 đến 2015. Tương tự, số sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ ở Pakistan đã tăng 248% trong khoảng từ 1947 đến 2014. Hệ số tác động của tạp chí thường được coi là thước đo chất lượng của một bài báo; tạp chí Science và tạp chí Nature là hai trong những tạp chí có tác động lớn nhất công bố các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản. Thật không may, hầu hết các bài báo nghiên cứu từ Pakistan được xuất bản trong các tạp chí nghiên cứu chất lượng thấp (tức là các tạp chí tác động thấp). Từ năm 2000 đến năm 2015, chỉ có 9 bài viết của các nhà nghiên cứu Pakistan được đăng trong tạp chí Science và 11 bài trong tạp chí Nature. Nhưng ngay cả những con số tương đối thấp này cũng cho thấy sự gia tăng tỷ lệ xuất bản định kỳ, so với giai đoạn 1985-1999 (350% trong Science và 267% trong Nature). Để so sánh, tỷ lệ công bố tổng thể các bài nghiên cứu của Pakistan tăng 687% trong cùng thời gian.

So sánh tỷ lệ trung bình các bài báo được công bố tính theo mỗi cơ sở giáo dục đại học cũng cung cấp một số thông tin bổ ích. Tại Pakistan, mỗi tổ chức giáo dục công bố trung bình 0,13 bài báo trong Science và 0,23 bài báo trong Nature, trong khi tỷ lệ này ở Ấn Độ là 0,18 trong Science và 0,48 trong Nature, ở Mỹ là 4,2 trong Science và 5,6 trong Nature. Nhận thức được khoảng cách này, Pakistan đã cố gắng tăng số lượng các tạp chí tác động tại địa phương, từ hai tạp chí như vậy vào năm 1999 đến hiện tại là 11 (với hệ số tác động tối đa là 1). Vì vậy, mặc dù số lượng các tạp chí nghiên cứu đã tăng lên, nhưng nhận thức về chất lượng vẫn còn rất thấp.

Dưới đây là ba đề xuất của tôi có thể giúp ích cho các nhà nghiên cứu, các viện nghiên cứu, và các tổ chức đại học Pakistan nâng cao các tiêu chuẩn nghiên cứu quốc gia.

Khẩn cấp đưa Pakistan thoát khỏi văn hoá tham nhũng trong giáo dục

Đạo văn là một nguyên nhân chính dẫn đến nghiên cứu học thuật ở Pakistan có chất lượng kém. Các tác giả thường đánh cắp những ý tưởng của người khác bằng cách tìm hiểu những tài liệu sẵn có dễ kiếm và sau đó khéo léo khai thác các ý tưởng để che giấu việc ăn cắp. Sinh viên Pakistan học được cách công bố các bài báo trên các tạp chí dễ tiếp cận và sau đó sử dụng trích dẫn từ các bài báo của họ. Người ta có thể đặt câu hỏi về mức độ trách nhiệm của sinh viên trong hiện tượng này. Môi trường nghiên cứu ở Pakistan- hình thành bởi các giảng viên không đủ năng lực và không được đào tạo đúng cách để hướng dẫn sinh viên- phải chịu trách nhiệm về tình trạng đạo văn kéo dài, khi văn hóa học tập ở Pakistan không khuyến khích tư duy độc lập và buộc sinh viên vâng lời giảng viên hướng dẫn một cách mù quáng. Thực tế, chịu sức ép từ giảng viên, sinh viên buộc phải xoay xở để có được những bài nghiên cứu mà sau đó rất khó được công bố trong một tạp chí chất lượng cao. Nếu các nhà nghiên cứu Pakistan đang dành một lượng lớn thời gian để ăn cắp các công trình nghiên cứu, và đủ thông minh khi sử dụng các kết nối mạng để vượt qua được các quy trình kiểm tra của phần mềm chống đạo văn, thì vì sao họ lại không sẵn sàng để sử dụng thời gian và công sức để đi đúng hướng? Sinh viên gian lận bởi vì giảng viên không đủ năng lực giáo dục họ về đạo đức nghiên cứu ngay từ giai đoạn đầu của quá trình học tập.

Ngoài ra, chính trị và sự thiên vị rất phổ biến ở Pakistan. Quen thân với giảng viên hướng dẫn và người chấm thi sẽ đảm bảo bạn được tốt nghiệp. Pakistan cần một cơ sở hạ tầng có tổ chức để thực thi các luật lệ chống đạo văn và loại bỏ chính trị và sự thiên vị khỏi khoa học. Cần tổ chức các cuộc hội thảo và lớp đào tạo về đạo đức để nâng cao nhận thức về đạo văn, và cần đưa ít nhất một khóa học bắt buộc liên quan đến đạo đức học thuật vào giai đoạn đầu của chương trình đào tạo cử nhân và sau đại học.

Mới đây, Uỷ ban Giáo dục Đại học Pakistan đã đưa 23 nhà nghiên cứu vào danh sách bị buộc tội đạo văn. Tuy nhiên, đã không có hành động trừng phạt nào được áp dụng với các học giả bị buộc tội: tất cả đều tiếp tục nắm giữ các vị trí tại các trường đại học của họ. Một trong số họ là một nhà nghiên cứu nổi tiếng, một cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Vương quốc Anh hiện đang làm việc như là một giáo sư và giám đốc một trung tâm nghiên cứu ở Pakistan. Do tham nhũng lan rộng trong văn hoá học thuật Pakistan, danh sách đen không có bất kỳ tác động nào đến danh tiếng hay sự nghiệp của cá nhân cao cấp như vậy. Pakistan nên sử dụng một phần ngân sách R&D để thực thi các quy tắc chống đạo văn, giống như cách Hoa Kỳ sử dụng ngân sách của Quỹ Khoa học Quốc gia. Một cơ sở hạ tầng với đội ngũ các chuyên gia chuyên sâu là cần thiết để thực thi pháp luật chống đạo văn; để làm gương cho người khác, các trường đại học nên chấm dứt hợp đồng giảng dạy với những kẻ vi phạm và hủy bỏ công trình nghiên cứu của họ.

Pakistan cần một cơ sở hạ tầng có tổ chức để thực thi các luật lệ chống đạo văn và loại bỏ chính trị và sự thiên vị khỏi khoa học.

Sửa đổi tiêu chí lựa chọn giảng viên

Các tiêu chuẩn nghiên cứu sẽ chỉ được cải thiện sau một giai đoạn dài bằng cách dành nguồn lực để đào tạo ra các nhà nghiên cứu chất lượng tốt hơn và thuê các giảng viên được đào tạo tốt. Hiện nay, hầu hết các giảng viên được thuê làm trợ lý giáo sư ở Pakistan đều không có kinh nghiệm thực tập sinh tiến sĩ. Ở các nước phát triển, vị trí giảng viên đòi hỏi kinh nghiệm thực tập sinh bậc tiến sĩ, bởi vì chương trình thực tập bậc tiến sĩ cung cấp những kiến thức nghiên cứu bổ sung trong lĩnh vực chuyên ngành, cho phép tiếp thu các kỹ năng cần thiết trước khi bắt đầu công việc giảng dạy. Pakistan cần phải sửa đổi thủ tục tuyển dụng giảng viên của mình. Các tiêu chuẩn lựa chọn cao hơn và tính minh bạch trong tuyển dụng giảng viên là rất quan trọng để cứu ngành giáo dục hàn lâm ở Pakistan. Thay vì tuyển dụng tất cả các nghiên cứu sinh tiến sĩ làm trợ lý giáo sư, tại sao không yêu cầu họ thực tập một vài năm trước khi xem xét sắp xếp vào vị trí giảng viên? Điều này sẽ cho phép sàng lọc hiệu quả hơn. Với những người được lựa chọn vào vị trí giảng viên, thời hạn làm việc (và những thăng tiến tiếp theo) nên được xác định dựa trên tính mới lạ của nghiên cứu và sự sáng tạo, hơn là số lượng các bài công bố.

Sử dụng các nhà nghiên cứu người Pakistan tốt nghiệp ở nước ngoài

Ủy ban Giáo dục Đại học (HEC) của Pakistan áp dụng các chương trình học bổng ở nước ngoài từ năm 2003 và đã trao học bổng cho 7337 sinh viên để họ học tập trên khắp thế giới. Đây là thành quả cao nhất của HEC. Mục đích của những học bổng này là đưa sinh viên ra nước ngoài học tập và sau đó trở lại phục vụ đất nước (đó là yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ). Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách của HEC không hiểu khái niệm nghiên cứu sau tiến sĩ. Có khoảng 300 đến 400 trường hợp các học giả đang bị truy tố vì đã từ chối trở về Pakistan sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ. Dường như học bổng hiện tại không đủ dài để các nghiên cứu sinh được đào tạo đầy đủ, HEC cần xem xét việc kéo dài thời hạn. Hơn nữa, nếu các học giả chọn ở lại nước ngoài, họ vẫn có thể dễ dàng tham gia giảng dạy tại các trường đại học ở Pakistan, hoặc hướng dẫn các sinh viên Pakistan từ xa, và/hoặc làm việc với tư cách đồng nghiên cứu trong các dự án của HEC.

Tóm lại, môi trường nghiên cứu của Pakistan cần thay đổi cấp bách. Mặc dù nhiều thay đổi sẽ phải do các trường đại học và các tổ chức chính phủ thực hiện, một số khác phải do các nhà nghiên cứu tự thực hiện.