Damtew Teferra là giáo sư trong lĩnh vực giáo dục đại học, phụ trách mảng Giáo dục Đại học và Phát triển Đào tạo, đồng thời là giám đốc sáng lập Mạng lưới Quốc tế Giáo dục Đại học châu Phi, Đại học KwaZulu-Natal, Nam Phi. E-mail: teferra@ukzn.ac.za và teferra@bc.edu.
Đang đúng mùa để các tổ chức xếp hạng công bố “những phát hiện” có tính so sánh tầm vóc các trường đại học trên thế giới. Như thường lệ, các trường đại học “hàng đầu” vẫn đứng đầu và số còn lại chia nhau các vị trí thấp hơn cho đến cuối bảng – trong đó có các trường châu Phi. Một số “tổ chức xếp hạng” thực hiện công việc đánh giá với sự nhẫn nại, nhưng thường là họ không quan tâm đầy đủ đến tính xác thực, thẩm quyền, hay sự toàn vẹn trong các phương pháp – trong trường hợp châu Phi là tình trạng thiếu dữ liệu.
Dữ kiện trái ngược với nhận thức
Trong ba năm qua, theo Bộ Đại học và Đào tạo, Đại học Kwazulu-Natal ở Nam Phi là trường đứng đầu cả nước về năng suất học thuật. Bộ này đã sử dụng những thông số đo lường tỷ mỷ kết quả nghiên cứu và học thuật để thực hiện việc xếp hạng các trường. Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng QS vừa được công bố, trong đó 60% tiêu chuẩn xếp hạng là dựa trên danh tiếng học thuật, trường đại học Kwazulu-Natal được xếp sau 6 trường đại học Nam Phi khác. Điều này cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa dữ kiện và cách đánh giá mơ hồ dựa vào danh tiếng.
Xây dựng danh tiếng: giải mã Bảng xếp hạng
QS xếp hạng căn cứ vào kết quả phân tích và tính toán trọng số các câu trả lời và dữ liệu khảo sát được thu thập theo 6 chỉ số. QS cho biết trên thế giới có hơn 70 ngàn học giả và 30 ngàn người sử dụng lao động đóng góp vào các cuộc khảo sát xếp hạng toàn cầu. QS cũng tuyên bố rằng họ đã phân tích 99 triệu trích dẫn từ 10,3 triệu bài viết để xếp hạng 950 trường đại học trên toàn thế giới.
Times Higher Education (THE) cho rằng phương pháp luận của họ là một nghiên cứu độc đáo, bao gồm “các bảng câu hỏi đặt ra cho 10500 học giả từ 137 quốc gia về các trường đại học mà họ cho là tốt nhất trong giảng dạy và nghiên cứu”. THE khẳng định cuộc khảo sát uy tín học thuật “sử dụng số liệu của Liên Hiệp Quốc làm căn cứ để đảm bảo rằng phạm vi khảo sát là tiêu biểu cho học thuật toàn cầu”. THE cũng xác định khu vực nào có nhiều phản hồi, khu vực nào ít phản hồi, gán trọng số cho bảng trả lời khảo sát nhằm “phản ánh đúng nhất sự phân bố địa lý thực tế của các học giả”; cách làm này khiến cho các tham số thay đổi của bảng xếp hạng không đáng tin cậy.
Dường như có sự đánh đồng giữa “thế giới học thuật” và “sự phân bố địa lý của các học giả”, mà không có định nghĩa rõ ràng về “học giả” và “học thuật”. Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil có thể có nhiều “học giả” nhất và do đó có nền học thuật lớn hơn, nhưng họ hầu như không giành được vị trí cao trong bảng xếp hạng.
Theo THE, chỉ có 2% người tham gia khảo sát là người châu Phi, giả định đang sống ở lục địa này. Khoảng 50% nghiên cứu của châu Phi được thực hiện ở Nam Phi, từ đó có thể suy đoán rằng số người tham gia khảo sát từ phần còn lại của châu Phi chỉ là 1%. Như vậy có khoảng 100 học giả châu Phi bên ngoài Nam Phi tham gia vào cuộc khảo sát danh tiếng đại học “chia đều cho các ngành học”. Do đó, đối với 11 ngành học ở châu Phi được xếp hạng trên THE, chỉ có khoảng 10 câu trả lời cho mỗi ngành. Vấn đề tương tự cũng xảy ra ở Mỹ Latinh và Trung Đông, với mức độ tham gia khảo sát tương ứng là 5% và 3%.
Chỉ số xếp hạng
Thật vậy, xếp hạng chủ yếu dựa vào danh tiếng. Theo QS, danh tiếng là kết quả tính toán trong đó 40% là phản hồi từ các học giả và 20% là từ doanh nghiệp sử dụng lao động. Một trường đại học có thể cải thiện vị trí của mình trong bảng xếp hạng nếu đạt điểm cao ở hai chỉ số dựa trên nhận thức này. Chỉ số danh tiếng của THE hoàn toàn dựa trên kết quả khảo sát nhận thức, với yêu cầu đối tượng khảo sát “kể tên không quá 15 trường đại học mà họ tin là tốt nhất”.
Có vô vàn lý do khiến nhiều đại học trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi, không lọt được vào những bảng xếp hạng này. Chúng ta hãy xem xét xếp hạng QS; tỷ lệ sinh viên/giảng viên được QS gán trọng số đáng kể. Trên khắp châu Phi, như nhiều khu vực khác trên thế giới, giáo dục đại học đang phát triển theo hướng đại chúng hóa, dẫn đến tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao, điều này buộc các trường muốn nâng hạng phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn – hoặc ngừng mở rộng hoặc tăng thêm số lượng giảng viên. Tăng số lượng giảng viên đòi hỏi đầu tư lớn, những chính sách sáng tạo, và sự cam kết lâu dài; chỉ một vài trường có thể nghĩ đến những điều này.
Một tham số khác được sử dụng trong bảng xếp hạng là tỷ lệ giảng viên quốc tế và tỷ lệ sinh viên quốc tế. Ở châu Phi, vùng hạ Sahara, Nam Phi, Botswana và Namibia là những quốc gia duy nhất thu hút được giảng viên quốc tế, chủ yếu từ các nơi khác trong cùng lục địa. Đây vẫn là giấc mơ cho phần còn lại của châu Phi. Cũng có thể nói như vậy về hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới.
Tương tự, nâng cao tỷ lệ sinh viên quốc tế là một tiêu chí xếp hạng được QS và các tổ chức xếp hạng khác sử dụng. Rất ít quốc gia châu Phi thu hút được sinh viên quốc tế, chỉ có Nam Phi, Ghana, Kenya và Uganda. Sinh viên quốc tế hầu hết đến từ các nước châu Phi khác, chỉ riêng Nam Phi có sinh viên từ lục địa khác. Và họ thường chỉ theo học một hoặc hai học kỳ.
Bản chất của các bảng xếp hạng là như vậy; các trường chiếm vị trí đầu bảng hầu hết là trường Mỹ, từ năm này qua năm khác. Có thể thấy điều tương tự khi xem xét bảng xếp hạng của Times Higher Education, nhóm các trường ở khoảng giữa và nhóm cuối bảng chỉ có một số thay đổi nhỏ về thứ hạng – trường này lên một bậc, trường khác xuống một bậc. Lấy trọng tâm là các tiêu chí dựa vào uy tín không làm ảnh hưởng đến thứ hạng của những trường hàng đầu. Những tổ chức này luôn miễn dịch với những vấn đề xã hội như đình công, thiếu hụt tài chính, xung đột nội bộ hoặc các thách thức khác mà đại học ở các nước đang phát triển phải đối mặt.
Đã xuất hiện một số công ty tự nhận mình là tổ chức phân tích dữ liệu, sẵn sàng nhảy vào để “trợ giúp” các trường châu Phi thăng hạng.
Thao túng thứ hạng
Đã xuất hiện một số công ty tự nhận mình là tổ chức phân tích dữ liệu, sẵn sàng nhảy vào để “trợ giúp” các trường châu Phi thăng hạng. Một đại học “hàng đầu” ở Đông Phi bị nghi ngờ theo đuổi cách tiếp cận này, theo báo cáo họ đã phải trả một khoản phí khổng lồ cho sự “trợ giúp”. Chính những tổ chức xếp hạng giờ đây cũng bắt đầu bán chuyên môn của họ cho các trường, cung cấp dịch vụ “xây dựng thương hiệu” có thu phí. Hình thức mới này làm tăng sự lộn xộn trong hoạt động xếp hạng vốn vẫn chứa đựng những mâu thuẫn lợi ích.
Các thực thể giả danh là nhà cung cấp dịch vụ này hăng hái tiếp cận khách hàng là các nhà quản lý cấp cao, thường tại các hội nghị lớn; và dịch vụ của họ không gì khác hơn là sự lừa gạt. Các trường nên sử dụng nguồn lực có hạn của mình một cách hiệu quả, thay vì theo đuổi những lối tắt để nâng cao thứ hạng.
Tìm kiếm những quy tắc chất lượng
Thị trường giáo dục đại học toàn cầu đang bùng nổ với rất nhiều người mua kẻ bán, cũ và mới, đáng tin và đáng ngờ. Trong bối cảnh đó, phạm vi, cách thức, nền tảng, và thực tiễn của việc cung cấp giáo dục cũng trở nên hết sức đa dạng, đặt ra nhu cầu ngày càng bức thiết về một hệ thống chất lượng đáng tin cậy và hữu hiệu.
Hệ quả là nhiều tổ chức chất lượng cấp quốc gia và cấp khu vực đã ra đời. Ví dụ, hơn một nửa số nước châu Phi có cơ quan quốc gia giám định chất lượng giáo dục đại học – với nhiều mức độ hiệu quả khác nhau. Giáo dục đại học vẫn tiếp tục đa dạng hóa, nên nhu cầu về những tổ chức giám định chất lượng cấp toàn cầu là rất lớn. Các tổ chức xếp hạng được coi là người canh giữ chất lượng cấp toàn cầu; nhưng thực tế lâu nay họ chưa đáp ứng được kỳ vọng này.
Hơn một năm trước, tôi nhận được điện thoại từ phó hiệu trưởng của một trường đại học ở Nam Phi, đề nghị điều phối việc rút khỏi các bảng xếp hạng của các trường đại học nước này. Đề xuất này nhằm khuyến khích các trường đại học trong nước từ chối tham gia xếp hạng, thay vào đó dành tất cả nguồn lực, năng lượng và thời gian cho những mối quan tâm xác đáng hơn. Rhoades, một trong những trường đại học hàng đầu ở Nam Phi, đã từ chối tham gia xếp hạng, một tiền lệ đã xuất hiện.
Một hội nghị bàn tròn quốc tế về xếp hạng, được hỗ trợ bởi Viện Peter Wall về Nghiên cứu Nâng cao của Đại học British Columbia, đã diễn ra tháng 5 năm 2017 tại Vancouver. Hội nghị đã thảo luận về phạm vi và tầm quan trọng của bảng xếp hạng đại học đồng thời đề xuất các hành động và can thiệp cụ thể vào vấn đề này trong tương lai.
Kết luận
Theo Times Higher Education, “bảng xếp hạng danh tiếng đại học không có căn cứ nào khác ngoài phán đoán chủ quan”. QS cũng tuyên bố rằng 60% điểm đánh giá của họ phụ thuộc vào danh tiếng, do đó mang tính chủ quan. Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là thế giới các trường đại học (và ngoài phạm vi đại học) vẫn đang nghiêm túc tin vào các dịch vụ đánh giá dù họ đang sử dụng những công cụ sai và lỗi từ năm này qua năm khác.
Xếp hạng sẽ không biến mất sớm. Trên thực tế, càng thêm nhiều tổ chức xếp hạng tham gia vào cuộc đua, sẽ càng tạo ra nhiều tiếng tăm hơn đảm bảo sự sống còn và ảnh hưởng của họ. Nhưng cũng không khó hình dung rằng sự gia tăng số lượng các tổ chức xếp hạng có thể bắt đầu làm suy giảm ảnh hưởng to lớn của họ – bởi vì các trường đại học có quyền lựa chọn tổ chức xếp hạng phù hợp với mình để được giới thiệu theo cách có lợi nhất. Cuối cùng, các trường hàng đầu cũng như nhóm cuối bảng sẽ tiếp tục đứng ngoài cuộc chơi và quan sát cuộc tranh đua thứ hạng chỉ giới hạn trong một phạm vi chật hẹp là các trường thuộc nhóm giữa bảng.