Tatevik Gharibyan là chuyên gia cao cấp về chính sách giáo dục đại học tại Bộ Giáo dục và Khoa học Cộng hòa Armenia, học viên chương trình học bổng Hubert H. Humphrey năm 2016-2017 tại Đại học Bang Pennsylvania, và là học giả cộng tác tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: tatevikgharibyan@gmail.com.
Từ khi Armenia giành được độc lập vào năm 1991 sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, khu vực giáo dục đại học bắt đầu thay đổi hình thức tự chủ. Một số lượng lớn các tổ chức giáo dục đại học tư nhân và xuyên biên giới đã được thành lập, tự gọi là trường đại học – vì không có quy định chính thức nào tại thời điểm đó xác định quyền sử dụng thuật ngữ “trường đại học”. Chính phủ hạn chế số lượng các trường đại học bằng cách áp dụng các cơ chế cấp phép và kiểm định, và dần hình thành một chính sách nhất quán hơn, nhưng số lượng các tổ chức giáo dục đại học (HEIs) ở Armenia vẫn tương đối cao.
Dân số của Armenia vào khoảng 3 triệu người. Tổng tỷ lệ nhập học trong giáo dục đại học là 44,31%. Có 65 trường đại học công lập và tư thục: trong đó 23 trường là công lập phi lợi nhuận, 31 trường tư thục vì lợi nhuận, 4 trường “liên quốc gia” và 7 trường là phân hiệu của các trường đại học nước ngoài. Các trường đại học liên quốc gia được thành lập theo hiệp định liên quốc gia giữa Cộng hoà Armenia (hoặc với sự tham gia của nước này) và chính phủ nước ngoài. Hoạt động của các trường liên quốc gia được điều chỉnh bởi luật pháp của cả hai nước, và trường được cấp phép và kiểm định từ cả hai phía.
Giáo dục xuyên biên giới là một động lực quốc tế hóa
Một mặt, giáo dục đại học xuyên biên giới tạo ra nhiều thách thức đối với Armenia, do khuôn khổ pháp lý quốc gia của Armenia yếu kém và thiếu các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng và các chỉ tiêu để giám sát các đối tác một cách thích hợp. Mặt khác, việc thành lập các tổ chức giáo dục xuyên biên giới củng cố xu hướng quốc tế hóa trong giáo dục đại học ở Armenia và tăng cường sự cạnh tranh giữa các trường đại học. Chính phủ Armenian hỗ trợ chiến lược để các tổ chức liên quốc gia phát triển bằng cách miễn một số quy chế rằng buộc, với mục tiêu ít ra cũng phải thu hút được cộng đồng người Armenia ở nước ngoài, một cộng đồng tương đối lớn (khoảng 8 triệu người trên toàn thế giới).
Gia nhập vào Khu vực giáo dục đại học châu Âu (EHEA) từ năm 2005, Armenia có cơ hội tham gia vào các dự án xây dựng năng lực của TEMPUS và Erasmus+, tạo nền móng vững chắc để các trường đại học Armenia phát triển quan hệ đối tác với các tổ chức giáo dục châu Âu. Hiện nay, các tổ chức của Armenia đang tận dụng những cơ hội này để thiết lập các chương trình cấp bằng liên kết/bằng kép với các đối tác châu Âu và để quốc tế hóa các chương trình của họ.
Giáo dục đại học xuyên quốc gia ở Armenia
Có nhiều loại tổ chức cung cấp giáo dục xuyên quốc gia ở Armenia: các tổ chức liên quốc gia, tổ chức nhượng quyền (franchise), các chương trình cấp bằng liên kết/bằng kép, phân hiệu của các trường đại học, các tổ chức độc lập, và các chương trình giáo dục từ xa.
Theo luật của Armenia, tất cả các tổ chức và chương trình giáo dục phải được Bộ Giáo dục và Khoa học (MoES) cấp phép. Mặc dù các trường đại học cung cấp các chương trình liên kết và bằng kép phải được cấp phép, nhưng qui trình và tiêu chí để phát triển và cung cấp các chương trình liên kết và để giám sát mối quan hệ giữa các tổ chức lại không được luật pháp Armenia quy định. Gần đây, dự thảo Luật Giáo dục Đại học mới đã có những thay đổi; các điều khoản thích hợp cho chương trình liên kết và bằng kép đã được đưa thêm vào, nhưng những thay đổi này vẫn chưa được thực hiện.
Để kiểm định tổ chức hoặc chương trình, các trường đại học có thể chọn giữa Trung tâm Quốc gia về Tổ chức Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Chuyên nghiệp (ANQA), hoặc bất kỳ cơ quan đảm bảo chất lượng nào đăng ký với tổ chức Đăng ký Đảm bảo Chất lượng châu Âu về Giáo dục Đại học (EQAR), hoặc một cơ quan là một thành viên chính thức của Hiệp hội châu Âu về Đảm bảo Chất lượng trong Giáo dục Đại học (ENQA). Các tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục cùng với các HEIs (hoặc các phân hiệu của HEIs) từ các nước ngoài EHEA đều có thể chọn ANQA hoặc bất kỳ cơ quan đảm bảo chất lượng nào thuộc danh sách các cơ quan được MoES phê duyệt. Đáng chú ý là không có tiêu chuẩn và hướng dẫn đảm bảo chất lượng cho các chương trình liên kết, đây cũng là một vấn đề với hầu hết các nước thành viên Bologna.
Từ khi Armenia giành được độc lập vào năm 1991 sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, khu vực giáo dục đại học bắt đầu thay đổi hình thức tự chủ.
Những tổ chức nào ở Armenia cung cấp giáo dục đại học xuyên biên giới?
Các tổ chức cung cấp chính là:
- Trường Đại học Hoa Kỳ Armenia (AUA), được khởi xướng với sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ và Armenia (thông qua các khoản trợ cấp của USAID), Liên đoàn Nhân đạo Armenia và Đại học California. AUA hiện nay được vận hành như một trường đại học độc lập, tư nhân, phi lợi nhuận, cấp bằng của Hoa Kỳ, với sự kiểm định của WASC Senior College và Ủy ban Đại học. AUA cung cấp các chương trình sau đại học và đại học, cũng như các khóa học chuẩn bị và khóa học giáo dục thường xuyên. Trường tổ chức các trung tâm nghiên cứu để giải quyết các vấn đề quốc gia và quốc tế quan trọng. AUA rất hấp dẫn đối với học sinh người Armenia và thu hút được những sinh viên tốt nhất.
- Đại học Nga-Armenia (RAU), một trường đại học công lập vì lợi nhuận, được thành lập trên cơ sở hiệp định liên quốc gia giữa hai chính phủ. Như vậy, RAU cấp bằng kép và có 31 khoa trong 5 trường con. Trường đại học này cung cấp một số chương trình đào tạo sau đại học liên kết với các trường đại học đối tác ở Nga và châu Âu. Trường này cũng có một số nhóm nghiên cứu.
- Đại học Pháp tại Armenia (UFAR), được thành lập trên cơ sở hiệp định liên quốc gia giữa hai chính phủ và cộng tác với Đại học Jean Moulin Lyon 3 thông qua một thỏa thuận nhượng quyền (franchising agreement). UFAR là một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân cấp bằng kép.
- Học viện Giáo dục Khu vực châu Âu của Armenia (EREA), một tổ chức công lập phi lợi nhuận, liên quốc gia khác. Học viện đã được ra đời theo quyết định của chính phủ Armenia và trên cơ sở các thỏa thuận nhượng quyền (franchising agreement) ký kết với một số tổ chức giáo dục từ các nước châu Âu khác nhau. Tổ chức giáo dục này cấp bằng của Armenia.
Theo hệ thống xếp hạng quốc gia, hai trong số các trường đại học này, AUA và RAU, có khả năng cạnh tranh trong hệ thống giáo dục Armenia và được xếp hạng lần lượt là thứ hai và thứ ba.
Trong khi đó, có bảy phân hiệu của các trường đại học Nga, Ucraina, và Belarus đang hoạt động tại Armenia. Các phân hiệu đại học này cấp bằng của tổ chức giáo dục mẹ. Vì không có sẵn thông tin được công khai về các trường này, số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các phân hiệu này cũng không rõ ràng, cũng như không thể đánh giá về chất lượng giáo dục mà họ cung cấp.
Phân hiệu Yerevan của Lomonosov Moscow State University (MSU) vẫn còn mới trong bức tranh giáo dục đại học của Armenia. Được thành lập vào năm 2015 và chưa có sinh viên tốt nghiệp, MSU cung cấp chương trình đại học trong bảy lĩnh vực khoa học, hầu hết trùng với các lĩnh vực được RAU cung cấp, điều này đặt ra câu hỏi liệu hai trường đại học này có cạnh tranh để thu hút cùng một đối tượng sinh viên không. Mặt khác, sự có mặt của MSU trên thị trường có thể mang lại giá trị quốc tế ngày càng tăng cho lĩnh vực giáo dục bằng cách thu hút thêm sinh viên từ Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS).
Tương lai hứa hẹn điều gì?
Mặc dù số lượng các tổ chức tư nhân ở Armenia rất lớn, phần đông sinh viên (khoảng 87%) vẫn lựa chọn đăng ký vào các tổ chức công lập và liên quốc gia, cho dù chi phí học tập ở các trường này rất cao. Khoảng 15% người học lựa chọn các tổ chức xuyên biên giới, và tỷ lệ này đang tăng đều đặn. Những con số này, cùng với kết quả đánh giá của bảng xếp hạng quốc gia – trong đó các trường đại học tư thục đứng ở vị trí thấp – cho chúng ta biết rằng các tổ chức giáo dục tư nhân ở Armenia có chất lượng thấp và họ chưa phải là đối thủ mạnh.
Ngược lại, các tổ chức giáo dục xuyên quốc gia đang trở nên hấp dẫn hơn bởi vì họ cung cấp cho sinh viên cơ hội học tập bằng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Armenia. Luật pháp Armenia không cho phép các trường đại học trong nước cung cấp chương trình bằng tiếng nước ngoài; điều này tạo ra sự bất bình đẳng giữa các tổ chức xuyên quốc gia và các tổ chức trong nước và khiến các trường đại học trong nước khiếu nại ngày càng nhiều hơn.
Xét theo các yếu tố đa dạng này, thì giáo dục xuyên biên giới ở Armenia sẽ ngày càng trở nên phổ biến, thúc đẩy các tổ chức trong nước theo đuổi chính sách quốc tế hóa mạnh mẽ hơn nữa để cạnh tranh.