Mukwanason A. Hyuha là giáo sư danh dự ngành kinh tế và là cố vấn tại Budembe Enterprises. E-mail: hyuhama@gmail.com
Về mặt chất lượng, ngành giáo dục của Uganda được xây dựng dựa trên cơ sở hệ thống của Anh, nên Uganda là một trong những nước có chất lượng giáo dục tốt nhất ở châu Phi cho đến đầu những năm 1990. Sau đó, cả nền tảng học thuật lẫn cơ sở vật chất đều bị suy giảm nghiêm trọng về chất lượng. Giống như ở nhiều nước châu Phi khác, giáo dục đại học của Uganda đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm thiếu đầu tư trong mọi mặt, thiếu cán bộ giảng dạy ở tất cả các cấp, thiếu nhân sự cấp cao, lương giảng viên thấp, cơ sở vật chất cho đào tạo sau đại học không phù hợp, các vấn đề quản trị nghiêm trọng, hiệu quả nghiên cứu thấp, khan hiếm học bổng dành cho sinh viên, và thiếu sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiêu thách thức chính vẫn là thiếu đầu tư.
Nền giáo dục đại học ở Uganda bao gồm 36 trường đại học, 4 cơ sở đào tạo có cấp bằng và các tổ chức cấp chứng chỉ và văn bằng khác. Tổng số sinh viên theo học ở các đơn vị giáo dục này chỉ hơn 200 ngàn người, trong đó 45% là nữ. Những sinh viên này chiếm khoảng 2% tổng số học sinh, sinh viên ở các cấp từ tiểu học, trung học đến đại học trong nước. Nói chung, người nghèo khó có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học. Hầu hết sinh viên trong khu vực giáo dục đại học đều xuất thân từ các gia đình khá giả. Ngược lại, giáo dục tiểu học và trung học cơ sở lại được triển khai rộng, và cả người giàu và người nghèo đều có thể tiếp cận; đó là các chương trình phổ cập giáo dục tiểu học và trung học (UPE và USE) được thực hiện theo Tuyên bố của LHQ tháng 9 năm 2000. Ngoài ra, nhiều công dân của Kenya, Rwanda, Somalia, Nam Sudan, Tanzania và các nước láng giềng khác cũng đang theo học tại các cơ sở này.
Nhu cầu đối với giáo dục đại học
Từ giữa những năm 1980, số lượng các cơ sở giáo dục đại học của Uganda đã tăng lên đáng kể, chủ yếu do nhu cầu đối với giáo dục đại học tăng cao. Các trường cao đẳng thương mại và kinh doanh chiếm đa số (33%), tiếp theo là các trường đại học (16%) và cao đẳng kỹ thuật (4%). Nếu đến năm 1988, trường Đại học Makerere là cơ sở cấp bằng duy nhất ở Uganda, thì hiện nay quốc gia này có 41 tổ chức được phép cấp bằng, trong đó có 11 trường đại học công lập.
Nhìn chung, nhu cầu đối với giáo dục đại học là rất lớn, ít nhất là trong khu vực Đông Phi. Nhu cầu này cao hơn so với mức trung bình và so với giáo dục kỹ thuật. Đây là kết quả của nhu cầu học tập nói chung, của những quảng cáo mạnh mẽ của các trường đại học, và cũng do thị trường việc làm đang đề cao bằng cấp đại học hơn cách loại chứng chỉ hay diploma. Ngoài ra, sinh viên tối nghiệp các ngành khoa học và công nghệ có nhiều cơ hội và nhiều lựa chọn về việc làm hơn so với sinh viên học các ngành khác. Do đó, hầu hết học sinh, phụ huynh, và các nhà hoạch định chính sách coi trọng giáo dục đại học hơn giáo dục bậc trung cấp và kỹ thuật. Sự thiên vị này đã dẫn đến sự thiếu hụt các kỹ thuật viên trung cấp và công nhân kỹ thuật là lực lượng mà Uganda đang phải nhập khẩu. Kết quả là, vào năm 2016, các chương trình đào tạo
Sau đó, cả nền tảng học thuật lẫn cơ sở vật chất đều bị suy giảm nghiêm trọng về chất lượng. Giống như ở nhiều nước châu Phi khác, giáo dục đại học của Uganda đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau.
các ngành nghề y tế và kỹ thuật cấp bằng diploma chỉ chiếm chưa đến 10%. Rõ ràng là, Uganda cần ngay lập tức thay đổi chính sách về vấn đề này nếu muốn phát triển lực lượng lao động có kỹ năng cần thiết để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển.
Ngoài ra, từ đầu những năm 1990, tỷ lệ nữ sinh tiếp cận với giáo dục đại học, tiếp cận và sử dụng máy tính, cũng như vào học các ngành khoa học và công nghệ đã có cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, số lượng nữ sinh tăng lên trong các ngành kinh doanh và các môn học liên quan đến máy tính nhiều hơn so với các ngành khoa học kỹ thuật cơ bản, toán học hoặc khoa học kỹ thuật khác. Giải thích cho điều này là các yếu tố như cơ sở giảng dạy nghèo nàn ở các trường trung học cơ sở và thiếu nguồn vốn đầu tư, ngoài ra các ngành kinh doanh thường có nhiều cơ hội việc làm hơn. Việc đóng cửa các cơ sở đào tạo kỹ thuật để nhường chỗ cho các trường đại học trong thời gian vừa qua, đáng buồn thay, đã góp phần làm suy giảm số lượng các kỹ thuật viên trung cấp được đào tạo bài bản.
Việc đóng cửa các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng của khu vực giáo dục sau phổ thông là một bước đi thụt lùi, bởi vì các kỹ thuật viên trung cấp và nghệ nhân là không thể thiếu trong các lĩnh vực chế tạo và bảo trì. Phần lớn sự tăng trưởng của các tổ chức giáo dục đại học là trong các lĩnh vực thương mại và kinh doanh, chứ không phải trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.
Nhìn chung, trong giáo dục đại học ở Uganda các cơ sở đào tạo tư thục chiếm 72% và cơ sở công lập chiếm 28%. Đại đa số sinh viên tại các trường đại học công nhận tài trợ từ các nguồn tư nhân, mà không phải từ chính phủ. Trên thực tế, ngoài việc cung cấp kinh phí và các nguồn lực cần thiết cho các cơ sở giáo dục đại học tư thục, khu vực tư nhân giữ một vai trò như một nguồn tài chính quan trọng đối với các tổ chức đại học công lập. Như vậy, khu vực tư nhân có vai trò sống còn trong việc cung cấp giáo dục đại học ở Uganda.
Chất lượng tính đến những năm 1990
Như đã nói ở trên, Uganda từng có chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp tốt nhất ở Đông Phi. Chất lượng giáo dục tốt được duy trì bởi đội ngũ giảng viên có trình độ cao, các cơ sở được trang bị tốt và được đầu tư đầy đủ, các dịch vụ hỗ trợ và lực lượng nhân viên chuyên nghiệp, và hệ thống quản trị tốt ở tất cả các cơ sở giáo dục. Bất chấp bất ổn chính trị sau cuộc đảo chính Idi Amin năm 1971, chất lượng giáo dục vẫn được duy trì ở mức cao trong ít nhất hai thập kỷ. Cũng cần lưu ý rằng, không giống như Uganda hôm nay, vào thời điểm đó, hầu như không có tham nhũng trong nước, và tính kỷ luật và tinh thần của sinh viên và giảng viên rất cao. Thật không may, tham nhũng hiện đang phổ biến ở đất nước này.
Như đã nhắc đến ở trên, nhiều học sinh nước ngoài đổ xô đến các trường trung học của Uganda để tìm kiếm một nền giáo dục chất lượng. Tiếp theo sau lứa sinh viên nhập học năm 1992-1993 không được chính phủ tài trợ, cùng với việc thành lập các trường đại học tư nhân từ năm 1988, nhiều sinh viên không phải là người Uganda cũng đổ xô đến nước này để được hưởng lợi từ một nền giáo dục đại học chất lượng cao.Thực tế giáo dục đại học ở Uganda rẻ hơn so với các nước láng giềng cũng góp phần làm tăng nhu cầu và tăng số lượng sinh viên nước ngoài đổ vào đất nước này.
Sau đó, tình hình trở nên tồi tệ – chủ yếu là do thiếu vốn nghiêm trọng. Hiện tại, được biết hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều gặp các vấn đề, như thiếu vốn đầu tư, giảng đường quá tải, trình độ giảng viên thấp (thiếu kinh nghiệm và chưa có kinh nghiệm), tài liệu giảng dạy và học tập không đầy đủ, thiếu các giảng viên cao cấp, sản phẩm nghiên cứu ít ỏi hoặc không có, hệ thống quản lý kém và các vấn đề khác của quản trị. Trên thực tế, tất cả các trường đại học hiện nay đều trở nên “trì trệ” với sự thiếu hụt nghiêm trọng các giảng viên cao cấp, đặc biệt là ở cấp giáo sư. Về nghiên cứu, chỉ có trường đại học Makerere có thể tự hào về số lượng sản phẩm nghiên cứu hàng năm; các trường đại học khác về cơ bản là các trường đại học chuyên giảng dạy, với kết quả nghiên cứu tối thiểu. Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học hiện nay có cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy cũng như các tiêu chuẩn học thuật chỉ ở mức như các trường tiểu học và trung học.
Con đường phía trước
Uganda cần ngay lập tức hiện đại hóa giáo dục đại học – bao gồm phục hồi và tăng trưởng trước những thay đổi trong nhu cầu và trong công nghệ. Cuối cùng, điều này liên quan đến việc định hình lại giáo dục đại học để mang đến cho nó một cuộc sống mới và sự thích đáng, kể cả việc đổi mới các cơ sở giáo dục để đáp ứng được nhu cầu xã hội đang thay đổi. Kết quả của sự khôi phục này phải là chất lượng và số lượng được cải thiện, các hệ thống và cơ cấu hiện có được tăng cường, những khoảng cách hiện tại được thu hẹp, các yếu kém được xác định và xử lý, và bằng cách đó đẩy mạnh sự phát triển bền vững.
Giáo dục đại học chắc chắn cần được đại tu. Việc phân bổ ngân sách hàng năm cho toàn bộ nền giáo dục cần được nâng lên, từ mức thấp như hiện tại (dưới 10% ngân sách) lên thành ít nhất 15%. Do đó, tăng kinh phí, giám sát chặt chẽ, và nghiêm túc giải quyết những thách thức khác là điều cần thiết để vượt qua những vấn đề đa diện đang ảnh hưởng đến giáo dục đại học. Chính sách nên nhắm đến các mục tiêu này.