Trung Quốc: quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tốt nghiệp đại học

Julian Marioulas là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Đông Á, Đại học Vienna, Áo, và là giảng viên tiếng Đức tại Trường ngoại ngữ, Đại học Khoa học và Công nghệ Đông Trung Quốc. E-mail: julian@marioulas.de.

Trong ấn bản Tháng 4 năm 2013, tạp chí The Economic Observer đặt ra một câu hỏi đơn giản: “Các trường đại học của Trung Quốc có quá dễ dàng không?”. Mặc dù câu hỏi này có thể đặt ra cho nhiều hệ thống giáo dục đại học nhưng câu trả lời khẳng định của The Economic Observer về Trung Quốc thật rõ ràng và không thể nhầm lẫn. Trung Quốc có tỷ lệ bỏ học đại học thấp nhất thế giới; nguồn thông tin từ Bộ giáo dục cho biết có ít hơn 1% sinh viên không hoàn thành chương trình học. Các trường hợp kỷ luật sinh viên, dù rất hiếm hoi, thường gây ra phản ứng gay gắt từ những cá nhân bị kỷ luật và gia đình họ. Mặc dù nền giáo dục đại học ở Đông Á nói chung có đặc điểm là yêu cầu đầu vào cao và tỷ lệ bỏ học thấp, nhưng tỷ lệ này ở Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn loanh quanh ở 10%, một con số xa vời so với tình hình ở Trung Quốc, nơi mà người ta không thể tưởng tượng nổi việc không tốt nghiệp đại học.

Các số liệu

Khi thu thập dữ liệu cho bài viết này, tôi có sử dụng “Báo cáo chất lượng giáo dục đại học” do các cơ sở giáo dục đại học của Đại lục xuất bản, tôi lập danh sách 187 trường đại học và tỷ lệ sinh viên hoàn thành bốn năm học của họ cũng như tỷ lệ sinh viên nhận được bằng cử nhân sau khi tốt nghiệp. Danh sách gồm các trường đại học đa dạng, phân bố ở 12 tỉnh, cả các vùng nông thôn và đô thị, và các tổ chức đào tạo với chất lượng và quy mô rất khác nhau. Tỷ lệ tốt nghiệp trung bình bốn năm học của các trường trong danh sách vào năm 2013 ở mức 97.3%, 5 trường cho 100% sinh viên tốt nghiệp, trong khi tỷ lệ thấp nhất là 84%. Tỷ lệ được cấp bằng cử nhân cho năm đó là 96%, thấp hơn tỷ lệ tốt nghiệp. Thông thường, Giấy Chứng Nhận Tốt Nghiệp chỉ yêu cầu tất cả các môn học bắt buộc phải có điểm đạt, cộng với một số lượng chứng chỉ theo quy định, trong khi bằng cử nhân có thể yêu cầu điểm GPA nhất định.

Chất lượng và xếp hạng của một trường đại học dường như không tạo ra sự khác biệt; các trường đại học trọng điểm quốc gia trong “Dự án 211” có yêu cầu đầu vào cao hơn so với các trường ở các tỉnh nhỏ, nhưng tỷ lệ tốt nghiệp chỉ thấp hơn tỷ lệ trung bình chưa đến 0.5%. Dường như vị trí địa lý mới là thứ tạo ra khác biệt nhỏ trong tỷ lệ tốt nghiệp; ở Hà Bắc, nơi phần lớn các trường cao đẳng đã được nâng cấp lên thành đại học trong những năm gần đây – tỷ lệ tốt nghiệp đại học trung bình là 98.8%, còn ở Thượng Hải, tỷ lệ này giảm xuống 95.9%. Ở một số trường đại học, những khoa hoạt động dưới sự điều hành phối hợp với các tổ chức đối tác nước ngoài và có xu hướng khó tốt nghiệp, đều có tỷ lệ tốt nghiệp trung bình chỉ trên 90%.

Các biện pháp đảm bảo tốt nghiệp

Trong bài viết cho tạp chí Trung quốc Time Education, hai giảng viên của Đại học Công nghệ Giang Tô, một trường cấp tỉnh có yêu cầu đầu vào tương đối thấp, đã đề cập đến một số biện pháp tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp đúng hạn: giảm độ khó của các đề thi lại, kết hợp với việc cho phép thi lại trong những học kỳ sau hoặc thậm chí ngay trước ngày tốt nghiệp dự kiến. Một yếu tố khác góp phần đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp cao là sự thiếu năng lực của đội ngũ giảng viên nói chung, cùng với việc họ không sẵn lòng nhận thêm công việc nếu sinh viên thi trượt. Điều này tác động tiêu cực đến những sinh viên theo học trong các trường có tính cạnh tranh thấp hơn. Trong lớp, nhiều sinh viên chơi trò chơi trên điện thoại, đọc tiểu thuyết, hoặc chỉ ngủ. Trong khi việc học tập ngoài lớp chỉ tập trung vào tuần thi và vào các tài liệu liên quan đến các môn thi trong kỳ, thậm chí điều này cũng bị bỏ qua nếu sinh viên nhận thức được rằng trượt nhiều môn thi cũng không bị trừng phạt.

Những lo lắng tương tự cũng được nêu lên trong một nghiên cứu duy nhất về tỷ lệ tốt nghiệp đại học của những năm gần đây. Li Zifeng và các đồng nghiệp từ Đại học Yanshan ở tỉnh Hà Bắc đã quan sát thấy rằng hầu hết các trường đại học đều có tỉ lệ tốt nghiệp gần 100%, các sinh viên gian lận không bị khiển trách, và giảng viên tránh rắc rối bằng cách cho tất cả sinh viên tốt nghiệp. Sinh viên không được “nuôi dưỡng” để thực hiện những chức năng mà theo lý thuyết, họ cần thực hiện. Các tác giả so sánh những hiện tượng này với các trường đại học phương Tây, nơi các yêu cầu linh hoạt hơn, nhưng cũng đòi hỏi cao hơn, với giả định rằng những điều này góp phần nâng cao chất lượng của sinh viên tốt nghiệp.

Một bài báo năm 2013 trong Workers’ Daily viết về trường hợp của một trường đại học ở Hải Nam, giảng viên của trường được chỉ thị cho tất cả sinh viên cử nhân tốt nghiệp, cho dù trước đó họ có thi trượt bất kỳ môn nào. Điều này cũng áp dụng cho sinh viên bậc thạc sĩ, tất cả đều tốt nghiệp nếu luận án của họ qua được bài kiểm tra của phần mềm đạo văn. Các nhà quản lý đào tạo đã chọn cách giữ tỷ lệ tốt nghiệp cao trong toàn trường để duy trì hình ảnh tích cực và đảm bảo nguồn tài chính trong tương lai, cũng như ngăn chặn việc loại bỏ các khoa có hiệu suất thấp. Trong trường hợp này, dường như việc sắp xếp để tất cả sinh viên đều tốt nghiệp được mọi giảng viên hoan nghênh.

Một vài suy nghĩ

Việc mở rộng giáo dục đại học ở Trung Quốc đã cho phép một số lượng kỷ lục sinh viên ghi danh vào đại học và mang lại lợi ích cho xã hội nói chung. Các khoản đầu tư từ chính quyền trung ương giúp nâng cao chất lượng và sự thừa nhận quốc tế cho các cơ sở giáo dục trên Đại lục. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc đảm bảo để tỷ lệ tốt nghiệp cao như vậy sẽ là một trở ngại cho sự phát triển tiếp theo của họ.

Như vẫn được duy trì, các trường đại học ưu tú tuyển số lượng lớn sinh viên thông qua Gaokao (kỳ thi tuyển sinh đại học) và kênh Tuyển sinh Độc lập. Mặc dù phương pháp thứ hai cho phép các trường đại học linh hoạt quyết định số lượng tuyển sinh của họ mà không chỉ dựa vào một điểm chuẩn xác định duy nhất, điều này lại có khuynh hướng dẫn đến tham nhũng. Trường hợp tai tiếng nhất trong những năm gần đây là về Cai Rongsheng. Trong suốt 8 năm giữ chức vụ trưởng phòng tuyển sinh tại Đại học Renmin của Trung Quốc, ông ta đã nhận hơn 23 triệu nhân dân tệ (3.4 triệu USD) tiền hối lộ để ghi danh sinh viên. Theo Beijing Morning Post, một chỗ học tại các trường đại học danh tiếng có thể có giá 1 triệu tệ (150 ngàn USD). Tuyển sinh Độc lập đã trở thành một kênh cho các học sinh tốt nghiệp trung học không đủ trình độ, nhưng lại có các mối quan hệ chính thức mạnh để được nhận vào các trường đại học tốt, nơi họ sẽ tốt nghiệp bất kể có nỗ lực học tập hay không. Trong tình hình như vậy, các hệ thống đánh giá được thiết kế nhằm loại bỏ những sinh viên có kết quả thấp trong quá trình bốn năm học tập có lẽ sẽ khó được đưa vào áp dụng.

Ít nhất, Đại học Renmin đã thu hẹp đáng kể kênh Tuyển sinh Độc lập từ ngày Cai Rongsheng bị phát hiện tham nhũng. Số liệu của Văn phòng tuyển sinh cho biết, 192 sinh viên được nhận vào học theo kênh này vào năm 2016 (trong tổng số 2797 sinh viên năm nhất), thấp hơn rất nhiều so với năm 2012, khi con số đó là 550, chiếm khoảng 20% tổng số sinh viên mới đăng ký cùng thời gian.

Nếu tính đến số lượng rất lớn thí sinh đủ trình độ tham gia thi tuyển, có thể nghĩ rằng các trường đại học này hoàn toàn có thể đạt được tỷ lệ tốt nghiệp cao như mức hiện nay mà không cần đến bất kỳ biện pháp đặc biệt nào – với giả định quy trình nhập học của họ là minh bạch, dựa trên thành tích học tập và không có tham nhũng.

Về phần các trường đại học và cao đẳng của tỉnh, tôi cho rằng họ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nếu đặt ra những yêu cầu tốt nghiệp nghiêm ngặt. Cho đến nay, động lực thúc đẩy sự gia tăng số lượng sinh viên và các ngành học vẫn trùng hợp với nhu cầu giữ tỷ lệ tốt nghiệp cao, mà không phụ thuộc vào thành tích thực tế của sinh viên. Một sự thay đổi mô hình được thực hiện tại một số trường đại học cấp tỉnh, đề cao giá trị chất lượng của sinh viên tốt nghiệp thay vì số lượng, sẽ giúp nâng cao giá trị bằng cấp của họ và giảm bớt tính chất phân cấp đặc trưng của giáo dục đại học Trung Quốc.

Cần lưu ý rằng, thực tế có một nhóm nhỏ các trường đại học mới thành lập đã phá vỡ mô hình tuyển sinh và các yêu cầu của chương trình đào tạo hiện có, trong số đó có Đại học ShanghaiTech và Đại học Khoa học và Công nghệ Miền Nam. Chúng ta sẽ chờ xem, liệu tỷ lệ tốt nghiệp của họ sẽ khác, hay cũng cao tương đương như số đông các trường còn lại.