Tham nhũng đặc hữu trong giáo dục đại học Ukraine

Elena Denisova-Schmidt là giảng viên Đại học St. Gallen, Thuỵ Sỹ, là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế của Boston College, Hoa Kỳ. Email: elena.denisova-schmidt@unisg.ch.
Yaroslav Prytula là trưởng khoa Khoa học Ứng dụng Đại học Công giáo Ukraine, Lviv, Ukraine. Email: ya.prytula@ucu.edu.ua.

Gần đây trên tạp chí Wall Street Journal và báo The Times of London có các bài viết nêu lên vấn đề: sinh viên quốc tế học tại các trường đại học ở Anh thường gian lận nhiều hơn sinh viên Anh. Vì sao lại thế? Xem xét giáo dục đại học Ukraine như một trường hợp tiêu biểu về môi trường tham nhũng trong học thuật, chúng tôi tìm kiếm câu trả lời bằng cách khảo sát một số yếu tố quyết định hành vi sai trái của sinh viên, và tìm hiểu sâu hơn các nhóm có nhiều khả năng tham gia vào tham nhũng (bằng tiền hoặc phi tiền tệ). Những phát hiện của chúng tôi có thể giúp các trường đại học Mỹ và châu Âu có sinh viên quốc tế điều chỉnh chính sách và thủ tục nhằm bảo đảm môi trường học tập liêm chính.

Vì sao chọn Ukraine?

Ở Ukraine, như ở hầu hết các nước hậu Xô viết, tham nhũng trong giáo dục đại học không phải là biệt lệ, mà là một xu hướng phát triển. Khảo sát toàn cầu về Chỉ số Nhận thức Minh bạch về Tham nhũng, Ukraine xếp hạng rất thấp trong số 15 nước hậu Xô viết. Không có trường công nào ở Ukraine thoát khỏi nạn tham nhũng. Kết quả điều tra của Hiệp hội Nghiên cứu châu Âu các năm 2007, 2008, 2009 và 2011, và một khảo sát do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tiến hành vào năm 2015 cho thấy giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và cảnh sát là những ngành có nạn tham nhũng cao nhất.

Gian lận trong sinh viên ở Lviv

Mới đây, khi tiến hành một nghiên cứu đại diện với 600 sinh viên tại các trường đại học công lập ở Lviv – một trong những thành phố ít tham nhũng nhất Ukraine – chúng tôi phát hiện rất nhiều hình thức tham nhũng tiền tệ và phi tiền tệ trong sinh viên. 47,8% sinh viên từng hối lộ; 94,5% sinh viên thừa nhận có gian lận trong các kỳ thi; 92,8% sao chép bài viết mà không trích dẫn nguồn tham khảo; 64,2% tải bài của người khác từ internet và nộp như là của mình; 40,4% thuê viết bài hộ; và 37,5% “mua” điểm. Sinh viên gian lận với các mức độ khác nhau – “hiếm khi”, “đôi khi”, “thường xuyên” hoặc “có hệ thống” – tuy nhiên tất cả đều gian lận. Vì sao? Lý do vô cùng đa dạng. Có thể là bận đi làm, không còn thời gian để học bài hoặc đến lớp (điểm danh là bắt buộc tại các trường đại học Ukraine). Có thể vì đó là “môn phụ”, “không cần học”, như thể thao chẳng hạn. Một số sinh viên thừa nhận rằng bởi vì họ chỉ cần tấm bằng, bất kể đạt được bằng cách nào. Đạt điểm cao để được nhận học bổng của chính phủ là lý do quan trọng để hối lộ giảng viên.

Phân nhóm sinh viên gian lận

Một số nhóm sinh viên có mức độ “lây nhiễm” kỹ thuật gian lận cao hơn nhóm khác. Sinh viên sống trong ký túc xá thường nhiễm thói gian lận cao hơn cả. Họ dễ dàng thông báo cho nhau về các kỹ thuật gian lận, về việc giảng viên nào lờ đi, cho qua. Sinh viên sống trong ký túc xá mất thời gian cho sinh hoạt đời sống như dọn dẹp phòng, nấu ăn, mua sắm…, do đó có ít thời gian hơn cho học tập/nghiên cứu so với bạn đồng môn sống cùng gia đình. Thêm vào đó, không phải sinh viên nào sống trong ký túc xá chật chội của các đại học Ukraine cũng có được không gian riêng tư cho sinh hoạt và học tập. Cải thiện điều kiện sống cho sinh viên,để bằng mức như ký túc xá ở Mỹ chẳng hạn – cung cấp thực phẩm tại chỗ – hoặc tăng thêm không gian học tập cho  sinh viên đại học, có thể là một biện pháp khắc phục. Những sinh viên gian lận phần đông xuất thân từ các thị trấn nhỏ, từ vùng nông thôn, những nơi thường thiếu thốn các điều kiện tiêu chuẩn của giáo dục trung học, như thiếu giáo viên, lương giáo viên thấp, cơ sở hạ tầng kém. Đầu tư cải thiện môi trường giáo dục trung học ở vùng nông thôn, nâng cao tiêu chuẩn giáo dục trung học cũng là biện pháp giúp giảm thiểu nạn tham nhũng. Kết quả gần đây của PISA cho thấy rằng những học sinh theo học tại các trường có giáo viên có động lực làm việc và sẵn sàng hỗ trợ, có tinh thần tốt hơn và đạt kết quả học tập cao hơn, ngay cả khi đã loại trừ các ảnh hưởng kinh tế xã hội.

Nhóm gian lận thứ hai gồm những sinh viên không làm bài ở nhà, nhóm này dường như sử dụng những kỹ thuật gian lận khác nhau nhiều hơn. Họ bận đi làm kiếm thêm tiền do hỗ trợ tài chính từ gia đình hoặc học bổng chính phủ không đủ để trang trải cuộc sống. Tăng cường hỗ trợ tài chính cho sinh viên sẽ giúp giảm thiểu tham nhũng. Những sinh viên không đầu tư công sức để làm bài tập ở nhà và đọc sách thêm thường tìm cách gian lận để bù đắp và trót lọt qua các kỳ thi. Đẩy mạnh văn hoá tự học cũng có thể góp phần giảm thiểu tham nhũng.

Ở Ukraine, như ở hầu hết các nước hậu Xô viết, tham nhũng trong giáo dục đại học không phải là biệt lệ, mà là một xu hướng phát triển

Nhóm thứ ba gồm những sinh viên có kết quả học tập thấp từ trước khi vào đại học, và cả những sinh viên có kết quả thấp khi vào học đại học. Những sinh viên như vậy thường coi việc học tập trong trường đại học là một cách để có bằng cấp hơn là một quá trình đào tạo, đây là một trong những hệ quả tất yếu của đại chúng hoá giáo dục đại học. Phát triển hệ thống đào tạo nghề và làm cho nó trở nên hấp dẫn – ví dụ mô hình đào tạo nghề của Đức, kết hợp vừa học vừa làm – là một lựa chọn tốt giúp giảm thiểu tham nhũng.

Căn cứ trên số liệu thống kê, chúng tôi không tìm thấy mối liên hệ giữa sự tham gia vào các tổ chức phi chính phủ NGO (thước đo hoạt động xã hội), các hình thức tài trợ giáo dục (từ chính phủ hoặc cá nhân) hoặc khả năng tài chính của gia đình sinh viên, vàcác hình thức gian lận trong học thuật. Tuy nhiên, cuộc điều tra của chúng tôi về những ảnh hưởng của các biện pháp chống tham nhũng trong sinh viên cho thấy những chiến dịch đó đã mang lại kết quả ngược với chủ ý. Các chiến dịch đã vô tình tuyên truyền cho tham nhũng học thuật thông qua việc khẳng định với sinh viên rằng tham nhũng học thuật là hiện tượng phổ biến và/hoặc giới thiệu đến họ những kỹ thuật gian lận mới. Hiểu biết về sự phổ biến của tham nhũng có thể đã làm gia tăng sự chấp nhận tham nhũng trong sinh viên.

Có thể làm gì?

Mặc dù hầu như không thể loại bỏ tham nhũng trong một môi trường tham nhũng đặc hữu, vẫn có thể nỗ lực nhằm giảm nhẹ. Tuy nhiên, chính sách chống tham nhũng cần đủ thông minh để không làm mọi thứ tồi tệ hơn. Một chính sách chống tham nhũng không khoan nhượng, đặc trị cho từng nhóm; đồng thời tuyên truyền phổ biến nhận thức về tác hại lâu dài (trực tiếp và gián tiếp) của gian lận học thuật đến cuộc sống, có thể sẽ thành công.