Tái định hình việc tham gia vào toàn cầu hóa

Marijk van der Wende là giáo sư về giáo dục đại học tại Đại học Utrecht, Hà Lan. Email: mcvanderwende@uu.nl.

Rà soát các giả định và kịch bản

Vào thời điểm khi các bức tường được dựng nên và biên giới đóng cửa, giáo dục đại học sẽ phải đối mặt với những thách thức mới trong vai trò hiện thực hóa một xã hội cởi mở, dân chủ và công bằng. Các sự kiện địa chính trị gần đây và xu hướng dân túy mạnh mẽ đang thúc đẩy sự chối bỏ chủ nghĩa quốc tế. Sự ủng hộ đối với biên giới mở, với thương mại và hợp tác đa phương giảm sút, toàn cầu hóa bị chỉ trích và chủ nghĩa dân tộc đang dần dần bộc lộ. Hiện tượng Brexit, nguy cơ Liên minh châu Âu tan rã và việc Hoa Kỳ quay lưng lại với thế giới gây ra làn sóng bất ổn trong giáo dục đại học về mặt hợp tác quốc tế và phong trào tự do của sinh viên, học giả, tri thức khoa học và ý tưởng. Cùng lúc đó, Trung Quốc khởi động các sáng kiến toàn cầu mới như dự án “Một vành đai, một con đường” (hoặc “Con đường tơ lụa mới”), có thể mở rộng và tích hợp phần lớn thế giới Á-Âu, nhưng dường như theo những điều kiện mới, khác hẳn – và cũng như vậy đối với lĩnh vực giáo dục đại học.

Những thay đổi này đòi hỏi phải nghiêm túc xem xét lại các giả định của chúng ta về toàn cầu hóa và phát triển giáo dục đại học quốc tế. Mười năm trước đây, chúng ta có thể hình dung được một thế giới ít liên kết và ít hòa nhập hơn không? Các định nghĩa về toàn cầu hóa phát triển theo cách kế thừa – đó là mối liên kết toàn thế giới rộng hơn, sâu sắc hơn, và mạnh mẽ hơn, với sự phụ thuộc lẫn nhau và hội tụ ngày càng cao giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng đã có những cảnh báo nghiêm trọng được đưa ra trong quá trình, báo hiệu những nguy cơ đáng chú ý về sự bất bình đẳng và về việc toàn cầu hóa không chỉ tạo ra những người chiến thắng, mà còn cả những kẻ thua cuộc.

Thực tế, một thập kỷ trước, trong ấn phẩm Bốn kịch bản tương lai cho giáo dục đại học của OECD, kịch bản có tên là “Phục vụ cộng đồng địa phương” đề cập đến những động lực chính dẫn đến sự thay đổi, đó là “phản ứng dữ dội chống lại toàn cầu hóa. […] sự hoài nghi ngày càng cao trong phần đông dân chúng trước hiện tượng quốc tế hóa vì nhiều lý do, bao gồm các cuộc tấn công khủng bố và chiến tranh gần đây, nỗi lo ngại trước tình trạng nhập cư tăng, vỡ mộng với hình thức thuê ngoài và cảm giác bản sắc dân tộc đang bị đe dọa bởi toàn cầu hóa và ảnh hưởng từ nước ngoài”. Ngoài ra, kịch bản còn đề cập tới các chương trình nghiên cứu quân sự mới đầy tham vọng mà các chính phủ khởi động vì những lý do địa chiến lược, và hệ thống phân loại bảo mật đối với một số lượng ngày càng nhiều các đề tài nghiên cứu khoa học tự nhiên, khoa học đời sống và kỹ thuật (OECD, 2006, https://www.oecd.org/edu/Ceri/38073691.pdf, tr. 5). Vào thời điểm đó, kịch bản này không được xem là một xu hướng thay đổi tiềm năng, nhưng sau một thập kỷ đó chính là điều đang diễn ra, bao gồm cả việc công bố mới đây về một quỹ nhiều tỉ đô của EU nhằm kích thích các nghiên cứu triển khai liên quan tới quốc phòng.

Có thể nhận thấy thái độ hoài nghi với quốc tế hóa ngày càng tăng trong các cuộc tranh luận chính trị công khai về thương mại, biên giới mở, di dân hay về người tị nạn, và thực tế cả trong giới hàn lâm. Phe phản biện chống lại quốc tế hóa như một dự án tinh hoa toàn cầu, chống lại việc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, chống lại việc xếp hạng toàn cầu và cuộc đua danh tiếng toàn cầu với phân định kẻ thua, người thắng hàng năm, chống lại việc tuyển sinh quốc tế để tăng doanh thu cho các trường, và các hình thức khác của “chủ nghĩa tư bản học thuật”.

Toàn cầu hóa, bất bình đẳng và giáo dục đại học

Các học giả như Thomas Piketty trong ngành kinh tế và Branco Milanovic trong ngành xã hội học, đã cung cấp thêm cho chúng ta hiểu biết về những kết quả nghịch lý của việc toàn cầu hóa. Họ phân tích rằng mặc dù sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội giảm xuống ở quy mô toàn cầu, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, nó vẫn tăng lên ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở một mức độ nào đó, những mô hình này cũng được phản ánh trong giáo dục đại học.

Bất bình đẳng toàn cầu giảm xuống nhờ vào hiệu ứng tái cân bằng do Trung Quốc đã trỗi dậy trên sân khấu giáo dục đại học và nghiên cứu toàn cầu, như được thể hiện trong bảng so sánh mức chi quốc tế cho R&D và tỷ lệ các nhà nghiên cứu quốc tế của họ (cả hai mục này Trung Quốc đều đứng ở vị trí thứ hai, tương ứng sau Hoa Kỳ và châu Âu). Tuy nhiên, cạnh tranh dẫn tới kết quả là các nguồn lực tập trung chủ yếu vào một số ít trung tâm hoạt động, do đó tạo ra sự bất bình đẳng lớn hơn và góp phần vào sự phân tầng giáo dục đại học ở châu Âu. Bất bình đẳng toàn cầu cũng giảm xuống khi số lượng sinh viên tăng bùng nổ trên toàn thế giới, trong đó chỉ Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm hơn một nửa. Tuy nhiên, cùng lúc, ở nhiều nước phương Tây việc hỗ trợ tài chính công cho giáo dục đại học đang chịu nhiều áp lực. Mô hình Mỹ với sự đóng góp lớn từ phía tư nhân ngày càng được nhiều nước áp dụng, nhưng lại bị chỉ trích mạnh mẽ ở chính nước Mỹ vì vấn đề công bằng và sự mất giá của đồng tiền. Tầm quan trọng của giáo dục đại học giờ đây ít phụ thuộc hơn vào mức thu nhập, trong khi hoàn cảnh gia đình và các liên kết xã hội có thể là những yếu tố quan trọng hơn, đặc biệt là trong những xã hội mà sự tham gia vào giáo dục đại học đã gần đạt tới ngưỡng trên.

Định vị toàn cầu và cam kết địa phương

Vì vậy, khi bất bình đẳng toàn cầu trong giáo dục đại học có xu hướng giảm, vai trò của giáo dục đại học trong việc bù đắp những bất bình đẳng vẫn tăng lên ở các nước giàu có, nghĩa là vấn đề ưu đãi nhân tài được đặt ra. Kết quả là giáo dục đại học cùng lúc chịu hai áp lực: cạnh tranh gia tăng ở mức độ toàn cầu và những chỉ trích ngày càng nhiều hơn về tính cam kết và vai trò giáo dục trong nước. Đặc biệt, việc theo đuổi xếp hạng toàn cầu bị chỉ trích vì gây nguy hiểm cho sứ mệnh quốc gia và sứ mệnh của các trường đại học, và tách các trường đại học khỏi xã hội như một cỗ máy phản lực học thuật quốc tế.

Từ một thập kỷ trước, đã trở nên rõ ràng là toàn cầu hóa gây mất cân bằng kinh tế với những ảnh hưởng bất lợi đối với tính gắn kết xã hội, và quá trình này cần phải cân bằng lại. Các trường đại học khi đó lẽ ra phải mở rộng sứ mệnh quốc tế hóa của mình, để giải quyết vấn đề di cư và phân biệt xã hội và trở nên đa thành phần hơn; để xác định lại khế ước xã hội của họ trong bối cảnh toàn cầu hóa, nghĩa là mở rộng đầu vào trong nước cho sinh viên các dân tộc thiểu số và chấp nhận tính đa dạng như chìa khóa thành công trong một xã hội tri thức toàn cầu; và để trở thành những cộng đồng học thuật quốc tế và đa văn hóa thực sự nơi những người trẻ tuổi có thể phát triển thành công dân toàn cầu một cách hiệu quả.

Sự ủng hộ đối với biên giới mở, với thương mại và hợp tác đa phương bị suy yếu, toàn cầu hóa bị chỉ trích, và chủ nghĩa dân tộc đang dần dần bộc lộ.

Con đường tơ lụa tới tương lai

Một số trường đại học đã thành công hơn so với những trường khác, nhưng không ai lường trước được những vấn đề chúng ta đang phải đối mặt hôm nay. Tại châu Âu, đây là những điều không thể tưởng tượng nổi trong niềm lạc quan của thời kỳ hoàng kim quốc tế hóa sau khi bức tường Berlin sụp đổ, và thậm chí trong những năm sau ngày 9/11. Suy nghĩ về hướng đi trong tương lai, chúng ta đứng trước một loạt câu hỏi lớn, đặc biệt là về ảnh hưởng của Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, và Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome vào ngày 25 tháng 3 đã có những cuộc tranh luận gay gắt về các kịch bản của châu Âu tương lai, một số kịch bản hứa hẹn nhiều hơn cho giáo dục đại học so với các kịch bản khác. Trong khi đó, hợp tác EU-Trung Quốc đã được thiết lập thông qua các trung tâm nghiên cứu và các hiệp định giáo dục đại học, và ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục đại học toàn cầu ngày càng tăng. Các giá trị của Trung Quốc sẽ tác động đến giáo dục đại học ra sao, và rốt cuộc chúng ta có thực sự hiểu được những giá trị này không? Chúng ta có thể chuẩn bị những gì cho sinh viên để họ được an toàn đi trên những con đường tơ lụa mới hướng tới tương lai? Đây là một thách thức lớn nữa đối với quốc tế hóa; để làm phong phú tầm nhìn và sự hiểu biết của chúng ta về thế giới, để mở rộng sự chú ý của chúng ta ra ngoài phương Tây, và hướng tới một trang sử mới.