Sự dịch chuyển của sinh viên Trung Quốc và quốc tế

Hang Gao là nghiên cứu sinh Khoa Giáo dục, Đại học Tiêu chuẩn Bắc Kinh (BNU), Trung Quốc, và hiện nay là giảng viên thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Quốc tế (CIHE) tại Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: [email protected]. Hans de Wit là giáo sư và giám đốc CIHE. E-mail: [email protected].

Ưu thế cạnh tranh tương lai trong nền kinh tế tri thức toàn cầu sẽ phải dựa vào sự sẵn có tài năng. Một xu hướng rõ ràng là các quốc gia trên thế giới đang tìm kiếm chiến lược cải thiện hệ thống giáo dục đại học, nhằm thu hút được nhiều hơn những sinh viên quốc tế tài giỏi. Là một nước đang phát triển lớn nhất và là một trong những thành tố quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc cần cải cách các khía cạnh quan trọng của hệ thống giáo dục hiện tại và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho sinh viên quốc tế, nhằm tăng cường quyền lực mềm văn hoá cũng như củng cố vị thế quốc tế của họ.Trung Quốc hướng đến mục tiêu thu hút 500 ngàn sinh viên quốc tế vào cuối thập niên này và đã tiến rất nhanh theo định hướng này, vượt qua Úc, Pháp và Đức, trở thành quốc gia điểm đến thứ 3 hấp dẫn sinh viên quốc tế sau Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh. Bầu không khí chính trị thay đổi gần đây trong các quốc gia vốn vẫn thu hút số lượng lớn sinh viên quốc tế, đặc biệt là Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ, khiến Trung Quốc có nhiều triển vọng hơn so với vài năm trước để trở thành một điểm đến hấp dẫn có vị trí thống lĩnh. Thu hút nhiều sinh viên quốc tế và giữ chân những người đã tốt nghiệp ở lại làm việc là một chiến lược chính trị quan trọng ở cấp quốc gia cũng như của các tỉnh thành lớn và các trường đại học. Nhưng để những nỗ lực này mang tính bền vững, Trung Quốc cần cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ và chất lượng vụ giáo dục đại học.

Trung Quốc được lợi gì?

Hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc bắt nguồn từ nền tảng văn hoá, chính trị, lịch sử trong nước, và cũng từ bối cảnh địa chính trị hiện tại. Các yếu tố bên trong và bên ngoài này ảnh hưởng lớn đến cách thức hệ thống giáo dục đại học chuẩn bị để tiếp nhận số lượng lớn sinh viên quốc tế.

Về mặt kinh tế, có thể dự đoán rằng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi đáng kể từ số lượng sinh viên quốc tế tăng lên, thông qua đóng góp của họ như học phí và chi phí đi lại và sinh hoạt. Tăng tỷ lệ sinh viên quốc tế ở lại làm việc, cùng với chính sách khuyến khích sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp ở nước ngoài trở về, có thể đóng góp vào sự phát triển của Trung Quốc như một nền kinh tế tri thức. Kinh nghiệm của các nước như Úc, Anh và Hoa Kỳ cho thấy sinh viên quốc tế có những đóng góp giá trị cho sự phát triển kinh tế nội địa.

Về phương diện văn hoá, là một cầu nối quan trọng giữa Trung Quốc và thế giới, sinh viên quốc tế thông thạo tiếng Hoa sẽ hiểu biết nhiều hơn về Trung Quốc và sẽ giới thiệu các giá trị văn hoá truyền thống và thành tích phát triển kinh tế với thế giới. Đây không chỉ là cơ hội cho ngôn ngữ, văn hoá và tri thức Trung Quốc bước vào giai đoạn toàn cầu mà còn mở rộng quyền lực văn hoá mềm.

Về mặt chính trị, các sinh viên quốc tế sẽ góp phần dịch chuyển Trung Quốc từ vị trí ngoại vi vào vị trí trung tâm toàn cầu. Tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong giáo dục đại học và tiếp nhận nhiều tài năng từ các nước đang phát triển sẽ củng cố quan hệ hợp tácgiữa Trung Quốc và các nước đang phát triển ở khu vực phía nam.

Về mặt giáo dục, tăng số lượng sinh viên quốc tế đến Trung Quốc, tạo điều kiện tối ưu để họ ở lại làm việc, tạo điều kiện giao tiếp giữa sinh viên quốc tế và sinh viên trong nước là những bước quan trọng để thúc đẩy quá trình quốc tế hóa và nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục đại học, và mang lại trải nghiệm “quốc tế hoá tại chỗ” cho sinh viên Trung Quốc.

Trung Quốc cần làm gì?

Ngay từ đầu thiên niên kỷ mới, Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyển sinh quốc tế. Như đã đề cập ở trên, Trung Quốc đã trở thành điểm đến học tập lớn thứ 3 trên thế giới. Khoảng 398 ngàn sinh viên quốc tế đến từ 208 quốc gia đã học tập tại Trung Quốc vào năm 2015 và hơn 400 ngàn vào năm 2016. Cần làm gì để chính sách này hiệu quả hơn và trở thành bền vững?

Trung Quốc cần tăng cường chính sách trao đổi và hợp tác liên chính phủ. Một số chính sách cốt lõi đã được xây dựng trong vài năm qua, bao gồm “Kế hoạch trung hạn và dài hạn quốc gia về cải cách và phát triển giáo dục (2010-2020)” năm 2010, và trong năm 2016 “Một vài đề xuất cải tiến mở cửa và cải cách giáo dục trong giai đoạn mới” và “Đẩy mạnh Biện pháp Giáo dục ‘Sáng kiến vành đai và con đường”. Ngoài ra còn có các dự án hợp tác liên chính phủ như “Hiệp hội Đại học Con đường tơ lụa”, khuyến khích hợp tác giáo dục đại học với các nước đang phát triển và các nước phát triển thông qua các hiệp định song phương.

Cấp học bổng cho sinh viên quốc tế là vấn đề quan trọng. Để tăng cường hỗ trợ tài chính, đặc biệt đối với sinh viên từ các nước đang phát triển, Trung Quốc đã đưa ra các dự án học bổng lớn và hấp dẫn ở các cấp khác nhau bao gồm chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, các Học viện Khổng Tử, các sáng kiến phát triển đa phương và các trường đại học. Ít nhất 37 ngàn sinh viên quốc tế đã được hưởng học bổng trong năm 2014.

Dạy cho sinh viên quốc tế thông thạo tiếng Hoa là một công cụ nữa. Ngôn ngữ là một trong những thách thức lớn nhất đối với sinh viên quốc tế. Trình độ tiếng Hoa thấp ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả học tập của họ ở Trung Quốc, và cũng lấy mất của sinh viên Trung Quốc cơ hội hưởng lợi từ những đóng góp của họ. Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp để nâng cao trình độ tiếng Hoa của sinh viên quốc tế. Một bài kiểm tra trình độ tiếng Hoa có tên HSK đã được đưa ra để phục vụ tốt hơn cho các học viên quốc tế và tăng cường tuyển sinh quốc tế tại các trường đại học Trung Quốc.

Tăng cường và mở rộng dạy tiếng Hoa trên toàn cầu là một hoạt động khác. Theo thống kê chính thức, 511 Viện Khổng Tử và 1073 lớp học Khổng Tử đã được thành lập ở 140 quốc gia và khu vực. Năm 2016, các Học viện và Lớp học Khổng tử trên khắp thế giới đã tuyển dụng 46 ngàn giảng viên toàn thời gian và bán thời gian từ Trung Quốc và ở nước ngoài và đã ghi danh 2.1 triệu học viên, thu hút được 13 triệu người tham dự các sự kiện văn hóa khác nhau. Các trường đại học Trung Quốc cung cấp chương trình dự bị từ một đến hai năm cho sinh viên quốc tế chưa đạt yêu cầu tiếng Hoa. Hiệu quả của chính sách này đối với tuyển sinh sinh viên quốc tế cần được đánh giá và cần phối hợp tốt hơn với các chính sách khác.

Thách thức trong tương lai

Mặc dù đã tăng lên khá nhanh trong những năm gần đây, số lượng sinh viên quốc tế tại Trung Quốc vẫn có thể tăng hơn nữa, bởi vì số này vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số sinh viên nhập học. Trung Quốc chỉ mới bắt đầu triển khai chính sách thu hút sinh viên quốc tế. Các biện pháp hỗ trợ ở cấp quốc gia, địa phương và cấp trường vẫn chưa đủ. Vẫn còn một số thách thức cần được giải quyết.

Chương trình giảng dạy hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của sinh viên quốc tế. Hơn một nửa số sinh viên quốc tế hiện nay theo học những chương trình không cấp bằng và chỉ lưu trú một thời gian ngắn, vì thế điều quan trọng là phải xây dựng các khóa học bằng các ngôn ngữ khác nữa, đặc biệt là tiếng Anh.

Các quy định hiện tại về mức học phí là một trở ngại khác. Thực tế là chỉ cơ quan quản lý giáo dục đại học cấp quốc gia mới có thẩm quyền ban hành những quy định học phí, điều này dẫn đến tình trạng khó xử cho các tổ chức giáo dục. Một số trường đại học mong muốn mở rộng tuyển sinh sinh viên quốc tế bằng cách cải thiện chất lương dịch vụ và chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, theo các quy định học phí cứng nhắc hiện nay, những trường đại học này không có đủ nguồn lực đầu tư để cung cấp dịch vụ giáo dục và dịch vụ chất lượng cao cho sinh viên quốc tế.

Các trường đại học đã bỏ qua việc phát triển các dịch vụ như các trang web có thông tin bằng ngoại ngữ, dịch vụ thư viện, các hoạt động câu lạc bộ và tư vấn tâm lý. Vì lý do an ninh và để tránh những xung đột có thể xảy ra, các trường đại học Trung Quốc thường cung cấp điều kiện nhà ở cho sinh viên quốc tế tốt hơn so với sinh viên trong nước. Nhưng điều này lại hạn chế khả năng tương tác hàng ngày và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nhóm. Vẫn còn một chặng đường dài để hình thành được một văn hoá trường học đa văn hóa và trưởng thành.

Sinh viên quốc tế, đặc biệt những người đến từ các nước đang phát triển, háo hức nắm bắt cơ hội làm việc hoặc thực tập tại Trung Quốc. Tuy nhiên, do các chính sách về thị thực, nhập cư và tuyển dụng không thuận lợi, những cơ hội này rất hạn chế, ngoại trừ một số sáng kiến được đưa ra ở các khu vực phát triển hơn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông.