Sinh viên quốc tế có phải là “bò sữa”?

Rahul Choudaha là đồng sáng lập và CEO của DrEducation, LLC và interEDGE.org. E-mail: rahul@DrEducation.com.

Tình trạng nhiều trường đại học ở Mỹ bị cắt giảm ngân sách đã buộc lãnh đạo các trường này tìm kiếm các nguồn thu nhập thay thế để đảm bảo tài chính của trường bền vững. Nhiều trường đã nhận ra tuyển sinh quốc tế có thể là một nguồn cung cấp tài chính cho các hoạt động và bù đắp cho ngân sách thâm hụt.

Trong giai đoạn 2007-2008 đến 2015-2016, sinh viên quốc tế tại Hoa Kỳ tăng thêm 67%, đạt con số 1.043.839. Đồng thời, lợi ích kinh tế từ sự có mặt của sinh viên quốc tế trong các trường đại học của Mỹ tăng 111%, đạt đến 32.8 tỷ USD. Điều này cho thấy rõ đóng góp tài chính của sinh viên quốc tế đã vượt qua mức tăng tuyển sinh.

Vào những năm 1960, tập đoàn tư vấn Boston đã xây dựng một khung tham chiếu nhằm giúp các công ty cân nhắc việc phân bổ các nguồn lực của họ. Một trong những thuật ngữ được sử dụng trong khung tham chiếu này là “bò sữa” (cash cows). Nói chung, nó mô tả một sản phẩm hoặc một công ty cung cấp dòng tiền mặt ổn định và đáng tin cậy để đầu tư cho sự tăng trưởng của công ty và sự phát triển của các đơn vị kinh doanh khác của công ty.

Theo những xu hướng chúng ta đã chứng kiếngần đây, liệu một số cơ sở đào tạo của Mỹ có coi sinh viên quốc tế như “bò sữa”? Liệu họ có đang đặt ưu tiên cao cho việc mở rộng tuyển sinh quốc tế, trong khi lại không đầu tư tương xứng về thời gian, sự lưu tâm và các nguồn lực để hỗ trợ những sinh viên này thành công?

Mở rộng tuyển sinh quốc tế

Mức cắt giảm ngân sách kết hợp với cơ hội thay thế những khoản cắt giảm này bằng doanh thu học phí từ sinh viên quốc tế đã thu hút thêm nhiều trường tham gia vào thị trường tuyển sinh. Trong thập kỷ qua, nhiều tổ chức đã bắt đầu tập trung tăng doanh thu bằng cách tăng số lượng sinh viên quốc tế và thu thêm phí dịch vụ từ những sinh viên này.

Tuy nhiên, nhiều trường đã nhận ra việc mở rộng tuyển sinh không phải là dễ dàng, đặc biệt nếu các trường thiếu tầm nhìn toàn cầu và không đứng ở thứ hạng được sinh viên đánh giá cao, hoặc nếu vị trí địa lý không hấp dẫn. Ngoài vấn đề tầm nhìn, các trường cũng nhận ra phân khúc đối tượng tuyển sinh vừa có nguồn lực tài chính vừa có khả năng học tập trong môi trường quốc tế có rất nhiều lựa chọn để cân nhắc, điều này khiến cho phân khúc này có tính cạnh tranh cao.

Do nhiều trường không thể cung cấp hỗ trợ tài chính hoặc học bổng cho sinh viên, họ bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc mở rộng tuyển sinh đến những đối tượng ít được chuẩn bị về mặt học thuật nhưng có nguồn tài chính để đầu tư cho giai đoạn học dự bị tại Mỹ.

Sự thiếu chuẩn bị về học thuật có thể là với tiếng Anh hoặc các môn học khác. Để giúp sinh viên quốc tế đủ điều kiện nhập học vào chương trình chính thức, chương trình Anh ngữ Chuyên sâu (IEP) trở thành một cơ chế hỗ trợ quan trọng. Giữa năm 2007 và năm 2015, số sinh viên quốc tế theo học IEP tăng 145%, đạt con số 133.335 người.

Cũng như các trung tâm IEP đào tạo tiếng Anh phát triển mạnh, các tổ chức tư nhân thuộc bên thứ ba bắt đầu xuất hiện để cung cấp các kiến thức dự bị bổ sung khác, ngoài tiếng Anh và giới thiệu các cơ hội để sinh viên quốc tế có được tín chỉ học tập chuyển tiếp. Các nhà cung cấp này cũng mang đến thêm nguồn vốn để mở rộng tuyển sinh và các dịch vụ hỗ trợ liên quan.

Tình trạng nhiều trường đại học ở Mỹ bị cắt giảm ngân sách đã buộc lãnh đạo các trường này tìm kiếm các nguồn thu nhập thay thế để đảm bảo tài chính của trường bền vững.

Để đáp ứng với môi trường thay đổi này, NAFSA – Hiệp hội Các nhà Giáo dục Quốc tế – đã ủy thác cho tôi tiến hành nghiên cứu khảo sát để hiểu được bối cảnh dẫn đến hình thành những quan hệ đối tác với bên thứ ba ở Mỹ. Những trường tham gia khảo sát cho biết lý do chính để họ hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba là để được tiếp cận với mạng lưới tuyển sinh của họ. Ngược lại, lý do hàng đầu để không hợp tác là nỗi sợ đánh mất tiêu chuẩn học thuật.

Mặc dù lo ngại về việc mất tiêu chuẩn học thuật, các trường vẫn không thể bỏ qua mối đe dọa đối với sự bền vững tài chính mà nhiều tổ chức phải đối mặt. Hệ thống cộng sinh của các nhà cung cấp thứ ba, sự hợp tác với các tổ chức đào tạo đang hướng đến tăng cường tuyển sinh, ngày càng được chấp nhận rộng rãi hơn. Điều này đặt ra câu hỏi liệu đầu tư vào tuyển sinh và tăng học phí có phù hợp với các sáng kiến hỗ trợ sinh viên thành công hay không. Các cơ sở đào tạo có sẵn sàng hỗ trợ các đối tượng sinh viên đa dạng có trình độ kiến thức đầu vào và kỳ vọng khác nhau hay không?

Tái đầu tư vào thành công của sinh viên và chất lượng dịch vụ, đào tạo

Trong báo cáo Tích hợp Sinh viên Quốc tế, Hội đồng Giáo dục Mỹ lưu ý rằng “trong khi nỗ lực tuyển sinh quốc tế đang gia tăng, dữ liệu không cho thấy sự gia tăng đáng kể trong các dịch vụ hỗ trợ cho những sinh viên này”. Tuyển sinh trong thập niên gần nhất ở Mỹ đã phơi bày sự yếu kém của nhiều trường trong việc thu hút và hỗ trợ sinh viên quốc tế.

Tại nhiều trường, các dịch vụ cho sinh viên quốc tế chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ nhập cảnh và tuân thủ thị thực. Ví dụ, trong khi sự tiến bộ trong học tập có tầm quan trọng lớn với nhiều sinh viên quốc tế, với các tổ chức đào tạo, đó là ưu tiên cuối cùng. Bằng cách tiếp tục tăng học phí và các loại phí khác đối với sinh viên quốc tế mà không tái đầu tư tương ứng để giúp họ thành công, một số cơ sở đang trên đà tuột dốc bởi cách đối xử với sinh viên quốc tế như những con bò sữa.

Giáo dục đại học Mỹ nổi tiếng hấp dẫn sinh viên quốc tế vì sự xuất sắc và chất lượng đào tạo. Những trường chỉ chú trọng khía cạnh thu nhập mà không đầu tư tương xứng cho chất lượng dịch vụ và chất lượng đào tạo thì không chỉ đe dọa phá hỏng danh tiếng của nước Mỹ như một điểm đến hấp dẫn, mà còn không đạt được sự bền vững trong tuyển sinh quốc tế.

Để xây dựng một mô hình bền vững bao gồm tuyển sinh quốc tế và kết nối sinh viên quốc tế với sinh viên địa phương và cộng đồng trường, các trường đại học cần đầu tư đào tạo cho đội ngũ nhân viên kỹ năng làm việc hiệu quả với các sinh viên đa văn hóa. Họ phải hiểu được sự đa dạng trong nhu cầu của sinh viên và liên tục đầu tư vào việc cải thiện trải nghiệm và kết quả học tập của sinh viên.

Đòi hỏi các nguồn lực bổ sung trong giai đoạn tài chính khó khăn là không thực tế. Cần một cách tiếp cận sáng tạo để tái thiết và xem xét lại các chiến lược tái đầu tư nhằm hỗ trợ sinh viên thành công. Trong bài báo “Ba làn sóng dịch chuyển của sinh viên quốc tế 1999-2020”, tôi đã chỉ ra rằng tham gia vào cuộc đua khốc liệt thu hút sinh viên quốc tế không chỉ có các trường thuộc các quốc gia điểm đến truyền thống, mà còn các trường của các điểm đến mới như Trung Quốc. Điều này đòi hỏi các tổ chức phải trở nên sáng tạo trong việc phân bổ nguồn lực và hỗ trợ sinh viên thành công.

Tóm lại, mặc dù những thách thức về dòng tiền là một thực tế đối với nhiều trường, đối xử với sinh viên quốc tế như “bò sữa” là phi đạo đức và gây tổn hại cho danh tiếng của giáo dục đại học Mỹ. Các trường phải đổi mới để tạo được sự cân bằng giữa việc tuyển sinh với tái đầu tư vào trải nghiệm và thành công của sinh viên.