Phân hiệu quốc tế: sự hiếu kỳ hay xu hướng quan trọng?

Richard Garrett là giám đốc của Tổ chức Quan sát về Giáo dục Đại học không biên giới (OBHE). Email: [email protected]. OBHE đã hợp tác với Nhóm Nghiên cứu Giáo dục xuyên biên giới (CBERT tại SUNY Albany và Đại học Penn State) để tập hợp một báo cáo mới về các cơ sở đào tạo quốc tế. Phần 1 đã có sẵn và miễn phí cho Thành viên của Tổ chức OBHE, những người khác có thể mua.

Phân hiệu quốc tế (IBC – International Branch Campus) nổi lên như một nét đặc biệt trong chiến lược quốc tế hóa của các chính phủ và các tổ chức giáo dục đại học. Những thực thể này thu hút nhiều sự chú ý trong những năm 2000, khi các trường đại học thấy trước được những lợi ích trong tuyển sinh, doanh thu, nghiên cứu và xây dựng thương hiệu, đã gấp rút thành lập các phân hiệu ở nước ngoài. Một số cuộc phiêu lưu kết thúc thất bại kèm theo tai tiếng, một số khác đạt được thành công. Đến nay, đã có 249 phân hiệu quốc tế hoạt động trên toàn thế giới từ 66 phân hiệu đầu tiên vào năm 2011, trong đó khoảng 20 phân hiệu được xem là có khả năng thành công.

Có thể nhắc đến các ví dụ như phân hiệu của trường Đại học Nottingham tại Malaysia và Trung Quốc, phân hiệu của Viện công nghệ Georgia ở Pháp, phân hiệu của trường RMIT tại Việt Nam, và phân hiệu của trường Đại học Quốc tế Philippines AMA ở Bahrain.

Các IBC thực sự còn khá hiếm nhưng vẫn tiếp tục xuất hiện. Nếu tính cả những IBC đã thay đổi tình trạng hoặc đóng cửa trong thời gian qua, với ít nhất 42 trường hợp đã được ghi nhận, tổng cộng có 291 IBC đã được thành lập.

IBC là gì?

Một báo cáo mới được công bố trong tháng 11 năm 2016 định nghĩa IBC là “một thực thể thuộc quyền sở hữu, ít nhất là một phần, của một nhà cung ứng giáo dục nước ngoài; hoạt động dưới tên của nhà cung ứng giáo dục nước ngoài; và cung cấp toàn bộ chương trình học tập, phần lớn là tại chỗ, để có bằng cấp của nhà cung ứng giáo dục nước ngoài”.

Việc thu thập thông tin về IBC khá khó khăn, vì không có cơ quan chính phủ hoặc phi chính phủ nào theo dõi hoạt động đó một cách chính thức. Rất ít nước có hệ thống thu thập thông tin về hoạt động ở nước ngoài của các tổ chức giáo dục đại học của nước mình. Cũng đã có những cố gắng thu thập dữ liệu từ mọi IBC đang tồn tại, thông qua trang web của tổ chức, tin tức trực tuyến và thông cáo báo chí, hoặc qua email với các nhà lãnh đạo tổ chức. Không phải tổ chức nào cũng có sẵn dữ liệu hoặc sẵn sàng chia sẻ, và một vài nơi cung cấp dữ liệu không đầy đủ. Dữ liệu toàn diện hơn và được công bố công khai sẽ có lợi cho tất cả các bên liên quan trong các dự án IBC. Bộ dữ liệu của chúng tôi cung cấp bức tranh toàn diện nhất về IBC cho đến nay.

Báo cáo phần 1 cung cấp một danh sách đầy đủ các IBC được biết là đang hoạt động và phát triển, cùng với thông tin về năm thành lập, bằng cấp và các chương trình đào tạo và số lượng sinh viên. Báo cáo cũng đưa ra phân tích xếp loại, lý do và động lực của các chính phủ cho phép mở IBC, và các mô hình đảm bảo chất lượng tại chỗ khác nhau.

Có bao nhiêu sinh viên đang theo học? Các IBC nằm ở đâu?

Nhóm OBHE và nhóm C-BERT ước tính vào cuối năm 2015, có khoảng 180 ngàn sinh viên trên toàn thế giới ghi danh vào những IBC được định nghĩa như trong báo cáo này. Đây là một con số lớn nếu nhìn vào giá trị tuyệt đối, nhưng nó chỉ gần bằng 4% tổng số 5 triệu sinh viên quốc tế trên thế giới – tức sinh viên học ở nước ngoài – và chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số hơn 150 triệu sinh viên đại học toàn cầu. Ở một vài quốc gia như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), IBC chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng số tuyển sinh đại học; nhưng, hầu hết, đó là những thị trường ngách.

Phân hiệu quốc tế (IBC) nổi lên như một nét đặc biệt trong chiến lược quốc tế hóa của các chính phủ và các tổ chức giáo dục đại học.

Nhìn chung, hiện nay có 33 quốc gia “mẹ” – hoặc nguồn – của các IBC, tăng so với 28 quốc gia vào đầu năm 2011. Năm quốc gia “mẹ” hàng đầu là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nga, Pháp và Úc. Tổng cộng, 5 nước này có 181 phân hiệu ở nước ngoài, chiếm 73% số IBC toàn thế giới. Hiện nay có 76 nước tiếp nhận IBC, tăng so với 69 nước vào đầu năm 2011. Năm nước tiếp nhận hàng đầu là Trung Quốc, UAE, Singapore, Malaysia và Qatar, có tổng số 98 IBC, chiếm 39% số IBC toàn thế giới.

IBC có quan trọng không?

IBS tạo thêm doanh thu, đẩy mạnh quốc tế hóa và trao đổi học thuật hai chiều, tăng thêm uy tín, và đảm bảo cơ sở cho việc nghiên cứu. Rất ít bằng chứng cho thấy IBC tạo ra giá trị thặng dư đặc thù, và phần lớn, nếu không nói là tất cả, lợi tức ròng được đầu tư trở lại cho hoạt động. Lợi ích ngắn hạn rất ít, và chắc chắn phải mất nhiều năm để hình thành một IBC và đánh giá tác động của nó.

Các tổ chức tinh hoa thành lập phân hiệu đại học quốc tế bởi coi đó là sự thể hiện đẳng cấp, còn các tổ chức ít tiếng tăm hơn, ít bị truyền thống ràng buộc hơn coi sự hiện diện quốc tế là một cách để tạo sự nhận biết thương hiệu mới ở các thị trường mới.

Những tổ chức đào tạo đầu tư vào IBC đang tham gia vào một trò chơi dài hạn, đánh cược vào một tương lai toàn cầu hóa rộng hơn, khi một trường đại học được đánh giá dựa vào quy mô sự hiện diện quốc tế. Ngày nay, hầu hết IBC vẫn đang trong quá trình định hình, quan tâm chủ yếu tới sinh viên trong nước, mà ít quan tâm đến trao đổi sinh viên hai chiều hoặc xây dựng thương hiệu riêng. Như đã từng xảy ra trong quá khứ, một số IBC có thể dần dần trở thành độc lập với tổ chức mẹ và biến thành một trường đại học trong nước. Giá trị gia tăng của mạng lưới các phân hiệu quốc tế, trong đó giá trị tổng lớn hơn các phần cộng lại, vẫn đang là một chân trời mở đối với những tổ chức theo đuổi IBC.

Một điều chắc chắn là nếu các IBC thực sự đạt được các chỉ số hiệu quả quan trọng và thành công, các trường khác sẽ rất khó bắt kịp. Một mạng lưới liên trường khắp toàn cầu mà ở đó mọi sinh viên theo đuổi việc học tập, hoặc mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp được nuôi dưỡng qua nhiều thập kỷ, không thể nhân rộng chỉ sau một đêm. Một số trường đại học đang trông cậy vào những trung tâm quốc tế nhỏ hơn để cân bằng giữa rủi ro và thành công. Mô hình Cổng toàn cầu của Đại học Ohio là một ví dụ điển hình.

OBHE và CBERT sẽ tiếp tục theo dõi hiện tượng IBC. Trong thực tế, phần 2 báo cáo về IBC công bố vào năm 2017 sẽ dựa trên những cuộc phỏng vấn các lãnh đạo trường tại một mẫu IBC đã hoạt động ít nhất một thập kỷ. Phần 2 sẽ tìm hiểu động cơ và hoạt động của những IBC đã trưởng thành, xem xét các quan điểm đánh giá thành công khác nhau, và những điều kiện dẫn đến thành công.