Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á: sự đa dạng của các tổ chức có công trình đoạt giải Nobel

Elisabeth Maria Schlagberger là chuyên gia thông tin tại Viện Hoá sinh Max-Planck, Martinsried, Đức. E-mail: schlagberg-er@biochem.mpg.de. Lutz Bornmann là nhà khoa học tại trụ sở hành chính của Hiệp hội Max-Planck, Munich, Đức. E-mail: lutz.bornmann@gv.mpg.de. Johann Bauer là nhà khoa học và chuyên gia về thông tin, Viện Hóa sinh Max-Planck, Martinsried, Đức. E-mail: jbauer@biochem.mpg.de.

Những yếu tố nào khiến một trường đại học trở nên nổi tiếng? Trong vai trò là “các phòng thí nghiệm nghiên cứu”, các trường đại học, các viện nghiên cứu, và cả các công ty đã hỗ trợ những nhà khoa học – những người sau này đoạt giải Nobel bằng cách tạo điều kiện để họ thực hiện công việc nghiên cứu. Đổi lại, các tổ chức này sau đó có thể được lợi từ danh tiếng của người đoạt giải. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tổ chức mà người đoạt giải Nobel trực thuộc tại thời điểm họ nhận giải lại không phải là nơi họ đã thực hiện các công trình xuất sắc trong quá khứ. Do vậy, tổ chức nào thực sự hỗ trợ công trình khoa học xuất sắc vẫn là điều gây tranh cãi. Nghiên cứu gần đây nhất về chủ đề này tập trung tìm hiểu các cơ sở nghiên cứu nơi những người sau này đoạt giải Nobel đã thực hiện các công trình khoa học đem giải Nobel đến cho họ, là của nhà xã hội học Harriet Zuckerman vào năm 1976. Bà đã xếp hạng các tổ chức dựa trên thông tin về 92 người Mỹ đoạt giải Nobel trong cuốn sách Scientific Elite: Nobel laureates in the United States (Tầng lớp tinh hoa khoa học: Những người đoạt giải Nobel tại Mỹ) viết về những người đoạt giải Nobel từ năm 1901 đến năm 1975.

Nghiên cứu của chúng tôi (Schlagberger et al. Scientometrics, 2016) đánh giá tất cả 155 người đoạt giải Nobel từ năm 1994 đến 2014 trong lĩnh vực hóa học, vật lý và sinh lý học/y học. Chúng tôi cố gắng xác định người đoạt giải Nobel đã thực hiện công trình đoạt giải của họ trong thời gian làm việc ở tổ chức nào. Nghiên cứu của chúng tôi dựa trên phân tích thông tin tiểu sử của những người đoạt giải. Gần đây, chúng tôi đã mở rộng phân tích đến những người đoạt giải Nobel từ năm 1994 đến năm 2016 (n=170).

Xếp hạng quốc gia theo số lượng các công trình đoạt giải Nobel

Trong nghiên cứu của chúng tôi về các công trình đoạt giải và các quốc gia nơi công trình được thực hiện, chúng tôi thấy rằng, giữa năm 1994 và năm 2016, Hoa Kỳ đứng đầu (n=94.5), tiếp theo là Vương quốc Anh (n=20.5) và Nhật Bản (n=12.5). Pháp và Đức xếp hạng gần nhau, với lần lượt n=8 và n=6.5. Những con số này không phải là số nguyên bởi chúng tôi chỉ tính một phần nếu những người đoạt giải làm việc tại nhiều hơn một quốc gia.

Xếp hạng các tổ chức nghiên cứu nổi tiếng theo số lượng các công trình có tính quyết định cho việc đoạt giải Nobel

Hoa Kỳ cũng thống trị bảng xếp hạng các tổ chức nghiên cứu, đứng đầu danh sách là Đại học California, Berkeley và Viện nghiên cứu AT&T Bell Labs ở Murray Hill, New Jersey (cả hai đều có n=6); Đại học Harvard (n=5) và Đại học Rockefeller (n=4). Đáng chú ý, chỉ có những người đoạt giải Nobel vật lý đã thực hiện công trình xuất sắc của họ tại AT&T Bell Laboratories.

Trong vai trò là “các phòng thí nghiệm nghiên cứu”, các trường đại học, các viện nghiên cứu, và cả các công ty đã hỗ trợ những nhà khoa học – ứng cử viên tương lai cho giải Nobel bằng cách tạo điều kiện để họ thực hiện công việc nghiên cứu.

Quốc gia quan trọng thứ hai là Vương quốc Anh, nơi Trung tâm Nghiên cứu Y khoa, Cambridge (n=5) và Đại học Cambridge (n=3) có nhiều công trình mang tính quyết định đoạt giải Nobel nhất, về hóa học và y học/sinh lý học. Các trường đại học “đoạt giải Nobel” của Anh khá đa dạng; Đại học Birmingham, Đại học Edinburgh và Đại học Manchester đều có n=2; Đại học London, Đại học Nottingham, Đại học Oxford, Đại học Sheffield và Đại học Sussex, mỗi trường có n=1.

Tại Pháp và Đức, các viện nghiên cứu nổi tiếng đều là đơn vị chủ quản của những người đoạt giải trong thời gian họ thực hiện công trình mang tính quyết định của mình. Tại Pháp, chúng tôi xác định được Viện Pasteur, Đại học Paris, Đại học Strasbourg (đều có n=2), và École Normale Supérieure (Paris) và Viện Français du Pétrol, Rueil-Malmaison với mỗi cơ sở có n=1. Đức được đại diện bởi hai trường đại học, Đại học Ludwig-Maximilians-Munich và Đại học Freiburg (cả hai có n=1), và các viện nghiên cứu không thuộc các trường đại học như Phòng thí nghiệm sinh học phân tử châu Âu ở Heidelberg (n=2), Hiệp hội Max Planck (n=1.5), và Trung tâm Nghiên cứu Jülich, một thành viên của Hiệp hội Helmholtz các Trung tâm Nghiên cứu của Đức (n=1).

Tại Israel (n=4.5), Viện Công nghệ Technion (n=3) ở Haifa là một tổ chức quan trọng cho các nghiên cứu đoạt giải Nobel. Các quốc gia khác có công trình đoạt giải Nobel là Úc, Canada, Hà Lan, Nga, và Thụy Điển, và ở cuối danh sách, với ít nhất một người đoạt giải Nobel, là các nước Bỉ, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Sĩ.

Phát minh đoạt giải Nobel

Một cách khác nữa để được tính trong nhóm tinh hoa khoa học và đoạt giải Nobel là phát minh. Chúng tôi nhận thấy có ít nhất một người theo đuổi con đường này và đoạt giải Nobel là kỹ sư Jack Kilby (Giải Nobel Vật lý năm 2000). Kilby phát triển mạch tích hợp tại công ty Texas Instruments (Bell licensee), và đã đăng ký bằng sáng chế tại Hoa Kỳ vào năm 1959, phát minh này đem tới cho ông giải Nobel.

Những nhà khoa học Đông Á đoạt giải Nobel

Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu từ Đông Á đã đoạt giải Nobel. Trong 16 năm qua, 12 nhà khoa học Nhật Bản và 1 người Trung Quốc, Tu Youyou, đã thực hiện những công trình đoạt giải tại quê nhà. Đại học Tokyo và Đại học Nagoya nổi bật với n=3, cũng như Đại học Kyoto (n=2.5). Bác sĩ Shinya Yamanaka đã tiến hành nghiên cứu tại Đại học Kyoto với CREST, một chương trình của chính phủ tại Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản. Nhà sinh vật học Satoshi Omura đã thực hiện nghiên cứu tại trường Đại học Kitasato, nhưng đã gửi phát hiện sau đó của ông về nuôi cấy các chủng vi khuẩn mới trong đất, đến các phòng thí nghiệm nghiên cứu của Merck Sharp & Dohme, một công ty ở Kenilworth, New Jersey, Hoa Kỳ.

Những trường đại học ưu tú đào tạo các tiến sĩ – ứng viên tương lại cho giải Nobel

Không ngạc nhiên khi Hoa Kỳ là cái nôi của hầu hết các trường đại học và các viện nghiên cứu đứng đầu trong danh sách các tổ chức nơi các nhà khoa học, những người sau này đoạt giải Nobel, đã theo học PhD hoặc MD: Đại học Harvard (n=14), Đại học California, Berkeley (n=8), và Học viện Công nghệ Massachusetts (n=6) xếp hạng đầu tiên. Tại Vương quốc Anh, Đại học Cambridge và Trung tâm Nghiên cứu Y khoa, Cambridge xếp đầu tiên với n=7.5. Một số trường đại học ưu tú đã lựa chọn và/hoặc đào tạo 5 người đoạt giải Nobel trong tương lai: Đại học Chicago, Đại học Cornell, Đại học Stanford và Đại học Yale ở Hoa Kỳ; Đại học Oxford ở Vương quốc Anh và Đại học Nagoya ở Nhật Bản.

Những người đạot giải Nobel không có bằng tiến sĩ

Một số người nhận được giải thưởng Nobel mặc dù không có bằng tiến sĩ. Ngoài Kilby và Youyou, người đoạt giải Nobel của Bỉ, Yves Chauvin mới chỉ hoàn thành chương trình học cử nhân về hóa. Ông đã viết trong hồi ký rằng ông cảm thấy hối hận vì điều đó trong suốt cuộc đời mình. Nhà vật lý đoạt giải Nobel Koichi Tanaka chỉ theo học chương trình đại học và có một bằng kỹ sư, trước khi bắt đầu làm việc tại Tập đoàn Shimadzu, một công ty về dụng cụ khoa học và công nghiệp ở Kyoto.

Kết luận

Nhìn chung, kết quả của chúng tôi cho thấy những người đoạt giải Nobel chủ yếu gắn bó với các tổ chức ưu tú. Phần lớn trong số họ được đào tạo tại những trường đại học danh tiếng, thực hiện công trình mang tính quyết định tại những viện nghiên cứu nổi tiếng, và đang làm việc tại những tổ chức hoặc trường đại học xuất sắc khi họ nhận được giải Nobel. Tương lai sẽ cho thấy, các cơ sở nhỏ hơn và ít tiếng tăm hơn trong và ngoài Hoa kỳ có đào tạo được nhiều người đoạt giải Nobel hơn hay không.