Caitríona Taylor là Phó Giám đốc Thể thao của Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: caitriona.taylor@bc.edu.
Tỷ lệ người mắc bệnh béo phì đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới. Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy chứng béo phì toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1980. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ béo phì tăng lên gấp ba lần trong 20 năm qua, do việc tiêu thụ nhiều loại thực phẩm có calori cao và lối sống ít vận động. Béo phì, thừa cân và các bệnh liên quan với tình trạng này dẫn đến tỷ lệ tử vong 5% toàn cầu.
Chống lại hiện tượng béo phì đang tăng nhanh ở mức báo động hiện đang là chính sách ưu tiên của WHO. Vào tháng 5 năm 2004, WHO đã cho xuất bản ấn phẩm “Chiến lược Toàn cầu về Dinh dưỡng, Hoạt động thể chất và Sức khoẻ của WHO”. Trong tuyên bố vào ngày 8 tháng 2 năm 2017, Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới, nhấn mạnh rằng mặc dù nạn đói vẫn là một vấn đề toàn cầu, trong thập kỷ qua “Hầu hết mọi người trên thế giới đều béo lên”.
Đây là một vấn đề xảy ra với tất cả mọi người, bất kể trình độ giáo dục hay mức thu nhập. Tuy nhiên, nó đặc biệt nghiêm trọng đối với các tổ chức giáo dục đại học trên toàn thế giới vì họ chịu trách nhiệm giáo dục và phát triển những người trẻ tuổi của tương lai. Hơn nữa, các tổ chức này có các nguồn lực và phương tiện để phát triển các chương trình nhằm củng cố và thúc đẩy văn hoá chú trọng đến sức khỏe y tế.
Ở Bắc Mỹ, có mối tương quan tích cực giữa giáo dục, thu nhập và giảm thiểu béo phì; dữ liệu cho thấy những người có trình độ học vấn trung học phổ thông trở lên ít gặp vấn đề về thừa cân. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) báo cáo rằng trong số các quốc gia thành viên, 33% những người trưởng thành có trình độ học vấn cao và mức độ giáo dục cao tự đánh giá mình có sức khoẻ tốt hơn so với những người có trình độ học vấn thấp hơn.
Chống lại hiện tượng béo phì đang tăng nhanh ở mức báo động hiện đang là chính sách ưu tiên của WHO
Không hoàn toàn như vậy ở các nước đang phát triển, tỷ lệ những người mắc bệnh béo phì ngày càng tăng trong thế hệ trẻ xuất thân từ tầng lớp trung lưu mới và đang phát triển nhanh. Trong một nghiên cứu công bố năm 2014 trong Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Y tế Công cộng, bao gồm 15.746 mẫu là sinh viên đại học tại 22 trường đại học ở các nước có thu nhập thấp, thu nhập trung bình và các nền kinh tế mới nổi, các nhà nghiên cứu phát hiện ra trung bình 22% đối tượng nghiên cứu hoặc là thừa cân, hoặc là béo phì. Các tổ chức giáo dục đại học ở các nước đang phát triển cung cấp cho sinh viên những triển vọng kinh tế được cải thiện. Họ cũng có trách nhiệm thay đổi xu hướng khi giáo dục đại học tăng mà tỷ lệ béo phì vẫn không giảm.
Trường hợp của Ai Cập
Theo một báo cáo của WHO năm 2010, 70% người Ai Cập thừa cân hoặc béo phì, là tỷ lệ cao nhất ở châu Phi. Còn ở Ai Cập nhóm người có trình độ học vấn và giàu có chiếm tỷ lệ béo phì cao nhất. Như vậy, Ai Cập là một nước đang phát triển thích hợp cho việc nghiên cứu.
Chính phủ Ai Cập cũng nhận thức được vấn nạn sức khỏe đang nổi lên này. Bộ Y tế và Dân số đã tiến hành một cuộc “Điều tra các vấn đề sức khoẻ của Ai Cập” vào năm 2015 để đánh giá mức độ nghiêm trọng các vấn đề sức khoẻ trong dân chúng. Kết quả thật đáng ngạc nhiên. Đối với lứa tuổi 15-59, tỷ lệ thừa cân hoặc béo phì ở phụ nữ là 76% và nam giới là 60.7%. Trái ngược với châu Âu và Hoa Kỳ, ở Ai Cập, giáo dục đại học không chống lại được bệnh béo phì. Trong số những người đàn ông Ai Cập không được học hành, tỷ lệ béo phì hoặc thừa cân là 60.9%, so với 68.2% ở những người đã hoàn thành bậc giáo dục trung học hoặc giáo dục đại học. Phụ nữ Ai Cập không được học hành có tỷ lệ thừa cân hoặc béo phì là 83.1%, nhưng tỷ lệ này vẫn rất đáng lo ngại là 77.3% trong số những người đã hoàn thành bậc trung học hoặc giáo dục đại học – một lần nữa, đây là vấn đề mà các tổ chức giáo dục đại học cần giải quyết.
Hơn nữa, khi sự thịnh vượng ở Ai Cập tăng lên, tỉ lệ thừa cân hoặc béo phì cũng tăng theo. Khi so sánh nhóm ¼ dân số nghèo nhất với nhóm ¼ dân số giàu có nhất, tỷ lệ béo phì ở nam giới tăng từ 51.9% lên 67.8% và ở nữ giới từ 70.9% lên 78.4%. Vì Ai Cập đang mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học nhằm tăng tỷ lệ nhập học từ 32% lên 40% vào năm 2021-2022, và vì tỷ lệ gia tăng dự kiến này chủ yếu dựa vào các trường đại học tư thục thu học phí, các tổ chức giáo dục đại học, đặc biệt là các trường đại học tư thục sẽ là nơi tiếp nhận những người có nguy cơ thừa cân hoặc béo phì: những người có học vấn và giàu có.
Các sáng kiến giáo dục thể chất hiện hành ở Ai Cập
Thiếu vận động thể chất là một trong những yếu tố chủ yếu gây ra thừa cân và béo phì. Các trường đại học Ai Cập cũng đã nhận ra tầm quan trọng của hoạt động thể chất. Đại học Cairo, trường hàng đầu của nước này, đã đưa hoạt động thể chất vào những hoạt động mục tiêu cho sinh viên. Trường Đại học tư thục Hoa Kỳ ở Cairo (AUC) tích hợp một hệ thống thể thao và giải trí phương Tây vào chương trình giáo dục. Trang bị và sử dụng cẩn trọng các thiết bị/cơ sở vật chất thích hợp là vấn đề cốt lõi trong chiến lược tăng cường hoạt động thể chất của sinh viên.
Tuy nhiên, khác với các trường đại học phương Tây, sinh viên Ai Cập dành rất ít thời gian cho hoạt động thể chất. Các trường đại học cần xây dựng kế hoạch tăng cường sử dụng các phương tiện/cơ sở vật chất của họ. Tỷ lệ sinh viên đại học sử dụng các trung tâm thể thao tại AUC là rất thấp, chỉ 10%. Nếu đây thực sự là thực tế của AUC, trường đại học tư thục ưu tú của Ai Cập, chúng ta có thể kết luận rằng mức độ tham gia hoạt động thể thao của sinh viên các trường tư và trường công khác của Ai Cập cũng tương tự hoặc thậm chí thấp hơn. Ngược lại, ở Bắc Mỹ, 75% sinh viên sử dụng các trung tâm và chương trình giải trí tại trường. Nếu các trường đại học Ai Cập có thể tăng số giờ dành cho thể thao và phát triển các hoạt động thể thao và các chương trình giáo dục sức khoẻ cụ thể, họ sẽ tăng cường được hoạt động thể chất của sinh viên và giải quyết được một trong những yếu tố chính dẫn đến tình trạng béo phì.
Kết luận
Các quốc gia phát triển cho thấy mối tương quan tích cực giữa trình độ học vấn cao và tỷ lệ thừa cân và béo phì thấp. Sự tương quan này không phải là mối quan hệ nhân quả. Các nước đang phát triển có thể gặp điều ngược lại, vì vậy điều quan trọng đối với các trường đại học ở các nước này là làm sao để sức khoẻ và thể dục trở thành trọng tâm trong sứ mệnh của họ. Các nước đang phát triển cần tăng cường nỗ lực thu hút sinh viên tham gia nhiều hơn vào các chương trình hoạt động thể chất như một biện pháp quan trọng đối phó với cuộc khủng hoảng béo phì mà chỉ giáo dục và thể thao mới có thể ngăn chặn và đảo ngược. Các nước đang phát triển đều tụt hậu trong hiệu quả kinh tế và trình độ học vấn; ngoài ra, sức khoẻ tổng thể của toàn dân cũng sẽ tiếp tục tụt lại phía sau nếu các tổ chức giáo dục không ưu tiên cho sức khoẻ của sinh viên mình.