José Janguie Bezerra là chủ tịch của Associação Brasileira de Mantenedoras de Ensino Superior (ABMES) và cũng là chủ tịch của Grupo Ser Educacional, Brazil . E-mail: janguie@sereducacional.com. Celso Niskier là Phó Chủ tịch của ABMES và là Hiệu trưởng của Centro Universitário Carioca, Brazil. E-mail: cniskier@unicarioca.edu.br. Lioudmila Batourina là chuyên gia tư vấn hợp tác quốc tế tại ABMES. E-mail: liimesmila @ abmes.org.br.
Giáo dục đại học tư của Brazil là một trong những khu vực giáo dục tư lớn nhất trên thế giới. Nhu cầu giáo dục trong nước rất, với sự hỗ trợ thích đáng của chính phủ các trường đại học tư vẫn tiếp tục mở rộng. Trong cộng đồng giáo dục đại học truyền thống, hầu hết đều coi giáo dục tư là một lĩnh vực kinh doanh chứ không nằm trong kế hoạch quốc gia, và thường có cách nhìn tiêu cực về chất lượng của khu vực này. Ngay các tổ chức giáo dục phi lợi nhuận cũng tham gia vào cuộc đua tìm kiếm lợi nhuận bằng cách tổ chức các khóa học và các dự án khác nhau, nên những tranh luận về giáo dục vì-lợi-nhuận và giáo dục phi-lợi-nhuận không thể có hồi kết. Tại Brazil, kỳ thi quốc gia dành cho sinh viên tốt nghiệp (ENADE) bộc lộ khoảng cách lớn trong chất lượng ở cả khu vực giáo dục công và tư, nơi mà sinh viên từ các trường vì-lợi-nhuận giành kết quả cao do có động lực mạnh mẽ hơn. Các trường đại học tư, như là một cấu thành của Chương trình Quốc gia, thường phải trải qua những đợt kiểm tra chất lượng gay gắt. Trong phần lớn các trường hợp, đội ngũ giảng viên của các trường đại học tư được tuyển dụng từ các cơ sở giáo dục của liên bang và tiểu bang, trong khi sinh viên xuất thân chủ yếu từ các tầng lớp xã hội có thu nhập thấp và có động cơ học tập cao.
Một lực lượng cần tính đến
Từ năm 1996, giáo dục đại học tư ở Brazil ngày càng có vị trí vững chắc. Theo số liệu điều tra dân số mới nhất, trong số 2364 cơ sở giáo dục đại học (HEI) ở Brazil, 87.5% là trường tư, bao gồm 2069 trường đại học, trung tâm đào tạo đại học và trường cao đẳng được phân bố trên khắp Brazil, cho phép công dân Brazil có thể hoàn thành bằng cấp (đại học, thạc sĩ và tiến sĩ) để thay đổi hoàn cảnh của bản thân và gia đình họ.
Thế mạnh của phân khúc tư nhân này được chứng minh bằng các số liệu thống kê quốc gia: ngày nay có hơn 6 triệu sinh viên theo học tại các trường đại học tư thục, chiếm hơn 75% tổng số sinh viên đại học. Có một khuynh hướng xã hội nhất định trong hệ thống giáo dục của Brazil – đó là những học sinh nam và nữ học trong các trường trung học tư thục đắt tiền, sau kỳ thi tốt nghiệp thường chiến thắng trong cuộc cạnh tranh để giành được những cơ hội học tập miễn phí vốn rất hạn chế trong các trường đại học liên bang hoặc của bang. Mặt khác, học sinh từ các trường công có điểm số tốt nhưng thấp hơn những học sinh nói trên phải nộp đơn xin tài trợ để chi trả học phí trong các trường tư. Về cơ bản, điều này có nghĩa là khu vực giáo dục tư nhân có trách nhiệm – vì thế mà họ bị chỉ trích rất nhiều – trang bị cho những sinh viên này trình độ kiến thức cần thiết để phục vụ đất nước.
Khu vực giáo dục đại học tư ở Brazil bao gồm nhiều cơ sở đại học nhỏ và vừa, và cả các tổ chức lớn. Khoảng 36% sinh viên theo học trong 12 tập đoàn giáo dục lớn nhất. Bất kể quy mô như thế nào, các trường đại học tư thục đều phải đối mặt với nhiều thách thức: duy trì các tiêu chuẩn chất lượng, thu hút nhân viên giỏi nhất, hoạt động linh hoạt, trải qua những kỳ kiểm định nghiêm ngặt để được công nhận, liên tục thay đổi để thích ứng với những quy định mới và nhiều điều khác.
Theo truyền thống, các trường đại học tư thục Brazil thường ít đào tạo các khóa học trong các lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên, theo thời gian, sự khác biệt này đang bị xoá bỏ; hiện nay chỉ các ngành khoa học cơ bản và những chuyên ngành công nghệ mang tính đặc thù cao còn là độc quyền của các trường đại học công. Trong số các khóa học đa dạng do các trường đại học tư nhân cung cấp, ngành luật là phổ biến nhất, với tỷ lệ sinh viên đăng ký đông nhất (14%), tiếp theo là Quản trị (9%), Kỹ sư xây dựng (6%) và cuối cùng là Y khoa, Sư phạm và Quản lý nhân sự. Các trường đại học tư thục cung cấp cho đất nước lực lượng lao động bậc trung đủ năng lực cần thiết cho thị trường lao động Brazil và cho tăng trưởng kinh tế.
Đường cong tăng trưởng
Giáo dục đại học Brazil bắt đầu mở rộng vào năm 1996. Trước đó, số lượng tuyển sinh còn hạn chế và không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Bước ngoặt là sự ra đời một quỹ tín dụng cho phép thanh niên vay tiền để học tập. Do đó, không nên nhầm lẫn sự phát triển của khu vực giáo dục tư nhân ở Brazil là kết quả của sự phát triển kinh doanh tư nhân nói chung, vì đó là kết quả đương nhiên của Kế hoạch Giáo dục Quốc gia (PNE). Trên thực tế, đây là đặc điểm cốt lõi phân biệt giáo dục tư nhân ở Brazil với giáo dục tư nhân ở các nước khác, ví dụ như ở châu Âu. Các trường đại học tư nhân của Brazil là một bộ phận không thể tách rời, là công cụ và nhà cung cấp của PNE. Đây là một giải pháp sáng tạo kết hợp của các nhà lãnh đạo và các doanh nhân có trình độ học vấn cao nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt các cơ sở giáo dục đại học và vấn đề hòa nhập xã hội trong nước.
Bước nhảy vọt thứ hai diễn ra vào năm 2002, khi các khóa học công nghệ bậc đại học đầu tiên được đưa ra. Các khóa học này có thời hạn ngắn hơn, và tạo điều kiện tiếp cận với giáo dục đại học cho học sinh từ các tầng lớp xã hội có thu nhập thấp, hoặc các lớp “C” và “D”, đại diện cho hơn một nửa số học sinh Brazil. Các khóa học này được thị trường chấp nhận là giáo dục đại học và mở ra cho những học viên lớn tuổi, đã làm việc vài năm, trước đó không thể vào học đại học ngay sau khi tốt nghiệp trung học.
Đỉnh tăng trưởng tiếp theo là năm 2005, khi quỹ ProUni ra đời. Quỹ này cấp học bổng tại các trường tư thục cho sinh viên từ các gia đình ít đặc quyền. Học bổng được trao cho học sinh từ các gia đình có mức thu nhập tối đa bằng 1.5 mức lương tối thiểu.
Việc điều chỉnh khoản vay của Quỹ Tài trợ Sinh viên (FIES) năm 2010, với việc giảm lãi suất và kéo dài thời gian trả vốn, đã làm tăng số lượng sinh viên mới từ 76 ngàn trong năm 2010 lên 732 ngàn vào năm 2014.
Nhu cầu giáo dục trong nước cao, với sự hỗ trợ thích đáng của chính phủ, các trường đại học tư vẫn tiếp tục mở rộng.
Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị năm 2015 buộc chính phủ Brazil phải giảm mạnh các khoản cho vay từ quỹ FIES, và hầu hết học sinh của các lớp “C” và “D” lại bị loại khỏi chương trình giáo dục đại học. Hiện nay, tỷ lệ học đại học trong độ tuổi 18-24 chỉ còn trên 17%, trong khi theo Kế hoạch giáo dục Quốc gia PNE, phải có 33% thanh thiếu niên theo học đại học vào năm 2024. Từ năm 1996 đến năm 2014, FIES đã đạt gần 40% của mục tiêu này, nhưng sau khi giảm mạnh vào năm 2015, quỹ này chỉ còn chiếm ít hơn 15% sinh viên vào năm 2016.
Trước sự chệch hướng của PNE, phản ứng mạnh mẽ nhất là Hiệp hội các trường đại học tư thục (ABMES – Associação Brasileira de Mantenedoras de Ensino Superior), tổ chức này đứng lên bảo vệ lợi ích hợp pháp của các trường đại học tư thục và sinh viên đại học tư thục, và lợi ích của toàn bộ chương trình giáo dục nói chung. Lập luận cho rằng học bổng là chi phí quá sức đối với xã hội không gì khác hơn là một ngụy biện: chi phí cho sinh viên tại các cơ sở tư thục (chiếm tới 87.5% khu vực giáo dục đại học) thấp hơn so với chi phí cho sinh viên của các cơ sở công lập, trong khi tác động trực tiếp của khu vực giáo dục tư thục đối với nền kinh tế quốc dân là rất lớn. Do đó, để hỗ trợ PNE đạt được mục tiêu thách thức vào năm 2024, ABMES tập trung chiến lược thúc đẩy chính phủ tiếp tục đầu tư vào học bổng. Đồng thời, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, Hiệp hội đang làm việc với chính quyền để tìm các cơ chế tài trợ thay thế, ví dụ như các quy định mới cho phép các ngân hàng tư nhân tham gia thị trường tài chính cho sinh viên tương lai.
Chính vì phải chịu tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng kinh tế, khu vực giáo dục tư nhân là đối tác tốt nhất và tích cực nhất của chính phủ trong việc tìm kiếm cách thức cung cấp cho xã hội các cơ hội tiếp cận giáo dục đại học và duy trì tăng trưởng kinh tế.