Chính trị và các trường đại học ở Iran sau cách mạng

Saeid Golkar là giảng viên Chương trình Trung Đông và Bắc Phi, Đại học Northwestern, Evanston, Hoa Kỳ. E-mail: saeid.golkar@northwestern.edu.

Đường đi của giáo dục đại học Iran sau cuộc cách mạng 1979 có thể được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu trong những năm cách mạng (1979-1987), giáo dục đại học Iran đã trải qua làn sóng Hồi giáo hóa đầu tiên khi cuộc Cách mạng Văn hoá và Chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988) khởi đầu. Tiếp theo là giai đoạn tái thiết và phát triển chính trị từ năm 1998 đến năm 2004. Trong thời kỳ đó, chế độ đã giải phóng các trường đại học khỏi áp lực về ý thức hệ, cho phép họ phát triển độc lập hơn với nhà nước. Giai đoạn thứ ba, “kỷ nguyên cứng rắn” (2005-2012), đã chứng kiến làn sóng Hồi giáo hóa và phân cấp khác của các trường đại học.

Giáo dục đại học trong giai đoạn cách mạng và chiến tranh

Các trường đại học Iran có được một thời gian tự trị ngắn ngủi khi chế độ quân chủ Pahlavi chấm dứt, nhưng vai trò của họ như những điểm nóng chính trị trong cuộc cách mạng đã nhanh chóng khiến chính phủ áp đặt sự kiểm soát. Ngay sau cuộc Cách mạng Iran năm 1979, các quan chức chính phủ đã áp dụng những chính sách điều tiết và “thanh lọc” các trường đại học, để xóa sạch bất cứ dấu vết nào còn lại của chế độ Pahlavi.

Quyền tự chủ đại học bị xói mòn theo Kế hoạch Cách mạng Văn hoá. Tất cả các trường đại học phải đóng cửa trong 3 năm cho đến năm 1982, để được “tẩy sạch” khỏi các quan điểm chính trị và tôn giáo đối lập. Trong thời gian đó, Văn phòng Cách mạng Văn hoá là cơ quan chính quản lý và chỉ đạo dự án Hồi giáo hóa. Hội đồng này nhấn mạnh hai giai đoạn trong quá trình Hồi giáo hóa các trường đại học. Thứ nhất, loại bỏ mọi ảnh hưởng Tây phương hoặc Đông phương và đưa vào các trường đại học chương trình giáo dục Hồi giáo. Giai đoạn thứ hai đề cập đến việc kiến tạo các trường đại học vừa được Hồi giáo hóa: mọi phương diện của trường phải được sửa đổi để phản ánh các nguyên tắc và tiêu chuẩn Hồi giáo. Một loạt các tổ chức như Hội đồng Cách mạng Văn hoá Tối cao (SCCR) được thành lập để giám sát và quản lý dự án Hồi giáo hóa các trường đại học và mở rộng nó cho toàn bộ nền văn hóa Iran.

Thời kỳ xây dựng và cải cách (1989-2004)

Chính quyền kỹ trị của Hashemi Rafsanjani, người nắm quyền sau cuộc chiến tranh Iran-Iraq, coi các trường đại học là nguồn lực chính để đào tạo các quan chức cho bộ máy hành chính nhà nước. Chính quyền Rafsanjani nhấn mạnh takhasoos (chuyên môn kỹ thuật) quan trọng hơn taahhod (ý thức hệ), trái với quan điểm thống trị sau Cách mạng Văn hoá lần thứ nhất. Chủ nghĩa thực dụng của Rafsanjani đã dẫn đến việc mở rộng giáo dục đại học ở Iran. Trong giai đoạn này, nhiều trường đại học tư được thành lập trên khắp đất nước. Số người đăng ký vào các trường đại học của nhà nước tăng từ 407.693 năm 1988 lên 1.192.329 vào năm 1996.

Xu hướng này tiếp tục dưới chính quyền cải cách của Kathami (1997-2004), cho phép gia tăng tự chủ đại học và không khí chính trị trở nên dễ thở hơn. Chính phủ Khatami đã cố gắng tái cơ cấu hệ thống giáo dục đại học và tăng sự độc lập của các trường đối với chính quyền. Năm 2000, Bộ Văn hoá và Giáo dục đại học được đổi thành Bộ Khoa học, Nghiên cứu và Công nghệ (MSRT), nhấn mạnh vai trò của Bộ trong nghiên cứu cũng như giáo dục. Năm sau, các trường đại học được độc lập hơn trong việc soạn thảo chương trình và giáo trình. Ngoài ra, vào năm 2002, họ được phép tự tuyển dụng các giáo sư cũng như có thể từ chối những bổ nhiệm từ nhà nước. Cuối cùng, các trường đại học được phép tự lựa chọn các nhà quản lý của họ, bao gồm các trưởng khoa và chủ tịch thông qua quá trình bầu cử.

Giống như thời Rafsanjani, số sinh viên dưới thời Khatami tăng nhanh, từ 1.404.880 năm 2000 lên 2.117.471 vào năm 2004. Số sinh viên nữ trong các trường đại học cũng tăng lên đều đặn. Được hậu thuẫn bởi chính các sinh viên, các nhà cải cách đã mở ra cuộc tranh luận chính trị trong các trường đại học và khuyến khích sinh viên tham gia vào chính trị, một chính sách đã bị những người bảo thủ chỉ trích. Sự mở rộng tự do chính trị trong sinh viên đã khơi dậy khát vọng dân chủ mạnh mẽ chống lại các cơ chế không qua bầu cử của chế độ chính trị, điều đó có thể thấy được qua những cuộc nổi dậy của sinh viên vào năm 1999 và 2003, bị đàn áp bởi quân đội và các tổ chức dân vệ khác.

Mặc dù bộ máy nhà nước cố gắng thực hiện các chính sách cải cách nhưng đã gặp phải sự chống đối không ngừng của thủ lĩnh Hồi giáo tối cao và phe bảo thủ của Iran, những người cố gắng ngăn chặn các chương trình cải cách, cản trở các phong trào sinh viên và tiếp tục Hồi giáo hóa các trường đại học. Vào năm 1997, SCCR – do phe bảo thủ và thủ lĩnh Hồi giáo tối cao thống trị – đã ủng hộ việc thành lập Hội đồng Giáo dục Hồi giáo mới (CIEI). CIEI phê chuẩn nhiều quy định, trong đó có một học thuyết có tiêu đề “Các nguyên tắc của các trường đại học Hồi giáo” vào tháng 12 năm 1998. Theo tài liệu này, Hồi giáo hóa các trường đại học có thể đạt được qua sáu kênh khác nhau: giáo sư, sinh viên, giáo trình và chương trình học, chương trình văn hoá, chương trình giáo dục và quản lý trường học. Các chính sách trước đây đã bị các nhà cải cách loại bỏ lại được những người kế tục cứng nhắc đưa vào thực hiện.

Kỷ nguyên cứng rắn (2005-2012)

Là người theo chủ nghĩa dân túy độc đoán, Ahmadinejad đồng thời vừa mở rộng giáo dục đại học vừa áp đặt kiểm soát chính trị đối với các trường đại học. Năm 2013 số sinh viên tăng lên đến 4 triệu. Cùng lúc, chính phủ của ông đã hủy bỏ quyền tự chủ tương đối của các trường đại học, làm phân tán hệ thống giáo dục đại học và đặt các trường đại học dưới sự kiểm soát chính trị. Trong giai đoạn này, chính phủ tăng cường nỗ lực để kiểm soát các trường đại học. MSRT, do các học giả cứng rắn thống trị, thực hiện mọi quy định CIEI đề xuất nhằm thúc đẩy Hồi giáo hóa các trường đại học.

Việc phân tán hệ thống giáo dục đại học xảy ra ở nhiều cấp độ. Ở cấp độ hành chính, hiệu trưởng/chủ tịch các trường do MSRT lựa chọn,mà không phải do giảng viên bầu ra. Chính phủ Ahmadinejad đã thay thế nhiều giáo sư danh tiếng bằng những người theo chủ nghĩa cực đoan, những người tin tưởng sâu sắc vào quá trình Hồi giáo hóa các trường đại học. MSRT cũng thay thế các quy chế quản lý trường đại học đã được áp dụng suốt 18 năm bằng mệnh lệnh buộc hiệu trưởng chọn các đại diện và trưởng khoa, những người sẽ thực hiện Hồi giáo hóa trường đại học. Chính sách chia tách sinh viên theo giới tính được thực hiện tích cực; các trường đại học cũng được yêu cầu kiểm soát việc thực hiện những quy định đạo đức và xây dựng các nhà thờ và các chủng viện Hồi giáo. Trong năm 2007, để tuyển mộ những người trung thành với chế độ, chính phủ đã tước quyền tự chủ tuyển dụng của các trường đại học và bổ nhiệm các giảng viên có cùng hệ tư tưởng. Dưới chính quyền Ahmadinejad, tuyển sinh đại học được tiến hành tập trung và tuyển sinh bậc tiến sĩ chịu sự kiểm soát của MSRT. Sự kiểm soát này giúp chính phủ loại bỏ những sinh viên tích cực hoạt động chính trị khỏi trường đại học và tạo điều kiện thuận lợi cho những sinh viên ủng hộ chế độ tiếp tục nghiên cứu sau khi tốt nghiệp đại học. Các trường đại học cũng mất quyền tự chủ trong việc thiết kế và xây dựng chương trình giảng dạy. Uỷ ban Khuyến khích Sách Khoa học Nhân văn được thành lập để “làm sạch” sách giáo khoa đại học. Nhiều nhà quan sát mô tả những nỗ lực này là một cuộc Cách mạng Văn hoá thứ hai làm xói mòn chất lượng giáo dục đại học ở Iran.

Kết luận

Kiểm soát và Hồi giáo hóa các trường đại học là một trong những mối quan tâm chính của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran kể từ khi thành lập. Đỉnh điểm của hiện tượng này là hai cuộc Cách mạng Văn hóa diễn ra vào những năm 1980 và 2000. Đây cũng là những chính sách mở đường cho dòng chảy máu chất xám lớn và làm suy yếu chất lượng giáo dục, nhất là trong các ngành khoa học nhân văn và khoa học xã hội. Bất chấp những nỗ lực này, nhà nước Iran đã không thành công trong việc tạo ra một trường đại học Hồi giáo. Sự mở rộng các trường đại học với số lượng sinh viên tăng lên, sự phát triển của công nghệ thông tin, sự chia rẽ và rời bỏ ý thức hệ Hồi giáo của một bộ phận trong giới tinh hoa chính trị là những lý do dẫn đến thất bại của dự án Hồi giáo hóa các trường đại học Iran.