Các vấn đề chất lượng giáo dục đại học ở Ethiopia

Ayenachew A. Woldegiyorgis là nghiên cứu sinh tiến sỹ, trợ giảng tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: [email protected].

Bối cảnh

Giáo dục đại học Ethiopia phát triển nhanh chóng trong 15 năm qua. Số trường đại học công lập tăng chóng mặt, từ 2 lên 35 (trong đó có hai trường về khoa học và công nghệ), trong khi chỉ có ba trường tư được thành lập. Sinh viên đại học từ 30 ngàn tăng lên 729.028 sinh viên (niên khoá 2014-2015), đưa tỷ lệ nhập học lên 10,2%. Mười một trường đại học công lập mới đang được xây dựng theo Kế hoạch Tăng trưởng và Chuyển đổi Giai đoạn 2 của chính phủ (GTP II). Kế hoạch này đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là nhu cầu về lực lượng giảng viên chất lượng.

Để có đủ lực lượng giảng dạy cho các trường đại học sắp mở, vào cuối năm 2015, Bộ Giáo dục Ethiopia đã tổ chức một kỳ thi tuyển giảng viên từ nguồn sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Các cử nhân thi đỗ kỳ thi này sẽ được tuyển dụng làm công tác giảng dạy đại học (theo chuyên ngành đã học và dự thi) với ngạch trợ giảng.

Mặc dù quy trình tuyển dụng này là một bước tiến so với cách tuyển dụng trước đây chỉ căn cứ vào điểm tốt nghiệp đại học và khả năng tiếng Anh, kết quả tuyển dụng lại thấp hơn kỳ vọng: phần lớn ứng viên không vượt qua được kỳ thi. Kết quả đáng thất vọng này cho thấy mức độ nghiêm trọng của những thách thức mà Ethiopia phải đối mặt trong thời gian tới: mở rộng giáo dục đại học đồng thời đảm bảo chất lượng đào tạo.

Thông tin từ số liệu thống kê

Số liệu thống kê về kỳ thi tuyển dẫn đến những kết luận đáng lo ngại. Gần 10 ngàn sinh viên tốt nghiệp từ 32 trường đại học trên cả nước đã tham gia kỳ thi được tổ chức tập trung với 14 chuyên ngành. Điều kiện dự thi là có nguyên vọng và có điểm trung bình tích lũy (GPA) tối thiểu 2,75 đối với nam giới và 2,5 đối với nữ. Cuối cùng, 716 ứng cử viên trúng tuyển và được mời làm việc, trong đó 30% là nữ – phù hợp với mục tiêu đưa tỷ lệ giảng viên nữ lên 25% vào năm 2020 của Chương trình Phát triển Ngành Giáo dục thứ Năm (ESDP V).

Trong số trúng tuyển, chỉ một người đạt điểm trên 80 (chính xác là 81/100), 28 thí sinh có điểm từ 70 đến 79. Điểm trung bình chung là 57,8, không có khác biệt lớn giữa nam và nữ (59,3 đối với nam và 54,3 đối với nữ).

Điểm thi 57,8/100 trong môn chuyên ngành thực sự là một kết quả thấp. Đáng ngại hơn, 127 ứng viên trúng tuyển (gần 1/5) có điểm thi dưới trung bình (điểm dưới 50/100 bị coi là không đạt theo chuẩn quốc gia). Trong số này khác biệt nam/nữ là đáng kể, 12,9 % là nam và 29,7 % là nữ. Dĩ nhiên, cũng cần lưu ý rằng đây là kết quả lấy mẫu từ nhóm nhỏ những người đạt kết quả cao nhất trong từng chuyên ngành, chỉ chiếm khoảng 7% những người tham gia thi tuyển. Từ đó có thể hình dung ra được kết quả của 93% thí sinhcòn lại, hay của nhóm thí sinh đứng cuối danh sách dự thi còn thấp đến mức nào.

Đây là những con số đáng buồn. Không chỉ là điểm trung bình tầm thường khó phủ nhận của thế hệ giảng viên đại học mới, mà còn là một tỷ lệ thất bại trong vòng thi loại đúng chuyên ngành đã học. Cũng là lời cảnh báo nghiêm trọng về năng lực của những giảng viên đại học tương lai, và vai trò làm gương của họ trước sinh viên sau này.

Khủng hoảng chất lượng

Trình độ thấp của giảng viên đại học là một trong những nguyên nhân chính đặt chất lượng giáo dục đại học Ethiopia trong vòng luẩn quẩn. Đồng thời, do chất lượng giáo dục tiểu học và trung học ở Ethiopia kém, học sinh không được chuẩn bị cho việc học đại học. Chương trình Phát triển Ngành Giáo dục thứ Năm của chính phủ (ESDP V) cho thấy “nhiều sinh viên vào học đại học với kết quả thi tuyển sinh đầu vào thấp hơn mức 50% điểm chuẩn”. ESDP V lưu ý thêm rằng chất lượng giảng dạy thấp kết hợp với tình trạng học sinh thiếu sự chuẩn bị có thể là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp thấp của sinh viên đại học. Về phần mình, chính phủ thể hiện sự bất lực hoàn toàn khi một mặt đưa ra những đánh giá tình hình giáo dục đại học như trên, mặt khác vẫn tiếp tục tuyển dụng giảng viên chất lượng thấp.

Vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn trong một số chuyên ngành.Chẳng hạn điểm trung bình trong kỳ thi tuyển nói trên của môn toán là 48,3 và vật lý là 50,5. Điều này đặc biệt đáng lo ngại, vì đây là các môn được xem là nền tảng cho các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ cần ưu tiên phát triển của đất nước.

Các con số cũng hàm ý đến năng lực nghiên cứu. Từ niên khoá 2011-2012, nghiên cứu chỉ chiếm 1% tổng ngân sách của tất cả các trường đại học, và phần lớn các nghiên cứu được tiến hành chủ yếu bởi sinh viên sau đại học. Chất lượng thấp của sinh viên tốt nghiệp, và của những người được nhận vào các chương trình sau đại học đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực nghiên cứu của các trường đại học Ethiopia.

Có thể làm gì?

Chất lượng kém của giáo dục đại học Ethiopia nói chung, của sinh viên tốt nghiệp và hạ tầng nghiên cứu đe dọa tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc dân và chương trình phát triển đất nước. Cần có những giải pháp tức thì để loại bỏ nguy cơ này.

Trong ngắn hạn, cần tạo điều kiện để các chuyên gia giỏi từ các ngành công nghiệp tham gia vào giảng dạy, có thể kết hợp với các tân trợ giảng mới tuyển; xây dựng một chương trình cố vấn để các giảng viên lâu năm đào tạo và truyền đạt kinh nghiệm cho đồng nghiệp mới; ban hành các chính sách trả lương và phúc lợi tốt hơn nhằm thu hút các chuyên gia có trình độ chuyển sang giảng dạy; sử dụng một cách hiệu quả các chuyên gia gốc Do thái đang sống ở Ethiopia; và, bất chấp những hạn chế, sử dụng người nước ngoài nhập cư trong một số lĩnh vực quan trọng.

Giải pháp dài hạn là giảm tốc độ mở rộng hệ thống đào tạo đại học, tập trung vào việc củng cố các trường hiện có, đặc biệt chú trọng vào việc tạo ra sự khác biệt trong toàn hệ thống. Cụ thể, giảm tỷ lệ thành lập các trường đại học mới, nâng cấp các trường hiện tại thành trường đại học nghiên cứu với nguồn lực phù hợp. Các trường này khi có năng lực nghiên cứu và học thuật tốt hơn sẽ mang lại hai lợi ích chính.Thứ nhất, trở thành những trung tâm hình thành và chuyển giao tri thức cũng như phát triển khoa học công nghệ, là nguồn cung cấp tri thức cần thiết cho sự phát triển của các ngành kinh tế then chốt trong nông nghiệp và công nghiệp. Thứ hai, với vai trò tiên phong thúc đẩy học thuật, các trường đại học nghiên cứu có khả năng đào tạo được những cán bộ giảng dạy có trình độ cao để cung ứng cho các trường đại học mới thành lập, cũng như bổ sung vào đội ngũ của các trường đại học hiện có.

Lúc này là thời điểm cần xem xét vấn đề chất lượng giáo dục đại học ở Ethiopia một cách nghiêm túc và đưa ra các giải pháp thiết thực để ngăn chặn cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Nếu không, kế hoạch mở rộng giáo dục đại học của Ethiopia sẽ còn tạo thêm nhiều trường mới có chất lượng kém hơn cả những trường hiện có.