Simon Marginson là giáo sư về giáo dục đại học quốc tế, Học viện Giáo dục, Đại học London – và là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học ESRC/HEFCE. E-mail: s.marginson@ucl.ac.uk.
Xếp hạng đại học toàn cầu mới chỉ thực hiện được 13 năm nhưng đã được coi là một sự kiện thường niên của giáo dục đại học quốc tế. Nó đã làm thay đổi sâu sắc lĩnh vực giáo dục đại học, và việc các trường tham gia xếp hạng toàn cầu là không thể tránh khỏi. Những người trong cuộc hoặc ngoại đạo, khi muốn tìm hiểu về giáo dục đại học thì dựa vào bảng xếp hạng là cách thức đơn giản nhất. Các bảng xếp hạng đại học lập ra một trật tự thứ hạng và củng cố các chiến lược với đối tác, định hướng cho các nhà đầu tư nghiên cứu về năng lực các trường, hình thành ra các quyết định cuộc đời của nhiều sinh viên và giảng viên qua các hoạt động xuyên biên giới – mặc dù chất lượng của các dữ liệu đưa ra không đồng đều và ảnh hưởng khốc liệt của tất cả các bảng xếp hạng dù tốt hay xấu.
Xếp hạng đại học đã vẽ lại nền giáo dục đại học toàn cầu như là một môi trường quan hệ, đề cao một số tiềm năng trong môi trường đó và ngăn chặn những tiềm năng khác. Việc này được làm theo ba cách. Thứ nhất là cạnh tranh: xếp hạng đã thổi bùng ý thức toàn cầu về việc giáo dục đại học như một thị trường cạnh tranh giữa các trường đại học và các quốc gia, cạnh tranh về hoạt động nghiên cứu như thành tố chính của kết quả xếp hạng, và cạnh tranh về danh tiếng. Thứ hai là xếp thứ bậc: xếp hạng là yếu tố cốt lõi của hệ thống định giá, theo đó các trọng số không cân xứng được gán cho tri thức và các bằng cấp chứng chỉ để sinh viên tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động quốc gia và quốc tế. Thông qua xếp hạng, các trường đại học trở nên gắn kết chặt chẽ hơn với nền kinh tế – chính trị, với thị trường lao động và với các bất bình đẳng xã hội nơi trường đại học tọa lạc. Thứ ba là hiệu suất: việc xếp hạng đại học đã cài cắm một một cơ chế kinh tế hiệu quả để kiểm soát hành vi, thường là thúc đẩy văn hoá cuồng điên của sự cải tiến liên tục trong mỗi trường đại học.
Cạnh tranh bất bình đẳng
Có những yếu tố cạnh tranh mang tính tự nhiên trong nghiên cứu và trong việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Nhưng việc xếp hạng đại học cho phép cạnh tranh với mức độ mạnh mẽ hơn và hình thức nguyên sơ hơn, đưa vào cạnh tranh các chỉ tiêu và các chính sách ưu tiên. Xếp hạng đại học làm cho việc cạnh tranh trở thành chiến lược hoạt động chính cho hiệu trưởng nhiều các trường đại học. Đoàn kết và hợp tác trong các hệ thống giáo dục đại học bị suy yếu.
Chúng ta vẫn tiếp tục hợp tác bất kể việc xếp hạng. Các độ đo bao gồm hợp tác trí tuệ trong xuất bản, mặc dù điều này thường được giải thích là nhằm lợi ích tự thân do việc hợp tác công bố làm tăng tỷ lệ trích dẫn. Nhưng vấn đề là phần lớn các nguồn lực tập thể đặc biệt trong giáo dục đại học toàn cầu đang ngày càng tăng và được phân bổ mang tính xung đột lẫn nhau.
Hợp tác bị cản trở bởi thứ bậc các giá trị được hình thành trong bảng xếp hạng. Mặc dù hoạt động nghiên cứu và học tập là tự do xuyên biên giới, nhưng chúng không được gán cho các giá trị như nhau. Có một hệ thống trạng thái thứ bậc rõ ràng. Những gì xác định hệ thống thứ bậc này không phải là một công cụ toàn cầu để đánh giá bằng cấp hoặc kết quả học tập. Không có hệ thống toàn cầu cho các chứng chỉ bằng cấp. Chúng ta không đánh giá học hành trên cơ sở so sánh. Tính hệ thống hoá của hệ thống thứ bậc toàn cầu là quá trình mã hoá, đánh giá và xếp hạng tri thức, tóm lược và lan truyền khắp nơi thông qua xếp hạng toàn cầu.
Tri thức được sắp xếp theo số đo và thứ hạng các tạp chí, theo các số đo xuất bản, theo số liệu trích dẫn và xếp hạng bởi các bảng thứ hạng chủ yếu dựa vào kết quả nghiên cứu. Hiệu quả nghiên cứu là thước đo xếp hạng chính yếu của Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU), của Leiden Ranking và của Scimago, và chiếm hơn 2/3 tỷ trọng xếp hạng của Times Higher Education. Các bảng xếp hạng chuyển đổi vị trí trong nghiên cứu thành hệ thống xếp thứ bậc các trường, xác định giá trị của mỗi nhà sản xuất tri thức, và từ đó xác định giá trị của những gì các trường tạo ra. Các chỉ số tri thức và thứ hạng tái lập sự thống trị của các trường đại học mạnh nhất.
Hiệu suất tốt hơn?
Còn việc cải tiến hiệu suất thì sao? Đây là lý do cuối cùng để cạnh tranh. Nếu xếp hạng dựa trên hiệu suất thực tế của trường đại học. đo những điều quan trọng về các trường đại học, thì được xếp hạng tốt hơn có nghĩa là có hiệu suất cao hơn. Nếu mỗi trường đại học phấn đấu để có một thứ bậc cao hơn, thì tất cả các trường đều phải nâng cao hiệu suất. Đây có phải là những gì xảy ra? Có và không.
Về mặt tiềm năng, có một vòng xoáy hiệu quả giữa xếp hạng, chiến lược, nỗ lực để cải thiện, hiệu suất tốt hơn, sau đó trở lại xếp hạng tốt hơn, v.v… Nhưng có vấn đề là chỉ có một số hoạt động của trường đại học là được xếp hạng, không có vòng xoáy nào cho việc giảng dạy và học tập, một thiếu hụt lớn khi định hướng hiệu suất. Nhiều chỉ số về nghiên cứu nằm trong vòng xoáy này, nhưng không phải trong các ngành khoa học xã hội nhân văn và hầu hết các ngành định hướng nghề nghiệp, các hoạt động học thuật ngoài tiếng Anh đều bị loại trừ. Còn về khoa học thì sao? Có một số bảng xếp hạng quan tâm đến hiệu suất, một số bảng khác thì không. Các bảng xếp hạng dựa trên các chỉ số thống nhất cho xuất bản và trích dẫn thúc đẩy các nghiên cứu nhiều hơn và tốt hơn, và tất cả đều cho kết quả bình đẳng (ví dụ như ARWU, Leiden, Scimago). Từ năm 2003, các bảng xếp hạng dựa trên nghiên cứu đã góp phần tăng đầu tư vào năng lực khoa học của trường đại học và nâng cao hiệu quả nghiên cứu trong chiến lược của các trường.
Xếp hạng đại học đã vẽ lại nền giáo dục đại học toàn cầu như là một môi trường quan hệ, đề cao một số tiềm năng trong môi trường đó và ngăn chặn những tiềm năng khác.
Bức tranh xếp hạng mang tính kết hợp cao hơn trong bảng xếp hạng của Times Higher Education và QS. Các bảng xếp hạng này đưa ra các chỉ số nghiên cứu mạnh, có tiềm năng tác động đến vòng xoáy hiệu quả. Đứng một mình. QS đưa ra chỉ số trích dẫn cho mỗi giảng viên, còn Times Higher Education thì sử dụng số trích dẫn và số nghiên cứu có khả năng tác động. Nói là “có khả năng”, bởi vì các biện pháp khuyến khích bị lu mờ, các chỉ số dựa trên nghiên cứu được chôn vùi trong các chỉ số kết hợp đa chiều.
Các chỉ số đo mức độ quốc tế hóa tạo động lực để tăng số sinh viên và giảng viên từ nước ngoài, và công bố chung các công trình, nhưng lại chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng điểm xếp hạng – và một lần nữa, động lực thực hiện được chôn vùi bên trong các yếu tố khác trong các chỉ số kết hợp đa chiều.
Do đó, một trường đại học có thể cải thiện số trích dẫn trên đầu giảng viên, hoặc cải thiện điểm số quốc tế hóa, nhưng xếp hạng của trường có thể đi xuống do kết quả klhảo sát về danh tiếng chiếm tỷ trọng điểm số cao trong xếp hạng của cả Times Higher Education và QS, và lại là chỉ số được tách ra khỏi hiệu suất hoạt động thực sự của trường. Kết quả khảo sát chứa dữ liệu liên quan đến ý kiến đánh giá về hiệu suất – chứ không phải dữ liệu về hiệu suất. Mối liên kết giữa nỗ lực, cải tiến và xếp hạng thiết yếu cho vòng tròn hiệu suất đã bị phá vỡ. Điều tương tự cũng xảy ra khi vị trí xếp hạng thay đổi do những thay đổi nhỏ trong phương pháp luận xếp hạng. Một lần nữa, không có liên kết chặt chẽ giữa nỗ lực, hiệu suất và xếp hạng.
Chờ đã – bạn có thể nói rằng danh tiếng rất quan trọng với sinh viên, giá trị của bằng cấp bị ảnh hưởng bởi thứ tự trong bảng xếp hạng. Đúng vậy, và một hệ thống xếp thứ bậc danh tiếng dựa trên các cuộc khảo sát tự nó nếu như không bị ô nhiễm bởi các yếu tố khác, cho chúng ta những thông tin rất quan trọng. Tuy nhiên, một bảng xếp hạng theo uy tín, dù rất thú vị, nhưng không thể định hướng cho việc liên tục cải tiến theo tình hình thực tế. Xếp hạng theo danh tiếng chỉ dẫn dắt trò chơi định vị-tiếp thị. Cuối cùng, danh tiếng phải được dựa trên thực tế là luôn mang lại lợi ích cho các bên liên quan và lợi ích cộng đồng.
Liên quan đến luận điểm này có thể đưa ra ví dụ tương tự. Chiến thắng World Cup bóng đá được xác định bởi đội ghi được nhiều bàn thắng hơn trong thời gian quy định trên sân đấu. Nếu như FIFA thay đổi các quy tắc chơi thì sao? Chẳng hạn thay vì thưởng cho kết quả chung cuộc của trận đấu, đội thắng cuộc được xác định 50% dựa trên kết quả chung cuộc, và 50% cho lối chơi tốt nhất được đo bằng khảo sát. Chúng ta sẽ không tin tưởng vào kết quả, đúng không?
Xếp hạng theo nhiều chỉ số đã cung cấp một bộ dữ liệu lớn, nhưng do mối liên hệ giữa nỗ lực trong từng lĩnh vực và kết quả xếp hạng cuối cùng không hoàn toàn minh bạch, nên chúng không giúp gì nhiều để dẫn dắt các hoạt động định hướng hiệu suất. Các nỗ lực được tập trung theo các hướng khác nhau và các hiệu quả mang tính vô hình. Trong bảng xếp hạng ARWU, các chỉ số khác nhau có tương quan khá tốt, dẫn dắt theo cùng một hướng và chia sẻ hiệu suất chung. Nhưng các bảng xếp hạng của QS và Times Higher Education sử dụng các chỉ số không đồng nhất.
Mặt khác, nếu bảng xếp hạng đa chỉ số được phân tách ra, các chỉ số riêng lẻ có thể cải thiện hiệu suất một cách hiệu quả. Sau đó thì ít nhất cạnh tranh trong vị trí xếp hạng đại học sẽ hướng tới kết quả tốt hơn, chứ không phải tạo danh tiếng vì lợi ích của riêng mình.