Tajikistan: các thách thức và đội ngũ giáo sư

Zumrad Kataeva là thực tập sinh sau tiến sĩ tại Học viện Giáo dục Trường Kinh tế, Viện Đại học Nghiên cứu Quốc gia, Moscow, Nga. E-mail: zkataeva@hse.ru.

Giáo dục đại học ở Tajikistan đang trải qua một giai đoạn thách thức và khó khăn. Tajikistan là một nước nhỏ, nằm giữa đất liền với dân số 8,5 triệu người. Nước này giáp với Afghanistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Trung Quốc. Các dãy núi bao phủ 93% lãnh thổ nước này. Sau khi Liên Xô tan rã, giáo dục phổ thông và đại học bị ảnh hưởng sâu sắc do hậu quả của một cuộc nội chiến và ngừng trợ cấp tài chính của Moscow. Giai đoạn cải cách giáo dục đại học bắt đầu sau khi đã phục hồi ổn định chính trị vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Sự sụp đổ của Liên Xô cũ ảnh hưởng tiêu cực tới tình trạng giới học thuật ở các bang thời hậu Xô Viết, với mức lương và cơ hội phát triển nghề nghiệp theo chiều hướng đi xuống kiểu xoắn ốc. Đồng thời, việc tự do hóa nền kinh tế và những hứa hẹn về việc tiếp cận giáo dục đại học làm gia tăng nhu cầu đại học, đồng thời cũng gia tăng sự hò hét phản đối của công chúng đối với việc đông sinh viên vào các đại học hơn. Các trường cao đẳng và đại học ở Tajikistan đổ xô đi thuê giảng viên ít kinh nghiệm, vì các giáo sư dày dạn hoặc tài năng hơn ra làm việc cho khu vực tư nhân hoặc di cư ra nước ngoài. Những người ở lại thì đi bán hàng chợ, làm việc trong một số ít các doanh nghiệp sẵn có hoặc chuyển sang các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục đại học hiện nay của Tajikistan gồm 38 trường đại học với khoảng 9 ngàn giảng viên cơ hữu và 167 ngàn sinh viên.

Mức lương và chế độ được hưởng

Cộng hòa Tajikistan là một trong những quốc gia nhỏ nhất của Liên Xô cũ, có GDP bình quân đầu người chỉ 926 đô la Mỹ. Ngân sách giáo dục đại học đến từ các nguồn chính phủ, phi chính phủ, và ngày càng tăng từ nguồn thu học phí. Hiêu trưởng có lương trung bình 550 đô la Mỹ môt tháng, còn trợ lý bộ môn, cấp học hàm thấp nhất, chỉ được 69 đô la; giáo sư cơ hữu có mức lương khoảng 270 đô la mỗi tháng. Mặc dù tiền lương đã tăng dần, nhưng vẫn không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cho giảng viên và gia đình họ.

Chiến lược tồn tại

Vì lương giảng viên và cán bộ khoa không tương ứng với chi phí sinh hoạt, giới giáo chức không có bất kỳ lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm các cách thức thu nhập khác. Cán bộ trẻ không muốn làm việc ở đại học vì họ biết tiền lương trong các trường rất thấp. Chế độ lương bổng và điều kiện làm việc mà giảng viên phải đối mặt buộc họ phải sử dụng nhiều cách thức chỉ để tồn tại, chứ chưa nói tới việc tỏa sáng. Trường hợp tốt nhất là họ đươc tham gia vào dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ, làm phiên dịch, gia sư tư nhân hoặc trong các doanh nghiệp nhỏ có liên quan. Còn tồi nhất là trở thành nhân viên bán hàng trên thị trường, hoặc chạy khỏi đất nước để tìm kiếm mức lương tốt hơn. Những người không có việc làm thêm thì được cha mẹ và vợ chồng hỗ trợ. Trong điều kiện như vậy, các giảng viên không quan tâm đến việc nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình, và do đó ít có sự chuẩn bị thành người giảng viên hiệu quả. Hơn nữa, giới giáo chức cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của họ ngoài việc giảng dạy là nghiên cứu, và để tham gia nghiên cứu họ cần có thu nhập và thời gian thích hợp; đa số muốn dành thời gian tìm kiếm thêm thu nhập để tồn tại.

Thách thức đối với nghiên cứu

Giảng viên thường dạy 15-20 giờ mỗi tuần, điều đó khiến họ khó theo đuổi nhu cầu nghiên cứu và công bố của mình. Kết quả là số giảng viên có trình độ học vấn Phó tiến sĩ khoa học Tiến sĩ khoa học đang giảm dần. Trong giai đoạn nội chiến và sụp đổ kinh tế, hầu hết thư viện trong nước bị hư hại. Thường không có điện vào mùa đông, nên các kho lưu trữ sách và tạp chí không được duy trì ở nhiệt độ cần thiết. Không dễ truy cập vào các tài nguyên điện tử, và tài liệu chuyên môn được công bố rất ít, chủ yếu là ở Nga; hầu như không có tài liệu công bố ở Tajikistan. Giảng viên chỉ có thể truy cập được vào vài trang web của Nga, thậm chí cả những trang web phải trả phí để tải thông tin. Không giống như ở đa số nước phát triển, có rất ít nguồn tài trợ bên ngoài dành cho nghiên cứu. Không có các Hội đồng luận án quốc gia để công nhận bằng cấp. Cho đến mãi gần đây (2015), mọi luận án cần phê duyệt đều phải gửi tới Ủy ban Chứng nhận cấp cao của Nga để hoàn tất, một quá trình lâu dài và tốn kém mà bản thân giảng viên phải chịu.

Chế độ lương bổng và điều kiện làm việc giảng viên phải đối mặt buộc họ phải sử dụng nhiều cách thức chỉ để tồn tại, chứ chưa nói tới việc tỏa sáng.

Các trường Đại học ở Tajikistan cũng phải chịu thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập. Nhiều giảng viên làm việc trong các lớp học thiếu các trang thiết bị hiện đại, ví dụ như máy tính và bảng điện tử; các phòng thí nghiệm cũng thiếu những công nghệ hiện đại cần cho việc đào tạo sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ. Với tất cả những rào cản chuyên môn và cá nhân mà giáo chức Tajik phải đối mặt, dễ hiểu là chỉ có một số ít người trẻ tuổi học tiếp và theo đuổi bằng cấp cao hơn. Thay vì tin tưởng vào quá trình học tập tiếp theo và bù lại được khoản đầu tư đó, thì hầu hết lại thường quyết định rời khỏi trường đại học. Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục cho thấy ít hơn 30% giảng viên làm việc trong các trường đại học Tajik có trình độ phù hợp để giảng dạy – trong khi đó các văn bản chính sách của chính phủ lại kêu gọi nâng cao năng lực nghiên cứu.

Các bước đi tương lai

Mặc dù phải chịu đựng các điều kiện và thực tế khắc nghiệp, thiếu những giảng viên kinh nghiệm, những người ở lại vẫn vui thích với công việc giảng dạy và làm việc với sinh viên. Đây dường như lý do chính để họ ở lại. Tuy vậy, cảm xúc hài lòng mang tính cá nhân đó dường như không đủ để động viên thế hệ giảng viên đại học tiếp theo chuẩn bị bước vào nghề nghiệp này. Những gì họ cần là được cung cấp điều kiện làm việc và mức lương cơ bản mà họ có thể sống được, để họ có thể hoàn toàn cống hiến cho giảng dạy, nghiên cứu, tạo ra tri thức và đào tạo ra các chuyên gia có trình độ tốt cho sự phát triển tương lai của đất nước. Các trường đại học Tajik và chính phủ cần phải làm việc để thiết lập các chính sách và cơ hội phù hợp, tạo điều kiện cho các ứng cử viên tiềm năng lấy lại giá trị của người làm chuyên môn trong trường đại học – điều kiện cho phép trường họ tham gia vào cuộc cạnh tranh giáo dục toàn cầu đang ngày càng phát triển để tạo ra một xã hội tri thức.