Colombia: thách thức phải thay đổi nhanh

Ivan F. Pacheco là nghiên cứu viên tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, và là cố vấn cho Ngân hàng Thế giới và Bộ Giáo dục Colombia. E-mail: ivanfpacheco@gmail.com.

“Ở đây, bạn thấy đấy, phải chạy hết sức để giữ được nguyên vị trí. Nếu bạn muốn đi đâu đó khác, bạn phải chạy nhanh hơn ít nhất gấp hai lần!”.

Những lời này của Nữ hoàng Trái tim nói với Alice trong bộ phim ”Alice ở xứ xở trong gương” minh họa những vấn đề trong giáo dục đại học mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt. Những thay đổi đang diễn ra nhanh chóng, các chính phủ và trường đại học thường không đủ khả năng thích nghi kịp thời. Thách thức này đặc biệt khó khăn đối với các nước đang phát triển và Colombia không phải là ngoại lệ. Gần đây chính phủ Colombia đưa ra các đề xuất đầy tham vọng. Kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy rằng cải cách có thể kéo dài hàng thập kỷ; nhưng nhiệm kỳ của hầu hết các tổng thống lại ngắn hơn nhiều.

Quốc gia có nền giáo dục tốt nhất

Colombia vẫn luôn là một đất nước đi đầu trong các chính sách đổi mới và cải tiến giáo dục. ICETEX – cơ quan thuộc chính phủ Colombia quản lý việc cho sinh viên vay tiền – là tổ chức đầu tiên trên thế giới thuộc loại này, và Colombia là một trong những nước đầu tiên ở Mỹ Latin thành lập cơ quan kiểm định. Tuy nhiên, Colombia hiện đang phải nỗ lực xây dựng chính sách nhằm theo kịp những thay đổi trong giáo dục đại học.

Kế hoạch Phát triển Quốc gia (NDP) của Tổng thống Juan Manuel Santos giai đoạn 2014-2018 chú trọng nhiều đến giáo dục hơn bất kỳ kế hoạch nào trước đây. Chính phủ mô tả chiến lược giáo dục trong chương 6 với tiêu đề “Colombia, quốc gia có nền giáo dục tốt nhất”. Giáo dục đại học và nghiên cứu đóng một vai trò quan trọng trong NDP, ưu tiên sự tương tác giữa giáo dục, nghiên cứu và khu vực sản xuất. Đây không phải là một ý tưởng mới: mối quan hệ hiệu quả giữa khoa học và khu vực sản xuất đóng vai trò then chốt suốt nhiều thập kỷ.

Một hệ thống thống nhất và tích hợp

NDP của Santos đang đề xuất những sáng kiến mới nhằm phát triển một hệ thống giáo dục đại học có tính thống nhất hơn, nhiều sáng kiến như vậy đã được áp dụng thành công ở các quốc gia khác. Trong đó bao gồm hình thành một khung tiêu chuẩn quốc gia; tạo ra một hệ thống cho phép tích lũy và chuyển đổi tín chỉ học tập; và xây dựng hệ thống chất lượng quốc gia.

Trong khi việc cải cách hệ thống đảm bảo chất lượng hướng tới việc tổ chức lại các cấu trúc và quá trình tồn tại từ trước có thể không cần nhiều thời gian thực hiện, một số hạng mục khác sẽ mất nhiều năm hoặc thậm chí hơn một thập kỷ để hiện thực hoá.

Các khung bằng cấp quốc gia cung cấp cấu trúc để tổ chức các chương trình học theo các trình độ tương ứng, bao gồm cả kết quả học tập. Những khung này đã được chứng minh là thành công trong việc điều chỉnh các bằng cấp trong giáo dục và đào tạo ở các nước như Úc và Ai Len. Tại Châu Mỹ Latin, Chile và Ecuador đã bắt tay vào thực hiện các dự án tương tự với kết quả hỗn hợp. Kinh nghiệm chỉ ra rằng đây là một dự án dài hạn. Ở các quốc gia khác, toàn bộ quá trình phải mất hai thập kỷ mới có thể thành công.

Khung trình độ của Colombia đề xuất bao gồm tất cả các cấp độ và loại hình giáo dục (tương tự như mô hình Úc). Hiện nay, sự phân biệt giữa các cấp độ khác nhau của hệ thống giáo dục đại học không rõ ràng. Ví dụ, sự khác biệt giữa chương trình học tập để có bằng cấp “técnico profesional” và chương trình để có bằng “tecnológo” không rõ ràng đối với công chúng, và đôi khi không rõ ràng cả với các chuyên gia. Điều tương tự xảy ra với một số chuyên ngành (chương trình sau đại học) và các chương trình thạc sĩ. Nếu khuôn khổ chất lượng giúp xác định rõ những khác biệt của từng loại chương trình, và giúp sinh viên dễ dàng dịch chuyển qua lại giữa các chương trình học tập thì đó sẽ là một đóng góp quan trọng.

NDP của Santos đang đề xuất những sáng kiến mới nhằm phát triển một hệ thống giáo dục đại học có tính thống nhất hơn.

Hệ thống tích lũy và chuyển đổi tín chỉ học thuật là một chiến lược khác đặt ra những thách thức cho việc triển khai nhanh chóng. Mêhicô và Chilê gần đây đã phát triển các công cụ cho phép chuyển đổi các tín chỉ học thuật. Ở Mêhicô, một sáng kiến của ANUIES (Hiệp hội quốc gia các trường đại học) đã cung cấp một khuôn khổ cho sự dịch chuyển học thuật giữa các trường đại học thành viên. Tương tự, tại Chile, CRUCH (Hội đồng các nhà khoa học của các trường đại học Chilê) đã tạo ra Hệ thống Chuyển đổi Tín chỉ. Cả hai sáng kiến đều không mất nhiều năm để phát triển, nhưng chỉ bao gồm các tổ chức tham gia tự nguyện và không bao gồm các tổ chức đào tạo không phải đại học. Cách tiếp cận của Colombia nhiều tham vọng và phức tạp hơn: hệ thống này hướng tới mục đích tạo điều kiện cho sự lưu thông giữa các ngành khác nhau, bao gồm cả giáo dục và đào tạo nghề cũng như các trường đại học. Dự kiến là các trường bắt buộc tham gia, mặc dù điều này vẫn chưa được giải quyết xong.

Tuyên bố trong NDP về việc “sáng tạo” ra một hệ thống giáo dục đại học đã gây ra sự nhầm lẫn, đặc biệt bởi vì nói chung người ta đều cho rằng ở Colombia đang tồn tại một hệ thống giáo dục đại học. Sự khác biệt giữa “hệ thống giáo dục đại học” đang có và “hệ thống giáo dục đại học” được đề xuất là không rõ ràng. Bộ Giáo dục tuyên bố rằng mục đích của sự thay đổi này là tăng cường vị thế của giáo dục kỹ thuật trong nước bằng cách tạo ra hai hướng giáo dục có sự liên kết với nhau (gọi là trụ cột): trụ cột giáo dục đại học và trụ cột giáo dục kỹ thuật. Sự khác biệt và tương đồng giữa hai trụ cột có thể đơn giản về mặt lý thuyết, nhưng thực tiễn của hội nhập đã chứng tỏ nó phức tạp hơn nhiều.

Khía cạnh chính trị của sự thay đổi

Sự liên quan của hầu hết các chiến lược và hệ thống mà NDP của Colombia đề xuất là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực hiện là một vấn đề khác. Một số ý tưởng và sáng kiến sẽ mất thời gian – để chín muồi và phát triển, và để đạt được sự chấp nhận của các bên liên quan khác nhau. Mức độ cải cách này không tương thích với một chính phủ chỉ còn ít thời gian tại vị, và chắc chắn không tương thích với tốc độ thay đổi mà giới hàn lâm chấp nhận. Chính phủ Santos đang chịu áp lực phải đưa ra kế hoạch cải cách đầy tham vọng này trước năm 2018 (Santos không thể tái đắc cử). Tuy nhiên, chính phủ đang phải đối mặt với một thách thức nữa: Bộ trưởng Giáo dục và Thứ trưởng Bộ Giáo dục đại học, những người soạn thảo đề xuất này, đã từ chức. Bộ trưởng mới tuyên bố sẽ tiếp tục những nỗ lực này, nhưng việc chuyển giao không hề dễ dàng và thời gian đang sắp hết. Điều thú vị là việc lãnh đạo dự án dường như đang chuyển từ Bộ Giáo dục sang Bộ Lao động và Sở Học vấn Quốc gia (SENA), một cơ quan của chính phủ cung cấp giáo dục và đào tạo nghề và giáo dục đại học.

Chính phủ sẽ không thể thực hiện nhiều phần của cải cách mà không có sự tham gia của các bên liên quan khác, tất nhiên bao gồm các trường đại học. Tuy nhiên, chính phủ của Santos đã không thành công trong việc thông báo những dự định cải cách mặc dù một số cơ sở đào tạo ủng hộ vài yếu tố của kế hoạch; phạm vi và những tác động tiềm ẩn vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Chính phủ Santos chỉ còn chưa đầy hai năm để thực hiện. Bộ Giáo dục đã phát động một nỗ lực để đạt được các mục tiêu của kế hoạch cải cách, nhưng điều này là quá tham vọng so với thời gian còn lại. Đây là lúc cần cân nhắc những gì có thể đạt được trong giai đoạn ngắn này và tập trung vào đó. Một cách tiếp cận tham vọng hơn có thể làm cho cải cách thất bại. “Vội vàng là một cố vấn tồi” – Dumas nói, hoặc theo cách nói của White Rabbit, “càng vội vã bao nhiêu, tôi càng tụt hậu bấy nhiêu”.

* Ghi chú: Các ý kiến đưa ra trong bài viết này là của riêng tác giả và không nhất thiết phản ánh những quan điểm của Ngân hàng Thế giới hoặc Bộ Giáo dục Colombia