Vị trí của giáo dục đại học Kitô giáo trong đại học tư thục

Daniel Levy

Daniel Levy là giáo sư hàng đầu của Khoa Nghiên cứu Chính sách và Quản trị Giáo dục, Đại học Bang New York ở Albany, Hoa kỳ. Email: dlevy@albany.edu.

Chương trình Nghiên cứu Giáo dục Đại học Tư (PROPHE) có mục thường kỳ trên IHE và thỉnh thoảng có thêm các bài đăng trong Chuyên mục. Chủ đề của Chuyên mục lần này là Giáo dục Đại học Kitô giáo.

Nhiều bài báo đăng tải trên IHE trong vài năm gần đây cho thấy giáo dục đại học tư (PHE) đã phát triển rộng khắp trên toàn thế giới. Phần lớn các bài báo đề cập đến PHE nói chung, một số bài chú trọng vào những loại hình PHE đặc thù. Chuyên mục số này đề cập đến giáo dục đại học Kitô giáo (CHE) trên phạm vi địa lý rộng, bởi vì bài giới thiệu chung này và bài của Glanzer đề cập đến phạm vi toàn cầu, và bài của Carpenter có phạm vi khu vực (châu Phi).

Các bài viết trong chuyên mục đề cập đến những nội dung đương đại của CHE như sự phát triển toàn cầu, bối cảnh quốc tế, các trường đại học Tin Lành và Công giáo La Mã ngày nay (Chính thống giáo không tham gia nhiều vào trào lưu phát triển đại học). Mặc dù chỉ ra những khác biệt bên trong thế giới CHE (giữa các khu vực, các quốc gia và giữa các trường), các bài trong chuyên mục cũng nhận diện những định tính chung rõ nét có thể tập hợp các trường CHE vào một thể loại phân tích riêng.

Bài viết mở đầu chuyên mục này xếp CHE vào khu vực giáo dục đại học tư. Cụ thể hơn, bài viết sẽ cho thấy vì sao CHE là một loại giáo dục đại học tư có “bản sắc” (identity). Bởi vì cho đến nay, hình thức thể hiện “bản sắc” phổ biến nhất trong giáo dục đại học là tôn giáo, mặc dù các trường dành cho dân tộc ít người và trường nữ cũng được coi là có bản sắc. Trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các trường Công giáo La Mã chiếm số đông trong các trường đại học tôn giáo được thành lập. Nhưng gần đây sự xuất hiện của các trường đại học Tin Lành đã làm tăng tính đa nguyên của tôn giáo trong CHE (sự phát triển của những trường cao đẳng, đại học Hồi giáo cũng gây được một số tiếng vang, nhưng phần lớn đó là các trường công; và dù sao, là trường công hay tư, cũng không thuộc phạm vi chuyên mục này).

Hai yếu tố quan trọng gắn kết CHE được nhấn mạnh trong các bài viết cho chuyên mục là Phát triển và Thách thức.

Phát triển

Cũng như các đại học bản sắc khác, các trường CHE mở ra nhằm thúc đẩy lợi ích của một nhóm xã hội. Một mặt họ quảng cáo mạnh mẽ, mặt khác giữ thế phòng thủ, bởi xã hội thế tục và hệ thống giáo dục đại học nghi ngại (có chủ ý hoặc vô tình) sự hiện diện tôn giáo trong nền giáo dục đại học – ngay cả khi đa số dân chúng cho rằng giáo dục đại học tôn giáo chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong giáo dục đại học công lập của quốc gia. Hầu như không có các động lực tôn giáo để CHE phát triển, nếu không kể đến những trách nhiệm xã hội như phục vụ tầng lớp nghèo. Tuy nhiên, ngoài các động cơ tôn giáo, một số trường đại học tôn giáo đôi khi tìm thấy động lực phát triển trong các khu vực giáo dục đại học tư phi-bản-sắc. Lúc mới mở, hầu hết các trường đại học tôn giáo đều tuyên bố về sứ mệnh giáo dục. Sau một thời gian, các trường CHE thường hướng đến tuyển sinh các đối tượng có khả năng đóng học phí, bất chấp yêu cầu của chính phủ về việc mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho công chúng. Mặt khác, một số trường CHE đặc quyền phát triển nhanh nhờ tiếp nhận những sinh viên thoát ra từ các quốc gia có nền giáo dục đại học công mục ruỗng vì vấn đề chính trị hoặc các vấn đề khác. Như vậy, động lực thúc đẩy sự phát triển CHE cũng như đại học tôn giáo nói chung là sự kết hợp của lợi ích nhóm và những động lực đặc trưng cho khu vực giáo dục đại học tư.

“Sự vận động học thuật” là một thực tế phổ biến trong giáo dục đại học, khi các tổ chức đào tạo cố gắng nâng thứ hạng (bao gồm hiện tượng các tổ chức thấp hơn nâng cấp thành đại học), và cũng giữ một vai trò nổi bật trong CHE. Một số chủng viện hoặc học viện thần học chuyên đào tạo lãnh đạo tôn giáo cũng được nâng cấp thành trường đại học, và đào tạo cả những ngành học phi tôn giáo đồng thời với các chuyên ngành tôn giáo. Có thể động cơ của họ là thâm nhập vào xã hội thế tục hoặc kết hợp tín ngưỡng và khoa học, nhưng cũng có thể đó là mục tiêu tài chính, bành trướng và thăng hạng – những động cơ phổ biến trong các trường đại học tư (và cả công lập).

CHE tăng trưởng nhanh chóng là một phần của hiện tượng gia tăng đột biến giáo dục đại học tư, không phải của sự phát triển đột biến tôn giáo. Đại học Công giáo La Mã, từng là những trường đại học bản sắc quan trọng nhất ở nhiều nơi trên thế giới trong thế kỷ 19-20, lại suy giảm chứ không phát triển. Nhánh Công giáo La Mã trong khu vực CHE đang phát triển ngày nay chủ yếu thành lập các trường mới ở các khu vực xa (châu Phi là tiêu biểu), thường là các cơ sở nhỏ tiền Công giáo La Mã hoặc tư thục. Ở châu Mỹ Latinh, các trường đại học Tin Lành mới thành lập tương phản rất rõ với các đại học Công giáo La Mã truyền thống.

Khó đánh giá chính xác mức độ phát triển đột biến của CHE, nhất là số lượng sinh viên theo học. Số liệu thường bị phóng đại do số trường thành lập mới tăng vọt, nhưng phần lớn là trường nhỏ, nhất là các trường Tin Lành. Mặc dù vậy, các tác giả cũng chỉ ra được một số trường CHE lớn. CHE phát triển mạnh mẽ hầu hết ở các nước đang phát triển, tuy nhiên Nhật Bản và Hàn Quốc là hai ngoại lệ quan trọng.

Một mặt họ quảng cáo mạnh mẽ, mặt khác giữ thế phòng thủ, bởi xã hội thế tục và hệ thống giáo dục đại học nghi ngại (có chủ ý hoặc vô tình) sự hiện diện tôn giáo trong nền giáo dục đại học

Thách thức

Một điều không may là các trường CHE dễ bị ảnh hưởng trước hai loại thách thức. Một là những thách thức đối với các đại học tư thục nói chung. Loại thách thức thứ hai là đối với các trường bản sắc. Cả hai loại thách thức đều đe dọa làm giảm số sinh viên theo học, nhưng loại thách thức thứ hai còn đe doạ pha loãng sứ mệnh cốt lõi của trường.

CHE có những động lực phát triển giống như các đại học tư nên cũng dễ bị tổn thương bởi những thách thức chung đối với giáo dục đại học tư, ngoài ra còn dễ bị ảnh hưởng bởi những thách thức riêng đối với tôn giáo. Khi nền chính trị quốc gia nghiêng về xu hướng tả khuynh, tôn giáo có thể bị kiểm soát chặt chẽ hơn, thậm chí bị coi là thù địch, chính giới cánh tả thường xem tôn giáo là lạc hậu hoặc ít nhất về cơ bản không liên quan đến giáo dục đại học. Tính hợp pháp của CHE bị đe doạ bởi hai lý do: chất lượng học thuật, như đối với giáo dục đại học tư thục nói chung, và việc không chia xẻ những sứ mệnh chung vẫn thường gắn bó cả quốc gia. Tài chính là một thách thức đối với đại học tư, trong đó có các đại học bản sắc; hầu hết các trường CHE đều không được ngân sách công tài trợ, hoặc được rất ít. Sự vận động học thuật xuất phát từ những kỳ vọng nâng cao chất lượng và tăng hạng đẩy các trường CHE xa dần sứ mệnh tôn giáo nguyên thuỷ.

Đồng thời, cách này hay cách khác, chính những lực lượng thúc đẩy CHE tăng trưởng lại tạo ra những thách thức tiềm ẩn. Không chỉ số lượng giáo dân giảm dần, lòng tin tôn giáo giảm sút cũng là mối đe dọa trực tiếp. Khi mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên và giảng viên, các trường CHE buộc phải chấp nhận tình trạng sứ mệnh tôn giáo của họ ngày càng bị pha loãng.

Những thách thức chung đối với giáo dục đại học tư cũng như những thách thức riêng đối với các đại học bản sắc như CHE là hết sức ghê gớm. Mặc dầu vậy, trong vài thập niên vừa qua CHE đã phát triển vượt trội bằng việc thành lập mới nhiều trường đại học tôn giáo, mang lại nguồn năng lượng mới cho giáo dục đại học tư thục.