Thư viện học thuật trong thời đại kỹ thuật số: ý nghĩa của các con số

Donald A. Barclay

Donald A. Barclay là Phó giám đốc thư viện trường Đại học California, Merced, Hoa kỳ. E-mail: dbarclay@ucmerced.edu.

Nhờ có công nghệ kỹ thuật số, sinh viên và giảng viên của các trường đại học hiện nay có thể tiếp cận với số lượng lớn thông tin, điều mà vài thập kỷ trước dường như chỉ là khoa học viễn tưởng. Một số thông tin kỹ thuật số là miễn phí cho mọi người, trong khi những thông tin khác các trường đại học phải mua (với chi phí đáng kể) để cộng đồng học giả của trường sử dụng.

Trước lượng thông tin dồi dào đầu thế kỷ 21, một câu hỏi thích hợp được đặt ra: “Có phải chúng ta đang tiến gần đến giai đoạn khi các thư viện học thuật không còn cần thiết nữa không?”. Mặt khác, câu hỏi này cũng khẳng định một tương lai rất dễ hình dung, trong đó:

  • Các bộ sách in trong thư viện chỉ còn rất ít vai trò trong việc truyền bá kiến thức học thuật.
  • Mua các nguồn thông tin cho trường học trở thành công việc phù hợp với một nhân viên hành chính hơn là đội ngũ thủ thư.

Rất dễ hình dung một tương lai như vậy, nhưng lại khó đoán trước điều đó có trở thành hiện thực hay không và khi nào nó xảy ra. Tuy nhiên, điều mà chúng ta đã biết chắc chắn là các thư viện học thuật được sử dụng như thế nào trong thập kỷ gần đây. Những con số thống kê có thể làm nhiều người ngạc nhiên.

Thư viện học thuật tại Hoa kỳ

Mức độ lưu thông các ấn phẩm (sách, DVD, v.v…) trong các thư viện học thuật Mỹ giảm dần trong kỷ nguyên mạng, từ năm 1997 đến năm 2011 giảm 29%. Đáng nói hơn, cùng khoảng thời gian như vậy và cũng trong các thư viện học thuật này số lượt sử dụng (sách, DVD, v.v…) hàng năm của mỗi sinh viên chính quy giảm từ 20 xuống 10 lượt (giảm 50%).

Các tạp chí học thuật điện tử đã khiến cho tiền thân của chúng – tạp chí in – trở nên lỗi thời, nếu không nói là hoàn toàn biến mất, trong khi sách điện tử ngày càng phong phú. Trong năm 2012, các thư viện học thuật Mỹ nắm giữ tổng cộng 252.599.161 sách điện tử. Điều này có nghĩa là trong khoảng một thập kỷ, các thư viện học thuật ở Mỹ đã mua số lượng sách điện tử gần bằng 1/4 tổng số sách in và các tạp chí cũ bìa cứng, các tài liệu chính phủ và các ấn phẩm khác được chính các thư viện này mua từ 1638, là năm Đại học Harvard thành lập thư viện học thuật đầu tiên tại vùng lãnh thổ hiện nay là Hoa kỳ.

Những con số nêu trên dường như nhanh chóng dẫn đến kết luận rằng mọi thứ đều trực tuyến và không còn ai sử dụng thư viện học thuật nữa. Nhưng không nhanh đến mức như vậy. Mặc dù tỷ lệ lưu thông các ấn phẩm trong thư viện giảm sút, các dữ liệu cho thấy có sự gia tăng ổn định trong số lượt người thực sự tới các thư viện học thuật: Số lượt người đến thư viện tích lũy hàng tuần của 60 thư viện học thuật lớn nhất của Mỹ tăng gần 39% từ năm 2000 đến năm 2012. Dữ liệu về lượt người tới thư viện ở tất cả các tổ chức giáo dục đại học Mỹ cũng cho thấy một sự gia tăng tương tự (38%) từ 1998 đến 2012.

Xu hướng đổi mới của các thư viện học thuật ngoài Hoa kỳ

Dữ liệu về các thư viện học thuật Mỹ dẫn đến một câu hỏi: ở các nước khác có diễn ra những thay đổi tương tự hay không. Có thể dễ dàng tìm kiếm dữ liệu gần đây về các thư viện học thuật bên ngoài Hoa kỳ nhờ vào Số liệu Thống kê Thư viện Toàn cầu của Trung tâm Thư viện Máy tính Trực tuyến, và các tổ chức như Cục Thư viện châu Âu, Hiệp hội Thông tin và Tài liệu;nhưng hoàn toàn không dễ tìm kiếm các dữ liệu cũ hơn để thấy được những thay đổi theo thời gian trong việc sử dụng các thư viện học thuật. Mặc dù các nước được liệt kê dưới đây không đại diện hoàn toàn cho bức tranh toàn cầu đầy đủ của các thư viện học thuật, nhưng các xu hướng diễn ra tại đây cũng tương tự những gì diễn ra tại các thư viện học thuật Mỹ.

Vương quốc Anh. Cũng như ở Mỹ, mức lưu thông ấn phẩm trong thư viện đại học ở Anh sụt giảm11% trong 10 năm qua. Bất chấp điều này, sinh viên đến các thư viện đại học ở Vương quốc Anh vẫn giữ mức ổn định, 55 lượt cho mỗi sinh viên mỗi năm giống như trong 10 năm qua.

Đan mạch. Số lượng các ấn phẩm được mượn từ thư viện học thuật giảm 24% từ 2.945.109 trong năm 2009 xuống 1.938.206 trong năm 2015. Tuy nhiên, trong cùng khoảng thời gian đó, lượt người đến thư viện học thuật của Đan Mạch lại tăng 47% từ 3.849.887 trong năm 2009 lên 5.662.446 trong năm 2015.

Trước lượng thông tin dồi dào đầu thế kỷ 21, một câu hỏi thích hợp được đặt ra: “Có phải chúng ta đang tiến gần đến giai đoạn khi các thư viện học thuật không còn cần thiết nữa không?”

Canada. 26 thư viện học thuật Canada đã báo cáo số lần mượn các ấn phẩm cho hai giai đoạn 2000-2001 và 2012-2013, tổng số lần mượn giảm 50,94% từ 12.492.134 trong giai đoạn 2000-2001 xuống 6.128.543 trong giai đoạn 2012-2013. 21 thư viện học thuật Canada cũng báo cáo lượt người đến thư viện của hai giai đoạn 2000-2001 và 2012-2013, tổng số lượt đến thư viện tăng 73,87% từ 18.863.135 trong giai đoạn 2000-2001 lên 32.798.478 trong giai đoạn 2012-2013.

Vậy thì, vì sao sinh viên vẫn đến các thư viện học thuật, nếu họ không cần sử dụng các tài liệu bản in ở đó?

Sức hút của các thư viện học thuật

Tôi tin rằng sinh viên vẫn đến các thư viện học thuật vì những thư viện này đã tích cực tự đổi mới để đáp ứng các nhu cầu của sinh viên ngày nay.

Ngoài việc cung cấp một chỗ trú ẩn yên tĩnh cách xa thế giới bên ngoài ồn ào, dễ làm phân tâm, thì các thư viện học thuật đã thay đổi để trở nên thân thiện hơn với sinh viên bằng cách nới lỏng (hoặc loại bỏ) các qui định truyền thống như cấm mang thức ăn và đồ uống vào thư viện; cung cấp một không gian học tập 24/7, và nói chung tự làm mới mình để tạo sự thoải mái và thân thiện mà không còn lạnh lùng và cấm đoán. Với xu hướng lấy sinh viên làm trung tâm, các thư viện học thuật đã tích cực chuyển đổi không gian thư viện từ chỗ chứa sách thành không gian cho sinh viên nghiên cứu, cùng làm việc, học tập và giao lưu.

Một số ví dụ về những thay đổi mà các thư viện học thuật truyền thống thực hiện nhằm thu hút sinh viên:

  • Thư viện Knowledge Market thuộc Đại học Grand Valley State cung cấp dịch vụ để sinh viên có thể tư vấn, tham khảo ý kiến lẫn nhau về các vấn đề như nghiên cứu, viết bài, phát biểu trước công chúng, thiết kế đồ họa và phân tích dữ liệu định lượng.Thư viện cũng dành những không gian chuyên biệt cho việc chuẩn bị các hoạt động truyền thông, hợp tác kỹ thuật số, và thực hành thuyết trình.
  • Các thư viện của đại học North Carolina State (NCSU) cung cấp các không gian chế tạo, nơi các sinh viên được thực hành thực tế với các thiết bị điện tử, in ấn và quét 3D, cắt và phay, tạo ra các vật dụng đeo trên người, và kết nối các thiết bị với Mạng lưới Internet Vạn vật (Internet of Things). Ngoài ra, sinh viên NCSU có thể tới thư viện trường để sử dụng các phòng thí nghiệm phương tiện truyền thông kỹ thuật số, các phòng thu sản xuất truyền thông, các phòng thực hành âm nhạc, các không gian trực quan và phòng thuyết trình cùng với các không gian chuyên biệt khác.
  • Thư viện Research Commons thuộc Đại học Ohio State không chỉ cung cấp một Trung tâm Viết bài, mà còn có các dịch vụ tư vấn về bản quyền, kế hoạch quản lý dữ liệu, các cơ hội tài trợ và nghiên cứu đối tượng con người. Các không gian chuyên biệt trong thư viện bao gồm phòng hội nghị và dự án, phòng trực quan kỹ thuật số và phòng trí tuệ tập thể, các không gian hội thảo học thuật và lớp học.

Tạo mới hình ảnh cho thư viện

Với cách suy nghĩ vượt khỏi phạm vi sách vở, đội ngũ nhân viên của các thư viện học thuật đã xây dựng mới hình ảnh thư viện bằng cách tạo ra các giá trị gia tăng, mở rộng mà vẫn không quay lưng lại với truyền thống học tập. Như lời của Sam Demas, giáo sư thư viện danh dự của Đại học Carleton: Suốt nhiều thế hệ, phần lớn các cán bộ thư viện học thuật tin rằng thư viện là cửa ngõ cung cấp thông tin, ấn phẩm và sau này là kỹ thuật số. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã thức tỉnh với thực tế rằng đối tượng phục vụ của thư viện chính là con người – làm thế nào để họ học tập, sử dụng thông tin và tham gia vào cuộc sống của một cộng đồng học tập. Kết quả là chúng tôi bắt đầu thiết kế lại các thư viện để khôi phục phần nào vai trò lịch sử của thư viện như một tổ chức học tập, văn hóa và cộng đồng trí thức.

Một thư viện đại học sẽ không bao giờ mất tính hữu ích, nếu thực hiện được vai trò quan trọng này.