Thay đổi đột phá trong lĩnh vực kiểm định ở Mỹ

Judith S. Eaton

Judith S. Eaton là chủ tịch Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học, Washington, DC, Hoa kỳ. E-mail: eaton@chea.org.

Đây là thời kỳ thay đổi đột phá trong chính trị và chính phủ, trong nhiều nền kinh tế và văn hóa quốc gia. Ở Mỹ, thay đổi đột phá cũng thâm nhập vào lĩnh vực kiểm định giáo dục, với các cuộc tranh luận và cách nhìn khác nhau về thành tích của sinh viên, về cơ hội tiếp cận và khả năng chi trả, về vấn đề minh bạch, những chủ đề thách thức đối với đảm bảo chất lượng trên toàn thế giới. Giáo dục đại học, kiểm định và đảm bảo chất lượng không được miễn dịch khỏi dòng xoáy của các ý tưởng và các quan điểm cạnh tranh.

Ngày nay, ngành kiểm định chất lượng của Mỹ đang trải qua một cơn địa chấn. Hình thức bảo đảm chất lượng và cải tiến chất lượng ban đầu tồn tại ở Mỹ hơn 100 năm đã thay đổi hoàn toàn. Từ một quá trình độc lập, trong đó các trường đại học tự quyết định và tự đánh giá chất lượng đào tạo của chính mình, chuyển thành một quá trình đánh giá sự phù hợp, theo đó các nhóm bên ngoài có quyền lợi liên quan quyết định và áp dụng các yêu cầu về chất lượng mà các tổ chức kiểm định sẽ sử dụng. Sự dịch chuyển này dẫn đến bốn thay đổi lớn. Thay đổi đầu tiên là người giám sát và chủ trì quá trình đánh giá. Thay đổi thứ hai là cách xác định chất lượng. Thay đổi thứ ba liên quan đến trách nhiệm giải trình: đánh giá để làm gì và báo cáo kết quả đánh giá cho ai. Thứ tư là cách thức vận hành của chính các tổ chức kiểm định.

Cho đến gần đây, 85 tổ chức tư nhân, phi chính phủ chuyên kiểm định các trường đại học và và chương trình đào tạo ở Mỹ vẫn hoạt động độc lập, tự quản lý và định hướng công việc của mình. Trình trạng này vẫn tiếp tục ngay cả khi, vào những năm 1950, các tổ chức kiểm định đã hợp tác với chính phủ liên bang Mỹ để cung cấp dịch vụ kiểm định, trong vai trò những tổ chức đáng tin cậy về đáng giá chất lượng giáo dục đại học. Làm việc với các trường và các chương trình đào tạo, các tổ chức kiểm định đưa ra định nghĩa về chất lượng. Họ giải trình với các tổ chức giáo dục và các chương trình đào tạo, họ tích luỹ kinh nghiệm kiểm định thực tế chính yếu của họ từ hoạt động đánh giá các tổ chức và các chương trình giáo dục.

Hình thức giám sát kiểm định mới và khác

Thay đổi lớn đầu tiên là chính phủ liên bang Mỹ hiện nay đã bắt đầu giám sát hoạt động của các tổ chức kiểm định, bao gồm cả những hoạt động vốn vẫn độc lập từ trước tới nay. Chính phủ đang tìm hiểu rộng và sâu hơn cách thức hoạt động của các tổ chức kiểm định chất lượng. Hiện tại những tìm hiểu mang tính thăm dò này đang dựa vào sự kỳ vọng – không phải của các tổ chức kiểm định – đối với hiệu quả của các tổ chức giáo dục và các chương trình đã được công nhận. Sự tham gia của chính phủ vào lĩnh vực kiểm định và đảm bảo chất lượng không phải là điều bất thường ở nhiều nước. Nó là bất thường ở Mỹ, bởi vì nhu cầu kiểm định xuất phát từ giáo dục đại học, không phải từ chính phủ, và bởi vì các tổ chức kiểm định ở Mỹ là phi chính phủ.

Một định nghĩa khác về chất lượng

Chính phủ đi đầu trong việc kiểm định cũng có nghĩa là chính phủ, chứ không phải các tổ chức kiểm định, đưa ra định nghĩa về chất lượng, đây là thay đổi lớn thứ hai. Điều này hoàn toàn ngược lại với cách đánh giá dựa vào các định nghĩa chất lượng đã được các tổ chức kiểm định sử dụng trong nhiều năm, các định nghĩa này phản ánh trong các tiêu chuẩn mà các tổ chức giáo dục cần đạt để được công nhận. Các tiêu chuẩn tạo thành một tập hợp mục tiêu của một tổ chức hoặc chương trình đào tạo, bao gồm nhiệm vụ, nguồn lực tài chính, tiêu chuẩn giảng dạy, giáo trình, các dịch vụ hỗ trợ sinh viên và cơ sở vật chất. Đối với kiểm định, chất lượng chính là việc hình thành các nguồn tài nguyên và các quá trình cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của trường hay của chương trình với hiệu suất cao.

Một khi chính phủ định nghĩa chất lượng, khái niệm này bị thu hẹp và chỉ bao gồm các vấn đề như sinh viên tốt nghiệp hay không, có việc làm sau khi tốt nghiệp không, và trường có thể quản lý các khoản cho sinh viên vay hay không. Đây là một sự dịch chuyển từ khái niệm về chất lượng giáo dục theo nghĩa rộng sang một định nghĩa chất lượng có tính tiện dụng hoặc thực dụng, bỏ qua vai trò quan trọng của giáo dục đại học trong sự phát triển trí tuệ, trong việc giáo dục tinh thần công dân và cam kết xã hội.

Trong lịch sử kiểm định, việc đánh giá chủ yếu dựa vào hai căn cứ: tổ chức giáo dục hoặc chương trình tự lập báo cáo về chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình, kèm theo bản đánh giá chéo hoặc chứng thực báo cáo từ giảng viên

Kiểm định để làm gì và báo cáo cho ai?

Điều này dẫn chúng ta đến sự thay đổi lớn thứ ba trong lĩnh vực kiểm định: câu trả lời cho “Kiểm định để làm gì, và báo cáo cho ai?”. “Kiểm định để làm gì” liên quan đến định nghĩa khác về chất lượng như là tỷ lệ tốt nghiệp, việc làm và hạn chế công nợ. Trách nhiệm giải trình hiện đang tập trung trên hết vào việc bảo vệ và phục vụ quyền lợi của sinh viên và tính di động. Ở một trường đại học được công nhận, sinh viên phải tốt nghiệp đúng tiến độ, có việc làm và có khả năng trả nợ. Các tổ chức kiểm định có trách nhiệm kịp thời nhận diện và hành động ngăn chặn những trường hoạt động kém. Họ cũng có trách nhiệm xác định, và ngăn chặn những trường đại học tham gia vào các hoạt động tuyển dụng và tiếp thị đáng ngờ.

“Giải trình với ai” thể hiện sự kỳ vọng rằng các tổ chức kiểm định đầu tiên và trên hết sẽ giải trình trước các thành phần bên ngoài giáo dục đại học như sinh viên, chính phủ và công chúng. Khác với trước đây các tổ chức kiểm định chỉ phải giải trình cho các tổ chức và chương trình đào tạo mà họ đánh giá và cộng đồng giáo dục đại học nói chung. Giải trình trước một công chúng rộng rãi chính là thước đo để đánh giá tổ chức kiểm định. Ví dụ, một tổ chức kiểm định tuyên bố đã thực hiện tốt công việc, nhưng các trường đại học do tổ chức đó công nhận lại có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thấp hoặc những khó khăn khác, thì tổ chức kiểm định đó vẫn bị đánh giá là kém. Hiện nay công chúng đã thay thế các trường đại học và các chương trình đào tạo để đánh giá một tổ chức kiểm định là hiệu quả hay không.

Hoạt động kiểm định đã khác trước

Trong lịch sử kiểm định, việc đánh giá chủ yếu dựa vào hai căn cứ: tổ chức giáo dục hoặc chương trình tự lập báo cáo về chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình, kèm theo bản đánh giá chéo hoặc chứng thực báo cáo từ giảng viên. Thay đổi lớn thứ tư là hai nền tảng này đã không còn được coi là đủ thông tin cũng như không đủ vững chắc để đánh giá chất lượng giáo dục. Đặc biệt là với các trường đại học, phương pháp tự báo cáo và đánh giá chéo hiện nay bị coi là thiếu tin cậy. Hình thức đánh giá này vẫn tiếp tục được áp dụng, nhưng ngày càng có nhiều hơn những yêu cầu bổ sung các chứng thực từ bên ngoài để củng cố dữ liệu và thông tin. Thêm nữa, chính phủ và công chúng cũng yêu cầu cung cấp bằng chứng thực hiện ở những cấp cụ thể của các tổ chức và các chương trình, ngoài những xem xét đánh giá thông thường tập trung chủ yếu vào nguồn lực và quá trình.

Kết luận

Tóm lại đây là những thay đổi trong lĩnh vực kiểm định của Mỹ. Kiểm định không còn hoàn toàn chịu trách nhiệm về hoạt động của mình; kiểm định đang sử dụng một định nghĩa về chất lượng không do nó đưa ra và có thể cũng không đồng ý; kiểm định có trách nhiệm giải trình về chất lượng này, trước hết cho công chúng mà không cho chính nó; một số tính năng hoạt động cơ bản đã không còn phù hợp và đang được thay thế. Kiểm định đang phải thay đổi vị trí từ một quá trình đánh giá chất lượng do giáo dục đại học tạo ra và định hướng như một phương tiện kiểm tra chất lượng, thành một quá trình do chính phủ dẫn dắt và điều khiển, có nhiệm vụ kiểm soát chất lượng của giáo dục đại học trong các vấn đề như tỷ lệ tốt nghiệp, việc làm và hạn chế công nợ. Từ cách nhìn của những người chào đón và thậm chí khuyến khích những thay đổi này, hoạt động kiểm định sẽ tốt hơn, tập trung hơn vào những gì sinh viên và công chúng đang cần. Còn đối với những người vẫn đề cao sức mạnh và giá trị của kiểm định như vốn có trước đây thì những thay đổi này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng của kiểm định, như một doanh nghiệp độc lập chuyên đánh giá và cải tiến chất lượng. Tuy nhiên, với những thay đổi này, kiểm định vẫn tiếp tục là hoạt động trọng tâm trong đánh giá chất lượng, chỉ là theo một cách rất khác trước.