Goolam Mohamedbhai
Goolam Mohamedbhai là cựu Tổng thư ký của Hiệp hội các trường Đại học châu Phi. E-mail: g_t_mobhai@yahoo.co.uk
Tại Anh quốc, các trường cao đẳng (polytechnics) xuất hiện từ thế kỷ 19, nhưng chỉ được biết đến rộng rãi trong những năm 1960. Mục tiêu chính của các trường này là cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng kỹ thuật và cơ khí để thúc đẩy công nghiệp hóa. Các trường cao đẳng khác với đại học ở chỗ: yêu cầu trình độ đầu vào thấp hơn; chương trình đào tạo cấp bằng ngắn hạn, ít kiến thức hàn lâm, nhưng thiết thực hơn và định hướng nghề nghiệp; các trường cao đẳng liên kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp; và những nghiên cứu mà họ thực hiện, dù hạn chế về đề tài, lại có tính ứng dụng thực tiễn cao. Sự phân chia giữa các trường cao đẳng và đại học như vậy được gọi là “phân chia nhị phân” trong giáo dục đại học. Sau này, các trường cao đẳng ở Anh quốc cũng bắt đầu cung cấp các chương trình đào tạo đại học, nhưng bằng lại do một tổ chức độc lập khác cấp, vì họ không có quyền cấp bằng đại học.
Năm 1992, Anh quốc quyết định nâng cấp các trường cao đẳng thành đại học. Một lý do cho động thái này là để tạo thêm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho học sinh thuộc các thành phần xã hội thiệt thòi; một lý do khác là Anh quốc đang hướng tới một nền kinh tế định hướng dịch vụ nên cần nhiều sinh viên tốt nghiệp hơn. Như vậy sự phân chia nhị phân trong giáo dục đại học đã không còn, mặc dù nhiều người cho rằng sự phân biệt giữa các trường đại học có trước và sau năm 1992 không bao giờ thực sự biến mất.
Mô phỏng giáo dục đại học nhị phân ở châu Phi
Ở châu Phi, hầu hết các quốc gia từng là thuộc địa cũ của Anh, sau khi giành được độc lập vào những năm 1950 và 1960, đều lựa chọn xây dựng hệ thống giáo dục đại học nhị phân tương tự hệ thống trước đây ở Anh quốc, gồm các trường cao đẳng và đại học.
Tại Nam Phi, nơi có hệ thống giáo dục đại học tiên tiến nhất ở châu Phi nhờ vào nguồn tài trợ hào phóng dưới chế độ phân biệt chủng tộc, các trường cao đẳng ban đầu được biết đến như các trường giáo dục kỹ thuật tiên tiến, cho đến năm 1979 thì đổi tên thành Trường Kỹ thuật (Technikons). Năm 1993, theo gương Anh quốc, Nam Phi quyết định cho phép các Technikons dạy chương trình đại học và được phép cấp bằng, nhưng vẫn giữ định hướng thực tiễn và tạo khác biệt với các trường đại học. Họ trở nên nổi tiếng trong khu vực cũng như toàn cầu, là các tổ chức mẫu mực về chất lượng đào tạo kỹ thuật.
Một thay đổi lớn xảy ra vào năm 2004 khi Nam Phi quyết định chuyển đổi tất cả Technikons thành các trường đại học, đây là quốc gia đầu tiên ở châu Phi làm như vậy. Một số Technikons trở thành các trường đại học công nghệ; số khác được sáp nhập với các trường đại học đang có. Nhiều học giả và các nhà phân tích chính sách giáo dục đại học ở Nam Phi và các nơi khác coi sự chuyển đổi đó là sai lầm, họ tin rằng những Technikons đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghiệp của đất nước.
Các nước châu Phi khác làm theo. Trong năm 2007, Ghana đề xuất một đạo luật để chuyển đổi mười trường cao đẳng thành các trường đại học kỹ thuật vào tháng 9 năm 2016, đạo luật đã được thảo luận sôi nổi trong cả nước, và một số học giả hàng đầu của Ghana bày tỏ mối lo ngại của họ trước đề xuất này. Nhưng đến tháng 8 năm 2016, chính phủ đã đi trước và 6 trong 10 trường cao đẳng đã được chuyển đổi thành trường đại học. Kenya cũng quyết định nâng cấp một số trường cao đẳng và viện kỹ thuật thành đại học. Nigeria – nước có hệ thống giáo dục đại học lớn nhất ở châu Phi – cũng bắt đầu đi theo con đường chuyển đổi này. Thậm chí Hiệp hội Khối thịnh vượng chung các trường cao đẳng châu Phi (CAPA) giờ cũng đổi tên thành Hiệp hội Khối thịnh vượng chung Các trường Đại học Kỹ thuật và Cao đẳng châu Phi. Điều đáng lo ngại là tại hầu hết các nước, không có tổ chức đào tạo mới đã, hoặc đang được thành lập để thay thế cho các trường cao đẳng đã nâng cấp thành đại học, điều này dẫn đến một sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực được đào tạo kỹ năng kỹ thuật.
Tầm quan trọng của cao đẳng kỹ thuật
Có thể đánh giá tầm quan trọng của các trường cao đẳng bằng cách xem xét số liệu nhân lực trong các ngành nghề kỹ thuật. Một thực tế đã được thừa nhận là, để ngành công nghiệp kỹ thuật vận hành hiệu quả, số lượng kỹ thuật viên phải đông hơn nhiều so với các kỹ sư chuyên nghiệp, tỷ lệ lý tưởng kỹ sư và kỹ thuật viên là 1:5.
Không có sẵn dữ liệu chính xác về tỷ lệ này trong các ngành kỹ thuật ở các nước châu Phi, nhưng con số ước tính dường như chỉ ra rằng, trong một loạt các ngành kỹ thuật tỷ lệ kỹ sư – kỹ thuật viên là 1:1 hoặc 1:1,5. Thậm chí có nguy cơ tỷ lệ này sẽ còn tồi tệ hơn khi các quốc gia nâng cấp các trường cao đẳng thành đại học. Điều này cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng kỹ thuật viên và sẽ dẫn đến tình trạng ở nhiều nước, các kỹ sư ra trường thất nghiệp và phải làm công việc của kỹ thuật viên.
Rõ ràng là châu Phi đang cần thêm nhiều kỹ sư chuyên nghiệp xuất sắc, nhưng châu Phi cũng cần, thậm chí cần số lượng lớn hơn nhiều lần, những kỹ thuật viên được đào tạo thực tiễn, linh hoạt, không chỉ để hỗ trợ các kỹ sư chuyên nghiệp, mà còn để làm việc hoặc khởi xướng các ngành công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, tạo ra việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống và khai thác các nguồn lực của địa phương. Tuy nhiên, vị thế của kỹ thuật viên là một hạn chế lớn. Họ thường bị coi là thấp kém hơn các kỹ sư, đó là một lý do góp phần tạo ra xu hướng nâng cấp các trường cao đẳng và các trường cao đẳng kỹ thuật thành đại học.
Một thay đổi lớn xảy ra vào năm 2004 khi Nam Phi quyết định chuyển đổi tất cả Technikons thành các trường đại học, đây là quốc gia đầu tiên ở châu Phi làm như vậy
Chính sách nâng cấp cao đẳng thành đại học
Tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà vùng Hạ Sahara châu Phi đang phải đối mặt là, một mặt, tỷ lệ tuyển sinh đại học ở đây đang thấp nhất (khoảng 9%) so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Do đó, áp lực phải tăng số lượng tuyển sinh là rất lớn, và châu Phi thực hiện điều đó bằng cách tăng số lượng nhập học vào đại học hoặc tạo ra các trường đại học mới, thường là bằng cách nâng cấp các trường cao đẳng đang có. Tuy vậy, mặt khác, hầu như tất cả các nước châu Phi đang đứng trước một thách thức nghiêm trọng là tình trạng thất nghiệp sau đại học, mặc dù vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác về mức độ nghiêm trọng của tình trạng này ở các nước khác nhau. Không có bằng chứng cho thấy sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học có cơ hội việc làm tốt hơn so với những người tốt nghiệp các trường cao đẳng, trái lại, nhu cầu thực tế ở châu Phi hiện nay là cần nguồn nhân lực được đào tạo về kỹ thuật và quản lý cấp trung, là những ngành mà các trường cao đẳng đào tạo tốt hơn. Vì thế người ta có quyền hoài nghi trước các lý lẽ biện minh cho việc chuyển đổi các trường cao đẳng thành đại học.
Một quốc gia châu Phi đang xem xét lại chính sách nâng cấp các trường cao đẳng là Mauritius. Vào đầu thế kỷ 21, Mauritius có hai trường đại học công và hai trường cao đẳng. Năm 2010, để thực hiện chính sách “Mỗi gia đình có một người tốt nghiệp đại học”, hai trường cao đẳng được sáp nhập thành một trường đại học mới. Một trường đại học mở cũng được thành lập và người ta khởi công xây dựng thêm ba học xá đại học công lập cho các vùng miền khác nhau của đất nước. Tuy nhiên, năm 2015, chính phủ mới được bầu thay đổi quyết định này và quyết định rằng ba học xá đại học sẽ được sử dụng để thành lập các trường cao đẳng, thay vì trường đại học. Hai lý do chính đưa đến quyết định này là tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng của sinh viên tốt nghiệp đại học và sự thiếu hụt nghiêm trọng cán bộ quản lý cấp trung và kỹ thuật viên trong nước làm cản trở sự phát triển của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Con đường phía trước
Mặc dù tuyển sinh đại học ở châu Phi cần tăng thêm về số lượng, nhưng điều này không chỉ liên quan đến các trường đại học. Phân cấp trong giáo dục đại học vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của châu Phi. Các trường đại học tiếp tục đóng vai trò quan trọng, nhưng cần phải nhìn nhận tầm quan trọng không kém của các trường cao đẳng trong sự phát triển của châu lục này. Do đó, đã đến lúc các chính phủ châu Phi cần nghiêm túc xem xét lại chính sách nâng cấp các trường cao đẳng thành đại học, hoặc thành lập các trường mới phù hợp để thay thế các trường cao đẳng đã được chuyển đổi, như Mauritius đã làm.
Các nước châu Phi cũng cần thực hiện một đánh giá toàn diện nhu cầu đối với các kỹ thuật viên trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển khác nhau của mình trước khi bắt tay vào rà soát toàn bộ chính sách giáo dục đại học. Hầu như chưa có quốc gia châu Phi nào thực hiện điều này, và đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Dự án Hợp tác phát triển Kỹ năng trong khoa học ứng dụng, Kỹ thuật và Công nghệ (PASET) của Ngân hàng Thế giới với sự hợp tác với Viện Phát triển Hàn Quốc đang hỗ trợ một số nước châu Phi thực hiện đánh giá này.