Sự phát triển đại học Kitô giáo ở châu Phi

Joel Carpenter

Joel Carpenter là giáo sư sử học, giám đốc Học viện Nagel – Nghiên cứu Kitô giáo toàn cầu thuộc Đại học Calvin, Hoa kỳ. Email: jcarpent@calvin.edu.

Giáo dục đại học Kitô giáo khu vực Hạ Sahara châu Phi đang phát triển mạnh mẽ, là hệ quả của sự giao thoa hai xu hướng xã hội năng động nhất hiện nay: sự gia tăng nhanh chóng tín đồ Kitô giáo và nhiều năm phát triển ổn định của giáo dục đại học.

Một thế kỷ trước, chỉ có 9 triệu giáo dân Kitô trên toàn châu Phi, tập trung phần lớn ở những giáo phận cổ xưa thuộc Ai Cập và Ethiopia. Năm 1950, số giáo dân đã tăng gấp 3, lên khoảng 30 triệu, năm 1970 là 114 triệu. Ngày nay, toàn châu Phi ước tính có gần 555 triệu tín đồ Kitô giáo – bao gồm Chính thống giáo, Công giáo La Mã, Tin Lành, Tin Lành ngũ tuần và Tin Lành Phi châu.

Giáo dục đại học ở châu Phi cũng phát triển nhanh chóng. Vào đầu thập niên 1960, toàn châu Phi chỉ có 41 cơ sở đào tạo đại học với 16500 sinh viên. Đến 2010, riêng vùng Hạ Sahara Phi châu đã có 5,2 triệu sinh viên theo học tại 668 cơ sở đào tạo đại học, tăng gấp đôi so với năm 2000.

Đại học ở châu Phi chỉ mới xuất hiện trong khoảng nửa thế kỷ cuối đầy biến động. Thời kỳ hậu thuộc địa mang lại nhiều hy vọng, cùng với sự hỗ trợ của chính phủ và đầu tư lớn từ nước ngoài. Tuy nhiên vào những năm 1980, nguồn tài chính dành cho các trường đại học châu Phi bị cắt giảm mạnh do ngân sách chính phủ tê liệt trong bối cảnh sản xuất hàng hoá suy giảm và giá năng lượng tăng cao. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế yêu cầu các quốc gia con nợ phải ưu tiên phân bổ ngân sách giáo dục cho khu vực tiểu học và trung học. Đồng thời các chính phủ độc tài còn mạnh tay cắt giảm ngân sách các trường đại học hàng đầu do lo ngại những âm mưu lật đổ chính phủ có thể thai nghén ở đây. Vào những năm 1990, ngay cả những trường đại học tốt nhất châu Phi cũng rơi vào khủng hoảng.

Vấn đề càng trở nên tồi tệ khi giáo dục trung học phát triển mạnh khiến cho nhu cầu vào đại học càng gia tăng. Chính phủ các nước đã ép buộc các trường đại học hàng đầu phải tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo của trường. Giải pháp đưa ra là thành lập thêm các trường đại học khu vực và nâng cấp các trường cao đẳng kỹ thuật thành đại học. Như ở Nigeria, đã có 86 trường đại học cấp quốc gia và cấp khu vực được thành lập vào năm 2015. Mặc dù nguồn tài trợ có tăng, ngân sách giáo dục đại học châu Phi vẫn thiếu hụt nhiều so với nhu cầu nhập học quá cao. Hàng ngàn cán bộ, giảng viên bỏ việc để tìm kiếm công việc ở lĩnh vực khác.

Cần làm gì trong tình hình như vậy? Vào năm 2001, Ngân hàng Thế giới tái nhấn mạnh vai trò của giáo dục đại học trong phát triển quốc gia. Sau nhiều năm bỏ rơi, các nước phương Tây đã quay lại hỗ trợ các chương trình đào tạo đại học. Nguồn tiền tư nhân cũng xuất hiện trở lại; chẳng hạn “Đối tác Giáo dục Đại học”, gồm 8 tổ chức của Hoa kỳ và các trường đại học của 9 nước châu Phi, đã đầu tư 440 triệu đô la Mỹ trong các năm 2000-2010. Chính phủ các nước châu Phi cũng đã cho thành lập thêm các trường đại học và trường kỹ thuật tư thục. Như ở Ghana, năm 1999 chỉ có 2 trường đại học tư thục, hiện nay là 28.

Với trào lưu giáo dục đại học Kitô giáo trở thành một lực lượng mạnh, những mục tiêu giáo dục Kitô cũng được mở rộng, gắn với những trách nhiệm xã hội lớn hơn

Sự phát triển các đại học Kitô giáo

Giáo dục đại học Kitô giáo đóng vai trò nổi bật trong sự phát triển đại học tư thục. Trong 61 trường đại học tư được Nigeria cấp phép hoạt động từ năm 1999, có 31 trường Kitô giáo. Kenya có 17 đại học tư đã được cấp phép hoạt động và 13 hiện có giấy phép tạm thời, trong số đó 17 trường là đại học Kitô giáo. Xu thế này diễn ra trên toàn lục địa. Khu vực Hạ Sahara thực sự là một trong những “điểm nóng” gia tăng đại học Kitô giáo trên toàn thế giới.

Từ góc nhìn xã hội và giáo dục, trào lưu thành lập trường đại học Kitô giáo là hệ quả của nhu cầu đại chúng hóa giáo dục đại học cùng với việc các chính phủ mở rộng cấp phép cho các trường đại học tư, hai xu thế này cũng đang diễn ra trên toàn thế giới. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận rằng ở châu Phi yếu tố tôn giáo đóng vai trò quan trọng. Trào lưu này là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm thể chế hoá, và nhờ đó duy trì những lợi ích to lớn của cộng đồng Kitô giáo. Các cộng đồng Kitô giáo thường quan tâm trước hết đến giáo dục cho con cái, nhưng cũng nhanh chóng chuyển sự quan tâm sang việc đào tạo các giáo sỹ. Năm 1950 toàn châu Phi chỉ có khoảng 70-80 chương trình đào tạo hoặc cơ sở đào tạo mục vụ hoặc thần học, nhưng một khảo sát gần đây cho thấy con số này là 1468.

Với trào lưu giáo dục đại học Kitô giáo trở thành một lực lượng mạnh, những mục tiêu giáo dục Kitô cũng được mở rộng, gắn với những trách nhiệm xã hội lớn hơn. Môi trường đại học tỏ ra thích hợp hơn cho các mục tiêu mở rộng so với các buổi thuyết giảng tôn giáo; có hơn 10 trường đại học châu Phi giảng dạy về kinh thánh hoặc lịch sử Kitô giáo. Cộng đồng Kitô giáo thành lập các trường này nhằm giáo dục thế hệ trẻ của họ, nhưng cũng hướng đến mục đích phát triển quốc gia. Phần lớn các trường này đều tiếp nhận cả sinh viên từ các cộng đồng bên ngoài giáo phận.

Những nhiệm vụ đầy thách thức

Các trường Kitô giáo cũng đối mặt với những thách thức giống như những trường đại học khác ở châu Phi. Từ góc nhìn của chính phủ, nhiệm vụ của các trường đại học mới mở là đáp ứng nhu cầu học đại học gia tăng, vì vậy các trường bắt buộc phải tuyển sinh số lượng lớn, và nhanh chóng xây dựng các chương trình đào tạo mới cũng như phát triển cơ sở vật chất phục vụ học tập. Đại học Bowen, một trường Kitô giáo Baptist ở Nam Nigeria, mở đầu với 500 sinh viên vào năm 2002, số sinh viên hiện nay đã là 5000. Đại học Covenant do Đại Giáo đoàn Winner thuộc Hội thánh Tin Lành ngũ tuần Nigeria thành lập năm 2002, hiện nay có 15 ngàn sinh viên theo học. Đại học Kitô giáo Uganda, một trường Anh giáo thành lập vào năm 1997, nay có hơn 10 ngàn sinh viên theo học. Các trường cho rằng số lượng sinh viên tăng lên nhanh chóng như thế vừa là phước lành vừa là thách thức; học phí tăng thêm giúp bổ sung ngân sách nhưng các trường đứng trước áp lực phải phát triển lực lượng giảng dạy và cơ sở vật phù hợp nhu cầu.

Những thách thức khác xuất phát từ nhiệm vụ giáo dục tôn giáo. Các trường này đều công bố mục tiêu và quan điểm giáo dục Kitô đối với các môn học phi tôn giáo, họ cũng xây dựng cấu trúc nhà trường theo các chuẩn mực của đạo Kitô. Nhưng phần lớn các trường này tiếp nhận sinh viên không phân biệt tín ngưỡng. Sinh viên tỏ ra miễn cưỡng phải học các môn học về tín ngưỡng hoặc các môn phi tôn giáo nhưng lại được định hướng theo tôn giáo. Một số sinh viên không thích đi lễ nhà thờ hoặc không tuân thủ các nghi thức tôn giáo. Giảng viên thỉnh giảng, rất phổ biến ở các trường đại học châu Phi, cũng không hài lòng với những yêu cầu giảng dạy khác biệt so với các đại học không phải Kitô giáo. Chính quyền cho phép mở các trường đại học tôn giáo, nhưng cũng băn khoăn về những khác biệt trong tiêu chí tuyển dụng, phát triển chương trình, cũng như chuẩn mực sinh viên trong các trường đại học này.

Những trường đại học Kitô giáo mới thành lập là những tổ chức hết sức năng động, và lãnh đạo các trường đều bày tỏ hy vọng góp phần vào sự thịnh vượng quốc gia. Nhưng thế tục hóa vẫn luôn là một trong những chủ đề chính trong lịch sử giáo dục đại học. Những mục tiêu rộng lớn của nhà nước chắc chắn sẽ va chạm với những đặc thù tôn giáo, ngay cả ở châu Phi là khu vực tôn giáo thuần khiết nhất. Mặc dù vậy, các trường đại học Kitô giáo vẫn tồn tại ở phương Tây và đang gia tăng trở lại trong những khu vực khác. Còn quá sớm để dự đoán quỹ đạo của nhánh châu Phi trong trào lưu đại học Kitô giáo trên toàn thế giới, nhưng người ta không thể bỏ qua sự hiện diện ngày càng tăng cũng như những thách thức mớixuất hiện của các trường Kitô giáo châu Phi.