Philip G. Altbach
Philip G. Altbach là giáo sư nghiên cứu và giám đốc sáng lập của Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế tại Boston College, Hoa kỳ. E-mail: altbach@bc.edu.
Liệu giáo dục đại học ở khu vực Đông Nam Á có điểm chung nào không? Trong thực tế khu vực này có nhiều sự khác biệt hơn là tương đồng. Có thể thấy điều này trong cách phản ứng của các nước trong khu vực trước những thách thức của giáo dục đại học thế kỷ 21, và nghiên cứu này cung cấp một số bài học kinh nghiệm và các mô hình hữu ích.
Các khía cạnh của sự đa dạng
Đông Nam Á là một khu vực đa dạng trong hầu hết mọi phương diện. Tôn giáo truyền thống bao gồm Hồi giáo (Indonesia, Malaysia, Brunei), Cơ đốc giáo (Philippines), Nho giáo (Việt Nam), Phật giáo (Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào) và pha trộn (Singapore) – cùng một số lớn tôn giáo thiểu số khác ở hầu hết các nước. Chủ nghĩa thực dân Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ và Hà Lan đã tác động đến khu vực này. Thái Lan là một trong số ít các nước đang phát triển chưa từng là thuộc địa. Mức độ thịnh vượng cũng có khoảng cách đáng kể; một vài quốc gia có thu nhập cao (Brunei và Singapore), một số nước có thu nhập trung bình (Malaysia, Thái Lan), một số nước gần đạt thu nhập trung bình (Indonesia, Việt Nam, và có lẽ cả Philippines), và một số nước vẫn còn đang phát triển (Myanmar, Campuchia, Lào). Vì vậy, không đáng ngạc nhiên khi sự khác biệt trong thực tế giáo dục đại học ở khu vực này rất lớn – đến mức các nước này có nhiều điểm tương phản hơn là tương đồng. Điều này là dễ hiểu, vì mỗi nước cần tiếp cận phát triển giáo dục đại học theo cách riêng để đáp ứng nhu cầu cụ thể của quốc gia.
Thực tế giáo dục đại học
Tỷ lệ tiếp cận giáo dục đại học khác nhau đáng kể trong khu vực Đông Nam Á – từ khoảng 10% ở Myanmar đến 87% ở Singapore tính cùng độ tuổi. Không quốc gia Đông Nam Á nào, ngoại trừ Singapore, có tỷ lệ tuyển sinh đại học cao bằng mức của các nước tiên tiến. Thái Lan (khoảng 50%), Malaysia (37%), và Indonesia (32%) là những mức cao nhất. Các nước nghèo hơn như Myanmar, Campuchia và Lào đều có tỷ lệ tuyển sinh đại học dưới mức 20%. Các nước trong khu vực, ngoại trừ Singapore vẫn đang phải đối mặt với những áp lực vô cùng lớn của việc đại chúng hóa – cung cấp giáo dục đại học cho lực lượng sinh viên đông đảo.
Không đáng ngạc nhiên khi khu vực này có rất ít trường đại học nghiên cứu được công nhận trên toàn cầu. Ngoại lệ đáng chú ý của khu vực là Singapore có hai trường đại học trong top 100, đều không ở vị trí cao, và chỉ có 15 trường nằm trong tốp 800 trong Bảng xếp hạng đại học thế giới của tạp chí Times Higher Education. Ngoài Singapore, các nước Malaysia, Indonesia và Thái Lan cũng có đại diện trong bảng xếp hạng này. Mặc dù những bảng xếp hạng không phải là thước đo hoàn hảo, chúngvẫn cho thấy được vị trí của các trường đại học nghiên cứu trên toàn cầu. Có ít trường đại học nghiên cứu là một một bất lợi lớn nếu các quốc gia trong khu vực này muốn có mặt ở những vị trí dẫn đầu khoa học toàn cầu, thu hút sinh viên và học giả từ nước ngoài, và nói chung có vị thế quan trọng trong nền kinh tế tri thức toàn cầu.
Một lần nữa, ngoại trừ Singapore và ở mức độ nào đó cả Malaysia, mức đầu tư cho giáo dục đại học ở khu vực Đông Nam Á chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong chi phí chung của chính phủ – thấp hơn mức hỗ trợ ở các nước tiên tiến. Chỉ Singapore và Malaysia có mức đầu tư ngân sách nhà nước vào giáo dục đại học khá cao -các nước khác, như Indonesia và Việt Nam đầu tư cho giáo dục đại học chưa đến 1% GDP. Mức đầu tư thấp gây những ảnh hưởng nghiêm trọng. Như đã nhắc đến ở trên, có rất ít các trường đại học nghiên cứu trong khu vực Đông Nam Á. Nó cũng có nghĩa là khả năng đáp ứng nhu cầu đại chúng hóa giáo dục đại học của chính phủ bị giới hạn, và nghĩa là khu vực tư nhân đang tiếp nhận và đáp ứng phần lớn nhu cầu này.
Tỷ lệ tiếp cận giáo dục đại học khác nhau đáng kể trong khu vực Đông Nam Á – từ khoảng 10%ở Myanmar đến 87% ở Singapore tính cùng độ tuổi
Khu vực tư nhân nổi lên như một phần quan trọng trong cấu trúc đại học ở nhiều nước Đông Nam Á. Singapore, Lào, Việt Nam, Myanmar, Brunei và Malaysia là những trường hợp ngoại lệ nhất định trong thực trạng chung này, mặc dù các quốc gia này đều có các tổ chức giáo dục tư nhân tích cực và đang phát triển. Tại Thái Lan, Indonesia, Campuchia, sinh viên của các trường tư thục chiếm hơn một nửa tổng số sinh viên đại học. Tại Philippines, hơn 80% sinh viên học trong các trường đại học tư nhân. Ngay cả Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đặt kế hoạch đến năm 2020 khu vực giáo dục đại học tư sẽ có 40% tổng số sinh viên, mặc dù rất khó để biết họ có thể đạt được điều đó bằng cách nào nếu không phải là hạ thấp chất lượng. Nói chung, các tổ chức tư nhân “đáp ứng nhu cầu” khi các nước chuyển dịch sang giáo dục đại học đại chúng – tiếp nhận các sinh viên có trình độ kiến thức thấp hơn và thường xuất thân từ các gia đình có nền tảng kinh tế xã hội thấp hơn. Phần lớn các trường tư hoạt động vì lợi nhuận, và rất ít trường có chất lượng đào tạo tốt. Thái Lan, Philippines và Indonesia có một vài trường đại học tư có uy tín, thường là có liên hệ với các tổ chức Cơ đốc giáo. Nhìn chung có rất ít thông tin về khu vực giáo dục đại học tư nhân lớn và khá quan trọng này của khu vực Đông Nam Á.
Chỉ vài quốc gia Đông Nam Á có hệ thống học thuật nhất quán và được thiết kế tốt có thể cung cấp nhiều cơ hội học tập. Rất ít quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hay nơi khác tìm được cách tích hợp khu vực giáo dục đại học tư nhân để đóng góp tương xứng vào lợi ích cộng đồng. Hơn nữa, ngay cả trong giáo dục đại học công lập, rất ít hệ thống có thể đảm bảo sự phối hợp đồng bộ của các lĩnh vực khác nhau cho phép các trường đại học nghiên cứu, các tổ chức chuyên đào tạo, các trường dạy nghề và những tổ chức khác cùng làm việc và được đầu tư một cách hợp lý. Singapore, một lần nữa, là một ngoại lệ trong xu hướng này. Mới đây nước này đã bổ nhiệm một bộ trưởng nội các chuyên trách về các vấn đề giáo dục đại học và kỹ năng.
Các vấn đề và tranh luận
Có hay không một “mô hình Đông Nam Á” cho phát triển giáo dục đại học? Với sự đa dạng được mô tả ở trên, câu trả lời là không. Nhưng các vấn đề chung liên quan đến bối cảnh khu vực, và các khía cạnh hợp tác hữu ích có thể được thảo luận, xem xét trong một loạt mạng lưới giáo dục đại học, bao gồm Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO); Hiệp hội các Tổ chức đại học Đông Nam Á (ASAIHL), gồm các tổ chức từ khắp châu Á; và Hiệp hội các quốc gia ASEAN+3. Tuy nhiên, rất ít sáng kiến bền vững ở cấp khu vực được đưa ra; mong muốn nắm quyền kiểm soát giáo dục đại học bên trong mỗi quốc gia có xu hướng lấn át những kỳ vọng khu vực.
Trừ vài ngoại lệ, và bất chấp sự tồn tại của ASEAN và một số tổ chức khu vực khác, đáng ngạc nhiên là có rất ít thông tin hoặc phân tích chính xác liên quan đến giáo dục đại học trong khu vực. Số liệu chính xác và được cập nhật cùng với phân tích kỹ các vấn đề chính là điều kiện tiên quyết để hoạch định chính sách hiệu quả. Không có thông tin tốt về từng quốc gia và khu vực, thì không thể thực hiện việc so sánh hoặc đánh giá. Không một quốc gia Đông Nam Á nào có trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học tầm cỡ quốc tế, và có rất ít chuyên gia về giáo dục đại học, dù làm việc cho chính phủ hay cho các trường đại học. Một ngoại lệ là Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học Quốc gia Malaysia (Malaysia’s IPPTN). Xây dựng một cộng đồng nghiên cứu và hoạch định chính sách trong giáo dục đại học là một nhu cầu cấp thiết.
Ngôn ngữ của giáo dục đại học tiếp tục là một vấn đề đối với khu vực Đông Nam Á cũng như phần lớn các nơi trên thế giới. Vai trò của tiếng Anh như ngôn ngữ chính của khoa học và nghiên cứu trên thế giới, thực sự là tiến thoái lưỡng nan. Nói chung, các quốc gia Đông Nam Á sử dụng ngôn ngữ bản địa của mình trong giáo dục đại học. Hai ngoại lệ chính là Singapore và Philippines, hai quốc gia này sử dụng tiếng Anh. Myanmar cũng sử dụng tiếng Anh – mặc dù ở đây đang có sự tranh cãi ngôn ngữ nào là thích hợp. Là một quốc gia đa sắc tộc, Singapore nhận thấy tiếng Anh là lựa chọn hợp lý ngay từ khi giành độc lập vào năm 1965, quyết định lựa chọn này giúp họ xây dựng được hệ thống giáo dục đại học thành công nhất trong khu vực Đông Nam Á, và là nước duy nhất có vị thế quốc tế cao. Malaysia đã chọn bỏ tiếng Anh để chuyển sang sử dụng ngôn ngữ bahasa Malaysia, một quyết định đã cản trở nước này trở thành nổi bật ở tầm quốc tế và làm nảy sinh thêm các vấn đề khác. Trong những năm 2000, Malaysia quay lại với tiếng Anh trong một chừng mực nào đó, nhưng giờ đây dường như họ lại chuyển đổi một lần nữa, mặc dù các tổ chức giáo dục trong khu vực tư nhân vẫn tiếp tục giảng dạy bằng tiếng Anh. Sau khi độc lập, Indonesia bỏ tiếng Hà Lan để sử dụng tiếng bahasa Indonesia, mặc dù hiện nay nước này vẫn có sử dụng tiếng Anh.
Các vấn đề của ngôn ngữ được trao đổi ở đây không chỉ vì tầm quan trọng của chính ngôn ngữ, mà còn vì ngôn ngữ là biểu tượng của sự phức tạp trong chính sách của khu vực. Ngôn ngữ, ở một số nước, là một vấn đề chính trị gây tranh cãi. Một mặt, các ngôn ngữ địa phương là kho lưu trữ văn hóa và lịch sử địa phương. Mặt khác, tiếng Anh giúp định hình quá trình quốc tế hóa và khu vực hóa, hình thành cơ hội thu hút tài năng và tuyển sinh quốc tế, tạo lập các mối liên kết với khoa học toàn cầu, triển vọng tiếp cận quốc tế cho sinh viên địa phương và những vấn đề khác.
Dường như rất ít quốc gia Đông Nam Á đặt ra mục tiêu lọt vào tốp đầu của bảng xếp hạng giáo dục đại học trong tương lai gần. Hầu hết các nước tiếp tục quan tâm tới việc giải quyết các nhu cầu liên tục tăng của đại chúng hóa, và do đó ít quan tâm tới nền kinh tế tri thức toàn cầu – trừ trường hợp ngoại lệ là Singapore và trong một chừng mực nào đó là Malaysia. Không quốc gia Đông Nam Á nào tài trợ cho “sáng kiến xuất sắc”, như đã diễn ra ở Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và những nước khác – một cách để nhanh chóng xây dựng các trường đại học nghiên cứu hàng đầu – mặc dù hầu hết các nước trong khu vực đều cung cấp nguồn lực bổ sung, dù khiêm tốn, cho các trường đại học hàng đầu của họ. Malaysia, và đặc biệt là Singapore đầu tư nguồn lực đáng kể vào các trường đại học nghiên cứu.
Đông Nam Á rõ ràng cũng bị các xu hướng quốc tế tác động đến. Tuy nhiên, chỉ vài quốc gia có tầm nhìn quốc tế hoặc chính sách quốc tế hóa. Ví dụ, Malaysia cho phép một số trường đại học Úc thành lập phân hiệu tại đây, và thành lập một trường đại học địa phương – đại học Hồi giáo quốc tế Malaysia để tiếp nhận sinh viên nước ngoài. Và Singapore thông qua sáng kiến Trường học Toàn cầu, tích cực triển khai chính sách quốc tế hóa bao gồm thu hút sinh viên quốc tế cũng như các tổ chức học thuật nước ngoài. Nhưng nói chung khu vực này thiếu một tầm nhìn quốc tế.
Kết luận
Có rất ít điểm gắn kết các quốc gia đa dạng của Đông Nam Á, nhưng các vấn đề thực tế trong giáo dục đại học họ phải đối mặt lại rất giống nhau. Thay cho việc xem xét khu vực như một tổng thể, có lẽ cách tốt hơn là xem xét các nước theo những nhóm có những thách thức tương tự. Bước đầu tiên là phát triển dữ liệu và phân tích hiệu quả, sau đó xem xét kỹ lưỡng các chiến lược phát triển phù hợp. Trong khi các vấn đề mang tính quốc gia, giải pháp vẫn có thể mang tính khu vực, và các câu trả lời có thể được đề xuất từ kinh nghiệm của các nước và các tổ chức trong khu vực.