Paul Ashwin
Paul Ashwin là giáo sư về Giáo dục đại học, Department of Educational Research, Lancaster University, và là nghiên cứu viên của Centre for Global Higher Education do ESRC-HECFE tài trợ. E-mail: p.ashwin@lancaster.ac.uk. Để tìm hiểu thêm các thông tin về Khung Đào tạo Xuất sắc (Teaching Excellence Framework – TEF) xem tại http://www.hefce.ac.uk/lt/tef/ và https://www.gov.uk/government/collections/teaching-excellence-framework
Tại Anh, chính phủ đã đưa ra Khung mới về Đào tạo Xuất sắc cho giáo dục đại học (Teaching Excellence Framework – TEF). Từ khi học phí cho sinh viên Anh và EU tăng tối đa lên 9 ngàn bảng Anh từ mùa thu năm 2012, đa số các tổ chức cung ứng dịch vụ giáo dục đại học ở Anh đều đặt mức học phí ở con số trần này. Có cảm tưởng chính phủ cảm nhận được vấn đề khi áp dụng học phí một giá và tạo ra các khác biệt về chất lượng. Một trong các ý tưởng chủ đạo ở phía sau TEF là để tăng học phí thì ngoài việc bù cho lạm phát, các trường đại học cần chứng tỏ là sẽ cung cấp cho sinh viên một chương trình đào tạo chất lượng cao hơn. Điều đó có nghĩa là học phí mà sinh viên phải trả sẽ có tác động nâng cao chất lượng đào tạo. Hơn thế nữa, hy vọng rằng TEF sẽ cung cấp thông tin cho phép sinh viên có cơ sở lựa chọn học gì và học ở đâu, sẽ cung cấp bức tranh đầy đủ về quá trình đào tạo, đảm bảo sự nhận biết và chứng nhận tốt hơn, và như vậy để các trường đại học đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nhà tuyển dụng và ngành nghề xã hội.
TEF hoạt động thế nào?
TEF sẽ triển khai trong một số năm. Ở năm đầu tiên, bất kỳ trường đại học nào được Tổ chức Kiểm định Chất lượng xác nhận là có kết quả tốt – sẽ được phép tăng học phí từ 9/2017. Từ năm thứ hai, các trường cần phải tham gia TEF bằng cách đo một loạt chỉ tiêu như đánh giá của sinh viên về đào tạo; đánh giá và hỗ trợ học thuật từ NSS (National Student Survey – tổ chức quốc gia thăm dò ý kiến sinh viên); tỷ lệ sinh viên bỏ học; tỷ lệ có việc làm – bao gồm cả các công việc đòi hỏi kỹ năng cao; và việc học tập tiếp theo căn cứ trên kết quả khảo sát của DHLE (Destinations of Leavers from Higher Education – tổ chức khảo sát nơi đến của sinh viên khi rời trường đại học). NSS đưa ra ý kiến đánh giá khá sâu sắc của sinh viên về đào tạo, nhưng lại không có chỉ tiêu nào cho chúng ta biết một cách trực tiếp về chất lượng giảng dạy. Thay vào đó, các độ đo này tập trung vào kiểm tra các kết quả dự kiến có được của việc giảng dạy. Hiệu quả hoạt động của các trường sẽ được đối chiếu với các đặc tính nhân khẩu học (demographics) của sinh viên, và dựa trên đó hiệu quả của nhà trường sẽ được ghi nhận khi số liệu thống kê cho thấy nó tốt hơn hoặc kém hơn so với chỉ tiêu chuẩn.
Các chuyên gia khảo sát sẽ đánh giá khởi điểm hiệu quả của trường dựa trên giá trị của các tham số then chốt, sau đó sẽ kiểm tra các thông tin tình huống và xem xét báo cáo 15 trang tự đánh giá giới thiệu sơ lược về những mặt tốt trong đào tạo của trường. Dựa vào đấy, chuyên gia đánh giá sẽ cấp chứng nhận các mức TEF Vàng, Bạc hoặc Đồng cho nhà trường. Chứng nhận này sẽ cung cấp cho sinh viên mức độ chất lượng của các chương trình đào tạo do trường cung cấp ở dạng tổng thể – chứ chưa phải chất lượng cụ thể từng chương trình. Ở năm thứ hai, các trường với các chứng nhận này có thể tăng tiếp học phí với cùng mức tăng vào tháng 9 năm 2018. Ở năm ba, các chứng nhận khác nhau sẽ ảnh hưởng đến việc các trường được tăng học phí bao nhiêu vào tháng 9 năm 2019, và sẽ triển khai thử TEF đến một số môn học cụ thể. Đến năm thứ tư, TEF ở cấp độ môn học sẽ được triển khai rộng và sẽ áp dụng cho các chương trình đào tạo sau đại học.
TEF có đáp ứng mục tiêu đặt ra không?
Với những cách thức nhất dịnh, TEF cung cấp cho sinh viên thông tin tốt hơn về chất lượng chương trình đại học so với thông tin có được từ các bảng xếp hạng đại học quốc gia. Các thông tin từ các bảng xếp hạng này không đánh giá trực tiếp về chất lượng giảng dạy, dẫn đến tính hợp lý của các độ đo được thực hiện trong năm thứ hai. Khó mà hình dung được một chương trình là xuất sắc khi sinh viên nghĩ rằng việc đào tạo, hỗ trợ và đánh giá là không tốt; khi một số lớn sinh viên bỏ học không tốt nghiệp được; và khó khăn khi tìm việc làm hoặc học cao hơn khi tốt nghiệp. Các cam kết lưu tâm đến sự khác biệt của sinh viên khi vào trường cũng như các khác biệt thống kê quan trọng khác là thước đo sự cải tiến trong bảng xếp hạng các trường đại học. Các bảng xếp hạng này có xu hướng tạo lợi thế cho các trường có nhiều sinh viên tầm trung, và bởi vì đây đơn giản chỉ là một sắp xếp thứ tự, sự khác biệt của nhiều nơi thường không chứng tỏ là khác biệt về chất lượng dịch vụ được cung cấp. Tuy nhiên, có những vấn đề nảy sinh. Đầu tiên, rõ ràng là chất lượng tùy thuộc vào từng ngành đào tạo cụ thể chứ không phải ở cấp trường (cùng một trường có thể có các chương trình rất tốt và chương trình rất dở), nhưng sinh viên sẽ không nhận được bất kỳ thông tin về điều này cho đến tận năm thứ tư. Ngay cả khi có làm thì đánh giá ban đầu từ các dữ liệu hiện có cho thấy chúng không đủ mạnh để cung cấp thông tin có ý nghĩa ở cấp độ này.
Một trong các ý tưởng chủ đạo ở phía sau TEF là để tăng học phí thì ngoài việc bù cho lạm phát, các trường đại học cần chứng tỏ là sẽ cung cấp cho sinh viên một chương trình đào tạo chất lượng cao hơn
Điều gì sẽ xảy ra trong tương lai?
Trong tương lai, TEF có vẻ sẽ được quan tâm nhiều hơn. Rõ ràng là chính phủ muốn tăng số lượng các độ đo được sử dụng và họ đã cho biết là muốn phát triển độ đo liên quan đến thời gian tiếp xúc của sinh viên với giảng viên. Vấn đề ở đây là không có bằng chứng cho thấy đây là một là thước đo có giá trị về chất lượng giảng dạy, trong khi chúng ta đã biết những điều rất quan trọng trong việc tạo nên chất lượng giảng dạy – chẳng hạn như trình độ chuyên môn của giảng viên – lại chưa được xem như một độ đo tiềm năng của TEF. Nếu TEF chọn cách dựa trên các thước đo không liên quan đến chất lượng giảng dạy, thì nguy hiểm là nó sẽ mang tính chất một trò chơi thể chế nhiều hơn là một phương thức giảng dạy xuất sắc. Nhấn mạnh vào thời gian tiếp xúc giữa sinh viên và giảng viên cũng tạo vấn đề là các trường có thể sẽ xác định lại cách họ đo thời gian tiếp xúc để cải thiện điểm số. Điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng rõ rệt thời gian tiếp xúc mà không mang lại thay đổi gì về trải nghiệm thực tế của sinh viên. Đây là phép thử quan trọng mà bất kỳ độ đo nào cũng phải vượt qua: cải thiện điểm theo các độ đo chỉ có thể thông qua những cải tiến về chất lượng giảng dạy nâng cao trải nghiệm sinh viên.
Vấn đề là trong hơn bốn mươi năm qua, quá ít nghiên cứu được thực hiện liên quan đến những gì sẽ dẫn đến chất lượng giảng dạy trong giáo dục đại học. Điều này một lần nữa được phản ánh trong các tiêu chí nền tảng đánh giá về tính chất xuất sắc trong TEF. Ví dụ như các tiêu chí đánh giá đang được sử dụng để xem xét chất lượng giảng dạy (có những tiêu chí khác đánh giá về môi trường học tập và kết quả sinh viên) là một sự trộn lẫn lạ kỳ của các yếu tố về việc khuyến khích sự tham gia của sinh viên, cho điểm việc giảng dạy, đảm bảo khóa học được tổ chức chặt chẽ và phản hồi tích cực về kết quả làm bài của sinh viên. Trong khi có thể dễ dàng hình dung sơ bộ là sinh viên cần gì, thì lại rất khó để hiểu được cơ sở của việc cái gì được đưa vào và cái gì (chẳng hạn như chuyên môn giảng dạy) sẽ bị loại trừ. Nhìn chung, không phải mọi thứ đều rõ ràng trong việc tạo một tổng thể chặt chẽ cung cấp cho chúng ta điều gì đó quan trọng về sự xuất sắc trong giảng dạy hoặc góc nhìn từ việc giảng dạy làm nền tảng cho sự xuất sắc.
Kết luận
Khung Giảng dạy Xuất sắc TEF có vẻ có khả năng cung cấp thông tin có giá trị cho sinh viên tiềm năng về chất lượng của các khóa đào tạo tại các trường đại học. Với sinh viên chấp nhận học trả học phí cao, thông tin này là rất quan trọng. Tuy nhiên, khả năng này là khó có thể hiện thực hóa trừ khi tiến hành nghiên cứu nghiêm túc về chất lượng giảng dạy trong giáo dục đại học, và những gì liên quan đến cách thức mà các trường đại học đáp ứng với việc triển khai các biện pháp thực hiện.