Khoa học xã hội và nhân văn trong thời đại STEM: cuộc đấu tranh của Nhật, một dân tộc thiểu số ngôn ngữ

Akiyoshi Yonezawa

Akiyoshi Yonezawa là giáo sư và là giám đốc Văn phòng nghiên cứu đại học ở Đại học Tohoku, Nhật bản. E-mail: akiyoshi.yonezawa.a4@tohoku.ac.jp.

Tranh cãi về khoa học xã hội và nhân văn ở Nhật

Trong năm 2015, giữa chính phủ và các trường đại học Nhật đã nổ ra những tranh cãi gay gắt về sự phù hợp của các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Các trường đại học quốc gia, trong đó có các trường công được chính phủ trực tiếp tài trợ, nhận được một thông báo từ bộ chủ quản yêu cầu họ tái cơ cấu các chương trình đào tạo về sư phạm và khoa học xã hội nhân văn để phù hợp với nhu cầu hiện nay của người học và xã hội. Lý do cụ thể đằng sau thông báo này không được nêu rõ, ít nhất là trong lần công bố đầu tiên. Tuy nhiên chính sách này được đưa ra sau rất nhiều các cuộc thảo luận chính thức và không chính thức xem xét nhiệm vụ của giáo dục đại học ở cấp quốc gia gần đây, do chính phủ khởi xướng nhằm xác định các chức năng khác nhau của các trường đại học quốc gia. Các tiêu chí về tự do học thuật và tự chủ đại học hiện có tại Nhật tạo ra một sự đồng thuận mạnh mẽ trong xã hội rằng các trường đại học cần được quyền tự chủ, còn chính phủ có thể đưa ra các khuyến nghị chung liên quan đến kế hoạch và các hướng dẫn.

Xã hội Nhật có xu hướng mạnh mẽ coi các phương diện quốc tế của giáo dục đại học là sự cạnh tranh, hơn là sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau

Không có gì lạ khi lãnh đạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn phản đối yêu cầu này một cách mạnh mẽ. Một số lập luận rằng điều này báo hiệu sự tự vẫn của nền văn minh Nhật bản, trong khi những người khác chỉ trích thông báo của chính phủ như một sư can thiệp vô lý vào quyền tự chủ đại học. Chính phủ lập luận rằng những lời chỉ trích xuất phát từ sự hiểu lầm ý định của chính phủ. Nói một cách công bằng, nhiều trường đại quốc gia đã thừa nhận sự cần thiết phải tổ chức lại các chương trình khoa học xã hội và nhân văn, ngay cả trước khi thông báo chính thức được ban hành. Nhiều trường đại học quốc gia công bố kế hoạch giảm số lượng sinh viên và bố trí lại lực lượng giảng dạy trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn bằng cách tái tổ chức các khoa và các phòng ban. Ngược lại, một số lãnh đạo các trường đại học, chẳng hạn như chủ tịch của Đại học Kyoto, nhấn mạnh tầm quan trọng của các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Ưu tiên khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) để cạnh tranh toàn cầu

Cuối cùng điều gì khiến cho các trường đại học quốc gia phải tái tổ chức? Rõ ràng là không ai, kể cả chính phủ, phản đối các ngành khoa học xã hội và nhân văn, những ngành khoa học tạo nên bản sắc trí tuệ và văn hóa quốc gia. Những đề xuất cải cách này hoàn toàn không xuất phát từ quan điểm coi các ngành khoa học xã hội và nhân văn là “vô ích” hoặc “kém hiệu quả”.

Chính phủ Nhật vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức tài chính. Những khoản nợ quốc gia quá lớn, dân số già hóa đang tạo thành áp lực lâu dài đối với nền kinh tế quốc gia. Bộ Tài chính và các ủy ban chiến lược cấp quốc gia liên tục đưa ra những đề xuất cắt giảm ngân sách dành cho trường học và giáo dục đại học – khu vực phục vụ lực lượng dân số trẻ – để chuyển sang khu vực dịch vụ công cộng cho dân số già ngày càng tăng.

Nhật đang đánh mất vị trí dẫn đầu về hoạt động nghiên cứu trong các lĩnh vực STEM, do năng lực nghiên cứu của các nước láng giềng châu Á đang tăng lên nhanh chóng. Chính phủ Nhật đang tập trung đầu tư vào một số ít các trường đại học nghiên cứu để duy trì thứ hạng quốc tế của họ, mà chủ yếu dựa vào hoạt động nghiên cứu trong các lĩnh vực STEM. Thực tế, các trường đại học quốc gia Nhật đều thừa nhận sự suy thoái trong các hoạt động nghiên cứu STEM của mình, không còn đủ các tài năng cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh nghiên cứu của Nhật bản giữa các trường đại học hàng đầu.

Nhật bản có khu vực giáo dục đại học tư nhân lớn, và đa số sinh viên học các ngành khoa học xã hội và nhân văn là tại các trường đại học tư nhân, các trường tư lại có nguổn thu chủ yếu từ học phí. Chính phủ Nhật chỉ dành một phần nhỏ đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo sau đại học để bồi dưỡng thế hệ giảng viên tiếp theo, nhưng không coi là cần thiết dành đầu tư công cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Xã hội Nhật đang nghi ngờ mạnh mẽ giá trị của giáo dục đại học trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Hầu hết đó là các chỉ trích hời hợt. Ngoài ra còn có sự nhầm lẫn phổ biến và sâu sắc về bản chất của giáo dục khai phóng và giáo dục nói chung, và về sự liên quan giữa giáo dục với các ngành khoa học xã hội và nhân văn như các môn học chuyên ngành. Tuy nhiên, có một xu hướng chung không thể phủ nhận, ngay cả các giáo sư đại học cũng coi các ngành khoa học xã hội và nhân văn là các yếu tố phụ trong sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Bước ngoặt quan trọng trong thời đại của STEM

Các lĩnh vực STEM được xã hội Nhật bản ưu tiên hơn so với các ngành khoa học xã hội và nhân văn không phải là điều mới. Đầu tư dành cho nghiên cứu và giáo dục trong hệ thống giáo dục đại học công luôn tập trung vào các lĩnh vực STEM, ngay cả trong các trường đại học tổng hợp tốp đầu. Đặc biệt, trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ II, chính phủ – và thực tế là toàn bộ xã hội Nhật bản – đã tập trung nguồn lực vào giáo dục khoa học công nghệ và nghiên cứu, và rút bớt nguồn lực, bao gồm cả tài năng (sinh viên và học giả) khỏi các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Điểm khác biệt hiện nay so với 70-80 năm trước, là trong giáo dục đại học, tiếng Anh đang thống trị như một ngôn ngữ cầu nối, bao gồm cả những nước Đông Á lân cận;vì vậy các học giả được đào tạo ở các nước nói tiếng Anh đang đóng vai trò hàng đầu, kể cả trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Nhật vẫn duy trì được một danh tiếng quốc tế tốt, dựa trên sự tích lũy lâu dài của các ấn phẩm chất lượng cao thông qua truyền thống tự do học thuật và độc lập phát triển tư tưởng và tri thức. Những ấn phẩm này cũng được nhiều tầng lớp xã hội truy cập, vì được viết bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên, nhiều người, bao gồm các tác giả của báo cáo về chính sách khoa học trong chính phủ cũng như các cộng đồng giáo dục, đều thừa nhận rằng các ngành khoa học xã hội và nhân văn tại Nhật chủ yếu hấp thụ sản phẩm trí tuệ của nước ngoài thông qua dịch thuật. Đồng thời, những tài liệu học tập viết bằng tiếng Nhật của đại đa số cán bộ giảng dạy trong các trường đại học tại Nhật trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có rất ít tác động trong các đối thoại tri thức quốc tế. Số lượng ấn phẩm hạn chế bằng tiếng Anh trong các lĩnh vực này đang là trở ngại nghiêm trọng cho sự phát triển xa hơn của các ngành khoa học xã hội và nhân văn tại Nhật.

Sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng các ấn phẩm học thuật bằng các ngôn ngữ quốc gia ở các nước Đông Á (đặc biệt là ở Trung Quốc) cho thấy tiếng Anh khó có khả năng, và cũng không được chào đón, để trở thành ngôn ngữ học thuật độc chiếm các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, những lĩnh vực bắt rễ sâu trong các hoạt động và các giá trị đa ngôn ngữ và đa văn hóa. Xã hội Nhật bản có xu hướng mạnh mẽ coi các phương diện quốc tế của giáo dục đại học là sự cạnh tranh, hơn là sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. Điều này tất nhiên liên quan đến mức độ gắn kết sâu sắc và lâu dài giữa các trường đại học quốc gia với các chương trình nghị sự của chính phủ về sự phát triển đất nước, mà không phải lúc nào cũng phù hợp với khái niệm của thế kỷ 21 về một trường đại học nghiên cứu có liên kết toàn cầu và không chịu sự kiểm soát của quốc gia. Hơn nữa, việc giảm bớt một phần nguồn lực dành cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn để chuyển sang các lĩnh vực STEM sẽ không dẫn đến bất kỳ sự cải thiện nào trong các hoạt động nghiên cứu của các trường đại học Nhật, nếu không đồng thời có sự gia tăng nguồn đầu tư công và xã hội.