Takao Kamibeppu và Roger Y. Chao, Jr.
Takao Kamibeppu là giáo sư về phát triển giáo dục quốc tế tại Đại học Fukuyama City, Hiroshima, Nhật Bản. E-mail: t-kamibeppu@fcu.ac.jp. Roger Y. Chao Jr. là chuyên gia tư vấn giáo dục đại học độc lập, và là cựu cố vấn giáo dục đại học cho UNESCO tại Myanmar. E-mail: rylimchao@yahoo.com.
Với quá trình chuyển dịch kinh tế và dân chủ nhanh chóng của Myanmar, lĩnh vực giáo dục đại học của nước này cần được tái cơ cấu. Cuộc bầu cử tháng 11 năm 2015 đã đặt nhiệm vụ này cho chính phủ của Đảng Liên hiệp Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Cần những nỗ lực để ban hành luật về giáo dục đại học và giáo dục tư nhân, kết hợp giáo dục công dân, và tăng cường tương tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Phát triển Luật Giáo dục
Sau 50 năm bị cô lập, lãng quên và thiếu sự đầu tư cơ sở hạ tầng (ví dụ các tòa nhà, thư viện, và phòng thí nghiệm), chương trình giảng dạy, nghiên cứu và năng lực giảng dạy của giáo dục đại học Myanmar đòi hỏi đổi mới đáng kể về đầu tư và xây dựng năng lực. Trong số 170 trường đại học công thuộc 13 bộ khác nhau, gần một nửa nằm ở Yangon (33) và Mandalay (36), và chỉ có 10 trường đại học có thể cấp bằng tiến sĩ. Hơn nữa, một số lượng lớn các trường này thực ra chỉ đào tạo nghề hoặc giáo dục từ xa, điều này đặt ra câu hỏi về chất lượng.
Để giải quyết một số vấn đề này, Luật Giáo dục quốc gia của Myanmar được ban hành vào tháng 10 năm 2014. Luật này đã được sửa đổi trong tháng 6 năm 2015 để đưa vào thêm các yêu cầu của những người phản đối (ví dụ như sinh viên và các tổ chức xã hội dân sự), làm chậm tiến độ soạn thảo luật phân ngành cho giáo dục đại học và giáo dục tư thục. Các vấn đề giáo dục đại học chính được đề cập trong luật bao gồm các mức độ tự chủ đại học, quyền được tổ chức công đoàn và quyền xây dựng chương trình đào tạo riêng của trường đại học. Do tính chất thay đổi của các bên liên quan đến giáo dục đại học và nhu cầu phát triển của đất nước, việc ban hành và sửa đổi Luật Giáo dục đã trở thành một quá trình phát triển liên tục mang các đặc trưng là tính toàn diện, cởi mở và minh bạch ở mức độ nhất định, thể hiện các đặc điểm chính của một chính quyền dân chủ.
Sự minh bạch và quản trị tốt nhờ có các khung pháp lý và thực hiện chúng giúp nâng cao uy tín giáo dục đại học của đất nước, đặc biệt là khi giáo dục đại học đặt ra những mục tiêu rõ ràng, bao gồm tạo thêm cơ hội tiếp cận, tính công bằng, chất lượng và tính phù hợp. Tuy nhiên, ngoài những khía cạnh kinh tế, Myanmar cần cân nhắc các yêu cầu xây dựng nhà nước và sự đóng góp của giáo dục đại học thông qua giáo dục công dân, để bảo đảm sự phát triển bền vững và quá trình chuyển dịch sang dân chủ.
Những sáng kiến nào do trường đại học dẫn đầu?
Chưa có Luật Giáo dục đại học nên quyền tự chủ chưa được đảm bảo, nhưng các trường đại học sẽ được tự chủ về thể chế trong một mức độ nhất định, nhất là khi họ đã được giao nhiệm vụ soạn thảo điều lệ. Các trường đại học đang chịu áp lực phải đáp ứng các nhu cầu của một nền kinh tế phát triển nhanh được định hướng bởi phát triển kinh tế địa phương và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trong các lĩnh vực khác nhau của đất nước, trong đó có giáo dục đại học.
Giáo dục đại học của Myanmar hiện nay có trách nhiệm đào tạo đủ số sinh viên tốt nghiệp với các kỹ năng, kiến thức và thái độ cần thiết đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế ngày càng kết nối rộng hơn với thị trường toàn cầu. Các trường đại học cần phải cơ cấu lại tổ chức và chương trình giảng dạy của họ, để đáp ứng một cách hiệu quả các yêu cầu của môi trường kinh tế và xã hội thay đổi nhanh chóng của Myanmar. Trong khuôn khổ đề xuất tự chủ về thể chế, các trường đại học cần nguồn nhân lực và tài chính cùng với nhiều cơ sở hạ tầng cần thiết, để cung cấp hiệu quả nguồn nhân lực có kỹ năng và có sức cạnh tranh toàn cầu theo yêu cầu của ngành. Hơn nữa, tiêu chuẩn chất lượng cần phải được thiết lập thông qua một khung trình độ quốc gia và một cơ quan độc lập đảm bảo chất lượng quốc gia phù hợp với ASEAN và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, các trường đại học của Myanmar lại thiếu năng lực để đảm nhiệm những thay đổi này, đặc biệt trong một môi trường không quen thuộc và một cơ chế tự chủ về thể chế khá mới và mơ hồ. Nửa thế kỷ bị cô lập và liên tục thiếu đầu tư đã làm cho các tổ chức giáo dục đại học mất khả năng thích ứng với các tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu, và những thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh tế và xã hội của đất nước. Mặc dù các tổ chức phát triển quốc tế đã cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và thậm chí phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng một nền giáo dục đại học quốc gia thực sự cần phải cân nhắc truyền thống, bối cảnh và nhu cầu của chính mình, mà không đơn giản cấy ghép các mô hình từ nước ngoài.
Ngoài ra, các trường đại học của Myanmar cần tham gia giáo dục công dân để hỗ trợ phát triển xã hội, bằng cách giáo dục các quyền và trách nhiệm cơ bản của công dân Myanmar, ASEAN và toàn cầu. Trong bối cảnh và sự phát triển như vậy, “học tập chủ động”, chủ yếu gồm học tập tương tác và học tập dưới sự hướng dẫn của giảng viên, có thể cung cấp một phương pháp hiệu quả để nuôi dưỡng tinh thần công dân và khả năng tìm việc của sinh viên, và thu hẹp khoảng cách giữa đầu ra của giáo dục đại học, yêu cầu của các ngành kinh tế và nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
Áp dụng các khung ASEAN và quốc tế
Myanmar cần đáp ứng được các yêu cầu đối với thành viên ASEAN, và tận dụng lợi thế của việc tham gia vào tổ chức này. Bên cạnh việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực, thông qua mạng lưới các trường đại học ASEAN và SEAMEO RIHED (Tổ chức các Bộ trưởng giáo dục Đông Nam Á / Trung tâm khu vực giáo dục và phát triển đại học), ASEAN đã thực hiện một số lượng đáng kể các sáng kiến giáo dục đại học nhằm hỗ trợ hệ thống giáo dục đại học của các nước thành viên đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Những chương trình này bao gồm việc thiết lập khung năng lực quốc gia, sẽ được tham chiếu đến Khung năng lực Khu vực ASEAN vào năm 2018; thiết lập Mạng lưới đảm bảo chất lượng ASEAN; và phát triển một hệ thống chuyển đổi tín chỉ ASEAN.
Sau 50 năm bị cô lập, lãng quên và thiếu sự đầu tư cơ sở hạ tầng (ví dụ các tòa nhà, thư viện, và phòng thí nghiệm), chương trình giảng dạy, nghiên cứu và năng lực giảng dạy của giáo dục đại học Myanmar đòi hỏi đổi mới đáng kể về đầu tư và xây dựng năng lực
Những sáng kiến phát triển giáo dục đại học ở cấp khu vực không đứng riêng lẻ, những cam kết giáo dục đại học song phương và đa phương khác cũng hỗ trợ cho phát triển năng lực, cải thiện cơ sở hạ tầng và cung cấp những chỉ dẫn các thông lệ quốc tế tốt nhất. Tuy nhiên, ASEAN cung cấp một khuôn khổ có ý nghĩa và đã được thử nghiệm, phù hợp với chính sách thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, một nền tảng mạnh mẽ cho hợp tác giáo dục đại học trong khu vực, và một định hướng cho việc thành lập không chỉ cộng đồng kinh tế ASEAN, mà cả cộng đồng ASEAN trong tương lai gần.
Giáo dục đại học có thể là chìa khóa hỗ trợ phát triển kinh tế và chuyển dịch dân chủ của quốc gia. Tuy nhiên, khung pháp lý phải được xây dựng và được thực hiện ngay trong quá trình xây dựng. Các tổ chức giáo dục đại học cần được hỗ trợ, đặc biệt trong khuôn khổ quyền tự chủ đã đề xuất, và các trường đại học cần tích cực tham gia vào giáo dục công dân xây dựng đất nước, giảm xung đột nội bộ và hỗ trợ quá trình chuyển dịch dân chủ. Cuối cùng, sự tham gia tích cực của Myanmar trong các sáng kiến giáo dục đại học ASEAN góp phần xây dựng năng lực, nâng cao chất lượng, công nhận lẫn nhau, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục đại học của ASEAN. Minh bạch, hòa nhập và hệ thống quản trị tốt tiếp tục là các yếu tố quan trọng để cải thiện lĩnh vực giáo dục đại học của Myanmar.