Perry L. Glanzer
Perry L. Glanzer là giáo sư chuyên ngành Nền tảng Giáo dục tại Đại học Baylor, đồng thời là học giả cơ hữu của Học viện Nghiên cứu Tôn giáo của Baylor, Hoa kỳ. Email: Perry_Glanzer@baylor.edu.
Suốt 600 năm đầu tiên từ khi hình thành, giáo dục đại học phương Tây hoàn toàn dựa trên nền tảng tôn giáo. Tuy nhiên, trong 200 năm vừa qua, các nhà nước độc lập đã dần dần đẩy giáo dục đại học với nền tảng tôn giáo ra bên lề, vì nhà nước đã trở thành một lực lượng thế tục mạnh nhất có thể tác động đến giáo dục đại học. Hệ quả là, giáo dục đại học dựa trên nền tảng tôn giáo phải đối mặt với những thách thức từ chính phủ, nhưng vẫn tăng trưởng bên lề khi có điều kiện.
Hơn 1100 trường đại học, cao đẳng Kitô giáo trên toàn thế giới ngày nay phải đối mặt với những thách thức cụ thể nào? Trước hết cần xác định rõ đại học/cao đẳng “Kitô giáo” là những trường công nhận và chứa đựng một thực thể Kitô giáo (Công giáo La Mã, Chính thống giáo, Tin Lành); và tinh thần tôn giáo của thực thể này thể hiện trong mục tiêu sứ mệnh của trường, định hình các khía cạnh quản trị, chương trình giảng dạy, đội ngũ nhân viên, tập thể sinh viên, và lối sống trong học xá của trường. Tôi cũng định nghĩa một trường đại học là nơi dạy và cấp bằng đại học cho nhiều môn học khác nữa ngoài thần học hay kỹ thuật, và không phải là một viện đào tạo thần học chuyên biệt của giáo hội.
Những thách thức đương đại
Quốc hữu hoá hệ thống đại học là thánh thức rõ ràng nhất đối với các trường đại học Kitô giáo. Việc cấp bằng đại học và quy định khung chương trình đào tạo ở hầu hết các quốc gia đều do chính phủ quyết định, thông qua bộ chủ quản đại học. Ở các nước độc tài, chính phủ thiết lập một hệ thống giáo dục công lập phi tôn giáo và không công nhận giáo dục đại học tư thục, hoặc kiểm soát rất chặt đại học tư thục, bao gồm cả đại học tôn giáo.
Giáo dục đại học Kitô giáo phát triển nhanh nhất hầu hết ở những quốc gia cho phép giáo dục đại học tư thục tự do phát triển
Ngay cả trong các nền dân chủ, nhà nước độc lập cũng không tạo điều kiện cho giáo dục đại học tôn giáo phát triển. Chẳng hạn, bởi vì hầu hết các nền dân chủ đều không có tôn giáo nền tảng, họ có xu hướng không hỗ trợ tài chính cho các học viện tôn giáo. Theo nghiên cứu của chúng tôi, chỉ 7% các trường đại học Kitô giáo nhận được nguồn tài trợ chính từ chính phủ. Các trường này đều ở châu Âu (Bỉ, Anh, Hà Lan, Ba Lan, và Slovakia) hoặc thuộc khối thịnh vượng chung của Anh (như Úc). 15% các trường Kitô giáo nhận một phần ngân sách từ chính phủ, các trường này cũng tập trung hầu hết ở phương tây và trung Âu (Pháp, Đức, Hungary, Na Uy và Bồ Đào Nha), Ấn Độ – một quốc gia đang phát triển – là ngoại lệ. Nói chung, trường đại học Kitô giáo trên thế giới hầu hết là trường tư và sẽ còn như thế trong tương lai gần.
Nhìn chung, giáo dục đại học Kitô giáo phát triển nhanh nhất ở những quốc gia cho phép giáo dục đại học tư thục tự do phát triển. Chẳng hạn trong số 71 trường đại học/cao đẳng Kitô giáo được thành lập bên ngoài Bắc Mỹ tính từ năm 1995 (gồm 47 trường châu Phi), chỉ có 4 trường được chính phủ tài trợ. Ngay cả ở những nước như Ấn Độ là nơi chính phủ hỗ trợ tài chính cho các trường Kitô giáo, số trường tư vẫn gia tăng trong số các trường mới thành lập. Kết quả là, đại học Kitô giáo phát triển mạnh ở những nước cho phép tư nhân hoá cao, như Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa kỳ, trong khi rất hiếm ở những quốc gia ít trường tư như Úc, New Zealand, và Anh.
Tăng trưởng đáng kể
Bất chấp phải tự trang trải tài chính, đại học Kitô giáo vẫn tiếp tục xuất hiện. Bên ngoài Bắc Mỹ, ít nhất 130 trường đại học Kitô giáo được thành lập mới kể từ năm 1990. Không có gì lạ là phần lớn các trường mới này được thành lập ở những quốc gia có khu vực giáo dục đại học tư nhân phát triển rộng khắp.
Dưới đây là một số thông tin nổi bật:
- Châu Phi là một điểm sáng với 58 trường mới thành lập (16 trường Công giáo La Mã, 42 trường Tin Lành) tính từ năm 1990. Trường lớn nhất trong số này là Đại học Saint Augustine ở Tanzania được thành lập năm 1998, đã có trên 12500 sinh viên.
- Ba mươi trường đại học Kitô giáo được thành lập ở châu Mỹ Latinh kể từ năm 1990, trong số đó có 11 trường Tin Lành. Trường lớn nhất là Đại Học Công Giáo La Mã ở Honduras thành lập 1992, có trên 17 ngàn sinh viên.
- Ở châu Á, có 22 trường được thành lập kể từ 1990 (8 trường Công giáo, 14 trường Tin Lành). Ấn Độ có nhiều nhất, với 12 trường mới. Phần lớn các trường ở Ấn Độ có quy mô nhỏ, trong khi một số trường ở quốc gia khác phát triển nhanh chóng. Chẳng hạn, Đại học Baekseok ở Hàn Quốc thành lập năm 1994 đã có trên 15 ngàn sinh viên.
- Ở châu Âu, thay đổi chính diễn ra tại các quốc gia cộng sản cũ, 14 trong tổng số 17 trường đại học Kitô mới được thành lập ở Đông Âu kể từ 1990 (6 trường Công giáo, 3 Chính thống giáo, 7 Tin Lành, và 1 trường kết hợp Anh giáo và Công giáo). Chỉ có 3 trường mới được thành lập ở các nước Tây Âu. Trường lớn nhất trong 17 trường mới là một trường công lập của Slovakia, Đại học Công Giáo ở Ružomberok, với 7700 sinh viên.
- Châu Đại Dương chỉ có 2 trường mới thành lập, đều là trường đại học Kitô lớn nhất của quốc gia (Úc và Papua New Guinea). Trường Đại Học Công Giáo Úc do nhà nước thành lập được sáp nhập từ bốn trường Kitô giáo hiện hữu, trở thành một trường lớn nhất của khu vực với gần 32 ngàn sinh viên theo học.
Có thể khái quát về sự phát triển mới này như sau: hầu hết các trường mới thành lập là trường Công giáo La Mã (51) và Tin Lành (79) cổ điển, rất ít trường Chính thống giáo (3). Các trường Tin Lành bên ngoài châu Phi thường nhỏ hơn so với các trường Công giáo La mã (ví dụ ở Nam Mỹ, tính trung bình trường Công giáo có 2902 sinh viên, trong khi trường Tin Lành chỉ có 1305 sinh viên). Châu Phi là một ngoại lệ, với số sinh viên trung bình của các trường Công giáo và Tin Lành gần như nhau (2395 và 2382). Những trường lớn nhất hầu hết là đại học công lập, đa ngành và tuyển sinh không phân biệt tôn giáo. Những trường nhỏ hơn thường là tư thục và có tiêu chí tuyển chọn giảng viên hoặc tuyển sinh khắt khe hơn. Nhìn chung, mặc dầu không còn giữ cương vị thống lĩnh như xưa, giáo dục đại học Kitô giáo vẫn phát triển trong điều kiện cho phép. Theo một nghĩa nào đó, giáo dục đại học Kitô giáo phát triển bên lề hệ thống, nhưng cái lề ấy không quá nhỏ và không phải là không đáng kể.