Chưa đủ nhưng cần thiết: nghiên cứu về giáo dục xuyên quốc gia

Jane Knight và Qin Liu

Jane Knight là giáo sư kiêm nhiệm tại Viện Nghiên cứu Giáo dục Ontario, Trường Đại học Toronto, Canada. E-mail: Jane Knight jane.knight@utoronto.ca. Qin Liu là Tiến sĩ, cũng làm việc tại Viện này. E-mail: qinql.liu@mail.utoronto.ca.

Vì sao vấn đề giáo dục xuyên quốc gia (TrasnNational Education – TNE) rất ít được nghiên cứu? TNE được miêu tả ngắn gọn là “sự dịch chuyển của các chương trình và các tổ chức/các nhà cung cấp giáo dục đại học qua biên giới quốc tế”. Đây vẫn là một lĩnh vực cung ứng giáo dục đại học tương đối mới, nhưng đang ngày càng lớn mạnh cả về quy mô, phạm vi và độ phức tạp. Tại nhiều nước, TNE có thể cung cấp 10% nguồn cung ứng giáo dục đại học (HE), và ở những nước khác có thể lên đến 40%. Với quy mô phát triển, thách thức và cơ hội mới đáng kể của TNE, đã đến lúc phải thông tin tốt hơn về những nghiên cứu và phân tích TNE, cũng như khuyến khích các nhà nghiên cứu thế hệ tiếp theo tập trung vào sự dịch chuyển của các chương trình và nhà cung cấp ngoài sự dịch chuyển sinh viên.

Mục đích của bài báo này là khái quát những điểm nổi bật trong một phân tích gần đây được thực hiện với 300 bài báo, chương sách, báo cáo và luận văn về TNE được công bố từ năm 2000. Tài liệu tham khảo chính là Cơ sở dữ liệu toàn diện của Trung tâm thông tin nguồn lực giáo dục (ERIC) và Cơ sở dữ liệu IDP về nghiên cứu giáo dục Quốc tế của Hội đồng Nghiên cứu giáo dục Úc. Nghiên cứu tổng quan một cách hệ thống đã xem xét tất cả tài liệu tham khảo học thuật theo loại hình/hình thức cung ứng TNE, ngày xuất bản, phương pháp nghiên cứu, chủ đề chính, trọng tâm địa lý và nguồn tham khảo. Phần tổng quan tập trung vào những hình thức khác nhau của sự dịch chuyển của chương trình và tổ chức/nhà cung cấp, do đó không đề cập tới sự dịch chuyển của sinh viên. Nghiên cứu này không bao gồm giáo dục từ xa.

Phát hiện đáng chú ý nhất là sự lộn xộn và những nhầm lẫn trong cách giải thích và gọi tên các hình thức khác nhau của TNE. Trong tài liệu và cả trong thực tế có rất nhiều thuật ngữ được sử dụng để diễn tả cùng một hình thức TNE. Ngược lại, một thuật ngữ lại được sử dụng để nói về nhiều loại hình TNE khác nhau. Việc sử dụng thuật ngữ thiếu nhất quán khiến các so sánh về cung ứng và nghiên cứu TNE ngay trong một quốc gia và giữa các quốc gia thêm phần thách thức và thường không thuyết phục. Điều đó cũng có nghĩa là tổng quát hóa các kết quả nghiên cứu là rất khó khăn và phân tích các dữ liệu so sánh TNE quốc tế không đáng tin cậy.

Các hình thức TNE – phân hiệu quốc tế, chương trình hợp tác, đại học liên kết, nhượng quyền

Do sự thiếu nhất quán của thuật ngữ TNE, các tài liệu nghiên cứu đã được xem xét cẩn thận và cuối cùng TNE được phân loại căn cứ vào hình thức dịch chuyển chương trình và nhà cung cấp được tài liệu đề cập đến. Kết quả cho thấy các nghiên cứu về TNE được phân bổ như sau: phân hiệu quốc tế (International Branch Campus – IBC) chiếm 29%; chương trình hợp tác (bao gồm hợp tác giữa nước chủ nhà và nước xuất khẩu, như các chương trình cấp bằng đôi và bằng liên kết/bằng kép) 16%; các đại học liên kết (giữa hai quốc gia, các học viện đồng sáng lập và đồng phát triển) 6%; các chương trình nhượng quyền (chương trình xuất khẩu) 5%; và TNE tổng hợp/đa phương thức là 43%. Rõ ràng, có nhiều nghiên cứu tập trung vào IBC hơn là các hình thức khác. Khi tập trung vào yếu tố địa lý, phần lớn các nghiên cứu IBC thể hiện quan điểm của nước xuất khẩu, it khi đề cập đến quan điểm mang tính đại diện của nước chủ nhà. Khi tỷ lệ TNE trong giáo dục đại học của một nước đang ngày càng tăng, việc có rất ít nghiên cứu về TNE từ quan điểm của nước chủ nhà là điều đáng lo ngại.

Các chủ đề chính

Tài liệu tham khảo được khảo sát theo mười chủ đề nghiên cứu chính mà phân tích này đề cập đến. Kết quả cho thấy khoảng 28% nghiên cứu tập trung vào vấn đề quản lý và phát triển; 15% vào các xu hướng và thách thức; 12% vào đảm bảo chất lượng; 10% đề cập đến các chính sách/quy định; 10% về các vấn đề của sinh viên; và chỉ có 5% cho mỗi chủ đề về quan điểm của giáo viên, kết quả và tác động, phương pháp sư phạm và chương trình giảng dạy, các lý do và các định nghĩa. Một điều đáng mừng là nhiều nghiên cứu tập trung vào các vấn đề quản lý và đảm bảo chất lượng, nhưng những vấn đề như kết quả và tác động, phương pháp sư phạm và chương trình giảng dạy ít được quan tâm là điều đáng lo ngại. Trong khi các chủ đề nghiên cứu đều gắn với hình thức của TNE, thì nghiên cứu về đảm bảo chất lượng lại tập trung vào TNE nói chung, mà không đi sâu vào hình thức TNE cụ thể nào. Điều này làm dấy lên câu hỏi gây tranh cãi là các hình thức TNE khác nhau có những khác biệt gì trong thực tiễn và các vấn đề về đảm bảo chất lượng. Ví dụ, đối với với IBC và hình thức nhượng quyền, chương trình giảng dạy, bằng cấp, và sự đảm bảo chất lượng bên ngoài thuộc trách nhiệm chính của nước xuất khẩu. Còn trong các chương trình hợp tác, cả ba vấn đề này là trách nhiệm chung của cả nước xuất khẩu và nước sở tại.

Mục đích của bài báo này là khái quát những điểm nổi bật trong một phân tích gần đây được thực hiện với 300 bài báo, chương sách, báo cáo và luận văn về TNE được công bố từ năm 2000

Các phương pháp nghiên cứu

Các tài liệu đều có chú thích về phương pháp nghiên cứu được sử dụng (thực nghiệm, mô tả, khái niệm luận, phân tích chính sách). Nhìn chung, phương pháp mô tả được sử dụng trong 52% các tài liệu tham khảo, thực nghiệm là 40%, khái niệm luận là 8% và phân tích chính sách là 1%. Có thể nhận thấy một điều thú vị là các nghiên cứu sử dụng phương pháp khái niệm luận chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Điều này lý giải vì sao có sự thiếu nhất quán trong việc giải thích và sử dụng các thuật ngữ TNE.

Thời gian xuất bản và nguồn của tài liệu tham khảo

Điều đáng mừng là số lượng các tài liệu nghiên cứu về TNE gia tăng đáng kể trong 15 năm qua. Trong tổng số những tài liệu được xem xét, có 7% được xuất bản từ 2000 đến 2005, nhưng con số này tăng lên đến 42% trong giai đoạn từ 2006 đến 2010, và lên 50% từ năm 2011 đến 2015. Phân tích này chủ ý lựa chọn xem xét các tài liệu nghiên cứu mang tính học thuật, do đó các tài liệu “xám” như bài báo/bản tin và blog bị loại bỏ. Nghiên cứu TNE là một lĩnh vực tương đối mới, nên không có gì ngạc nhiên khi có nhiều tài liệu “xám” hơn tài liệu học thuật. Do phân tích này tập trung vào nghiên cứu TNE, nên chú trọng vào các nguồn truyền thống là cần thiết. Phân tích cho thấy khoảng 39% tài liệu là các chương sách, 39% là các bài báo tạp chí chuyên ngành, 15% là báo cáo, thường là từ các nghiên cứu ủy thác, và chỉ có 7% là luận văn.

Một điều đáng thất vọng là có rất ít luận án tiến sĩ về TNE, trong khi các nghiên cứu này vô cùng quan trọng để phân tích TNE trong tương lai. Các luận văn về TNE có sẵn trên ProQuest bắt đầu xuất hiện trong các tài liệu tham khảo từ năm 2005. Phần lớn (61%) trong số 18 luận văn tập trung vào IBC. Điều này rất thú vị, vì hiện nay có khoảng 250 IBC đang hoạt động trên khắp thế giới, trong khi có hàng ngàn chương trình hợp tác TNE. Hơn nữa, sự nổi lên của các trường đại học liên kết (bao gồm cả sự hợp tác của hai trường ở nước sở tại và nước xuất khẩu để thành lập một trường mới) là một hiện tượng tương đối mới và đáng để nghiên cứu sâu hơn, vì chúng hoàn toàn khác với IBC – về bản chất là cơ sở vệ tinh của tổ chức mẹ ở nước ngoài. Tóm lại, nghiên cứu TNE sẽ được lợi từ việc có nhiều nghiên cứu sinh, đặc biệt là ở các nước sở tại, làm nghiên cứu về các hình thức và khía cạnh khác nhau của TNE.

TNE vẫn là một lĩnh vực tương đối mới và chắc chắn ít được nghiên cứu. Có lẽ các ấn phẩm nghiên cứu về vấn đề dịch chuyển sinh viên nhiều gấp ba đến bốn lần so với các nghiên cứu về chủ đề dịch chuyển chương trình và nhà cung cấp. Tuy nhiên, bước quan trọng đầu tiên là phát triển một “Khung Phân loại TNE chung”, với các thuật ngữ và định nghĩa đủ chắc chắn để phân biệt các hình thức chính của TNE, nhưng đủ linh hoạt để có thể sử dụng trong hơn 100 nước sở tại và nước xuất khẩu đang tham gia vào TNE ngày càng nhiều hơn. Đây là một bước cơ bản để cải thiện thu thập dữ liệu và nghiên cứu TNE.