Simon Marginson
Simon Marginson là giáo sư về giáo dục đại học quốc tế thuộc Institute of Education, University College London, và là giám đốc Trung tâm ESRC/HEFCE về Giáo dục Đại học Toàn cầu, Anh quốc. E-mail: s.marginson@ucl.ac.uk.
Theo kết quả thăm dò dân ý ngày 23 tháng 6 năm 2016 với 72% dân chúng tham gia (cao nhất kể từ 1992), những người Anh đã đồng ý rút khỏi Liên minh châu Âu với tỉ lệ 52/48. Mặc dù trong những tuần đầu tiên chưa rõ là từ “Brexit” (viết tắt chữ nước Anh rời khỏi) có nghĩa là gì – ngay cả khi chắc chắn là Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu – thì bức tranh hậu Brexit hiện đang nổi lên như một vấn đề trọng tâm. Tháng 3 năm 2017, tại Hạ viện Anh thủ tướng Theresa May sẽ cho thực thi dự luật phức tạp về việc rời bỏ Liên minh châu Âu.
Với giáo dục đại học – là lĩnh vực mà quan hệ giữa Anh với châu Âu rõ ràng là rất khả quan và cả Anh và các nước châu Âu cùng có lợi – hậu quả mất ổn định đã được dự báo từ trước khi bỏ phiếu.
Ngăn cản dịch chuyển nhân lực
Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã cho thấy rõ là thời kỳ dân chúng đi lại tự do giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã chấm dứt. Hơn thế nũa, chính tư tưởng phản đối di cư tự do đã quyết định kết quả trưng cầu dân ý. Sẽ có các chương trình di cư mới dựa trên một nền tảng chung là tay nghề cao. Hơn thế nữa, Thủ tướng May cũng muốn hạn chế số lượng người di cư vào Anh. Ngài Thủ tướng xem cả hai giải pháp này là quan trọng cho sự tồn tại của chính phủ Đảng Bảo thủ.
Chưa biết điều gì sẽ xảy ra với các công dân châu Âu đang học tại các trường đại học Anh. Hiện nay EU có khoảng 43 ngàn nhân viên và 125 ngàn sinh viên tại Anh. Tuy nhiên quá trình Brexit không thể thực hiện xong trước tháng 3 năm 2019 – là thời gian khi đa số sinh viên hiện nay sẽ hoàn thành xong khóa học của họ. Các nhân viên EU hầu như đều mong muốn giữ quyền cư trú của họ – nhưng điều này đến nay vẫn không chắc chắn khi chưa có một công bố nào được chính phủ đưa ra. Tình trạng của họ có thể phụ thuộc vào việc quyền cư trú đối ứng của các công dân Anh hiện đang ở các nước châu Âu sẽ được thỏa thuận như thế nào.
Quyết định ưu tiên cho việc đóng cửa sự dịch chuyển của dân chúng EU có những hậu quả nghiêm trọng, báo hiệu một “Brexit cứng” (Hard Brexit), trong đó Anh quốc sẽ mất quyền tiếp cận vào thị trường châu Âu. Ngay cả việc tham gia kinh tế chỉ ở một phần châu Âu, như tại Thụy Sĩ và Na Uy – điều này cũng phụ thuộc vào sự hỗ trợ cho người dân tự do dịch chuyển. Một “Brexit cứng” sẽ trực tiếp làm suy yếu ngành tài chính Anh tại London, ngành mà Anh mạnh nhất, và là một trong hai lĩnh vực mà Anh quốc đang giữ vị trí dẫn dắt toàn cầu. Lĩnh vực tiếp theo là giáo dục đại học.
Ngành tài chính đặt trụ sở tại Anh sẽ bị mất những “hộ chiếu” đặc biệt cho phép các ngân hàng nước ngoài và các công ty khác hoạt động tại London tiếp cận thị trường châu Âu mà không cần giấy phép riêng biệt cho từng quốc gia. Ngày 18 tháng Chín, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank dự đoán rằng nhiều dịch vụ tài chính sẽ chuyển địa điểm sang Frankfurt. Ngoài ra, London sẽ mất vai trò là nơi kinh doanh đồng tiền euro thứ cấp. Chính phủ Nhật Bản cũng đã tuyên bố sẽ di dời các ngân hàng của mình nếu như “hộ chiếu ngân hàng” bị mất giá trị. Hitachi, Honda, Nissan và Toyota đang đặt nhà máy lớn ở Anh quốc như là bàn đạp để tiếp cận vào châu Âu – họ cũng có thể di dời đi.
Để giảm việc di dân một cách ồ ạt, chính phủ đang xem xét cắt giảm mạnh số 30% sinh viên quốc tế đang tự trả tiền theo học. Gần 1/5 sinh viên ở Anh là sinh viên quốc tế. Họ được coi là những người di cư tạm thời. Việc cắt giảm này có thể đạt được một phần bằng cách yêu cầu sinh viên EU trả học phí như sinh viên ngoài EU. Hiện nay, sinh viên ngoài EU đóng học phí cao hơn nhiều so với sinh viên từ EU, và họ được tham gia các chương trình tín dụng như các sinh viên Anh quốc. Sẽ khó để giữ nguyên được số lượng sinh viên EU sẽ tiếp tục đến từ Đan Mạch, từ Hà Lan và Đức, nơi họ cũng có những trường đại học tuyệt vời và khi ở Anh họ phải trả thêm 12-20 ngàn bảng Anh mỗi năm.
Với giáo dục đại học – là lĩnh vực mà quan hệ giữa Anh với châu Âu rõ ràng là rất khả quan và cả Anh và các nước châu Âu cùng có lợi – hậu quả mất ổn định đã được dự báo từ trước khi bỏ phiếu
Ngoài ra, việc cắt giảm mạnh sinh viên quốc tế cũng sẽ ảnh hưởng đến các sinh viên quốc tế khác không thuộc EU. Trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng, Theres May – Bộ trưởng Nội vụ phụ trách chính sách nhập cư nói rằng các trường đại học ở Anh nên phát triển mô hình hoạt động mới ít phụ thuộc hơn vào doanh thu từ sinh viên quốc tế. Văn phòng quốc tế sẽ hỗ trợ bất kỳ chương trình cắt giảm số lượng sinh viên nào bằng cách tính phí cao với những sinh viên quốc tế quá hạn, làm giảm mạnh số sinh viên nảy – mặc dù việc quản lý số sinh viên quá hạn là khá phức tạp.
Sinh viên quốc tế hiện đang đóng góp khoảng 17,5 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế Anh. Việc giảm số lượng sinh viên quốc tế và doanh thu từ họ sẽ ảnh hưởng mạnh đến các trường đại học có vị trí thấp trong hệ thống giáo dục đại học và trong các lĩnh vực dịch vụ nội địa, các địa phương và thành phố đang cung cấp dịch vụ giáo dục quốc tế.
Đối với giáo dục quốc tế ở Anh, điểm tích cực duy nhất là trong thời gian dài, chế độ ưu tiên di cư tay nghề cao sẽ khuyến khích các sinh viên tốt nghiệp ở lại bằng cách tự do hóa chế độ thị thực sau đại học đang còn rất hạn chế. Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp phải có một công việc có thu nhập ít nhất là 35 ngàn bảng Anh mỗi năm – mức lương trung bình cho việc có tay nghề Anh quốc – để bảo đảm có được thị thực làm việc.
Thu hẹp hợp tác nghiên cứu
Sẽ không chắc là các trường đại học Anh sẽ vẫn là thành viên của chương trình nghiên cứu trọng điểm của châu Âu, mặc dù có thể Anh sẽ tiếp tục tham gia vào một số lĩnh vực nghiên cứu hạn chế. Hậu quả của việc ngăn cản dịch chuyển nhân sự tự do và đưa Anh quốc ra khỏi nhóm nghiên cứu sẽ làm suy yếu dòng chảy tri thức, và làm suy yếu cả Anh và châu Âu trong lĩnh vực nghiên cứu. Hiện nay, hơn một nửa số các học viên tiến sĩ tại Anh được sinh ra ở nước ngoài.
Một số trường đại học Anh quốc – có thể với sự hỗ trợ của chính phủ – sẽ có những nỗ lực vất vả để xây dựng quan hệ song phương với các trường đại học khác trong khu vực nghiên cứu tại châu Âu. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng mang tính song phương đều tốn kém hơn và không thể triển khai ở quy mô châu Âu. Nghiên cứu ở quy mô châu Âu sẽ phù hợp với các nghiên cứu ở Bắc Mỹ, nhưng nghiên cứu giữa Anh quốc và một nước khác thì không.
Các trường đại học Anh quốc hiện đang nhận 1 tỷ bảng Anh mỗi năm thông qua các chương trình của châu Âu như Horizon 2020 và Viện Đổi mới và Công nghệ châu Âu. Nước Anh chỉ dành 0,44% GDP cho nghiên cứu trong giáo dục đại học, thấp hơn mức đầu tư ở Tây Bắc Âu, và 19,7% chi phí R&D của Anh là có nguồn gốc từ nước ngoài, chủ yếu là thông qua các quỹ tài trợ của châu Âu. Đây là nước có mức phụ thuộc vào nguồn thu quốc tế cao thứ hai của châu Âu, chỉ sau Ireland. Việc suy giảm nguồn lực nghiên cứu có thể ảnh hưởng ngay đến các trường đại học hàng đầu và tầm trung. Nó sẽ kích hoạt việc tăng cường hợp tác giữa Anh với hệ thống nghiên cứu đang tăng nhanh của Trung Quốc và Đông Nam Á.
Một số người trong chính phủ Anh đang lo lắng về những ảnh hưởng của Brexit với khoa học. Giáo dục đại học có thể là triển vọng bù đắp tốt nhất. Khi mà lĩnh vực giáo dục quốc tế từ lâu đã kêu gọi đưa sinh viên ra khỏi các mục tiêu di dân, bây giờ trông không giống như thế nữa. Việc cắt giảm sinh viên quốc tế là rắc rối và tốn kém, nhưng lại là cách dễ nhất để cắt giảm tổng số di cư và chính phủ khó có khả năng bỏ qua các trường đại học khi các trường là một cử tri có tiếng nói mạnh với chính quyền.
“Hard Brexit” khi tích tụ việc cản trở di dân khắp nơi tại châu Âu và các chiến dịch của Trump tại Mỹ, đã báo hiệu một kỷ nguyên chính trị mới, dẫn đến một tương lai u ám khi an ninh quốc gia và bản sắc dân tộc, cùng việc cấm đoán di dân, được đặt quan trọng hơn tính toàn cầu mở, thương mại, kinh tế phồn vinh, xã hội tri thức toàn cầu mà chúng ta đang xây dựng trong nền giáo dục đại học.
Xung đột trong khu vực Trung Đông từ Libya tới Afghanistan, quan hệ Mỹ-Trung Quốc căng thẳng và các điểm nóng tiềm tàng trên biên giới bao quanh Trung Quốc, cũng cho thấy một thế giới trong đó an ninh quốc gia và các mục đích quân sự được xem trọng hơn việc học tập, khám phá và thậm chí là tích lũy vốn. Giáo dục đại học chỉ là một phần của các thiệt hại tổng thể. Chúng ta đã vận hành giáo dục đại học dựa trên các quy luật kinh tế, và giờ thì chúng ta gặp một vấn đề lớn.
Điều này có nghĩa là hơn bao giờ hết, các trường đại học có một vai trò sống còn trong việc hoạt động xuyên biên giới, trong việc chia sẻ không gian của nhau, trong việc xây dựng sự hợp tác và hiểu biết, và trong việc áp dụng trí thông minh của con người vô tư để giải quyết nhiều vấn đề trước mặt. Brexit làm cho nó trở nên khó khăn hơn, nhưng sẽ không chặn được việc các trường đại học ở Anh và châu Âu làm việc cùng nhau.